Pages

Thứ Tư, 25 tháng 4, 2012

Ai bảo vệ người chống tham nhũng?

Ngọc Hà

Gặp ông Dương Đình Dần, trú xóm 6 xã Diễn Đồng (Diễn Châu), chúng tôi thực sự cảm phục và có phần ái ngại trước hoàn cảnh của một cựu chiến binh tích cực chống tham nhũng nhưng rồi phải gánh chịu rất nhiều thiệt thòi.
“Đấu tranh – tránh đâu”
Ông Dương Đình Dần sinh năm 1949, nguyên quán xóm 6, xã Diễn Đồng. Nhập ngũ từ năm 1968, chiến tranh kết thúc (1975), ông chuyển ngành sang dân sự, làm giáo viên trường đảng huyện Kỳ Sơn và cán bộ UBND huyện Kỳ Sơn. Với bản chất cương trực của người lính cụ Hồ, ông Dương Đình Dần đã lên tiếng phản đối những hành vi tiêu cực trong đội ngũ cán bộ huyện. Năm 1993, ông đã có công khám phá vụ chặt rừng gỗ quý (pơmu) đầu nguồn nghiêm trọng ở Kỳ Sơn. Để khai thác gỗ pơmu, chính quyền đã mở một con đường 27 km từ thị trấn Mường Xén vào rừng. Nhận thấy đây là vụ việc vô cùng nghiêm trọng, ông Dần đã viết đơn tố cáo lên Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt và nhiều lần ra cơ quan tiếp dân của Văn phòng Chính phủ để gửi đơn, trình bày. Thủ tướng cử một đoàn thanh tra đặc biệt đến Kỳ Sơn. Vụ việc vỡ lở, lãnh đạo tỉnh Nghệ An và huyện Kỳ Sơn cùng các đơn vị liên quan bị Thủ tướng phê bình, kỷ luật.

Thế nhưng, “đấu tranh – tránh đâu”, công lao chống tiêu cực của ông Dương Đình Dần không những không được ghi nhận, mà bản thân ông còn bị trù dập, bị khai trừ khỏi Đảng (tháng 5/1994) và bị buộc thôi việc (tháng 6/1994) vì lý do “chia rẽ, gây mất đoàn kết nội bộ”.
Khiếu nại mãi không được giải quyết, ông Dần đành trở về quê với 2 bàn tay trắng, sau 26 năm công tác. Gia đình, vợ con cũng oán thán ông, bỏ về quê. Ông Dần ở một mình trong ngôi nhà tuềnh toàng ven đường, sống chật vật bằng nghề chụp ảnh, kẻ vẽ. ở Diễn Châu lúc đó rộ lên phong trào “chạy” chế độ người có công. Với khí chất cương trực, ông Dần tiếp tục “tuyên chiến” với tệ nạn này. Ông quan niệm: “Nếu trên quê hương tôi còn một cán bộ cách mạng tiền khởi nghĩa giả, thương binh giả, liệt sĩ giả, chất độc hóa học giả thì bút tôi không bao giờ cạn mực”. Từ năm 2002 đến 2008, ông đã 35 lần viết đơn, nhiều lần trực tiếp đến trụ sở tiếp công dân của Trung ương, tỉnh và huyện phản ánh, tố cáo hàng trăm trường hợp làm giả hồ sơ người có công trên địa bàn xã Diễn Đồng và Diễn Thái. Tin tưởng ông, nhiều cựu chiến binh và người dân đã cung cấp cho ông bằng chứng chống tiêu cực trong thực hiện chính sách người có công.
Từ tố cáo của ông Dần, thanh tra các ngành, các cấp đã vào cuộc và phát hiện ra nhiều sự việc hết sức nghiêm trọng. Tại Công văn số 118/LĐ -TBXH -TT ngày 20/10/2008, Sở LĐTBXH Nghệ An đã cảm ơn ông Dương Đình Dần vì đã góp phần phát hiện một trường hợp liệt sỹ Truông Bồn giả (được công nhận năm 2004). Đó là trường hợp bà Nguyễn Thị Ty, quê ở Diễn Thái, là thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ chuyển về Bưu điện Nghệ An, chết tại bệnh viện vì ốm. Chồng cũ của đối tượng đã đứng ra lập hồ sơ giả liệt sỹ Truông Bồn và đã được công nhận, trên bia tại khu di tích khắc tên nhầm thành Hoàng Thị Tiu. Thậm chí các ban ngành đã có hồ sơ đề nghị truy tặng anh hùng cho đối tượng. Tại buổi tiếp công dân năm 2006, khi ông Dần phản ánh sự việc còn bị ông Ngô Đình Nhậm, Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu quy kết là “vu khống”. Sau đó, ông Dần phải ra Hà Nội tố cáo, Thanh tra Sở LĐTBXH Nghệ An mới vào cuộc, hủy bỏ quyết định công nhận liệt sỹ của đối tượng, thu hồi bằng Tổ quốc ghi công, thu hồi các khoản trợ cấp và yêu cầu xóa tên Hoàng Thị Tiu trên tấm bia tại khu di tích Truông Bồn.
Tại công văn số 09 – TB/BTCTU ngày 16/9/2004, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An đã thông báo kết luận giải quyết tố cáo của ông Dương Đình Dần về việc gian lận trong thực hiện chế độ ưu đãi với lão thành cách mạng và cán bộ tiền khởi nghĩa. Ban tổ chức Tỉnh ủy đã yêu cầu thu hồi giấy xác nhận cán bộ tiền khởi nghĩa đối với ông Hồ Sĩ Tốn; thu hồi chế độ ưu đãi cán bộ hoạt động tiền khởi nghĩa của các ông: Đinh Viết Thợu, Tăng Gia Tặng, Lê Văn Bảy, Hồ Sĩ Tốn nộp vào ngân sách và yêu cầu kiểm điểm những cá nhân sai phạm.
Cần quan tâm, hỗ trợ và thay đổi nhận thức về người chống tham nhũng
Tuy nhiên, theo ông Dương Đình Dần, đó chỉ là phẩn nổi của tảng băng, số sự việc mà ông và đồng đội tố cáo rất nhiều nhưng được quan tâm giải quyết chẳng được bao nhiêu. Tại xã Diễn Đồng, ông Dần tố cáo 30 trường hợp thương binh, chất độc da cam giả nhưng không được cơ quan chức năng điều tra, trả lời một trường hợp nào. Ông Tăng Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND xã Diễn Đồng thừa nhận tình trạng làm giả hồ sơ để hưởng chế độ thương binh, chất độc da cam là có thật và rất phổ biến. “Chúng tôi là người địa phương, cũng biết rõ đó là trường hợp giả mạo, nhưng vì hồ sơ, trình tự đầy đủ, họp dân không ai có ý kiến, thế là buộc chúng tôi phải ký, phải trình lên. Còn giấy tờ, bệnh án, con dấu, chữ ký… giả hay thật thì phải có kết luận điều tra của cơ quan chức năng”, ông Hùng than thở.
Tại xã Diễn Thái, từ năm 2005, ông Dần và đồng đội gửi đơn tố cáo hàng trăm trường hợp thương binh, chất độc da cam giả, đặc biệt là có 5 trường hợp liệt sỹ giả nhưng hầu hết không được hồi âm, chỉ duy nhất trường hợp Liệt sỹ Truông Bồn giả bị phanh phui đã nói ở trên. ở Diễn Thái, trước đây chỉ có khoảng 40 thương binh, nhưng sau số lượng thương binh, người bị nhiễm chất độc da cam lên tới hàng trăm người. Đơn người dân phản ánh, tại các ngày kỉ niệm 27/7, nhiều thương binh “giả” không dám đến dự, số đến dự thì bị các thương binh “thật” chỉ trích, nên xẩy ra to tiếng.
Tình hình nghiêm trọng như vậy, song theo một cán bộ UBND xã Diễn Đồng, cơ quan điều tra cũng không thực sự muốn phanh phui ra sự việc, bởi vì số lượng đối tượng bị tố cáo quá nhiều, điều tra mất nhiều công sức. Một số người quan niệm tiền của nhà nước, điều tra “không được gì” ra còn bị ảnh hưởng tới uy tín của ngành và địa phương, mất “ổn định”!
Hầu hết cán bộ địa phương tỏ thái độ không mấy “mặn mà” với những cá nhân chống tiêu cực. Những người chống tiêu cực nếu không bị trù dập, trả thù thì cũng không được hỗ trợ, hoan nghênh. Mặc dù phải rất vất vả, tốn kém để có chứng cứ đi tố cáo tiêu cực và đã góp phần phanh phui ra nhiều sai phạm nghiêm trọng, song cho đến nay ông Dương Đình Dần không hề nhận được một sự hỗ trợ, khen thưởng nào của địa phương, dù chỉ một lời cảm ơn. Ông không có tên trong danh sách cá nhân có thành tích chống tham nhũng của tỉnh. Ông Dần đã nhiều lần bị gọi điện, nhắn tin, viết thư chửi bới, đe dọa giết nếu không rút đơn. Một số đối tượng đã góp tiền, thông qua một đối tượng ở Diễn Thái nhằm mua chuộc ông nhưng đều bất thành.
Trong việc tiếp nhận, xử lý đơn thư tố cáo tiêu cực của các cơ quan công quyền vẫn còn biểu hiện đùn đẩy, dây dưa, vi phạm quy định của pháp luật, làm giảm sút lòng tin của dân.
Do đó, để góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Nhà nước cần ban hành cơ chế, giải pháp hữu hiệu để khuyến khích người dân tích cực tham gia. Bên cạnh chính sách hỗ trợ, bảo vệ người dân chống tiêu cực, cần xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm pháp luật, thiếu trách nhiệm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo. Quan trọng là cần có sự thay đổi về nhận thức, quan niệm của các cơ quan công quyền và toàn xã hội đối với những cá nhân tích cực chống tham nhũng, tiêu cực. Đừng để họ trở thành những người “đặc biệt”, những chàng “Đông Kisốt” cô độc thì tất yếu sẽ thất bại. Chống tiêu cực là quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của mọi công dân, là cách ứng xử tích cực, bình thường trong một xã hội văn minh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét