Pages

Thứ Ba, 17 tháng 4, 2012

Ngày sinh của Ngôn Luận

- Anh nên đi rong ruổi khắp nơi trong nước, và khi người ta ném đá vào anh, anh nên kể cho họ biết, giúp cho họ hiểu, và chế nhạo tên lãnh chúa. Anh nên chế giễu hắn bằng cái lưỡi sắc bén như dao kiếm của anh, để vắt cạn kiệt sạch hết tất cả những nọc độc và mật đắng thối tha của hắn…
Không phải chỉ vì lợi riêng cho bản thân anh, cho đất anh, nhưng cũng vì lợi chung cho những ai giống như anh không có đất, những ai hoàn toàn trắng tay, những ai mà quyền duy nhất của họ là quyền đau khổ, và những ai chẳng có nhân phẩm để tự hào. Anh hãy dạy cho những người khốn khổ này tồn tại bằng chính đầu của họ, chứ không phải chỉ bằng đôi tay của họ không thôi!”

*
Bà con nhân từ ơi, hãy xúm lại mà nghe. Hề tôi đang ở đây này! Tôi là hề. Tôi nhảy múa và chọc cho bà con cười. Tôi chế giễu những kẻ cầm quyền, tôi chỉ cho bà con thấy bọn đầu sỏ vênh váo và cao ngạo ấy lúc nào cũng ham gây chiến tranh nhưng kẻ bị tàn sát trong chiến tranh mới chính là chúng ta. Tôi phơi bày con người thật của chúng. Tôi chỉ cần rút cái nút ra, thế là xì.xì..xì… chúng mềm xìu. Hãy xúm lại đây, vì bây giờ là lúc và nơi tôi bắt đầu làm trò cười và chỉ dạy bà con. Tôi nhào lộn, tôi hát và tôi chọc cười! Hãy xem lưỡi của tôi xoáy, chả thua gì dao vậy. Cứ nhớ như thế. Nhưng ngày xưa tôi vốn chẳng phải là…. Mà thôi, tôi muốn kể cho bà con nghe cơ duyên nào tôi lại trở thành người như ngày hôm nay.
Tôi sinh ra đời chẳng phải làm hề. Chẳng phải vô cớ mà tôi thình lình hiện ra như thế này, tưởng như có cơn gió mạnh từ trên trời đột ngột thổi thốc xuống đất và, úm ba la, tôi chợt hiện ra nói: “Kính thưa bà con cô bác… xin chào.” Không! tôi là kết quả của phép lạ! Phép lạ được thực hiện trên chính người tôi. Chẳng biết bà con có tin tôi không? Chuyện là như thế này. Tôi sinh ra đời là nông dân.
Bà con chắc hỏi tôi mà nông dân ư? Đúng, chân quê chính gốc đây bà con ơi. Tôi buồn, tôi vui như bao kẻ khác, nhưng tôi chẳng có đất. Đến cục đất chọi chim mà cũng chả có! Tôi làm việc như hết thảy bà con ở trong các thung lũng này, chỗ nào ai thuê thì tôi làm. Rồi ngày nọ tôi đi ngang qua ngọn núi, núi gì mà toàn là đá với đá. Núi vô chủ. Về sau tôi mới biết như thế. Tôi lân la dò hỏi mọi người.” Không! Chả có ai thèm lấy núi này đâu!”
Nghe thế, tôi leo lên đỉnh núi, đến nơi tôi lấy móng tay cào thử, và tôi thấy bên dưới có một chút xíu đất, và tôi thấy có chút nước chảy ra nhỏ giọt. Thấy vậy, tôi liền cào sâu thêm. Tôi đi xuống bờ sông, cực nhọc vất vả biết bao nhiêu mới mang được đất lên trên núi này. Con cái và vợ tôi cùng làm với tôi. Vợ tôi là người nhân hậu, nhân hậu và dễ thương, ngực tròn căng, dáng đi yểu điệu mềm mại. Nàng quả thật là đẹp! Tôi yêu vợ tôi lắm, nên mỗi khi có dịp nhắc đến nàng lòng tôi rất vui.
Trở lại câu chuyện, tôi dùng tay khiêng đất lên núi, và cỏ mọc rất nhanh! X..ẹ.t! Cỏ mọc tự nhiên. Bà con không biết chứ cỏ đẹp lắm đấy! Trông như những hạt bụi vàng lấp lánh! Chỉ cần tôi cắm cuốc xuống đất, thì nhanh như chớp… cây mọc lên. Đất ấy là phép lạ! Kỳ diệu! Khắp nơi có bạch dương, sồi và những loại cây khác. Tôi gieo đúng tuần trăng. Tôi biết cần phải làm gì, nên rau cải cây trái đến mùa mỡ màng, tươi tốt, thơm ngọt. Nào là rau diếp, cúc gai, đậu, cải đỏ, thứ nào cũng có. Cho tôi, cho chúng tôi!
Tôi thật hạnh phúc vô cùng! Chúng tôi thường ca múa, rồi những khi mưa dầm dề mấy ngày liền, rồi nắng lên rực rỡ, và tôi thường ra đứng ngắm nhìn, và tuần trăng lúc nào cũng thuận lợi, và gió không bao giờ mạnh quá, sương không bao giờ dày quá. Đất đẹp, đẹp vô ngần! Đất lành này là đất của chúng tôi. Đất được tôi đắp thành những bậc thang rất đẹp. Mỗi ngày tôi làm một bậc. Các bậc thang này trông giống như tháp Babel đẹp tuyệt. Tôi thề với bà con. Đất ấy là thiên đường, thiên đường trần thế. Cho nên tất cả các nông dân hay đi ngang qua ai nấy đều tấm tắc khen:
“Thật không ngờ, từ đống đá này mà bác đã tạo dựng được cơ ngơi đến như thế! Mà sao tôi cũng ngu thật, trước đây chẳng bao giờ nghĩ đến!” Từ đấy họ đem lòng ganh tị. Ngày nọ lãnh chúa của cả thung lũng đi ngang qua. Hắn nhìn rồi nói:
“Tháp này mọc ở đâu ra vậy? Đất này của ai?”
“Đất của tôi,” Tôi nói.” Đất này do chính tôi tạo ra, chính từ hai bàn tay này. Còn trước kia là đất vô chủ.”
“Vô chủ? Cái từ “Vô chủ” ấy không tồn tại. Đất của ta!”
“Không! Không phải của ông! Tôi đã đi gặp luật sư, ông ta nói đất này là đất vô chủ. Tôi đến hỏi linh mục, và ông ta cũng nói đất này là đất vô chủ. Nên tôi mới bồi đắp lên, mỗi ngày một ít.”
“Đất của ta, ngươi phải liệu mà trả lại cho ta.”
“Thưa ông, tôi không thể trao cho ông. Tôi không thể đi làm thuê cho người khác.”
“Ta sẽ đền bù cho ngươi; Ta sẽ cho ngươi tiền. Thôi, cho ta biết ngươi muốn bao nhiêu.”
“Không! Không, tôi không muốn tiền, vì nếu ông cho tôi tiền, thì số tiền ấy sẽ không đủ cho tôi mua miếng đất khác, rồi cuối cùng tôi cũng phải trở lại kiếp làm thuê cho người khác thôi. Không, tôi không muốn như thế. Tôi nhất định không.”
“Trả lại cho ta.”
“Không!”
Rồi hắn cười, bỏ đi. Ngày hôm sau linh mục đến, và ông ấy bảo tôi:
“Đất này thuộc về lãnh chúa thung lũng. Anh hãy thức thời mà trả đất lại đi. Ai lại dại thế. Mà anh hãy coi chừng, vì hắn là lãnh chúa thừa độc ác, lại lắm quyền thế. Thôi bỏ quách đất này đi. Lạy Chúa, tôi mong anh hãy thức thời!”
“Không! Tôi trả lời ông ấy.” Tôi nhất định không.”
Nói xong tôi lấy tay ra dấu thô tục với ông. Rồi ông luật sư cũng đến. Trời, bà con biết không, ông ấy đổ mồ hôi mồ kê nhễ nhại khi leo lên núi tìm tôi.
“Hãy thức thời thôi, anh ạ. Luật thì đầy ra đấy… mà anh cũng nên biết anh không thể… như thế được, với anh thì…”
“Không! Không!”
Và tôi cũng lấy tay ra dấu thô tục với ông, ông ấy vừa bỏ đi vừa chửi thề.
Nhưng tên lãnh chúa không bỏ cuộc. Không! Hắn bắt đầu tổ chức những chuyến đi săn trên núi, và hắn lùa đuổi tất cả thỏ rừng chạy tứ tán khắp nơi trên đất tôi. Hắn cùng bạn săn cỡi ngựa phi qua phi lại ngang qua đất của tôi làm sụp đổ cả mấy hàng giậu. Rồi ngày nọ hắn phóng hỏa đốt toàn bộ đất đai của tôi. Lúc ấy trời đang vào hè; lại thêm hạn hán. Hắn phóng hỏa đốt toàn bộ ngọn núi, và thiêu rụi mọi thứ, kể cả gia súc và nhà của tôi.Nhưng tôi cương quyết không đi! Tôi chờ đợi, và tối hôm đó trời bắt đầu mưa. Sau khi mưa tạnh, tôi bắt đầu dọn dẹp, và dựng các cột hàng rào trở lại như cũ, và thay lại đá, lại khiêng đất mới từ dưới sông lên, rồi tưới nước cho tất cả cây cối. Tôi thề cương quyết không rời khỏi nơi đấy! Và tôi đã một bước cũng không đi!
Nhưng ngày kia hắn lại đến, đi cùng với đám lính, và hắn cười. Lúc ấy chúng tôi, con cái và vợ chồng, đều đang làm ở ngoài đồng. Hắn đến. Hắn xuống ngựa. Hắn tụt quần xuống. Hắn bước đến vợ tôi, chụp lấy nàng, vật nàng ngã lăn xuống đất, xé toang váy nàng ra và… Tôi cố lao đến, nhưng bọn lính giữ chặc tôi lại. Rồi hắn nhảy đè lên người nàng và hãm hiếp nàng như thể nàng là con bò. Còn tôi và đàn con phải đứng đấy nhìn, mắt chúng tôi trợn trừng trừng tưởng như muốn rớt ra ngoài… Tôi sấn tới, tôi vùng lên nhảy ra được. Tôi chụp lấy cây cuốc và tôi thét lên:
“Thằng khốn nạn!”
“Đừng, mình ơi,” vợ tôi khóc.” Đừng làm thế, mình ơi. Đừng mắc bẫy họ, họ chỉ chờ có thế thôi. Nếu mình giơ cái cuốc lên họ sẽ giết mình ngay. Mình có hiểu không? Họ chỉ muốn giết mình để cướp đất. Họ chỉ muốn thế. Hắn nhất định sẽ tự vệ. Chẳng đáng đánh lại hắn, mình ơi. Mình không có danh dự để bảo vệ. Mình là phận nghèo, mình là nông dân, là dân quê, mình không thể mơ tưởng về danh dự và nhân phẩm. Những cái đó chỉ dành cho nhà giàu, cho lãnh chúa và quý tộc. Họ có quyền tức giận nếu người ta hãm hiếp vợ con họ. Nhưng mình không có quyền tức giận! Thôi đừng để tâm đến nữa, mình ơi. Đất này còn đáng hơn cả danh dự của mình lẫn danh dự của em. Nó còn đáng hơn tất cả mọi thứ trên đời! Em đã trở thành con bò, con bò vì yêu mình, mình ơi!”
Rồi tôi bắt đầu khóc, vừa khóc vừa nhìn quanh. Đám con cũng khóc nức nở. Còn bọn lính và tên lãnh chúa thung lũng, đột ngột bỏ đi, cười nói, vui vẻ, hả hê. Chúng tôi khóc, khóc hơn mưa! Chúng tôi chẳng dám nhìn thẳng vào mắt lẫn nhau. Rồi khi chúng tôi đi vào làng, người ta bắt đầu ném gạch, đá vào chúng tôi. Họ la to:
“Hừ, mày đúng là đồ con bò, mày không có can đảm bảo vệ danh dự của mày, vì mày chả có danh dự gì. Mày chỉ là con vật. Lãnh chúa đè vợ mày ra hiếp, thế mà mày đứng trơ mặt ra đó chẳng dám nói lời nào, chỉ vì miếng đất không đáng ấy. Mày là kẻ đốn mạt!”
Còn khi vợ tôi có việc đi quanh làng:
“Đồ con đĩ, đồ con bò!” Họ la to sau lưng nàng. Rồi họ bỏ chạy tránh xa nàng ra. Họ không để cho nàng đi vào nhà thờ. Không một ai cho phép nàng đi vào nhà thờ! Còn các con tôi không dám đi vào làng vì sợ bị chê cười. Chẳng có ai nhìn thẳng vào mắt chúng tôi. Vợ tôi bỏ nhà ra đi! Tôi không bao giờ gặp lại nàng nữa. Giờ đây tôi không biết nàng trôi giạt về đâu. Còn các con tôi tránh nhìn mặt tôi. Rồi chúng ngả bệnh, nhưng câm lặng không than khóc gì. Chúng chết. Từ ngày đấy, tôi sống thui thủi một bóng một mình trên đất này. Tôi không biết làm gì. Vào một tối nọ, tôi lấy ra đoạn dây thừng, rồi ném dây qua xà nhà.
Tôi tròng thòng lọng vào cổ, rồi lẩm bẩm:
“Thôi, thế là hết. Bây giờ mình sẽ chấm dứt mọi khổ đau kiếp người, ngay bây giờ!”
Tôi sắp sửa thực hiện được điều ấy, tức treo cổ, bỗng tôi cảm thấy có ai đó đặt tay lên vai mình. Tôi quay lại thì thấy một người có đôi mắt to và vẻ mặt xanh xao.
Ông nói với tôi: “Ông ơi, làm ơn cho tôi xin nước uống.”
“Trời đất ơi, tôi hỏi ông, có đời ai lại thấy người ta sắp treo cổ mà mình lại đến xin nước uống không?”
Tôi nhìn ông, và thấy ông cũng có vẻ mặt của một người nghèo khốn khổ. Rồi tôi nhìn xa hơn, và thấy có hai người nữa, mặt của họ cũng đượm đầy đau khổ.
“Thôi được, tôi lấy nước cho các ông uống trước. Rồi tôi treo cổ sau cũng được.”
Thế là tôi lấy nước cho họ uống, rồi tôi nhìn kỹ họ:
“Mà lẽ ra các ông phải xin thêm cái gì khác ngoài nước chứ, trông các ông có vẻ đói lắm rồi! Lâu nay tôi cũng chẳng thiết tha nấu ăn gì… Nhưng thôi, các ông có đói, thì tôi cũng có thức ăn tạm ở đây.”
Tôi lấy cái nồi đặt lên bếp lửa để nấu những hạt đậu lớn. Tôi múc ra cho mỗi người một bát, và họ ăn rất ngon lành. Còn tôi, tôi không đói lắm. “Mình cứ chờ cho họ ăn xong đã, ” tôi nghĩ bụng, “rồi treo cổ cũng chả muộn.” Thế rồi, trong lúc ăn, người có đôi mắt to nhất trông thật nghèo khổ đáng thương bắt đầu mỉm cười. Ông nói:
“Nhà ông chắc có chuyện ghê gớm lắm mới xui khiến ông muốn treo cổ. Nói vậy, chứ tôi biết tại sao ông muốn chết. Ông đã mất tất cả mọi thứ, nào vợ, nào con, giờ ông chỉ còn có đất của ông thôi. Vâng, tôi hiểu hết cơ sự chứ. Nhưng giá như tôi là ông, tôi sẽ chẳng tìm đến cái chết.”
Nói xong ông ăn tiếp. Ông ăn rất ngon lành! Rồi cuối cùng, dẹp chén bát qua bên, ông nói:
“Ông có biết tôi là ai chăng?”
“Không, nhưng tôi chợt nghĩ ra ông chắc là Chúa Giêsu Kitô.”
“Hay thật! Ông đoán đúng. Còn đây là Thánh Phêrô, kia là Thánh Máccô.
“Thật là hân hạnh được gặp Đức Chúa Giêsu và các Thánh! Chẳng hay Đức Chúa và các Thánh đến vùng này có việc gì chăng?”
“Bạn ta ơi, ông cho tôi ăn, nên để đền đáp lại bây giờ tôi sẽ cho ông nói.”
“Nói? Nói gì đây?”
“Anh bạn đáng thương ơi! Anh bám đất là phải; anh không muốn đi cày thuê cuốc mướn cho người khác là phải; anh có sức mạnh không bỏ cuộc là phải; những gì anh làm đều phải… Tôi mến anh, một con người tốt, một con người mạnh mẽ. Nhưng có một điều phải mà anh không làm nhưng đấy chính là điều anh nên làm (Đức Chúa Giêsu chỉ vào trán và miệng mình).
Anh đừng nên vùi thân ở đất này. Anh nên đi rong ruổi khắp nơi trong nước, và khi người ta ném đá vào anh, anh nên kể cho họ biết, giúp cho họ hiểu, và chế nhạo tên lãnh chúa. Anh nên chế giễu hắn bằng cái lưỡi sắc bén như dao kiếm của anh, để vắt cạn kiệt sạch hết tất cả những nọc độc và mật đắng thối tha của hắn.
Anh phải nghiền nát bọn quý tộc này, những tay linh mục này, và tất cả những kẻ xúm xít quanh hắn: từ những gã công chứng đến những tên luật sư vân vân. Không phải chỉ vì lợi riêng cho bản thân anh, cho đất anh, nhưng cũng vì lợi chung cho những ai giống như anh không có đất, những ai hoàn toàn trắng tay, những ai mà quyền duy nhất của họ là quyền đau khổ, và những ai chẳng có nhân phẩm để tự hào. Anh hãy dạy cho những người khốn khổ này tồn tại bằng chính đầu của họ, chứ không phải chỉ bằng đôi tay của họ không thôi!”
“Chúa ơi, nhưng Chúa không hiểu? Con là kẻ bất tài. Lưỡi con cứ đớ ra. Con nói năng thì ngập ngừng luống cuống. Con lại thất học, nên đầu óc con tăm tối ngu muội chẳng ích gì. Thử hỏi con làm sao làm tốt lời Chúa dạy đi khắp nơi nói chuyện với người khác?”
“Đừng ngại. Bây giờ anh sẽ thấy phép lạ.”
Chúa đặt hai tay lên đầu tôi, và kéo tôi về phía Người. Rồi Người nói:
“Ta là Giêsu Kitô. Ta đến để ban cho ngươi sức mạnh của ngôn luận. Từ đây lưỡi của ngươi sẽ cắt, sẽ chém giống như kiếm, sẽ đâm thủng những bong bóng ngạo mạng vênh váo trên khắp đất nước này. Ngươi sẽ lên án những gã chủ, và nghiền nát chúng, để những người khác nhờ đó có thể hiểu ra và thấy, để họ có thể cười vào mặt chúng và chế nhạo chúng, vì chỉ có tiếng cười mới tiêu diệt được bọn chủ này. Khi ngươi cười nhạo lũ cai trị, thì bọn chúng từ sừng sững như núi sẽ co rút thành đống đất nhỏ rồi chẳng là gì hết. Đây, ta sẽ hôn ngươi, nhờ đấy sẽ giúp ngươi nói.”
Chúa hôn lên miệng tôi. Người hôn tôi thật lâu. Bỗng bất ngờ tôi cảm thấy lưỡi của mình cựa quậy không ngừng trong miệng, não tôi bắt đầu hoạt động, và chân tôi bắt đầu tự ý di chuyển, và tôi đi ra ngoài đường làng và bắt đầu la to:
“Bà con ơi, hãy xúm lại! Hãy xúm lại mà nghe bà con ơi! Hề tôi đang ở đây này! Tôi sẽ diễn hài châm biếm cho bà con xem. Tôi sẽ đâm thẳng vào tên lãnh chúa đó, vì hắn là một bong bóng lớn, và tôi sẽ dùng lưỡi sắc bén của mình để làm hắn vỡ tung ra. Tôi sẽ kể hết cho bà con nghe cho tỏ tường, sự đời là như thế nào, và Chúa không phải là kẻ cắp! Kẻ cắp mà không bị trừng phạt… chính là lũ viết ra những bộ sách luật dày cộp… Chính là bọn nó đấy, bà con ơi. Cho nên chúng ta phải nói hết, nói thẳng, phải lên án bọn chúng. Bà con ơi, hãy lắng nghe- chúng ta hãy tiêu diệt chúng, chúng ta hãy nghiền nát lũ cai trị khốn khiếp này…!
Dario Fo sinh năm 1926. Nhà viết kịch người Ý nổi tiếng với những tác phẩm châm biếm. Ông được trao tặng giải Nobel văn chương năm 1997. Tựa đề của người dịch.
Nguồn: Tựa đề bản tiếng Anh “The Birth of Jongleur” từ tác phẩm Mistero Buffo, nhà xuất bản Methuen London Ltd &; Random House UK Limited 1988, bản dịch tiếng Anh của Ed Emery, trang 48-54
Người dịch có tham khảo một bản dịch tiếng Anh khác của Ron Jenkins từ tác phẩm Mistero Buffo The Collected Plays of Dario Fo, nhà xuất bản Theatre Communications Group, New York, 2006, trang 7-18, tựa đề “The Birth of Giullare”
Toàn bộ tác phẩm Mistero Buffo qua bản dịch của Ed Emery được đưa lên mạng ở địa chỉ sau:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét