Pages

Thứ Năm, 19 tháng 4, 2012

Giới trung lưu VN trên đường xuống dốc

Văn Quang

Lâu nay người ta vẫn tưởng rằng chỉ có dân rách ngày càng rách. Các doanh nghiệp đóng cửa hàng loạt, công nhân thất nghiệp gia tăng, khi nhiều người, nhất là nam nữ thanh niên lâm vào bước đường cùng, không còn cách gì kiếm ra tiền thì tệ nạn càng gia tăng với đủ mọi hình tội phạm. Cướp của giết người giữa ban ngày, buôn lậu ma túy, bán dâm, cờ bạc, lừa đảo… là những thứ đã làm các tòa án và nhà tù “quá tải”. Bắt đám này chưa xong đã tiếp đến hàng chục vụ án khác, pháp luật gần như bó tay. Tội phạm càng ngày càng “trẻ hóa” hay nói cho rõ hơn là những kẻ phạm tội ác bây giờ rất trẻ. Rất nhiều cô cậu chưa đến tuổi vị thành niên, chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự trong những vụ trọng án.


Nhưng đấy là tình trạng về những người thuộc “giai cấp không có đồng xu dính túi”. Xã hội đẩy họ vào đường cùng. Đó là chuyện ai cũng biết. Nhưng có điều bất ngờ nữa là bây giờ ở VN, ngay cả đến những nhân vật được coi là “giai cấp trung lưu” có tí của ăn của để cũng đang gặp cảnh… ba đào. Họ cũng đang bị “nghèo hóa”. Tất nhiên, dân trung lưu ở đây là những người làm ăn lương thiện, chứ không phải những vị trung lưu có vây có cánh, không phải những ông bà có chức tước, có bổng lộc ngoài lương tháng của mình. Những ông bà trung lưu này còn lâu mới xuống cấp được.
Những nhân vật được coi là trung lưu hay còn được đời xưng tụng là những “tiểu gia” làm ăn chân chỉ đang xuống dốc “không phanh”. Có người nói rằng dân nghèo có tí đất bị mua rẻ bán đắt hoặc bị trưng dụng, quy hoạch hết rồi, chẳng còn gì để … có thể nghèo hơn được nữa, bây giờ đến lượt những anh có tí của để dành đang trên đường đi xuống. Chúng ta hãy nhìn vào cách sinh hoạt của một số “tiểu gia” đã từng tậu được chiếc xe hơi loại khá “xịn” mà họ coi như “vợ hai” để có thể thấy rõ hơn.
“Tiểu gia” chạy vạy để được đi làm thuê
Lời lẽ nhã nhặn, ăn mặc lịch sự, thậm chí còn xài đầy đồ hiệu nhưng nhiều “tiểu gia” đã từng làm chủ chiếc xế hộp sang trọng vẫn phải mướt mồ hôi chở khách thuê để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Chưa đạt đẳng cấp đại gia nhưng những người đã từng chơi xe hơi hay trang trại cũng được xem là “tiểu gia”. Thời gian gần đây, vì kinh tế khó khăn, thu nhập sụt giảm nên không ít “tiểu gia” buộc phải lấy xế hộp đi chở khách hay cho thuê trang trại làm nhà nghỉ để kiếm thêm tiền.
“Vợ hai” nuôi vợ cả
Những ngày qua, diễn đàn Otofun tại VN luôn sôi động với forum quảng cáo cho thuê xe kèm tài xế của một vị có nickname là Lữ Khách. Ông này có lời mời nghe rất ngọt ngào, dễ thương: “Em dạo này rảnh rỗi, tính vận chuyển các cụ nhà mình có nhu cầu, nhằm chống lại các loại phí. Thiết bị phục vụ là xe Ford Mondeo 2005, 3 màn hình phục vụ các cháu có nhu cầu xem Tom và Jerry, nội thất luôn bảo đảm sạch, đẹp. Tài xế là em, trung thực, thật thà, cực kỳ cẩn thận, hơi biết tin tức thời sự. Nước uống đóng chai tinh khiết và giấy thơm miễn phí cho các cụ có nhu cầu”.

Một “tiểu gia” bên “vợ hai
Lập tức, hàng loạt hội viên khác của diễn đàn đã vào đặt hàng thuê “tiểu gia” có xế hộp “xịn” phục vụ. Đáp lại, Lữ Khách bày tỏ: “Cảm ơn các cụ nhiều, hoàn cảnh khó khăn đã đẩy em vào bước đường này. Vì quá yêu “vợ hai” (cách gọi chiếc xe hơi trên diễn đàn) nên em đành dùng cách này để níu kéo thời gian ở bên em nó và nuôi vợ cả”.
Cũng trên diễn đàn này, nickname Damthi giới thiệu là phó giám đốc một công ty rồi thăm dò: “Xe em là Civic 2.0. Chi phí trên đường: xăng dầu, ăn, ngủ, nghỉ, vé đường… các cụ chịu, một ngày trả em được bao nhiêu?”. Một giám đốc doanh nghiệp có Toyota Camry 2.5 cũng lên diễn đàn này rao cho thuê xe khi tài xế riêng và xế hộp rảnh rỗi để kiếm thêm tiền chi phí hàng ngày.
Chuyến mở hàng đầu tiên của bác tài bất đắc dĩ mang tên Lữ Khách là Hà Nội – Hải Dương. Xem ra làm ăn trôi chảy. Thừa thắng xông lên, Lữ Khách tiếp tục mời mọc: “Để phục vụ tốt nhất và tránh lỡ việc của quý khách, mong quý khách báo trước một ngày để người phục vụ này thu xếp công việc ở cơ quan trước khi lên đường”.
Một ông có nickname T.A., hiện là viên chức còm của một cơ quan cũng chen chân vào quảng cáo: “Em cũng làm thêm phục vụ các cụ nhé! Toàn xe của anh em làm thêm kiếm tiền trong lúc kinh tế khó khăn”. Ngay lập tức, T.A. đã nhận được hợp đồng chở “thượng đế” đi tảo mộ ở Hòa Bình với giá 1,1 triệu đồng, trừ chi phí cũng bỏ túi được 500.000 đồng. Tiếp sau đó, một hợp đồng chở khách đi Hà Nam cũng đem về cho T.A. được 400.000 đồng.
Cùng cảnh khó khăn, nickname Lam có xe Morning 2011 màu trắng cũng lên diễn đàn tìm khách và “bắt” được ngay một người thuê chạy khứ hồi Hà Nội – Bắc Ninh. Lam khoe: “Trừ chi phí, mình cũng kiếm được trên 400.000 đồng góp vào tiền trang trải phí giữ xe, xăng dầu, nợ vay ngân hàng hằng tháng. Do xe nhỏ, giá “mềm” nên em Morning của mình đã nhận được gần 10 đơn đặt hàng từ nay đến qua lễ Lao Động 1-5”.
Trang trại cũng cho thuê kiếm tiền
Trang trại được Tromtrau rao cho thuê.
trên diễn đàn, trong những ngày qua ngoài việc “tiếp thị” cho thuê xe hơi và tài xế “xịn đáng tin cậy” lại rôm rả với một forum cho thuê trang trại. Để đối phó với hàng loạt khó khăn, nickname Tromtrau đành bấm bụng rao cho thuê trang trại mà anh và gia đình phải mất nhiều năm và tiền của, tâm huyết mới gầy dựng được. Tromtrau giới thiệu: “Năm nay kinh tế suy thoái, kiếm tiền khó khăn, em cho thuê cái nhà nghỉ cuối tuần với mục đích bù được phần nào chi phí vận hành, bảo dưỡng. Trang trại của em có diện tích 4.000 m2, gồm sân vườn – ao cá, 5 phòng ngủ, bể bơi…” .
Không bao lâu sau, lời rao của Tromtrau đã nhận được hàng trăm phản hồi ủng hộ và đặt thuê phòng hoặc cả trang trại. Với mức giá thuê 2 ngày cuối tuần là 3 triệu đồng, được toàn quyền sử dụng cả trang trại và ngày thường là 2 triệu đồng, cơ ngơi của Tromtrau tỏ ra cạnh tranh hơn hẳn so với các resort gần đó nên đã kín khách ghi tên thuê vào tất cả ngày nghỉ cuối tuần từ nay cho đến tháng 7-2012.
Tình cảnh này nói lên điều gì?
Chắc bạn đọc thừa hiểu rằng những ông đã tậu được xe hơi ở VN vào thời gian sau này được coi là dân “có máu mặt”. Họ làm ăn lương thiện, họ có quyền mua sắm theo nhu cầu và chơi theo ý mình. Con số này không phải là ít. Và tất nhiên, người ta chỉ tìm đường đi lên chứ không ai muốn đi xuống cả. Nhưng nền kinh tế ngày càng khó khăn, buôn bán làm ăn lương thiện chẳng dễ dàng chút nào. Tiền không còn đẻ ra tiền một cách… hiên ngang nữa. Và đồng tiền cứ mất giá, vật giá cứ leo thang, ôm cái xe hơi hay cái trang trại mỗi tháng phải nuôi nó một khoản tiền lớn. Nào là thuế, nào là phí, tiền thuê bến bãi, nào là bảo trì, bảo dưỡng, Nuôi một cái xe mỗi tháng tốn thêm vài ba triệu, nuôi một trang trại để hưởng nhàn thì con số năm bảy triệu còn là ít. Mùa khô phải tưới tắm, mùa nắng phải làm cỏ, phân bón lu bù, sâu bệnh mỗi cây một khác, phải chăm sóc nâng niu từng khóm hoa bụi cây, đúng là tốn như… nuôi “vợ hai”. Chủ nhân nếu không có tiền “ngoại” kiếm thêm thì chắc chắn sẽ không tài nào chịu nổi. Cho nên các “tiểu gia” đành mang thân đi làm mướn, dù là làm mướn theo kiểu “thượng lưu” chứ không phải là “ô sin”.
Khách và chủ đều coi nhau như bạn nhưng bổn phận “ô sin” vẫn phải làm
Kể về công việc làm thêm của “tiểu gia”, anh T.A. tâm sự: “Việc chọn khách là hết sức quan trọng để bảo đảm an toàn và tôn trọng lẫn nhau, cũng như giữ được “vợ hai” không bị làm bẩn, trầy xước. Căn cứ để lựa chọn khách là hội viên trên diễn đàn, là người quen hoặc có giới thiệu, đặc biệt ưu tiên chở chị em phụ nữ, gia đình đi lễ chùa, về thăm quê… Cả khách và tài xế đều… trí thức cả nên tôn trọng nhau. Có khi chở khách lại có thêm bạn, được giao dịch và công việc. Giá cả rẻ hơn taxi, xe lại đẹp, không có mùi hôi và tài xế nhẹ nhàng, lịch sự, biết nhiều chuyện nên đủ làm “thượng đế” vui lòng”.
Tuy nhiên, với nhiều “tiểu gia”, việc phải chạy vạy làm thuê đã để lại nhiều nỗi niềm khó tả. T.A. cho biết anh luôn có cảm xúc ngượng ngập vì lâu nay chỉ quen được người khác phục vụ, giờ phải xuống xe mở cửa cho “thượng đế”, phải hỏi khách có say xe không, có cần bật máy lạnh không…
Chủ xe T.A. thổ lộ: “Phải mướt mồ hôi bưng bê, thu xếp hành lý, đồ đạc, rồi chầu chực chờ hàng giờ, miệng liên tục “cảm ơn” và cái lưng thì đau ê ẩm bởi cả ngày ôm vô lăng trên quãng đường dài mấy trăm cây số”.
Một “tiểu gia” khác, đang là “cổ phần” của một doanh nghiệp, được chủ công ty phong cho chức Phụ Tá Giám Đốc, cũng cố sắm được chiếc xe hơi cho ra dáng Ban Giám Đốc. Nhưng không ngờ, một buổi sang đẹp trời, anh chủ bỏ trốn mất nên chỉ ngày trước ngày sau trở nên thất nghiệp. Bí quá anh cũng nghe lời bạn bè mang xe đi chạy thuê. Anh tâm sự: “Chỉ quen ngồi bàn giấy, nay trở thành người lao động chân tay đã khiến tôi phải trải qua một ngày toát mồ hôi. Khách về quê mang không ít đồ nên phải mang lên, bê xuống, nhồi nhét vào cốp… Mệt hơn nữa là khi khách ở quê trở ra, tôi một phen bở hơi tai với bao gạo mấy chục ký, cùng với hàng mớ rau, củ, quả…, phải mang vác ra vào ngõ dài gần trăm mét. Lo nhất vẫn là sự an toàn trên đường bởi ngoài mình ra còn cả gia đình khách, lơ mơ là bán cả nhà đền cũng không xong, chả biết tôi còn theo đuổi cái nghề nửa ông chủ, nửa “cu ly” này đến bao giờ! Nhưng bỏ việc này thì biết làm gì trong cái thời người khôn của khó này?”
Lúng túng với lãi suất ngân hàng
Ông “tiểu gia” than thở: “Nếu bán xe, thu vén tiền để dành, mang tiền gửi ngân hàng bây giờ cũng bị “khống chế”. Mới tháng trước lãi suất đầu vào giảm còn 13%, nghe tuyên bố um xùm rằng mỗi quý giảm lãi suất 1%, vậy mà chưa đầy 1 tháng sau, nay lại hạ xuống còn 12%. Ông Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN) nhanh chân thật, làm cho người dân có cảm tưởng bị ép. Ép thế nào thì dân phải chịu thế. Thấy dân ngoan ngoãn thi hành, được thể, ông NHNH làm tới. Có ông phòng xa: “Tiền mất giá, chưa biết chừng vài năm nữa, số tiền bán cái xe bây giờ chỉ còn mua được cái bánh xe. Lỗ trắng máu!”.
Trong khi đó, các doanh nghiệp (DN) lại tỏ vẻ thờ ơ trước quyết định giảm lãi suất đầu vào của NHNN. Họ cho rằng theo kinh nghiệm từ khi lãi suất giảm 14% cho tới nay, phần lợi trước mắt là chủ các ngân hàng, chứ không phải doanh nghiệp. (Về chuyện này, tôi đã phân tích và đề cập trong bài “Chuyện cũ như trái đất, mang ra xào lên, bàn lại” ngày 05-tháng 11 năm 2011). Vấn đề cốt lõi là khống chế lãi suất đầu ra, kiểm soát chặt chẽ việc NH cho các DN vay chứ không phải ép lãi suất đầu vào.
TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, nhận xét:
Với lãi suất huy động 12%/năm, nếu các NH tiết giảm chi phí, lãi suất cho vay phải hạ về mức 15% – 16%/năm nhưng thực tế DN đang vay với lãi suất từ 18% – 19%/năm. Trong khi DN phá sản hàng loạt thì lợi nhuận NH ngày càng tăng…. Như vậy là DN chới với, NH sống khỏe. Ông nói: “Rất khó coi khi hiệu quả hoạt động của DN thấp, khó khăn chồng chất, hàng tồn kho cao còn khu vực NH lợi nhuận lớn, tỉ lệ lợi nhuận tính trên vốn tự có của một số NH lên tới 20%.”
Nhiều “tiểu gia” hào hứng tham gia vào câu chuyện thời sự đang rất nóng về lãi suất ngân hàng này. Họ chưa có phản ứng rõ ràng nhưng dư luận râm ran trong giới này vì chính họ là những khách hàng “gốc” làm phình ra hay làm xẹp lép túi tiền của hầu hết NH trong nước. Chưa thể tiên đoán phản ứng của giới trung lưu sẽ ra sao trong những đợt giảm lãi suất sắp tới. Chung quy giới trung lưu đang lúng túng về chuyện lãi suất ngân hàng, nên rút hay nên gửi, nên tìm cách đi đêm với NH hay tìm đường đầu tư khác? Quyền lợi của họ gắn liền vào món tiền dành dụm đó. Chúng hãy chờ xem kết quả thực sự đi tới đâu.
Trở lại với sư đi xuống của các “tiểu gia” trên đường kinh doanh. Bỏ qua các doanh nghiệp mượn vốn không xong đành phá sản, chúng ta hãy nhìn vào các doanh nghiệp còn đang “thoi thóp” trên đống của cải do chính mình làm ra. Nhiều doanh nghiệp co cụm, phá sản không chỉ do lãi suất quá cao mà còn do sức mua của thị trường quá thấp. Hàng làm ra không bán được khiến doanh nghiệp gục ngã trên đống tài sản. Tình trạng này xảy ra ở nhiều lĩnh vực và đi từ nhà sản xuất đến nhà phân phối, bán lẻ.
Một thí dụ cụ thể như hiện nay doanh nghiệp thép chỉ chạy 50-60% công suất thiết kế, thậm chí có ít nhất sáu doanh nghiệp đã ngừng sản xuất vì hàng bán không được. Lượng hàng tồn kho ùn đọng khiến nhiều doanh nghiệp như ngồi trên đống lửa, còn các đại lý nhập hàng về nhỏ giọt, nhiều đại lý không cầm cự nổi phải bỏ nghề…
Đã quá trưa nhưng tại một đại lý phân phối sắt, thép lớn có tiếng trên đường Lý Thường Kiệt (TP.HCM) vẫn vắng hoe không một bóng khách. Đứng trước đống sắt, thép tồn kho nhập về nhiều chủng loại như: Pomina, Việt Nhật, Miền Nam… đang phủ bạt kín giữa kho, bà Trần Thị S. – chủ đại lý – lắc đầu ngao ngán: “Ế ẩm quá! Mặc dù đã bước vào mùa xây dựng nhưng sức mua vẫn giảm 30-40% so với năm ngoái. Năm ngoái lỗ nặng rồi, năm nay còn nặng hơn năm ngoái!”. Đến cả số người bốc xếp của kho này trước có 15 người, nay không bán được chỉ còn lại ba người mà có ngày cũng không có việc để làm.
Ximăng cũng cùng chung “số phận” với sắt thép. Người mua quá ít khiến các đại lý phân phối ximăng của Hà Tiên 1, Sông Gianh, Holcim, Nghi Sơn, Cẩm Phả, Hạ Long… đang phải “dở khóc dở cười”.
Tại kho hàng của vựa ximăng Thành Long trên đường Vạn Kiếp (Q.Phú Nhuận), bà Mai – chủ vựa – cho biết thời điểm này năm ngoái một tuần bà có thể bán được 800 bao, “nhưng giờ bán được 35-40 bao/tuần”. Kho hàng vốn chứa được trên 2.000 bao ximăng của bà Mai giờ rộng thênh thang, bà chỉ nhập hàng khi nào các công ty ximăng hạ giá hoặc khuyến mãi.
Các chủ cửa hàng nội thất trên đường Ngô Gia Tự (Q.10), Cộng Hòa (Q.Tân Bình)… cũng cho biết tình trạng buôn bán ế ẩm chưa từng thấy. Nhiều cửa hàng treo biển giảm giá 10-30% nhưng khách chẳng buồn nhìn tới.
Sáng bán vật liệu, chiều bán gà nướng
Doanh nghiệp Tường Nghĩa (Q.2, TP.HCM) chuyên tư vấn xây dựng và kinh doanh BĐS giờ chuyển sang bán bia
Kho hàng của Công ty cổ phần Phương Nam (đường Phan Xích Long, Q.Phú Nhuận) từng là nhà phân phối lớn của Ximăng Sông Gianh nay chỉ còn lại bãi đất trống được bao kín tôn xanh. Cạnh đó, kho hàng của Công ty Ngọc Thanh chuyên bán ximăng của Vincent và Hà Tiên 1 cũng ảm đạm không kém.
Cả khu kho hàng rộng gần 200m2 của công ty giờ chỉ còn lại vài bao ximăng, một ít gạch, cát. Phía ngoài cổng, chủ công ty phải rao bán chiếc xe tải thường dùng để chuyên chở ximăng cho khách. Còn phía trong cổng là nơi để chiếc xe đẩy bán khoai tây chiên, chân gà nướng của một người nhà trong công ty.
Một người dân ở đây cho biết: “Sáng thấy công ty bán vật liệu xây dựng, còn chiều thấy bán chân gà nướng, khách đến ăn chân gà nướng thì nhiều mà đến mua vật liệu thì không thấy!”.
Từng mọc lên như nấm sau mưa ở giai đoạn thị trường bất động sản (BĐS) ăn nên làm ra, nhiều công ty môi giới BĐS hiện nay chuyển sang bán… phở, chăn nệm, nước giải khát… Một số công ty xây dựng, đầu tư BĐS cũng đối diện với nguy cơ “chết trên đống tài sản” do khoản nợ quá lớn. Hàng loạt công ty hiện vẫn còn giữ lại cái tên nhưng thực chất đã “chết lâm sàng” hoặc chuyển đổi ngành nghề.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản phải chuyển nghề bán phở, nước giải khát, chăn nệm… – Ảnh: Gia Hân
Hơn 8g sáng ngày 26-3, sàn giao dịch BÐS Ng.Phi Hùng (tại 470 Nguyễn Thị Thập, P. Tân Quy, Q.7, TP.Sài Gòn) dù đã mở cửa nhưng chưa thấy mặt nhân viên nào. Mặt trước của công ty là một tiệm phở với bàn ghế bày biện la liệt. Ðây là sàn BÐS từng nhận được nhiều sự chú ý không chỉ của giới BÐS mà rất nhiều người khác, do được ca sĩ Nguyễn Phi Hùng đứng tên và đưa vào hoạt động giữa năm 2009. Gần 9g, các nhân viên của sàn BÐS Ng.Phi Hùng mới có mặt để… bán phở.
Tại một “chợ” địa ốc khác trên đường Cao Thắng nối dài (Q.10), hàng chục công ty BÐS mọc lên vào năm 2007 đến nay cũng đóng cửa gần hết. Danh sách các công ty BÐS “chết trẻ” có thể kể hàng loạt như Cổng địa ốc Sài Gòn, BÐS Cộng Sự, BÐS Ðất Giàu, BÐS Ðất Giàu Sài Gòn… Tính riêng trên đường Trần Não có đến 98% các công ty, văn phòng môi giới BÐS đóng cửa do ế ẩm.
Nhìn sơ lược qua cung cách làm ăn và sinh sống của giới được gọi là trung lưu hiện nay ở VN, bạn đọc đã hình dung ra con đường xuống dốc của họ đang diễn ra như thế nào. Giai cấp trung lưu đang nghèo đi hay chỉ là giai đoạn khó khăn? Những “cái chết lâm sàng” hay chết thật, những ông chủ đi làm thuê “thượng lưu” tạm thời hay làm thuê mãi. Chưa ai có thể trả lời câu hỏi này.
Theo HNSG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét