Pages

Thứ Bảy, 28 tháng 4, 2012

37 năm!

30 tháng 4, 2012Hòa bình và đất nước thống nhất đã đến. Cách đây 37 năm, miền Bắc với sự ủng hộ và giúp đỡ tuyệt đối của các nước Cộng Sản như Liên Xô và Trung Quốc đã thành công lật đổ chính quyền miền Nam được giúp đỡ bời Hoa Kỳ. Lịch sử nhìn thấy là người Việt giết nhau đẫm máu, tàn nhẫn, họ kết thúc một cuộc chiến tranh khốc liệt này để đổi lấy một cái gì?

Đứng nhìn bên giòng sông Ural River, chỉ cần bước thêm một bước về tay phải là mình đi vào mảnh đât của lục địa Châu Á và chỉ cần đi qua con sông Ural phía tay trái khoảng 100 mét là đi vào cực đông của Châu Âu. Mình không ngờ là đang đứng ở ngay giữa biên giới Âu Châu - Á Châu. Kazakhstan là một nơi mà mình không nghĩ là 37 năm sau là nơi mà mình sẽ suy nghĩ về cuộc chiến tranh Việt Nam. Ở trong trại làm việc của người Ý, mình có lẽ là người Mỹ gốc Việt duy nhất ở đây trong thời gian này. Dự án khai thác dầu và dầu khí cho nước Kazakhstan này khởi công cách đây hơn 6 năm, giờ này mới gần như bắt đầu khai thác. Có lẽ các nước Cộng Sản thời kỳ hậu Cộng Sản Xô Viết đều học cùng một bài học như nhau là quan liêu, tham nhũng, thích lệ thuộc và có lẽ hơi chậm tiêu (suy nghĩ chủ quan của người viết).

Cách đây 37 năm, người Kazakhstan giống người Việt Cộng Sản ở miền Bắc là họ đều có cùng một chủ nhân, đó là những người trong điện Kremlin. Họ cũng tương tự như Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam là Trung Quốc là một nước láng giềng. Nguời dân Kazakhstan tựu trung nhìn giống người Triều Tiên, Nam Hàn nhưng sau đó tôi kết bạn với họ thì biết là họ lai chủng tộc cộng thêm với gần cả hơn 70 năm là lãnh thổ bị sáp nhập bởi Liên Xô nên người Kazakhstan trông giống người Nga, Mông Cổ, Trung Quốc, và người bản địa. Khác với Việt Nam là họ bừng tỉnh cơn ác mộng ngày 16 tháng 12 năm 1991, Kazakhstan là nước cuối cùng trong Liêng Bang Xô Viết từ bỏ chế độ Cộng Sản và trở thành một nước độc lập có tự chủ và kết bạn với các quốc gia trên thế giới và Trung Quốc không xâm chiếm một biển đảo nào của họ. Trong khi đó thì Việt Nam, với nhiều chính sách sai lầm đã đưa Việt Nam vào các khủng hoảng trầm trọng về kinh tế và xã hội trong gần 10 năm sau chiến tranh. Đại hội Đảng lần VI năm 1986 chấp thuận chính sách Đổi mới theo đó cải tổ bộ máy nhà nước, và chuyển đổi nền kinh tế theo hướng kinh tế thị trường định hướng chủ nghĩa xã hội. Các người cầm quyền Việt Nam sau 1975 không có tư duy, bản chất lãnh đạo, thiếu tầm nhìn xa, từ ngoại giao cho đến kinh tế đều phải mầy mò và bị ảnh hưởng từ bên ngoài. Kinh tế thị trường định hướng chủ nghĩa xã hội của Việt Nam chỉ là một tạm bợ chẳng khác nào như Chủ Nghĩa Cộng Sản chỉ là bình phong để họ tiếp tục duy trì chính sách độc tài cai trị, tham nhũng còn tệ hại hơn là một Nguyễn văn Thiệu hay Ngô Đình Diệm của chế độ miền Nam trước năm 1975.
Sau 1975, thay vì dùng chính sách hòa giải dân tộc và thúc đẩy chính sách dân chủ của thế giới cùng với lãnh đạo nếu có cặp mắt nhìn xa, lựa chọn dứt khoát một đường đi cho quốc gia, dân tộc để có lợi cho sự phát triển lâu dài của đất nước. Đảng Cộng Sản Việt Nam với lòng tự mãn, lựa chọn con đường tiếp tục chiến tranh. Cuộc chiến tại Campuchia năm 1978 kéo dài cho tới năm 1989 mới rút khỏi lãnh thổ này. Mặc dù chiến thắng tại đây nhưng Việt Nam đã bị lực lượng tàn quân Pol Pot quấy phá gây thiệt hại khá lớn. Thái độ của nhà cầm quyền Hà Nội đã bị Hoa Kỳ và các quốc gia Tây Phương dùng sự cấm vận và bao vây về Kinh Tế để trừng phạt. Mặc khác người anh em, láng giềng thân thiết nhất của Đảng Công Sản Việt Nam là Trung Quốc đã gây chiến với một cuộc chiến tranh mới. Cuộc chiến tranh biên giới Việt - Trung năm 1979 là một cuộc chiến ngắn nhưng khốc liệt giữa Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, nổ ra vào ngày 17 tháng 2 năm 1979 khi Trung Quốc xua quân tấn công Việt Nam trên toàn tuyến biên giới trên bộ giữa hai nước. Chiến tranh biên giới Việt - Trung xuất phát từ quan hệ căng thẳng kéo dài giữa hai quốc gia và ý đồ "dạy cho Việt Nam một bài học" của Đặng Tiểu Bình, kéo dài trong chừng một tháng với thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho cả hai phía. Cuộc chiến kết thúc khi Trung Quốc hoàn thành rút quân vào ngày 18 tháng 3 năm 1979, sau khi chiếm được các thị xã Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng, và một số thị trấn vùng biên. Mục tiêu của Trung Quốc buộc Việt Nam rút quân khỏi Campuchia không thành, nhưng cuộc chiến để lại hậu quả lâu dài đối với nền kinh tế Việt Nam và quan hệ căng thẳng giữa hai nước. Xung đột vũ trang tại biên giới còn tiếp diễn thêm 10 năm. Chưa kể là Đảng CSVN đã làm mất đi một lãnh thổ của Việt Nam là Trường Sa năm 1988 khi Trung Quốc đư quân chiếm đóng bãi đá Colin, Len Đao và Gạc Ma.
Không những xương máu của con dân vẫn tiếp tục đổ ra sau cuộc chiến tranh Việt Nam tưởng rằng đã kết thúc năm 1975. Tưởng rằng những con dân Việt Nam sẽ tiếp tục đoàn kết như đảng Cộng Sản Việt Nam mong muốn, nhưng không: Một chính sách sai lầm to lớn của những người cầm quyền Hà Nội tưởng rằng cuộc chiến tranh Việt Nam đã xong năm 1975 nay trở thành xa vời. Ngay sau khi chiến thắng miền Nam, lãnh đạo Hà Nội phát động cuộc cải tạo công thương nghiệp, chính sách hợp tác hóa nông nghiệp, thực hiện đổi tiền, việc đưa hàng trăm ngàn quân nhân, nhân viên chế độ cũ đi "học tập cải tạo" dài hạn, sự phân biệt đối xử đối với những người này cùng thân nhân họ, cộng với những khó khăn về kinh tế của xã hội đã làm cho rất nhiều người vượt biên bằng thuyền. Trước 75, Việt Nam đã chia rẽ bởi sông Bến Hải, vĩ tuyến 17 thì ngày nay Việt Nam đã chia rẽ bởi bờ biển Thái Bình Dương. Hiện nay khoảng 3 triệu người Việt sống rải rác tại nhiều quốc gia trên thế giới, chấp nhận sống tha hương còn hơn chung sống với người Cộng Sản. Nhiều trăm ngàn người Việt mà theo Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về Tị Nạn đã thống kê cho biết là đã bị chết trên đường vượt biên. Cùng là anh em, cùng là đồng bào, nói cùng một tiếng nói, thương nhau và tưởng rằng sống chết sẽ chung với nhau nhưng chỉ vì một đảng Cộng Sản, với một chục người trong Bộ Chính Trị ngồi tại Bắc Bộ Phủ Hà Nội đã làm chia lìa nguời dân Việt một lần nữa.
Hòa bình và đất nước thống nhất đã có từ năm 75 nhưng với cái giá nào? Đất nước thì thống nhất thật nhưng người đi không bao giờ trở về. Những chuyến vượt biển đầy gian nguy làm xúc động lương tâm của nhiều người trên thế giới, một số tổ chức thiện nguyện đã ra tay phát động phong trào cứu trợ thuyền nhân. Từ cuối thập niên 1970 ở Pháp đã xuất hiện Un bateau pour le Vietnam ("Ủy ban một con tàu cho Việt Nam") vận động việc cứu giúp như "Hội Y sĩ không biên giới". Đức có Ein Schiff für Vietnam quyên góp để rồi cùng phối hợp với Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc, lần lượt cho ra khơi trên Biển Đông ba con tàu mang tên "Cap Anamur". Ở Hoa Kỳ thì chính cộng đồng người Việt tỵ nạn cũng đứng ra thành lập "Ủy ban Báo nguy giúp Người vượt biển", kết quả là con tàu Jean Charcot được điều hành đi vớt thuyền nhân. Hội Y sĩ Thế giới (Medicins du Monde) thì điều động con tàu Akuna II ra khơi với nhiệm vụ cứu trợ. Thế giới thì xúc động nhưng tại Việt Nam, đảng Cộng Sản Việt Nam lên án, khinh bi những Việt khốn nạn này.
37 năm sau cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc. Thay vỉ phải ban ra Nghị Quyết 36 của Bộ Chính Trị về công tác đối với "Người Việt Nam Ở Nước Ngoài" để ru mê những người Việt tha hương này. Thay vì dùng những mỹ từ như: "Xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật nhằm đáp ứng những quyền lợi thiết thân của người Việt Nam ở nước ngoài, thực hiện chính sách hòa hợp, đoàn kết dân tộc. (sic)" Người Cộng Sản Việt Nam có lẽ nên thành thực hơn bởi vì từ trong và ngoài nước ai cũng biết rằng Việt kiều ở nước ngoài là một nguồn vốn về kinh tế và nhân lực cho Việt Nam và có sức tiêu thụ cao. Năm 2004, tổng trị giá sản phẩm của khoảng 3,5 triệu Việt Kiều ở nước ngoài được định giá khoảng 70 tỷ đô-la, tương đương với GDP của 83 triệu người Việt Nam trong nước lúc đó. Kiều hối cũng là một nguồn doanh thu quan trọng cho Việt Nam. Năm 2009, số tiền người Việt hải ngoại gửi về nước cho thân nhân thông qua những kênh chính thức là 6,2 tỷ đô la, năm 2010 là 8,1 đô-la (khoảng 8% GDP cả nước, 101 tỷ đô la lúc đó). Những mỹ từ như "Xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử do quá khứ hay thành phần giai cấp; xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai. Mọi người Việt Nam, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội, lý do ra nước ngoài, mong muốn góp phần thực hiện mục tiêu trên đều được tập hợp trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc." Có lẽ những văn hoa mỹ từ này nên để cho người Cộng Sản Việt Nam đọc hơn là cho người Việt hải ngoại. Việt kiều không đọc vì họ không tin vào sự thành thật của Đảng Cộng Sản, họ không đọc vì họ đã mất gốc rồi, nhiều người đã nói là họ không bao giờ trở lại quê hương cho đến khi không còn đảng Cộng Sản Việt Nam, họ không đọc vì họ thường xuyên biết rằng người Cộng Sản Việt Nam còn đối xử tệ hại đối với chính anh chị em ruột thịt của họ tại quê hương như biến cố gần đây nhất là vụ đàn áp cướp đất tại Văn Giảng, tấn công ông Đoàn Văn Vươn và cướp đất tại Hải Phòng thì nay bảo Việt Kiều nên nghe người Cộng Sản thì quả thực là người viết Nghị Quyết 36 này quá u mê ư?
Trong những năm trước đây khi còn thường xuyên viết bài cho X-Cafe và Dân Luận, người viết lúc đó nhìn thấy có sự thay đổi nào đó trong tư duy của người Cộng Sản Việt Nam, hy vọng chính sách "đổi mới" sẽ là câu trả lời của khối Xã Hội Chủ Nghĩa (Liên bang Xô Viết và các nước Đông Âu) sụp đổ kéo theo sự khủng hoảng toàn diện về lý thuyết và thực hành của các đảng Cộng Sản còn lại tại các nước Xã Hội Chủ Nghĩa, đặc biệt là Việt Nam đã gắn bó với Liên xô cũ. Nhưng ngày nay, càng ngày càng thấy rõ đảng CSVN chủ trương "đổi mới" từ nền kinh tế Xã Hội Chủ Nghĩa sang kinh tế thị trường theo định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa. Đây chẳng phải là một "sáng tạo" nào mới của đảng Cộng Sản Việt Nam trong tình hình thế giới biến đổi, mà vì sự sống còn của đảng này dưới trào lưu tiến bộ của nhân loại.
Nhìn qua con sông Ural River, cánh đồng cỏ bắt đầu có tí hoa và lá, so sánh với cách đây chưa đầy một tháng tuyết phủ trắng xóa tới tận chân trời lạnh lẽo với gió rên siết lạnh. Đất nước Kazakhstan tuy là yếu kém hơn những nước khác trên thế giới, lãnh đạo Kazakhstan tuy vẫn độc tài không thua gì các quốc gia hậu Cộng Sản Xô Viết trên thế giới nhưng lãnh tụ của Kazakhstan không đủ can đảm để tàn nhẫn với người dân Kazakhstan như đảng Cộng Sản Việt Nam. Họ không đủ nhẫn tâm để theo đuổi cuộc chiến tranh triền miên như Việt Nam, họ không đủ sức đẩy cả triệu người Việt ra biển khơi. Chủ nghĩa Cộng Sản thời Xô Viết chỉ đẻ ra đuợc những Bolshevik cộng với kẻ tàn nhẫn như Stalin giết cả triệu người dân Liên Xô lên án họ là phản cách mạng, một Mao Trạch Đông với bàn tay đẫm máu của cả triệu người dân Trung Quốc trong cách mạng văn hóa hay một Trường Chinh với cả ngàn người Việt chết trong cuộc cải cách ruộng đất. Với một chủ nghiã ngoại lai, với một tham vọng và tư lợi cá nhân, thiếu cặp mắt lãnh đạo, với những viến tượng kinh tế u ám hôm nay và ngày mai, với chính sách đàn áp nhân dân trong những năm tháng gần đây, đảng Cộng Sản Việt Nam có còn xứng đáng là đại diện của những nông dân không còn đất hay lo lắng cho những công nhân trong các nhà máy mà đảng Cộng Sản Việt Nam là đại diện cho những chủ nhân mới, một loại "Neo" giai cấp mới, một loại "Neo" Tư Bản mới biêt bóc lột và đàn áp, kiểm soát người dân. 37 năm chia biệt, người Việt tha hương nhìn về Việt Nam và nghĩ rằng những kẻ tha hương thực sự có lẽ là 80 triệu người Việt sống tại Việt Nam, tuy sống chung với đồng loại nhưng không ai dám "thật" với nhau cả. 30 tháng 4 không có một nghĩa lí gì cho đến khi nào người dân Việt sẽ có một chính phủ thực sự cho họ, lo lắng cho phúc lợi cho người dân... và chắc chắn là người Việt trong nước sẽ phải tự tìm lấy cái đáp số này chứ không phải là những kẻ Việt Kiều tha hương.
Một ngày 30 tháng 4, 2012 ... cầu mong những người Việt còn sống tại khắp nơi mọi miền trên thế giới tìm được câu trả lời cho bao nhiêu triệu người Việt đã chết từ miền Nam cho đến miền Bắc và ... cho những người đã chết trên Biển Đông chỉ vì ngày "30 tháng 4 năm 1975".
Martian Mobile
Việt Nam (Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét