Pages

Thứ Bảy, 21 tháng 4, 2012

Lời thề từ Biển Đông

Tống Văn Công

Quần đảo Trường Sa tháng Tư năm nay sẽ ghi nhớ một sự kiện cao quý: Sáu nhà sư tự nguyện ra tiếp quản các ngôi chùa ở các đảo Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Sinh Tồn. Ý nguyện của họ thể hiện trong câu nói của Đại đức Thích Giác Nghĩa: “Nguyện là những người kế tiếp bảo vệ Tổ quốc và tri ân những người đã ngã xuống dưới lòng biển khơi”.
Các nhà sư đã long trọng làm lễ cầu siêu cho 64 anh hùng, liệt sĩ đã chiến đấu và anh dũng hi sinh trong trận chiến không cân sức năm 1988. Phía chúng ta là những chiếc tàu chở vật liệu xây dựng, những công binh trang bị vũ khí thô sơ, phía bên kia gồm nhiều tàu khu trục trang bị tên lửa, tàu hộ vệ trang bị pháo 105 ly quyết chiếm đảo Gạc Ma và Cô Lin của ta.

Tuy lực lượng quá chênh lệch, nhưng các chiến sĩ Việt Nam đã hết sức dũng cảm mưu trí, tìm mọi cách để giữ đảo. Khi tàu 605 bị bắn chìm, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ thấy có nguy cơ bị mất đảo, đã ra lệnh nhổ neo tàu 505 của mình, không phải để trốn chạy mà cho tàu trườn lên bãi đá Cô Lin tử thủ. Nhờ đó mà giữ được đảo này. Thượng úy Nguyễn Văn Chương, trung úy Nguyễn Sĩ Minh huy động anh em bị thương nhẹ đưa thương binh nặng và tử sĩ xuống xuồng, rồi một tay bám thành xuồng, một tay làm mái chèo bơi đi dưới mưa đạn của địch! …
Trong quyển Lịch sử hải quân Việt Nam có ghi lại, trước khi bị bắn chết, thiếu úy Trần Văn Phương tay đang cầm cờ Tổ quốc, cố sức giương cao hơn nữa, và hô lớn: “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo. Hãy để cho máu mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân!”. Cựu binh Trương Minh Hiền người sống sót trong trận chiến này cho biết, lúc ấy anh đứng sát bên cạnh nên nghe rất rõ và luôn ghi nhớ lời Trần Minh Phương, đúng là: “Hãy để máu chúng ta nhuộm đỏ Biển Đông, cương quyết không để mất đảo!”. Thật ra cả hai câu đều có cùng một nội dung (câu sau giống văn nói hơn), thể hiện ý chí của dân tộc ta khắc ghi di chúc thiêng liêng của Đức Trần Nhân Tôn: “Một tấc đất của tiền nhân để lại cũng không được để lọt vào tay kẻ khác”.
Ý chí đó ngày nay mạnh hơn bao giờ hết. Phong trào ủng hộ “Quỹ vì Trường Sa thân yêu”, “Góp đá xây dựng Trường Sa” được mọi tầng lớp nhân dân ở tất cả vùng, miền nhiệt liệt hưởng ứng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị nói: “Việc các tăng sĩ được tiến cử đi làm nhiệm vụ Phật sự tại các chùa trên đảo thuộc huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa) là hoạt động dân sự bình thường”. Năm nay, có đoàn cán bộ các ngành, các nhà khoa học, cả đoàn ca múa, nhạc… ra Trường Sa để nghiên cứu, khảo sát, thực hiện và mở rộng các đề tài khoa học tại Trường Sa như: Trồng thử nghiệm nhiều giống rau, cây ăn trái chịu mặn, thử nghiệm công nghệ xử lý chất thải rắn, nước thải trên đảo, chống rong rêu trên các thiết bị, ngoài ra còn nghiên cứu các vấn đề văn hóa, xã hội..
Nhiều tạp chí của sinh viên có những bài viết lặp lại tựa đề “Trường Sa không xa!” Đúng vậy, cả nước đang làm mọi việc để Trường Sa dù trước bão giông vẫn bình an giữa lòng Tổ quốc. Một chiến sĩ Trường Sa đã viết trong tờ nội san của mình: “Tiền nhân đã vạch lau lách, rừng bụi, bùn lầy để lãnh thổ nước ta vươn dài về phía Nam, vượt sóng lớn trùng dương đến Hoàng Sa, Trường Sa làm thành trì bảo vệ vững chắc cho Tổ quốc. Chúng ta những người Việt Nam lớp con cháu phải có trách nhiệm giữ vững quê hương yêu dấu!”
Chúng ta chỉ muốn hòa bình, nhưng luôn giữ ngọn lửa của liệt sĩ, anh hùng Trần Văn Phương trong tim mình, để khi bị gây hấn, Tổ quốc gọi, tất cả sẽ cùng hô vang: “Hãy để máu chúng ta nhuộm đỏ Biển Đông!”.
Tác giả gửi ngày 18-4-12

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét