Pages

Thứ Ba, 17 tháng 4, 2012

Bắc Kinh khoái trá nhìn Bắc Hàn “nghịch lửa”

Ngô Văn

“Có một điều chắc chắn là sau vụ bắn hỏa tiễn này, Bắc Hàn sẽ lệ thuộc vào Trung Quốc hơn trước rất nhiều. Và đó mới là sự thâm hiểm của Bắc Kinh.”
Mặc dù áp lực của thế giới rất nặng, nhưng Bình Nhưỡng vẫn tuyên bố sẽ phóng hỏa tiễn Quang Minh Tinh 3 để đưa vệ tinh Ngân Hà 3 lên không gian (thực chất là phóng thử hỏa tiễn Teapodong) vì cho đó là quyền lợi của mình mà không một quốc gia nào cấm cản được.
Ngoài việc tuyên bố hùng hồn như thế và cho phép khoảng 170 ký giả của 20 quốc gia đến Bắc Hàn để thu tin về cuộc phóng vệ tinh này, nhưng vẫn có nhiều bình luận gia dự đoán rằng Bình Nhưỡng sẽ tìm một lý do nào đó để hoãn việc phóng thử tên lửa, nếu không thì phải gánh chịu sự cô lập và trừng phạt của thế giới nặng hơn trước nhiều. Nhưng dự đoán này đã không đúng.

Ngày 12/04/2012, đài truyền hình Trung ương Triều Tiên liên tục đưa tin về việc Kim Chính Ân lần lượt được Đại hội Đại biểu Nhân dân Tối cao (tức là Quốc hội) thừa nhận vào tất cả vị trí lãnh đạo số một của Bắc Triều Tiên và cảnh các chuyên viên đang nạp nhiên liệu vào hỏa tiễn Quang Minh Tinh 3, ngoài ra còn chiếu cảnh người dân Bắc Hàn ai cũng hớn hở chờ đợi giờ vệ tinh được phóng lên. Trong khi đó tại Hàn Quốc và Nhật Bản quân đội được lịnh cắm trại 100%. Các hỏa tiễn phòng không tối tân PAC-3 và SM-3 sẵn sàng ứng chiến. Những người đứng đầu các bộ, nghành liên hệ phải túc trực tại chỗ làm. Nói tóm lại không khí khẩn trương đè nặng lên hai chính phủ Nam Hàn và Nhật.
Theo dự đoán khi quan sát ngày giờ nạp nhiên liệu vào hỏa tiễn thì trong khoảng thời gian từ ngày 12 đến 16 tháng 4, Bình Nhưỡng có thể phóng hỏa tiễn bất cứ lúc nào nên các chuyến bay dân sự đi các nước Đông Nam Á của những hãng hàng không Nhật, Nam Hàn, Philippines đã phải bay vòng xa để tránh đường bay của hỏa tiễn. Ngày 12/04/2012, thời tiết ở Bắc Hàn xấu nên tình hình vẫn yên tĩnh. Qua đến ngày hôm sau vào lúc 7 giờ 39 phút (giờ địa phương) hệ thống vệ tinh quan sát của Hoa Kỳ báo động cho hay Bình Nhưỡng đã phóng tên lửa, tuy nhiên không thấy vệ tinh Ngân Hà 3 trên quỹ đạo của nó. Sau đó người ta được biết, chỉ 90 giây sau khi rời dàn phóng, hỏa tiễn đã bị nổ tung trên trời. Đến nay, chưa rõ hỏa tiễn đã tự phát nổ hay do người điều khiển trên mặt đất ấn nút cho tự hủy khi thấy hỏa tiễn bắt đầu lạc đường bay.
Điều lạ lùng là trong lúc tin tức về vụ phóng hỏa tiễn thất bại được truyền đi nhanh chóng khắp thế giới thì các ký giả nước ngoài được nhà cầm quyền Bắc Triều Tiên mời đến Bình Nhưỡng chứng kiến lại không hề hay biết gì cả. Theo lời ký giả của một đài truyền hình Nhật, ông ta biết được vụ phóng thất bại nhờ đã điện thoại về tổng đài chứ nhà cầm quyền Bắc Triều Tiên chẳng cho biết gì cả. Mặc dù hỏa tiễn đã phóng đi vào lúc 7 giờ 39 phút sáng như đã đề cập, đến khoảng 9 giờ, nhà cầm quyền vẫn chỉ thông báo cho tất cả ký giả phải ăn mặc chỉnh tề rồi tập họp tại sảnh đường khách sạn vào lúc 1 giờ trưa để lên xe buýt. Họ không cho biết xe buýt sẽ đi đâu nhưng các ký giả lúc đó vẫn nghĩ sẽ được đưa đến khu vực dàn phóng. Đến trưa thì đài truyền hình Trung ương Triều Tiên mới loan báo vệ tinh Ngân Hà 3 không phóng lên được quỹ đạo như mong muốn. Các ký giả liền nghĩ rằng như vậy xe buýt sẽ chở đến địa điểm họp báo để nghe thêm chi tiết. Đúng giờ, có 3 xe buýt đến chở tất cả các ký giả, nhưng chạy đến quảng trường trước viện Bảo tàng Triều Tiên để xem dân chúng nhảy múa chào mừng lễ khánh thành tượng đồng hai cha con ông Kim Nhật Thành và Kim Chính Nhật nhân sinh nhật thứ 100 của “lãnh tụ vĩ đại” Kim Chính Nhật. Toàn ban hướng dẫn không ai nói gì đến chuyện phóng hỏa tiễn.
Đến nay thì cả thế giới biết Bình Nhưỡng, dù mời hàng trăm ký giả ngoại quốc đến, không hề có ý định để họ chứng kiến tận mắt giây phút phóng hỏa tiễn. Nhưng ngược lại, cũng có nhiều ý kiến cho rằng việc nhà cầm quyền Bình Nhưỡng nhanh chóng thú nhận thất bại lần này đã là một thay đổi lớn.
Trong khi đó, các nước Nam Hàn, Mỹ, Nhật và Cộng Đồng Âu Châu đang chuẩn bị yêu cầu Liên Hiệp Quốc áp dụng Nghị quyết 1874 trừng phạt Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, Trung quốc cũng đang tìm cách cản trở với lý luận rằng việc phóng hỏa tiễn bị thất bại nên chẳng gây nguy hại gì cho ai, vì vậy chỉ cần một bản lên tiếng kháng nghị của Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc là đủ.
Thêm một chi tiết rất quan trọng khác, đó là bản báo cáo của một chuyên gia người Nepal, phụ tá cho Ủy ban chế tài Bắc Triều Tiên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, vừa được trình lên cho Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm 13/04/2012 nói rõ là Bắc Tiều Tiên và Iran đang hợp tác với nhau chế hỏa tiễn. Hai nước này sử dụng các hãng hàng không dân dụng của họ để vận chuyển các cơ phận hỏa tiễn cho nhau và tất cả chuyến bay đó đều ghé ngang qua phi trường Bắc Kinh. Với dữ kiện này, giới quan sát quốc tế có thể hiểu được tại sao nhà cầm quyền Trung Quốc cứ nhất định cản trở các biện pháp chế tài những vi phạm của Bắc Triều Tiên.
Nếu không có Trung quốc đứng đàng sau xúi giục và bảo đảm các khỏan bù đắp thì nhiều phần Bắc Triều Tiên đã không dám liều lĩnh như vậy khi mà chế độ Kim Chính Ân còn trong tình trạng sơ sinh. Liệu thế giới sẽ cô lập Bắc Hàn như thế nào? Bên cạnh việc Hoa Kỳ ngưng chương trình viện trợ 24 vạn tấn lương thực dự tính cho năm 2012, sẽ còn những trừng phạt nào khác từ Hàn quốc, Nhật Bản cũng như Âu Châu? Số phận dân Bắc Hàn sẽ ra sao?
Có một điều chắc chắn là sau vụ bắn hỏa tiễn này, Bắc Hàn sẽ lệ thuộc vào Trung Quốc hơn trước rất nhiều. Và đó mới là sự thâm hiểm của Bắc Kinh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét