Pages

Thứ Ba, 3 tháng 4, 2012

Cái lưỡi không xương

Trần Nhật Minh

Ông bạn đồng nghiệp ít lâu có một bài blog về Lắng nghe, luận về cái Tai. Tôi lại để ý đến “bạn cái tai” là cái Lưỡi.
Cái tai không ưa lời chê thẳng nhưng lại “khoái cái lỗ nhĩ” những lời ngọt ngào, mơn trớn dù nhiều lúc biết thừa là xạo, là dối. Chứ còn cái “lưỡi không xương nhiều đường lắt léo” nên khó lường hơn, khó đoán hơn. Tai thụ hưởng sản phẩm hay-dở từ cái lưỡi. Lưỡi lại phải uốn thế nào cho vừa lòng cái tai. Cho nên hai gã này khá thân thiết.
Nhưng hình như cái lưỡi được quan tâm nhiều hơn thì phải. Này nhé, nó có trong truyện ngụ ngôn, chuyện rằng: ông chủ sai người hầu đi mua đồ ăn ngon, đặc sắc nhất, người hầu mua về một xâu lưỡi với lý do nó là chìa khoá của triết lý, chân lý…Ông chủ lại sai mua đồ ăn dở nhất, đầy tớ lại tha về một xâu lưỡi và giải thích: nó là mầm mống của chiến tranh, ly tán, loạn lạc, là nguyên nhân mọi sự chia rẽ thù oán. Tốt-xấu đều do cái lưỡi mà ra.

Cái lưỡi còn có trong rất nhiều giai thoại, châm ngôn, tục ngữ, ca dao, câu của miệng. Liệt kê vài câu cho dzui quý vị nhé: “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”; “Miệng lưỡi thế gian”; “Con dao hai lưỡi”; “…”…Đúng là lưỡi không một tấc xương mà mạnh như một vũ khí lợi hại!
Một lý do nữa tôi quan tâm đến Tai và Lưỡi vì cả hai đều gắn với nghề phát thanh chúng tôi. Tai lắng nghe mọi chuyện, thẩm thấu, sàng lọc, lưỡi kể lại hầu quý vị, nhiều khi thấy hài lòng mà nhiều lúc tự nhận cũng không ưng. Nghề Phát thanh, âm thanh là vũ khí sống còn. Chúng tôi sống với âm thanh nên vì thế mà ít nhiều có cái tai thính, nghe được nhiều dạng giọng nói. Qua cách phát ngôn, khẩu khí của nhân vật cũng phần nào đoán định được tính cách của họ: kẻ ăn sóng nói gió; người điềm đạm thâm trầm; kẻ chém gió ào ào; người khiêm nhường lịch lãm; có người nói như tâm sự từ nỗi lòng; người lại nói to như ngồi trong thùng rỗng; có người nói như sách, như văn; người lại thật thà rủ rỉ; có tiếng nói rin rít kẽ răng; lại có giọng rờn rợn sống lưng…
Theo thời gian, tôi có thói quen nghe lại những băng ghi âm tiếng nói nhiều nhân vật, nhất là các “Vip” để kiểm chứng các đoán định. Có những người giờ đã chịu án, vô khám mà tiếng nói một thời vẫn sang sảng thuyết giảng đạo đức trong chiếc băng cũ; có những đoạn băng như còn nóng rẫy lời hứa nổ vang trời của những vị mà sau này làm nhiều việc ngược hẳn lúc phát ngôn; cũng có những vị ở hai thời điểm thì sắc thái lời nói biểu lộ khác nhau: khi đương chức thì nhỏ nhẹ, uyển chuyển, lúc nghỉ hưu rồi thì phản biện quyết liệt, thẳng thắn đến không ngờ; nhưng cũng có nhiều vị đáng kính, bao năm trời, ngồi lên bao nhiêu chiếc ghế vẫn một âm sắc ôn tồn, điềm đạm, dường như mọi thứ chỉ là một thoáng phù du…Có hôm thu âm được một mớ phát biểu từ bục cao về nghe biên tập thì thấy rỗng lạ; khó nhất là ghi âm những người “thấp cổ bé họng”, họ chỉ biết làm, ít quen lập ngôn.
Nói vậy để thấy cần phải nhìn vào việc làm của mọi người thì mới thấu tỏ mọi sự. Trong công việc sáng tạo chữ nghĩa, cũng có nhiều trường hợp phát ngôn và tác phẩm ít xứng đôi. Câu “Văn là người” không phải đúng trong mọi trường hợp. Có người nói giỏi nhưng văn không hay; có tác phẩm giàu nhân ái, cái kết có hậu mà cuộc đời tác giả thì thăng trầm, thậm chí còn bị điều tiếng. Ở trường ngày trước, tôi cũng thấy có thày giảng rất hay nhưng ít để lại dấu ấn khi viết giáo trình, các công trình khoa học…
…Cái lưỡi chả có tội tình gì mà người ta cứ gán cho nó những nghi án “này nọ”. Nói hay nói giỏi, nâng lên tầm nghệ thuật hùng biện (trái lại là nguỵ biện) rất cần trong nhiều lĩnh vực. Chỉ đơn cử là ngành ngoại giao, từ thuở xưa, các cụ đi sứ đối đáp với nước bạn đã thắng nhiều trận nhờ khẩu khí, tấc lưỡi mà không tốn một tấc sắt thép binh đao.
“Chấm điểm” cái lưỡi không từ những phát ngôn diễn văn trên bục, mà từ mối quan hệ mật thiết giữa Nói và Làm. Những năm sau Đổi Mới, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã dùng bút danh viết tắt tên mình NVL (Nói và Làm) để viết những bài báo sắc sảo “Những việc cần làm ngay” trên Báo Nhân dân, có tác động tích cực tới xu hướng phản biện thời đó, rất được mọi giới đồng tình ủng hộ…
…Chung quy lại, cái Lưỡi hay cái Tai thì cũng nên để cái Tâm thu phục cho thuận mọi sự. Khen, chê, nói thẳng nói thật mà từ cái Tâm bao giờ cũng tạo sự tin cậy và bền vững qua thời gian. Chữ Tâm còn “Nhẫn” để dao đâm cơ mà, huống hồ mấy thứ không xương. Nghe vậy, hứa vậy mà nhiều khi không phải vậy, thi triển khó thay!.
Theo: VOV

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét