“… có một thực tế tồi tệ phổ biến trong cưỡng chế. Đó là thiếu minh bạch, cản trở báo chí tác nghiệp. Mặc dù hoạt động cưỡng chế không thuộc phạm trù bí mật, hầu hết trường hợp, phóng viên đến hiện trường tác nghiệp đều bị lực lượng trực tiếp tham gia cưỡng chế cản trở hung hăng…”
Vụ cưỡng chế Văn
Giang
Vụ cưỡng chế quyết liệt ở huyện Văn Giang (tỉnh
Hưng Yên) làm công luận cả nước và truyền thông quốc tế chấn động. Thật khó tin
khi dư âm đau lòng vụ Tiên Lãng chưa dứt, lại tiếp đến Văn Giang rầm rộ cưỡng
chế, lửa khói ngút trời, súng nổ dữ dằn.
Trong vụ Tiên Lãng, Chính phủ và các cơ quan chức
năng nhìn nhận chính sách đất đai, vấn đề đền bù giải tỏa, cưỡng chế còn nhiều
bất cập… quan chức địa phương sai phạm, khuất tất, đẩy người dân vào đường cùng,
phản ứng tiêu cực.
Trong vụ Văn Giang, địa phương khẳng định làm
đúng. Theo họ, người dân không thắc mắc giá đền bù, mà phủ nhận dự án. Điều đó
là bất khả thi, buộc phải cưỡng chế, vì Thủ tướng đồng ý dự án… Những ngày qua,
báo chí trong nước đăng thưa thớt, nhiều báo gỡ bài đăng online. Trên mạng, dậy
lên làn sóng bloger và công chúng lên án cưỡng chế, người dân tố cáo mức đền bù
rẻ mạt, chủ đầu tư “cò kè bớt một thêm hai”, cưỡng chế bất minh, tàn bạo… Nhưng
cũng có một số ý kiến cho rằng chính quyền không sai, viện dẫn luật đất đai và
các văn bản liên quan.
Trái với tuyên bố của chính quyền, rằng cuộc
cưỡng chế thành công nhanh gọn, có Viện Kiểm sát chứng kiến, không có nổ súng,
không có thương vong… các videoclip người dân quay bí mật cho thấy, hàng nghìn
công an trang bị kỹ lưỡng cùng vũ khí, thiết bị hùng hậu được huy động, súng nổ
ran trời, khói lửa mịt mùng, đó đây người dân bị lực lượng cưỡng chế xúm lại
đánh đập, đá thúc mạng sườn, tiếng phụ nữ uất hận chửi thề… Trong khi đó, phóng
viên báo chí bị cản trở tiếp cận, hiện trường nhan nhản bảng “cấm quay phim chụp
ảnh”… Những ai đau đáu Văn Giang, đều không khỏi nghẹn ngào căm giận, lo ngại
cho số phận bấp bênh của người dân thấp cổ bé họng, về bất ổn xã hội… Ở tầm sâu
hơn, những người từng trải, nhiều cống hiến, day dứt hiện tượng lực lượng vũ
trang nhân dân dùng vũ lực với dân, băn khoăn một nhà nước “của dân, do dân, vì
dân”, quan ngại tồn vong chế độ, tương lai đất nước…
Thu hồi đất
Những người cho rằng chính quyền không trái luật
viện dẫn Luật đất đai để chứng minh. Dù phê phán và quan ngại cảnh tượng “hàng
ngàn cảnh sát chống bạo động, “khiên – giáo tua tủa”, đối đầu với vài trăm nông
dân cuốc xẻng trong tay không”, nhà báo Huy Đức (bloger Osin) trích dẫn và nhận
định: “lợi ích quốc gia” chủ yếu là những “dự án đầu tư có nhu cầu sử dụng đất
phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền
xét duyệt”. Và: “Dự án Ecopark đã được Thủ tướng phê duyệt, nếu chiểu theo Luật
2003, việc nông dân Văn Giang không chịu bị thu hồi nên bị cưỡng chế là hoàn
toàn phù hợp với Điều 39”. Theo Huy Đức, Luật 1993 bị sửa nhiều lần, đến Luật
2003, quy định “trở nên rắc rối và dễ bị lũng đoạn hơn”, “lợi ích đại gia” trở
thành ngang hàng mục tiêu cao cả “lợi ích quốc gia”.
Phải chăng có sự nhầm lẫn ở đây? Thực tế, điều 39
– Luật 2003 quy định trong trường hợp “thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc
phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng”. Dự án Ecopark có vì mục
đích trên?
Trong khi đó, điều 40 – Luật 2003 (thu hồi đất để
sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế) quy định:
“1. Nhà nước thực hiện việc thu hồi đất để sử
dụng vào mục đích phát triển kinh tế trong trường hợp đầu tư xây dựng khu công
nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế và các dự án đầu tư lớn theo quy định của
Chính phủ.
Việc thu hồi đất được thực hiện theo quy định
tại Điều 39 của Luật này.
2. Đối với dự án sản xuất,
kinh doanh phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt
thì nhà đầu tư được nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp
vốn bằng quyền sử dụng đất của các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá
nhân mà không phải thực hiện thủ tục thu hồi
đất”.
Do vậy, Ecopark ở Văn Giang, với nội dung đã công
bố và quảng cáo rộng rãi, hiển nhiên là dự án kinh doanh, chủ đầu tư chỉ được
phép nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng
đất của các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân; chính quyền không được phép
thực hiện thủ tục thu hồi đất.
Câu chuyện Thụy Điển
Liên quan nội dung này, câu chuyện sau, do một
nhà báo Thụy Điển kể, rất đáng suy ngẫm:
Một dự án mở tuyến đường sắt, muốn xuyên qua một
vùng dân cư, bị cư dân địa phương phản đối. Họ lập luận, tổ tiên và họ đã khai
phá, định cư ở đó hơn 300 năm. Bây giờ cái đường sắt kia mới từ đâu lù lù tới,
hòng nhảy vào chiếm chỗ, muốn họ phải dời đi nơi khác. Tại sao nó không biết
tránh họ, mà họ lại phải tránh nó? Kết cục, nhà nước quyết định tuyến đường sắt
đó phải hoạch định lại, đi vòng, tránh vùng dân cư nọ.
Nhà báo này cho biết, Thụy Điển không quy định
đất đai thuộc sở hữu toàn dân hay nhà nước, cũng như hầu hết quốc gia phát triển
đều thừa nhận sở hữu tư nhân về đất đai. Nhưng không phải vì thế mà Thụy Điển và
các nước đó chậm phát triển hạ tầng. Một khi nhà nước muốn thực hiện dự án vì
mục đích công cộng, phải cân nhắc cái được đại cục cho xã hội lớn hơn rất nhiều
cái mất cục bộ của cá nhân, cộng đồng bị tác động do dự án. Chính vì cái được
lớn hơn rất nhiều cái mất, xã hội (ngân sách nhà nước) sẵn sàng bù đắp thỏa đáng
cho cá nhân, cộng đồng bị tác động. Được bù đắp lớn hơn rất nhiều so với mất,
lại vì lợi ích chung, có điên mới phản đối. Nhờ vậy, hạn chế được nguy cơ lạm
quyền quyết ẩu, lãng phí, tham nhũng… Công luận không bao giờ phản đối việc nhà
chức trách cưỡng chế trong trường hợp cá nhân, doanh nghiệp vay tiền ngân hàng,
rồi chây nợ hay nhận tiền bán nhà, rồi không chịu giao nhà.
Cưỡng chế
Hiện tượng cưỡng chế đất cho các dự án kinh
doanh, các khu đô thị mới… trong những năm gần đây gây nhiều bức xúc, làm người
dân giảm sút lòng tin. Như trên đã nêu, dù không muốn, việc cưỡng chế vẫn phải
thực hiện trong những trường hợp đúng đắn và thật cần thiết. Thế nhưng có một
thực tế tồi tệ phổ biến trong cưỡng chế. Đó là thiếu minh bạch, cản trở báo chí
tác nghiệp. Mặc dù hoạt động cưỡng chế không thuộc phạm trù bí mật, hầu hết
trường hợp, phóng viên đến hiện trường tác nghiệp đều bị lực lượng trực tiếp
tham gia cưỡng chế cản trở hung hăng, thậm chí không ít phóng viên còn bị cướp
máy ảnh, hành hung(!). Chính vì không có sự giám sát của báo chí, hiện tượng
cưỡng chế sai ẩu, lạm dụng vũ lực, hành hung vô lối và thái quá với người bị
cưỡng chế rất phổ biến.
Nếu nhà nước nhìn nhận bất cập đã nêu, cần quy
định trong quy trình cưỡng chế, phải thực hiện việc tổ chức, tạo điều kiện báo
chí giám sát, quy định đây là yêu cầu tối quan trọng và bắt buộc, nếu không thực
hiện nghiêm túc hoặc thực hiện chiếu lệ, phải chịu chế tài nghiêm khắc.
Càng ít cưỡng chế, càng tốt
Như trên đã phân tích, nhìn chung hành vi cưỡng
chế gây phản cảm, bức xúc, xáo trộn xã hội, tạo mầm mống bất an, bạo loạn. Đó là
điều người dân lương thiện và bất cứ thể chế nào cũng không mong muốn.
Nhìn lại vụ Văn Giang, vụ cưỡng chế lại nhằm vào
nông dân nghèo khó chất phác, lấy đi mảnh đất – kế sinh nhai duy nhất của họ –
để giao cho dự án kinh doanh của một vài người giàu. Để có được giang sơn hôm
nay, Đảng từng xác định nông dân là quân chủ lực. Nhiều triệu con em nông dân đã
hy sinh xương máu, hàng trăm triệu nông dân nhiều thế hệ đã đổ mồ hôi, sôi nước
mắt, chắt chiu từng hạt thóc trong và sau chiến tranh để có chính quyền hôm nay.
Vụ Tiên Lãng, dưới góc nhìn của nhiều lão thành cách mạng, là thất bại chính trị
nặng nề, khi chính quyền giải quyết vấn đề bằng vũ lực đối với nhân dân.
Bất cứ vụ cưỡng chế nào tương tự Tiên Lãng hay
Văn Giang, cũng đi ngược với tuyên bố mới đây của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng:
“Chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân,
do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số
giàu có… Pháp quyền dưới chế độ XHCN là công cụ thể hiện và thực hiện quyền làm
chủ của nhân dân, bảo vệ lợi ích của đại đa số nhân dân… Nguy cơ đối với đảng
cầm quyền là tham nhũng, quan liêu, thoái hoá…”…
V.V.T.
Theo:
ABS
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét