Pages

Thứ Ba, 24 tháng 4, 2012

Đọc Orwell ở Hà nội

Võ Văn Ái

Một thẩm phán nhắc nhở các Bloggers cách Việt Nam điều hành «công lý» ra sao .
Một lần nữa chứng cớ khôi hài lại tiếp diễn, Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ niên khóa 2014 – 2016. Vận mệnh nhân quyền rồi đây sẽ ra sao khi Hà Nội ngồi vào ghế ấy ? Chỉ cần xem trường hợp xẩy ra cho ba nhà bloggers hiện đang đối diện với một phiên tòa khiến ta nhớ lại câu chuyện trước kia ở thế kỷ Orwell (1).
Nguyễn Văn Hải (bút hiệu Điếu Cày trên blog), Phan Thanh Hải (bút hiệu Anh Ba Saigon trên blog) và Tạ Phong Tần (cựu sĩ quan công an và cựu đảng viên Cộng sản, chủ blog có tên Công lý và Sự thật) sẽ đối diện một phiên tòa với « tội xâm phạm an ninh quốc gia ». Cả ba là thành viên của Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do, thành lập năm 2008, để kêu gọi quyền thiết lập truyền thông độc lập và thăng tiến tự do ngôn luận, cũng như cho các nhà báo tự do tại Việt Nam. Ở Hà Nội với chế độ chuyên chế theo hệ thống một đảng, hành động ôn hòa như thế sẽ bị kết tội « tuyên truyền chống phá Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam » chiếu điều 88 trong bô luật hình sự.

Tiếc thay những vụ án như vậy không là chuyện hiếm có. Hằng tá nhà hoạt động nhân quyền và bloggers đã bị giam tù theo cách buộc tội như thế mấy năm gần đây. Tuy nhiên ba trường hợp nói trên đáng được chú ý vì những tiết lộ mới.
Tuần trước, một vị thẩm phán ở thành phố Hồ Chí Minh theo dõi vụ án (dù không là vị chủ tọa phiên tòa) cho một số thành viên pháp lý địa phương biết rằng các bị can nên khôn ngoan nhận tội để tránh án tù nặng nề. Dù không nói trực tiếp với các bị can hay các luật sư bào chữa, hình như ông ta mong thông điệp nói thay cho chế độ này được phản hồi tới các bị can, và những ai khác muốn hoạt động cho nhân quyền trong tương lai. Điều có thể tin được khi ta biết công an thường gây áp lực như thế trên các tù nhân chính trị. Nhưng hình như đây là lần đầu tiên một vị thẩm phán có cùng chủ trương.
Nếu ba nhà bloggers thực sự có tội, và được xét xử công minh trong hệ thống pháp luật minh bạch, thì đây quả là lời khuyên xác đáng – bị can vô tội thường khai có tội để được giảm án. Nhưng cả hai điều kiện nói trên chẳng có trong trường hợp này. Dưới pháp luật Việt Nam, vị thẩm phán cảnh cáo, sự vô tội không đủ cho việc bảo vệ bị can nếu bị can không chịu nhận tội trước tòa án. Những bị can tiếp tục « bướng bỉnh » không chịu nhận tội sẽ lãnh án tù nặng hơn.
Vị thẩm phán nói trên cũng cho biết sự trì hoãn xét xử ba nhà bloggers – lẽ đã đưa ra tòa từ tuần lễ trước – vì ba cơ quan An ninh, Viện Kiểm sát Nhân dân, và Tòa án chưa ngã ngũ về mức án cho ba bị can. Cơ quan An ninh muốn nâng mức án thật cao từ 14 đến 16 năm tù cho Điếu Cày, 12 đến 14 năm cho Tạ Phong Tần, và 7 đến 9 năm tù cho Phan Thanh Hải. Trong khi đó hai trong « nhóm tam hùng » kia đề xuất án nhẹ hơn. Phán quyết nhận tội là dự báo cuối cùng.
Ba nhà bloggers có thể nhìn những tấm gương đã xẩy ra, nếu không chấp nhận lời cố vấn của vị thẩm phán. Nhà hoạt động cho dân chủ Trần Huỳnh Duy Thức sau khi tuyên bố vô tội đã bị kết án 16 năm tù tháng giêng năm 2010 vì tội chống nhà nước – ngoài những hoạt động khác, ông viết nhiều bài đăng trên mạng kêu gọi cải tổ chính trị. Tại phiên xử này, các nhà hoạt động khác đã nhận tội, trong có luật sư nhân quyền Lê Công Định, nên chỉ lãnh án từ 3 năm rưởi đến 7 năm.
Nếu cáo trạng đã biển lận, thì tại sao chế độ lại muốn thúc đẩy sự nhận tội ? Dường như Hà Nội tin rằng chịu nhận tội [của các bị can] sẽ củng cố cho việc Hà Nội thường khẳng định « không hề có tù nhân chính trị » tại Việt Nam, bởi vì như Hà Nội biện luận, các bị can này đã thú tội phạm pháp nghiêm trọng.
Sự chênh lệch trong những án tù là việc đáng lo trong mọi trường hợp, nhưng tại Việt Nam thì hậu quả trở thành đặc biệt nghiêm trọng do cách cư xử với các tù nhân chính trị. Tất cả tù nhân, dù là tù chính trị hay thường phạm, đều phải xuất tiền túi chi trả cho những nhu cầu cơ bản, kể cả những nhu cầu bổ túc cho khẩu phần chết đói. Trong khi các thường phạm được nhận từ gia đình mỗi tháng 2 triệu đồng (khoảng 96 Mỹ kim), ba nhà bloggers nói trên chỉ nhận được năm trăm nghìn đồng.
Chẳng đủ thấm vào đâu cho việc sống còn tối thiểu. Căn tin do công an làm chủ bán giá 400.000 đồng một kí đường, 25.000 đồng một lon sữa hộp, hay 300,000 đồng nửa ký chả lụa.
Hơn nữa sự chênh lệch đối xử trên phương diện tài chính xói mòn lời khẳng định của Hà Nội, rằng không có tù nhân chính trị tại Việt Nam. Trong thực tế, mọi người đều biết vì sao Điếu Cày bị cấm cố : hoạt động của anh gây lúng túng cho Hà Nội và ông chủ của họ ở Bắc Kinh. Anh bị bắt lần đầu tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2008 sau khi tổ chức cuộc biểu tình chống Trung quốc nhân cuộc rước đuốc thế vận hội. Sau khi bị giam tù 30 tháng với cáo buộc giả trá « trốn thuế », lại tiếp tục bị giam vào đúng ngày anh mãn hạn tù tháng 10 năm 2010 với tội danh « tuyên truyền chống phá nhà nước Xã hội chủ nghĩa ». Anh bị biệt giam suốt 17 tháng qua.
Ở bất cứ quốc gia thực sự hiện đại nào, Điếu Cày và hai nhà bloggers kia sẽ vô tội dưới bất cứ danh nghĩa « tội phạm » nào. Cả ba người chỉ khẳng định các quyền được quy định tại điều 69 và điều 53 trong Hiến Pháp Việt Nam, bảo đảm quyền tự do ngôn luận và quyền kiến nghị chính phủ.
Hà Nội phải trả tự do cho họ. Các chính phủ trên thế giới cần can thiệp Hà Nội để thực hiện việc trả tự do này, nếu Hà Nội còn muốn đảm trách vị trí nhân quyền nổi bật tại LHQ.
Ông Ái là Chủ tịch cơ sở Quê Mẹ : Hành động cho Dân chủ Việt Nam
——————–
(1) George Orwell (1903 – 1950), nhà báo và tác giả người nước Anh, nổi danh ở thế kỷ 20 với hai tập truyện « Animal Farm » (Trại súc vật), ngụ ngôn chính trị trong một nông trại dựa trên sự phản bội Cách mạng Nga của Staline, và « 1984 », diễn tả bằng trí tưởng chế độ độc tài toàn trị trong tương lai. Cuốn sách gây tác động sâu sắc từ đề sách đến các thành ngữ mới như « Big Brother is watching you » (Đại ca đang theo dõi bạn), « newspeak » (ngôn ngữ mới), « doublethink » (tư duy kép, hay ba phải)… đã thành ngôn ngữ thường tục.
Theo: queme.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét