Pages

Thứ Tư, 18 tháng 4, 2012

Quốc gia hà khắc nhất Đông Nam Á?

Cảnh sát và dân phòng Việt Nam
Sự thay đổi nhanh chóng và mạnh mẽ tại Miến Điện đang khiến giới quan sát đưa ra những dự đoán và bình luận về Việt Nam, đất nước cùng trong khối Asean và từng được cho là có một số nét tương đồng với Miến Điện.
Tạp chí uy tín Foreign Policy hôm 17/4 vừa có bài của cây bút Dustin Roasa nhận xét rằng nay Việt Nam đã trở nên quốc gia hà khắc nhất Đông Nam Á. BBCVietnamese.com xin giới thiệu cùng quý vị.
Bài viết mang tựa đề The Terrible Tiger (Con hổ dữ) bắt đầu bằng nhận định rằng bốn thập niên sau khi kết thúc chiến tranh, đất nước Việt Nam được xem như một hình mẫu của thành công, với nền kinh tế phát triển vũ bão, sự hình thành của giới trung lưu và các lĩnh vực du lịch, sản xuất đều tăng trưởng mạnh.
Thế nhưng tình hình trấn áp bất đồng chính kiến ở Việt Nam, theo bài báo, đang gây quan ngại.

Vào lúc Miến Điện mở cửa dân chủ hóa, với việc trả tự do cho hàng trăm tù chính trị từ 13/1 tới nay, nhà chức trách Việt Nam lại bắt giữ ít nhất 15 nhân vật bất đồng chính kiến và khép án tù đối với 11 người khác.
"Trong khi lãnh tụ dân chủ Miến Điện Aung San Suu Kyi vừa thắng cử trong cuộc bầu bổ sung, thì các nhân vật đấu tranh nổi tiếng nhất của Việt Nam đang mỏi mòn trong các nhà tù, bị quản chế hay bị cải tạo".
Và nhất là "trong khi Miến Điện cấp visa cho phóng viên nước ngoài và nới lỏng quản lý báo chí trong nước, Việt Nam tiếp tục kiểm soát chặt các nhà báo trong nước và nước ngoài, chặn Facebook và các website "nhạy cảm" khác, khiến tổ chức Phóng viên không Biên giới xếp nước này vào vị trí cuối bảng trong số các nước Đông Nam Á trên danh sách Tự do báo chí 2011-2012."
Nếu tính cả 179 quốc gia trên toàn cầu, thì Việt Nam xếp thứ 172, chỉ trên có Trung Quốc hai nấc.
Ông Phil Robertson, phó giám đốc khu vực Á châu của tổ chức Human Rights Watch, nói: "Việt Nam bắt đầu nhận thấy rằng với việc trấn áp của mình, họ đã khiến người ta so sánh một cách bất lợi với Miến Điện trong vai trò quốc gia vi phạm nhân quyền nghiêm trọng nhất khối Asean".

'Bàn tay sắt'

Tác giả Dustin Roasa nhận xét rằng chính sách bàn tay sắt đã được Đảng Cộng sản Việt Nam áp dụng để cầm quyền từ sau năm 1975.
"Trong quá khứ, Việt Nam sử dụng vị thế của mình trong khối Asean để hối thúc Miến Điện thay đổi. Nay, Miến Điện chuyển biến nhanh hơn Việt Nam."
GS Nguyễn Mạnh Hùng, ĐH George Mason, Hoa Kỳ
"Thế nhưng những năm tháng cô lập vì Chiến tranh lạnh và sự thiếu vắng phong trào đối lập trong nước, bên cạnh tâm lý hối lỗi về chiến tranh của phương Tây và cảm tình của phe cánh tả quốc tế... khiến cho ít người để ý tới hồ sơ nhân quyền tồi tệ của Việt Nam."
Ông Roasa, người bị chính quyền Việt Nam cấm nhập cảnh vì viết nhiều bài về bất đồng chính kiến, cho rằng kể từ khi Việt Nam bắt đầu mở cửa về kinh tế thì cộng đồng quốc tế cũng chủ yếu chú trọng các thành quả kỳ diệu về kinh tế của Việt Nam mà quên đi các lĩnh vực khác.
"Việt Nam đã chuyển biến từ chỗ một trong những nước nghèo nhất thế giới trong thập kỷ 1980, với thu nhập bình quân đầu người dưới 100 đôla/năm, lên tới chỗ thu nhập khoảng 1.130 đôla/người/năm vào cuối 2010."
Tác giả bài báo cũng nhận xét rằng hàng triệu người nước ngoài đang thăm viếng và sinh sống ở Việt Nam chưa bị ảnh hưởng của các hạn chế hội họp và ngôn luận mà người Việt Nam phải gánh chịu, vì thế hình ảnh của Việt Nam chưa bị phá hỏng.
Thế nhưng "trái với bề ngoài cởi mở, ban lãnh đạo hiện thời của Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn bảo thủ về chính trị như từ ngày thống nhất đât nước".
Bài báo liệt kê các vụ bị gọi là trấn áp bất đồng, như Khối 8406, các nhân vật hoạt động tôn giáo không đồng chính kiến, và cả những người theo dân tộc chủ nghĩa đang kêu gọi Việt Nam đứng lên đương đầu với Trung Quốc.
"Cho dù gặp hiểm nguy, các nhà đấu tranh ở Việt Nam vấn tiếp tục lên tiếng về đa nguyên chính trị, về tham nhũng, và tự do ngôn luận - để rồi bị bắt và bỏ tù hay phải đi tỵ̣ nạn chính trị."
Ông Dustin Roasa nói những gì đang xảy ra tại Miến Điện có lẽ sẽ giúp ích cho những người cổ súy dân chủ ở Việt Nam, vì các thay đổi ở Miến Điện đang thách thức cách suy nghĩ cũ của cộng đồng quốc tế về Việt Nam, đẩy chủ đề nhân quyền lên hàng đầu.
Phiên tòa xử tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ tháng 8/2011
Hàng chục nhân vật bất đồng chính kiến đã bị bỏ tù trong thời gian gần đây
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên gia về bang giao quốc tế tại Đại học George Mason, Hoa Kỳ, nói: "Lãnh đạo Việt Nam đang theo dõi diễn tiến ở Miến Điện một cách chặt chẽ, và họ lo ngại".
"Trong quá khứ, Việt Nam sử dụng vị thế của mình trong khối Asean để hối thúc Miến Điện thay đổi. Nay, Miến Điện chuyển biến nhanh hơn Việt Nam."

Tính toán sai?

Các phân tích gia cho rằng lãnh đạo ở Hà Nội dường như đã đi nước cờ sai.
Trước đây, quan ngại về nhân quyền ở Miến Điện từng đe dọa uy tín của Asean nên Việt Nam và các nước khác tìm cách thuyết phục chính quyền quân sự nơi đây thay đổi.
Thế nhưng họ không ngờ rằng lại có cú xoay chuyển bất ngờ bằng cuộc cải cách mạnh mẽ hiện nay.
Theo tác giả bài viết trên Foreign Policy, trong khi Miến Điện ngày càng rời xa hình ảnh quốc gia quân phiệt, Việt Nam lại lo ngại bị quốc tế đổ dồn vào xem xét.
Giáo sư Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng Australia nhận xét: "Nếu Miến Điện cải thiện nhân quyền và được quốc tế tưởng thưởng thì Việt Nam cũng sẽ phải đáp ứng được các yêu cầu tương tự".
Ông Thayer cho rằng các lãnh đạo Việt Nam cũng đang lo mất đi vị thế trung gian giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. "Việt Nam đang lo lằng Miến Điện sẽ trở thành ngôi sao của khối Asean".
Nỗi lo lắng này có thể sẽ mang lại cho những người quan tâm tới nhân quyền ở Việt Nam một đòn bẩy mới để vận động.
"Nếu Miến Điện cải thiện nhân quyền và được quốc tế tưởng thưởng thì Việt Nam cũng sẽ phải đáp ứng được các yêu cầu tương tự."
GS Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia
Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận được nhiều phần thưởng vốn dành để khuyến khích các quốc gia độc tài thay đổi: nào là thẻ hội viên Tổ chức Thương mại Thế giới, nào là cải thiện quan hệ́ ngoại giao, thỏa thuận thương mại ưu đãi..., nhưng lại không phải đưa ra các cải thiện nhân quyền như đòi hỏi.
"Nếu như Việt Nam lo lắng sẽ bị bỏ lại sau các nước Đông Nam Á khác thì Hoa Kỳ và châu Âu... cần nắm lấy cơ hội này để gây áp lực bền bỉ và cứng rắn mà trong quá khứ họ chưa làm được."
Cây bút Dustin Roasa cũng cho rằng mối lo của ban lãnh đạo Việt Nam trong lĩnh vực chủ quyền tại Biển Đông, vốn dẫn tới việc thảo luận hợp tác quân sự với Hoa Kỳ, có thể giúp gây áp lực với Hà Nội về nhân quyền.
"Chính phủ Việt Nam đang gặp áp lực từ chính người dân đòi phải đứng lên đương đầu với kẻ thù lịch sử là Trung Quốc, và hậu thuẫn quân sự của Hoa Kỳ có thể giúp hải quân Việt Nam trở nên một đối thủ mạnh ở Biển Đông."
Một trong các vấn đề của tiến trình chính trị ở Việt Nam, theo bài báo, là phong trào dân chủ ở trong nước này chưa được quốc tế chú ý tới nhiều như ở Miến Điện, Tây Tạng hay Trung Quốc, cho dù các thành viên ở trong tình trạng tương tự như ở các nước khác.
"Miến Điện cho thấy rằng khó có thể đoán trước được các chính thể sẽ thay đổi bao giờ và như thế nào," ông Roasa bình luận.
Thế nhưng, ông nói với các thay đổi hiện tại ở Miến Điện, đã tới lúc chủ đề nhân quyền phải chiếm vị trí trọng tâm trong quan hệ của phương Tây với Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét