Pages

Thứ Hai, 30 tháng 4, 2012

Bên nào thắng thì dân nhân đều bại


Những ngày cuối cùng của thể chế VNCH

Trần Hồng Tâm

30 tháng 4 lại đến. Khắp mọi nơi, từ nông thôn đến thành thị, từ Ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, lại phủ kín cờ đỏ sao vàng, lại khẩu hiệu, băng-rôn “Mừng đại thắng mùa Xuân”. Lại những lẵng hoa khổng lồ, sặc sỡ bên tượng Hồ Chí Minh. Mít tinh, diễn văn, diễu hành, duyệt binh, văn nghệ, pháo hoa, sâm-banh, tiệc tùng ăn mừng đại thắng.
Người Mỹ không bại
Nhìn những chuyến trực thăng cuối cùng, vội vàng hấp tấp rời khỏi nóc tòa đại sứ Mỹ, những con chim sắt lao đầu xuống biển như người khồng lồ gieo mình tự vẫn. Nhìn đám người chen chúc, xô đẩy, khổ đau, tuyệt vọng, hoang mang, sợ hãi giống như cảnh ngày tận thế đã được mô tả trong sách Khải Huyền…
Một cách tự nhiên, lô-gic, Mỹ bị coi như là kẻ đại bại.

Nhưng chúng ta hãy cùng nhau làm một phép tính chia. Tổng số bộ đội miền Bắc thiệt mạng trong cuộc chiến này là khoảng 3 triệu, trong lúc quân nhân Hoa Kỳ là 58 ngàn.
3.000.000: 58.000 = 51.7
Như vậy, 52 bộ đội miền Bắc hy sinh tính mạng chỉ để tiêu diệt được 1 quân nhân Hoa Kỳ.
Những ai có dịp nghiên cứu tìm hiểu về nước Mỹ, đều phải công nhận rằng quốc gia này coi sinh mạng của công dân là vô giá, là thiêng liêng, không thể mua được bằng tiền, không thể đánh đổi bằng bất cứ thứ gì.
Trước một đối thủ “không tiếc máu xương”, chết bao nhiêu cũng được, mạng người không tính đến, xương có thể chất thành núi, máu có thể chảy thành sông, và chỉ có một khát vọng chiến thắng, thì việc Hoa Kỳ rút lui khỏi cuộc chiến là một hành động nhân đạo và đầy trách nhiệm. Người ta có thể chê người Mỹ là hèn nhát, nhưng phải thừa nhận rằng, họ không thể lãng phí xương máu của công dân. Họ thà mất mặt, chứ không mất mạng. Họ khôn ngoan tìm ra một ra một hành lang khác để đi đến chiến thắng nhẹ nhàng hơn, đỡ tốn kém hơn.
Và thời gian đã chứng minh. Người Mỹ không đại bại: Thảm đỏ được trải đến tận chân cầu thang để đón chào người Mỹ đến thăm Hà Nôi.
Việt Nam Cộng Hòa không thua
Bây giờ chúng ta lại cùng nhau làm một phép tính trừ. Lấy con số 3 triệu bộ đội miền Bắc thiệt mạng trừ đi nửa triệu lính Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) đã tử trận.
3.000.000 – 500.000 = 2.500.000.
Giả sử để đạt đến một chiến thắng tương tự, VNCH phải chịu hy sinh thêm 2 triệu rưỡi binh sĩ nữa. Nhưng VNCH đã chấp nhận thua cuộc, hai triệu rưỡi sinh mạng được bảo tồn. Hai triệu rưỡi gia đình thoát cảnh tang tóc. Hai triệu rưỡi phụ nữ khỏi kiếp cô độc. Nhiều triệu trẻ thơ không bị rơi vào cảnh mồ côi.
Bạn đã từng thấy trên truyền hình những cảnh sập hầm hay động đất. Những đoàn quân cứu hộ đã phải khoan sâu vào lòng đất, phải xúc ủi, phải bới móc, phải lục tìm trong những đống đất đá suốt cả ngày đêm. Khi chỉ cần một mạng người được cứu, tiếng reo hò như sấm dậy, niềm vui dâng trào, hàng triệu người ngấn lệ. Vậy hai triệu rưỡi người được cứu, không phải là một chiến thắng vĩ đại sao!
Ông bà mình dạy “Người là vàng, của là ngãi”. Họ chấp nhận trắng tay, chấp nhận mất tài sản, đất đai, công ăn việc làm, và địa vị xã hội, nhưng đồng đội của họ bớt thương vong. Sự thực đã chứng minh, bằng trí thông minh, bằng lòng trung thực, bằng bàn tay chăm chỉ, họ đã gầy dựng lại sự nghiệp và tài sản đã mất. “Người làm ra của, của không làm ra người”. Còn người là còn tất cả. VNCH không hề đại bại.
Ai đại bại?
Trở về với nông thôn miền Bắc trước năm 1975. Làng quê khi đó vắng vẻ đến rợn người. Trai đi bộ đội, gái đi thanh niên xung phong, trung niên đi dân công hoả tuyến. Còn lại toàn cụ già em nhỏ phải cáng đáng việc nhà nông nặng nhọc.
Làng quê bấy giờ vắng lặng, nhưng không chút bình yên. Ngày ngày những người mẹ, người vợ, người yêu mỏi mòn trông đợi. Giấy báo tử gởi về. Những tiếng khóc xé ruột xé lòng của những bà mẹ mất con, của vợ mất chồng, trẻ mất cha. Những ông bố cuồng dại chạy ra đường trong đêm gọi hồn con, con ơi con ở nơi đâu, về với mẹ với cha lưng cơm chén muối. Có những bà mẹ chiều tà ra đứng đầu làng nhìn về phía mặt trời lặn, xa xa là những dải núi đá điệp trùng xanh thẳm cầu nguyện cho linh hồn con trai mình đang phiêu bạt chốn ấy.
Trên dưới 3 triệu thanh niên từ vùng đất này ra đi, trở thành ma đói, ma khát ở đất người, không bao giờ về nữa, nhúm xương tàn cũng chẳng còn. Những mẹ già, những người vợ góa, cả đời chưa ra khỏi làng, biết đâu mà tìm hài cốt.
Gia tài của những người nông dân vùng này có gì khác ngoài vụ lúa, con heo, bầy gà. Nhưng tất cả để nuôi bộ đội. Lúa bị tận thu. Heo, gà phải qui ra từng ký lô giao nộp cho nhà nước. Tất cả vì tiền tuyến, vì chiến trường miền Nam. Toàn bộ sức người và tài sản ở nông thôn được khai thác đến khánh tận để phục vụ cho “đại thắng”.
Hôm nay gần bốn thập kỷ đã qua. Nông dân miền Bắc – những người đóng góp cho đại thắng đã được tri ân những gì?
Trên đồng quê thanh bình của họ bây giờ có bóng dáng các đại gia thấp thoáng trong những xe hơi sang trọng; có những binh đoàn cảnh sát chìm cảnh sát nổi, đầu đội nón sắt, chân đi giầy đinh, mình mặc áo giáp, tay phải mang dùi cui, tay trái mang lá chắn, đằng đằng sát khí; có cả những thành phần “xã hội đen”, mặt mày hung dữ, gậy giáo tua tủa với máy ủi, máy xúc gầm rít, lồng lộn phía sau.
Bên kia là những nông dân già, trẻ, hom hem, gầy ốm, xiêu vẹo, đầu đội nón bảo hiểm, tay mang cuốc, gậy, gạch, đá, liềm, dao, không được tổ chức, không trang bị, không huấn luyện.
Trận đánh bắt đầu. Một bên vẫn dùng chiến thuật của chiến trường xưa, lấy sức đè người, áp đảo đối phương cả về con số và hỏa lực. Lựu đạn cay được ném ra không giới hạn. Dùi cui vung lên, quất vào mặt những người già đáng tuổi cha mẹ, ông bà. Năm bẩy cảnh sát cơ động lôi kép một phụ nữ gầy yếu. Những trái nổ như muốn xé rách bầu trời để uy hiếp tinh thần, nhanh chóng chia cắt đội hình đối phương thành những nhóm nhỏ để dễ bề khống chế. “Xã hội đen” nhẩy vào, những cú đánh hiểm được tung ra. Đồ ăn, thức uống của dân bị ném vào thùng rác. Còng số tám khóa lại những bàn tay lam lũ đói nghèo. Máy ủi, máy xúc từ phía sau dàn hàng ngang mà tiến. Đất bị đào bới. Hoa màu bị băm vằm. Nhà tù, trại giam mở cửa chào đón những tù binh nông dân.
Tiếng nguyền rủa của người dân bao đời khốn khổ dường như thấu tận trời xanh.
Các đại gia nay trở thành những người đại thắng. Những ly bia trào bọt trắng xóa được nâng cao để ăn mừng. Mỹ đã cút, Ngụy đã nhào, và hôm nay những nông dân cũng được quét sạch khỏi những cánh đồng mà dòng sông Hồng muôn tuổi bồi đắp phù sa.
Trận đánh với kẻ thù là nông dân giữ đất đã kết thúc tuyệt đẹp. Nó sẽ được viết thành giáo trình giảng dạy trong các trường công an nhân dân. Nó sẽ phổ biến kinh nghiệm chống nông dân trong toàn quốc. Người ta sẽ ca ngợi nó là chiến thắng. Là trận đánh tuyệt đẹp, thần tốc, táo bạo.
Tôi sinh ra ở nông thôn. Cha mẹ tôi là nông dân. Tôi được nuôi lớn bằng hạt gạo, củ khoai của vùng này. Những gì đang xảy ra ở làng quê Việt Nam hôm nay không khác gì những trận càn quét mang đậm nét thực dân. Tôi nhớ đến hai câu thơ của ai đó:
Suy cho cùng trong mọi cuộc chiến tranh
Bên nào thắng thì nhân dân đều bại.
Những người dân quê tôi đã đại bại. Tôi thấy chua xót, và bất lực. Không thể viết thêm điều gi.
29-04-2012
© Trần Hồng Tâm
© Đàn Chim Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét