Pages

Thứ Tư, 18 tháng 4, 2012

Giải pháp nào cho Biển Đông - phần 6


AFP photo
Một thủy thủ Việt Nam đang xem mô hình của
một thành trì được xây dựng bởi hải quân
Việt Nam ở quần đảo Trường Sa hôm 21/10/2011.
Mặc Lâm, biên tập viên RFA

Mặc Lâm phỏng vấn Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc và ông Nguyễn Trung, nguyên đại sứ Việt Nam tại Thái Lan về những giải pháp cho Biển Đông hiện nay.





Phải quốc tế hóa

Mặc Lâm : Thưa, xin ông Đại Sứ cho biết qua những kinh nghiệm khi còn làm đại sứ tại Bắc Kinh thì tình hình Biển Đông hiện nay theo ông vấn đề gì là quan trọng nhất?
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh : Đối với tình hình Biển Đông thì tôi chỉ quan tâm là nếu được các đảo của tổ quốc mình và cái biển không bị cái lưỡi bò vô lý của Trung Quốc chia cắt. Chúng tôi có nhiều tư liệu đầy đủ về Biển Đông và các quần đảo thuộc về chúng tôi, và Trung Quốc thì không có gì cả, không có cứ liệu nào có giá trị mà nói lên được các quần đảo là của họ. Họ chỉ tuyên bố họ xí thế thôi. Nhưng mà tôi thì muốn công bố những tài liệu của chúng tôi lên cho thế giới biết, và đấu tranh ngoại giao, đấu tranh dư luận với họ thôi. Còn họ mạnh về quân sự nhưng mà chúng tôi về hải quân không bằng họ, kém lắm, nhưng mà nếu họ đánh chúng tôi thì chúng tôi cũng có những phương tiện khác để chúng tôi có thể đánh chìm tàu chiến của họ. Nhưng mà cái đó còn tùy lãnh đạo của chúng tôi, thái độ lãnh đạo của chúng tôi.
Mặc Lâm : Vâng. Nhiều nhà nghiên cứu Biển Đông trong và ngoài nước đã đề nghị chính phủ cần phải đưa vấn đề này ra quốc tế, bất chấp Trung Quốc có đồng ý hay không vì làm được điều này thì Việt Nam đã gióng được tiếng chuông cảnh báo với thế giới về những hành động quá đáng của Trung Quốc, ông có đồng ý với quan điểm này hay không, thưa ông Đại Sứ?
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh : Tôi cho rằng là phải đưa ra quốc tế, quốc tế hóa ra những tư liệu của chúng tôi trong cuộc đấu tranh với Trung Quốc, chứ còn cứ nói tay đôi với họ thì chả giải quyết được cái gì đâu. Tuy họ mạnh thật những không phải dễ dàng gì họ đánh chúng tôi. Họ mạnh nhưng họ có những chỗ yếu. Trước đây Mỹ mạnh gấp mười lần chúng tôi thế nhưng mà rồi chúng tôi cũng đánh trả, rồi chúng tôi cũng giành được độc lập.
Tôi cho rằng phải quốc tế hóa những tư liệu của chúng tôi trong cuộcđấu tranh với Trung Quốc, chứ còn cứ nói tay đôi với họ thì chả giải quyết được cái gì đâu.
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh
Mặc Lâm : Đó là đối với thế giới còn với trong nước thì sao? Ông Đại Sứ có đề nghị gì với chính phủ trước tình hình sôi động hiện nay không ạ ?
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh : Tôi thường đề nghị với chính phủ là phải thực hiện dân chủ và đàn áp những người đi biểu tình yêu nước chống Trung Quốc là vô lý.
Mặc Lâm : Nhưng mà hình như có một áp lực nào đó lúc nào cũng chi phối hành động của chính quyền đối với những gì có mang yếu tố Trung Quốc. Ông có nhận thấy như vậy hay không, thưa ông?
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh : Không phải một mình tôi mà cả dư luận nhiều đồng bào tôi cũng biết là có cái áp lực từ Phương Bắc, nhưng mà bây giờ mình phải cứng rắn lên thì không sợ thì mới được, chứ cứ sợ cái áp lực của họ thì chả giải quyết được cái gì rồi đến mất nước mất thôi.
Mặc Lâm : Xin cám ơn ông.

Phải có lập trường rõ ràng

Sau đây là ý kiến của nguyên Đại sứ Nguyễn Trung về nội dung câu hỏi là liệu Việt Nam phải làm cách nào để bảo vệ chủ quyền biển đảo trong hoàn cảnh sức mạnh quân sự vẫn còn quá yếu như hiện nay.
Ông Nguyễn Trung : Chúng tôi đi tìm mọi cách để bảo vệ cái toàn vẹn lãnh thổ và cái chủ quyền của mình, đấy là quan điểm của tôi. Tôi ủng hộ tất cả những cái gì mà có thể tạo ra được kết quả, bất kể đó là một cái chuyện gì. Tuy nhiên, nếu mà phía Trung Quốc tỉnh táo thì tốt nhất là nên tôn trọng những ý kiến, nhất là những ý kiến vừa rồi được nói tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN vừa rôi đấy, thì tôi nghĩ như thế là những ý kiến thật rõ ràng. Thế còn phía Trung Quốc mà họ cứ cố tình họ không thực hiện thì trách nhiệm thuộc về họ thôi.
Mặc Lâm : Vâng. Thưa ông Đại Sứ, trong Hội nghị thượng đỉnh ASEAN vừa qua Trung Quốc đã làm một động thái có thể xem là uy hiếp nước chủ nhà Campuchia khi yêu cầu Phnom Penh không mang vấn đề Biển Đông vào nghị trình làm việc. Nhận xét của ông về hành động này như thế nào ạ ?
Bây giờ tốt nhất dối với Trung Quốc là phải tôn trọng các tập quán chung, các luật lệ chung, và bản thân Trung Quốc là thành viênở trong khu vực này.
Ông Nguyễn Trung
Ông Nguyễn Trung : Tôi biết họ nói là họ chịu một sự uy hiếp, thậm chí là những hành động không đúng với tính cách một quốc gia, mà hơn nữa Trung Quốc là một nước lớn, thế thì phải nói rằng đấy là chuyện không thể nào chấp nhận được. Và tôi nghĩ rằng dứt khoát là nhân dân Việt Nam thì lập trường rất rõ ràng, rất mong muốn có quan hệ tốt với các nước láng giềng, nhất là với Trung Quốc là một nước lớn bên cạnh mình, nhưng điều đó không có nghĩa là chấp nhận bất kể một cái gì xâm phạm đến chủ quyền, đến lãnh thổ, đến các vùng biển, vùng trời mà đã thuộc chúng tôi và là của chúng tôi. Về mặt lịch sử cũng như mặt pháp lý là đã rõ ràng, không có gì để bàn.
Tôi nghĩ rằng bây giờ tốt nhất dối với Trung Quốc là phải tôn trọng các tập quán chung, các luật lệ chung, và bản thân Trung Quốc là thành viên ở trong khu vực này. Hơn nữa là cái hội nghị ASEAn vừa rồi ai cũng biết rồi, Trung Quốc tìm mọi cách không muốn để cho cái vấn đề Campuchia đưa vào hội nghị thượng đỉnh các nước ASEAN vừa rồi, nhưng mà cuối cùng thì các nước ASEAN người ta là những quốc gia độc lập, có chủ quyền, người ta không thể nào chấp nhận những cách đặt vấn đề như vậy của Trung Quôc, thì tôi nghĩ tất cả đã rõ ràng chứ còn không có gì là không rõ ràng đó anh.

Chính phủ phải nghe dân




000_Hkg4992973-250.jpg
Hình ảnh chống Trung Quốc trên tài khoản Facebook cá nhân của một người Việt Nam vào ngày 10 tháng 6 năm 2011. AFP
Mặc Lâm :
Những phản đối của Bộ ngoại giao Việt Nam về sự xâm hại cả người và tài sản của ngư dân cũng như vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam thì Trung Quốc luôn im lặng và không màng hồi âm. Kinh nghiệm trong ngành ngoại giao theo ông Đại sứ thì Việt Nam phải đối phó như thế nào trước thái độ này?

Ông Nguyễn Trung : Thì tôi nghĩ rằng mình phải tìm mọi cách để họ biết rằng không nghe không được. Tôi nghĩ rằng người dân đã nói lên ý kiến rất rõ, và tôi nghĩ rằng chính phủ ai cũng phải nghe dân chứ không thể nào khác được. Nhưng mà tôi thấy rằng những gì đã nói ở hội nghị thượng đỉnh vừa rồi thì rất là rõ ràng, dứt khoát, chúng ta không thể nào chấp nhận một tình hình như thế đâu.
Mặc Lâm : Để kết luận, xin ông cho biết cái nhìn tổng quan của ông trước những tranh chấp đối với Trung Quốc sẽ còn xảy ra trong nhiều năm tới nó sẽ ra sao, thưa ông?
Ông Nguyễn Trung : Trung Quốc không phải một lần đối với ta như thế này đâu. Cũng đã xảy ra những lúc quan hệ hai nước rất xấu, mà tôi lấy ví dụ như thời chiến tranh tháng 2 năm 1979, ví dụ như cái chuyện cướp thêm mấy cái đảo nữa năm 88 ví dụ như vậy, thì phải nói rằng đấy là thái độ hoàn toàn không đúng với một nước gọi là “trỗi dậy hòa bình” hay là cái gì cà. Chúng tôi thừa nhận thế này là càng ngày họ càng leo thang và như thế chúng ta nhất định phải có biểu thị thái độ rõ ràng và cứng rắn hơn nữa. Cái đó là chắc chắn. Tôi nghĩ chúng ta phải làm như vậy. Chúng ta phải chống cự Trung Quốc từ mấy nghìn năm nay rồi chứ không phải từ bây giờ. Dân tộc này không khuất phục đâu anh. Cái đó là chắc chắn anh ạ.
Tôi nghĩ rằng người dân đã nói lên ý kiến rất rõ, và tôi nghĩ rằng chính phủ ai cũng phải nghe dân chứ không thể nào khác được.
Ông Nguyễn Trung
Thực ra Trung Quốc bây giờ là vấn đề của cả thế giới chứ không phải chỉ có riêng Việt Nam đâu. Việt Nam hoàn toàn không cô lập trong vấn đề này đâu. Chừng nào Trung Quốc còn theo đuổi chính sách như vậy thì tôi nghĩ rằng vấn đề sẽ vẫn còn tiếp tục khó khăn và căng thẳng chứ không phải ngày một ngày hai mà hết được đâu.
Mặc Lâm : Xin cảm ơn ông Đại sứ Nguyễn Trung.
Đây là bài cuối của loạt bài ý kiến của nhiều vị khách mời có quan tâm và nghiên cứu đến vấn đề Biển Đông. Hy vọng rằng những nhận định của họ sẽ giúp cho chúng ta hiểu thêm những gì đang xảy ra trong và ngoài nước có tác động trực tiếp hay gián tiếp đến vận mệnh của chủ quyền Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét