Pages

Thứ Năm, 8 tháng 3, 2012

Xăng tăng giá & lòng tin của nhà văn Nguyễn Quang Vinh.

Nguyễn Ngọc Già
Gửi dưới dạng phản hồi

“… bọn cướp hành sự luôn đột ngột và bất ngờ, còn… “công an” thì không bao giờ kè kè bên chúng ta, nếu chúng ta không phải là “VIP”. Có lẽ nhà văn Nguyễn Quang Vinh chưa bị “cướp”, dù anh cảm thông và phẫn nộ để lên tiếng cho người bị cướp.”
Giá xăng A92 tăng thêm 2,100đ/lít vào lúc 16giờ chiều 07/3/2012. Nhiều người ngỡ ngàng chút ít khi ghé vào đổ xăng(1). Nghĩa là từ 20,800, xăng đã ở mức 22,900 (tăng 11%).
Trước đó, những biểu hiện xăng chuẩn bị tăng giá bằng hình ảnh nhiều cây xăng ngưng bán với nhiều lý do: cúp điện, hàng chưa về kịp v.v… đã được báo chí phản ánh. Tiếp cho sự lên tiếng của báo chí là phát ngôn của giới cầm quyền ví như: xử lý nghiêm các cây xăng cố tình găm hàng (2) v.v… như một hành động trấn an và làm dịu lòng dân trước thói xấu giới cầm quyền – luôn “bố láo” trong phát ngôn(!). Chẳng có cây xăng nào bị “xử nghiêm”, bởi họ là những nơi luôn biết trước thông tin chính xác việc xăng tăng giá, do vậy họ biết phải bảo vệ lợi ích của mình trước khi bảo vệ lợi ích người tiêu dùng. Không nên trách các chủ cây xăng, nếu chúng ta là họ. Cái đáng trách là sự bất ngờ lẽ ra không đáng có của một số người dân. Dân Việt quả tiếp tục “dễ thương” đến lạ?! Giới cầm quyền thì tiếp diễn màn “láo như con cáo” như từ trước đến nay vẫn vậy!

***
Những tưởng câu chuyện anh Vươn không còn ý tưởng gì để viết trong khi chờ những hành động tiếp theo của giới cầm quyền, thì sáng nay trên trang Tin Tức Hàng Ngày có bài “Vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng: Ai đang làm rối thêm vấn đề?” của tác giả mang bút danh Nguyễn Thị Hoài, trang TTHN dẫn từ “googletienlang.blog”(3). Tên trang blog này có lẽ không khỏi làm nhiều người bật cười với phát ngôn vừa dốt nát vừa ngô nghê của Nguyễn Văn Thành: “gú gồ chấm tiên lãng”!.
Bài viết của tác giả Nguyễn Thị Hoài tập trung đả kích nhà văn Nguyễn Quang Vinh cùng ông cựu Thứ trưởng Bộ TN – MT Đặng Hùng Võ với lời lẽ hằn học, cách đưa đẩy câu chuyện mang chất lẻo lự nhằm lái dư luận theo hướng bảo vệ phát ngôn cho Nguyễn Văn Thành – Bí thư Hải Phòng. Đỉnh điểm của bài viết, đã mắng nhà văn Nguyễn Quang Vinh: “… dùng đủ những từ ngữ xấu xa, mất dạy nhất để gọi những cán bộ công chức từ cấp xã cho đến cấp huyện, cấp thành phố.”
Song song đó, trang Dân Luận dẫn lại bài: “Vụ Tiên Lãng” mang quyền lợi lại cho hàng triệu hộ nông dân (4) theo Blog Nguyễn Quang Vinh. Trong bài viết không dài lắm này, nhà văn Nguyễn Quang Vinh đã dùng điệp từ “chắc chắn” không dưới 5 lần để bày tỏ lòng tin tưởng vào “vụ án Đoàn Văn Vươn” sẽ không chìm xuồng như lời hứa từ Phạm Quý Ngọ – Trung tướng – Thứ trưởng Bộ Công an, trong cuộc trao đổi cùng nhà văn Nguyễn Quang Vinh trước đó.
Không biết có phải là trùng hợp ngẫu nhiên, khi bài viết của Nguyễn Thị Hoài và của nhà văn Nguyễn Quang Vinh xuất hiện cùng trong một ngày? Ngoài nội dung khác hẳn nhau, hai bài viết còn đáng lưu ý một điểm: Nguyễn Quang Vinh luôn xuất hiện với tư cách chính danh, công khai thì Nguyễn Thị Hoài không có điều đó (và cũng chẳng ai biết từ đâu Nguyễn Thị Hoài nhảy phốc ra như Quý Thanh đã từng nhảy ra dạo nào để đả kích TS. Cù Huy Hà Vũ!). Bên cạnh đó, nhiều người sẽ cảm nhận ngay trong cách viết với kiểu thậm xưng “chúng tôi” mà Nguyễn Thị Hoài dùng, thiếu hẳn…”mùi đàn bà”.
Giới an ninh văn hóa hay dùng “hư chiêu”, điển hình là chụp mũ, thóa mạ, vu khống, với những câu chữ khá quen như: “đánh bóng tên tuổi” này nhé, “câu khách” này nhé, “giật gân” này nhé, v.v… một khi người chính danh lên tiếng rõ ràng, đẩy chúng vào góc tường khó chối cãi với những bằng chứng xác thực. Cù Huy Hà Vũ là một ví dụ điển hình.
Xin mượn từ mà nhà văn Nguyễn Quang Vinh dùng – “chắc chắn” để nói rằng: “chắc chắn” anh Vinh vừa (được hay bị?) gặp ai đó trong giới cầm quyền cấp cao về nội dung vụ án anh Vươn trước khi ra bài viết mới nhất đầy chất… “tin tưởng” (!) (*). Hình như, sau khi thuyết phục được bởi cái sự “chắc chắn”, như là một thỏa hiệp, nên Nguyễn Thị Hoài nhận lệnh để ra một bài làm đẹp lòng giới cầm quyền??? “Chắc chắn” như thế?:)
Điều đáng tiếc khi anh Vinh khuyên :”Mình cũng hy vọng từ nay, bất cứ chuyện gì khúc mắc giữa người dân với chính quyền, bà con hãy tìm đến tư vấn pháp luật, tránh việc thượng cẳng chân, hạ cẳng tay, phức tạp lắm.” Tôi có thể xem lời khuyên này như là lời nhắn gửi từ giới cầm quyền thông qua anh không, anh Vinh? Xin nhắc anh, không chỉ gia đình anh Vươn đã tìm đến pháp luật trong mỏi mòn, nếu anh gặp gỡ và làm việc với bà Lê Hiền Đức – một người mà tư cách và việc làm của bà, khó ai có thể bôi nhọ hay bóp méo. Hãy gặp bà Lê Hiền Đức để thấy oan trái ngút trời với hàng chục ngàn đơn thư, trước khi anh chuyển lời khuyên từ phía cầm quyền đến người dân thấp cổ bé họng. Buồn và một chút cay đắng khi lời khuyên của nhà văn Nguyễn Quang Vinh có vẻ như coi dân hơi bị… hồ đồ!!! Dường như bấy lâu nay, anh Vinh không hề biết người dân la lết hàng chục năm với đơn, với thư, với nước mắt, với biểu ngữ, với sự hắt hủi và ghẻ lạnh cùng sự bỏ mặc như những đứa con hoang vô thừa nhận trước cổng “công đường”! Thoáng chút cay mắt…!
Như tôi đã trần tình trong bài trước để nói: “Có thể cuộc đời các anh lăn lộn, từng trải và nhiều nổi trôi, tuy nhiên tư tưởng các anh vẫn còn tin tưởng nhiều vào sự tốt đẹp và có thể thay đổi được của chế độ Cộng sản”(5).
Anh Vinh! Anh tự nguyện đi trên con đường đầy chông và giờ đây hình như anh thoáng chút tư lự ?! Chuyện anh tiếp tục tiến lên hay quay lại là quyền tự do lựa chọn của anh, tôi không dám lạm bàn. Chỉ mong anh với tư cách chính danh – nhà văn kiêm nhà báo nên cân nhắc: lời anh phát ra ảnh hưởng lớn lắm, đặc biệt trong vụ đại gia đình anh Vươn. Lẽ ra, trước khi anh khuyên người dân tin tưởng vào pháp luật, anh hãy yêu cầu giới cầm quyền tôn trọng pháp luật và họ hãy biết xấu hổ với lời hứa trước dân nhưng chẳng bao giờ làm đến nơi đến chốn, anh ạ!
Anh Vinh có biết ông Lê Hồng Hà – nhân vật nổi tiếng từng là Đại tá, Chánh văn phòng Bộ Công an, vừa trả lời phỏng vấn BS. Phạm Hồng Sơn (6) rằng:
Vì vậy Đảng hiện nay chỉ còn vai trò kìm hãm xã hội thôi.
Sau đó, ông Lê Hồng Hà kết luận:
ĐCSVN cần phải họp lại với nhau để thôi hệ tư tưởng Marx-Lenin đi. Tôi không kêu gọi thủ tiêu “anh” nhưng “anh” muốn tồn tại thì phải thực hiện đa đảng, dân chủ, để mà tồn tại. Có lẽ với nhân vật Lê Hồng Hà, lời nói của ông không cần bàn cãi nhiều, phải không anh Vinh?
Có lẽ nhà văn Nguyễn Quang Vinh thích hợp với những kịch bản dàn dựng cho các đoàn kịch và tác phẩm văn học anh ấp ủ, hơn là dấn bước trên con đường điều tra phóng sự, mà sự trả thù bạo tàn như nhà báo Trần Quang Thành từng nhận lãnh cả ca acid, gây chấn động kinh hoàng và khiếp đảm về sự tàn ác phi nhân tính của CSVN! (7).
Dù sao giữa kịch và đời vẫn là một khoảng cách rất lớn, bất chấp kịch hay phim luôn phản ánh đời. Ngày nay, những tên máu lạnh có thể không dám diễn lại “vở kịch kinh dị” đến rợn người năm xưa, nhưng: “tiểu nhân (thì) nan dưỡng” (Khổng Tử nói).
Thật thì tôi rất muốn tin :””Vụ Tiên Lãng” mang quyền lợi lại cho hàng triệu hộ nông dân”. Hơn thế, giá như tôi được phép cá độ và “chắc chắn” thua độ với nhà văn Nguyễn Quang Vinh bằng một chầu thịt chó Tiên Lãng cùng vài xị rượu thì tôi vui lòng biết bao?! Chầu thịt chó cùng vài xị rượu để nhìn thấy “hàng triệu hộ nông dân” hưởng lợi từ sự hy sinh của đại gia đình anh Vươn là cái giá quá bèo!
***
Tất nhiên không ai ủng hộ bạo lực, trừ phi phòng vệ chính đáng đối với bọn cướp, bất chấp chúng là “cướp ngày” hay “cướp đêm”. Bởi lẽ, bọn cướp hành sự luôn đột ngột và bất ngờ, còn… “công an” thì không bao giờ kè kè bên chúng ta, nếu chúng ta không phải là “VIP”. Có lẽ nhà văn Nguyễn Quang Vinh chưa bị “cướp”, dù anh cảm thông và phẫn nộ để lên tiếng cho người bị cướp.
Tôi đồng ý với ông Lê Hồng Hà, đa đảng không có nghĩa là giải tán ĐCSVN, mà phải có nhiều đảng phái khác cùng cạnh tranh với ĐCSVN.
Giới cầm quyền hiện nay nên “họp lại” với nhau (như lời đề nghị của ông Lê Hồng Hà) để xác định rõ tư cách trước khi đòi hỏi dân chúng ứng xử phù hợp.
Nguyễn Ngọc Già
_______________
(*) Không biết tôi có huyễn hoặc để nói bài viết “Lời nhắn anh Vinh & anh Lập cùng ván bài cần lật ngửa qua vụ án Đoàn Văn Vươn” “góp phần” làm “họ” tức tối và ngượng ngùng khi giáp mặt nhau với tư cách “đồng chí dị…hướng”? Nếu quả thật vậy, phải nói (như một vài độc giả nhận xét) – huyệt đã điểm trúng đích. Có lẽ vì vậy mà trên Dân Luận và trên anhbasam, một số người “giẫy tê tê” như đỉa phải vôi khi bài viết này lên khuôn! Và cũng cần phải nói, giới cầm quyền trung ương và địa phương là những “tay mơ” trong “ván cờ domino” họ đánh với nhau cho dân…coi để thấy rõ: UY TÍN của họ mất hết, trong khi THỦ ĐOẠN quá kém, làm sao che mắt dân được!
Nhìn ở góc độ kịch bản, “đại gia đình anh Vươn” bỗng nhiên trở thành một trong các “nhân vật chính” nhưng… không có trong kịch bản ban đầu. Cái hay của “kịch bản” ở đây là khi nhân vật “đại gia đình anh Vươn” không mời mà…xuất hiện, đã làm cho “nút thắt” Vinashin rơi vào tay của những “nhân vật chính” khác. Vì không có trong kịch bản, nên các “nhân vật chính” khác đành phải “diễn cương”, tuy thế họ quả là những “kịch sĩ lành nghề” để biết chớp lấy ngay và “làm trò” với anh Ba – nhân vật thứ chính, trong khi nhân vật chính đang ngồi trong trại giam theo kịch bản lâu nay. Vở kịch ngày càng hấp dẫn, hãy hướng về “nút thắt” Vinashin kết hợp với “nhân vật chính” không có trong kịch bản – đại gia đình anh Vươn.
Càng khẳng định thêm, giới cầm quyền chỉ loay hoay với những màn đấu đá, tiểu xảo, phơi trần bản chất tham tàn, gian trá, đặc biệt sự chia rẽ trầm trọng không gì hàn gắn nổi!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét