Pages

Thứ Hai, 30 tháng 4, 2012

37 năm nhìn lại - phần 2



AFP photo
Xe tăng Lực lượng Giải phóng Quốc gia (FLN)
 trên đường phố Saigon sau ngày 30/4/1975.

Hiền Vy, thông tín viên RFA 

Mời quí vị xem tiếp câu chuyện của những người thiếu phụ Việt Nam lặn lội đi thăm chồng sau khi đất nước đã thống nhất.

Thực trạng "học tập cải tạo"

Trong những chuyến đi thăm nuôi người nhà, các chị cũng chứng kiến những cảnh thật đau lòng, chị Ngọc Diệp kể chuyện người cha già gánh nặng đi thăm nuôi con, mới hay tin là con đã chết:

"Có một lần đi, tôi gặp một ông già gánh hai gánh quà. Ổng nói là ổng là ổng đi thăm con ổng mấy lần mà họ không cho thăm. Sau cùng thì họ phát cho ông ấy cái khăn tang và nói là con ổng chết mấy tháng nay rồi. Ổng khóc quá trời rồi lăn ra chết giấc."
Còn chị Kim Duyên thì chứng kiến cảnh người tù không có thân nhân đã khẩn cầu xin chị những thứ mà có thể chồng chị không cần đến:
"Tù chung đó, mà không có thân nhân tội lắm. Thấy mình đi thăm thì hỏi là có dư gì thì để gốc cây cho họ, mà cán bộ đứng đầy đó nên mình không dám. Sợ cán bộ đến hỏi thì phiền."
Với số tuổi chỉ ngoài đôi mươi và một vóc dáng xinh đẹp mà chưa có gì thật sự ràng buộc ngoài một cái lễ hỏi, chị Kim Kiều không những chỉ thăm nuôi vị hôn phu mà còn thăm nuôi cả người em trai của người chồng chưa cưới. Khi được hỏi động cơ nào đã khiến chị đối xử với những người "ngã ngựa" như vậy, chị cho biết:
"Em ảnh thì có vợ rồi nhưng ở Qui Nhơn thành ra ông bà cụ nhờ tôi thăm người em của anh ấy luôn. Tại mình rất ghét cộng sản mà thương quốc gia. Mình không thể nào mà hòa hợp với cộng sản được. Hồi mới đi dạy tôi phải dạy xa thì khi lên xe Bus để đi dạy, thấy cộng sản ngồi thì tôi không nghĩ tới. Tôi tưởng như đang mơ vậy đó, Trên xe Bus có mấy ông lính của mình, hát những bản nhạc ngày xưa, hát để xin tiền đó. Trời ơi, mình muốn khóc luôn. Thành ra như vậy mình không thể nào..."
Sau thời gian dài bị tù đày, những người lính năm xưa được trở về với gia đình, chị Kim Kiều chia sẻ kỷ niệm khi đón người yêu:
"Không có gì mừng bằng! Ổng về một cái, là đầu tiên dẫn ổng đi ăn phở. Phở Quyền dưới ngã tư Phú Nhuận đó. Sau khi mà đổi tiền đó thì 500 ngày xưa chỉ được 1 đồng sau này. Tô phở tính 9 đồng, là ổng nhân lên liền. Ổng nói trời ơi sao mà mắc quá vậy. Ổng nói chỉ ăn một lần thôi nha, không ăn nữa nha. Mắc quá đi! Lúc đó tại mình là con út trong nhà thành ra cũng không bận bịu gì với gia đình nhiều nên ảnh mới về thì khao ảnh đó mà."
Có một lần tôi gặp một ông già gánh quà đi thăm con mấy lần mà họ không cho thăm. Sau cùng thì họ phát cho cái khăn tang và nói là con ổng chết mấy tháng nay rồi. Ổng khóc quá trời rồi lăn ra chết giấc.
Chị Ngọc Diệp
Rồi vài tháng sau, chị Kim Kiều cùng người yêu nên duyên vợ chồng. Sau nhiều lần vượt biển thất bại, cuối cùng anh chị cũng đến được bến bờ Tự Do. Trong thời gian anh chị chờ thanh lọc để đi định cư ở quốc gia thứ ba thì những người tù cải tạo khác đã cùng gia đình lần lượt đến Hoa Kỳ qua chương trình HO, trong đó có gia đình chị Ngọc Diệp và chị Kim Duyên. Chị Kim Kiều tâm sự:
"Đầu năm 89 là tụi tôi đem con đi vượt biển nữa, lúc đó cháu được 5 tuổi. Khi tôi đi thì mấy bà chị của tôi không cho đi, bảo là nộp đơn HO để đi, thì tôi nói là không thể tin được việt cộng, nên nộp đơn thì tôi cứ nộp nhưng mà đi vượt biên thì cũng cứ đi. Sống chết ngoài biển thì giao cho Trời vậy thôi. Tại thằng nhỏ nó còn nhỏ quá nên các chị của tôi cản. Chúng tôi ở trại tị nạn gần 4 năm rưỡi. Tới trại tị nạn là năm 89 mà cuối năm 93 mới qua Mỹ."

Nỗi đau không phai


scan0031-250.jpg
Vợ chồng chị Kim Duyên trong ngày đầu đến Mỹ. Ảnh do chị Duyên gửi RFA.
Niềm vui được sống trong một xứ sở Tự Do vẫn không làm các chị quên được quê nhà. Hồi tưởng lại những năm xưa, chị Kim Duyên cho biết:

"Bây giờ nghĩ lại thời gian đó thật là khủng khiếp. Trời ơi! những người cộng sản đối đãi với dân mình không được tốt đẹp. Họ đối xử chênh lệch, nào là con ngụy, nào là con này kia, Không được học những ngành chuyên môn. Họ tìm đủ mọi cách để không cho người dân của chế độ cũ được làm gì hết. Thành ra bây giờ tôi nghĩ đến cái chế độ của họ tôi thấy khủng khiếp quá! Khủng khiếp trong sợ hãi."
Chị Ngọc Diệp hiện vẫn còn mẹ già tại Việt Nam, chị đang phân vân không biết có về tham dự lễ thượng thọ 90 của Mẹ chị hay không:
"Mẹ tôi 90 tuổi rồi đó, Mẹ kêu tôi về làm lễ 90 tuổi cho Bà nhưng không biết tôi có về được không. Tháng mười hay tháng mười một sẽ làm sinh nhật 90 cho Bà"
Trong khi đó, chị Kim Kiều thì xem những tháng ngày khó khăn mà chị đã trải qua, như là những kinh nghiệm sống quí báu cho bản thân nhưng vẫn nhất quyết không về thăm nhà, khi quê hương chưa có được tự do:
"Đúng thì thật ra mình ở nó khổ thiệt nhưng có sống như vậy mình mới biết được dân của mình. Mình sống qua với việt cộng, rồi mình sống ở trại tị nạn thì mình biết được những thứ đó. Đó là những bài học rất là quí báu. Có những người may mắn thì họ không trải qua những cái đó, thì đúng là họ may mắn, nhưng họ không biết được những cái đó.
Còn lớp trẻ thì không hiểu được đâu. Không rút được kinh nghiệm đau thương sống với việt cộng. Tôi qua đây hai mươi năm rồi, tôi không về.Khi nào không còn việt cộng tôi mới về.
Chị Kim Kiều
Còn lớp trẻ thì không hiểu được đâu. Không rút được kinh nghiệm đau thương sống với việt cộng. Không thể nào hiểu được cái đau thương đó. Tôi qua đây hai mươi năm rồi, tôi không về. Khi nào không còn việt cộng tôi mới về, còn Việt cộng là tôi không về."
37 năm đã trôi qua, những thiếu phụ trẻ ngày nào giờ đây đang bước vào tuổi hạc. Tuổi thanh xuân của họ đã trôi qua trong thời chiến với nỗi âu lo cho người yêu ngoài mặt trận. Và khi đất nước thống nhất, hòa bình thì họ lại phải âm thầm tần tảo nuôi con thơ và thăm nuôi chồng trong các trại tù cải tạo, rồi lại lo tìm đường vượt biển để mong đến bến bờ tự do. Họ là những bà mẹ Việt Nam tiêu biểu, âm thầm chịu đựng và luôn quên mình để kiên cường gây dựng cho các thế hệ mai sau.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét