Pages

Thứ Năm, 19 tháng 4, 2012

Syria không giữ 'cam kết' ngừng bắn

Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon
Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon nói chính phủ
Syria đã không giữ cam kết về ngừng bắn
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) nói Syria đã không tuân thủ nghĩa vụ của mình theo một kế hoạch hòa bình để rút quân đội và vũ khí hạng nặng ra khỏi các khu vực đô thị.
Trong một bức thư gửi Hội đồng Bảo an LHQ, ông Ban Ki-moon cũng kêu gọi tăng số thành viên một phái đoàn quan sát đang có mặt ở Syria từ số lượng nhỏ lên 300 người.
Liên tục có các tin tức về bạo lực ở Syria, đe dọa một cuộc ngừng bắn mong manh bắt đầu một tuần trước đây.
Tuy nhiên, ông Ban cũng nói có một "cơ hội cho tiến bộ".

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton sẽ gặp ngoại trưởng các nước tại Paris để thảo luận về cuộc khủng hoảng.
Bạo lực 'leo thang'
Mục đích của kế hoạch hòa bình, do phái viên của LHQ và Liên đoàn Ả Rập Kofi Annan đàm phán, là chấm dứt hơn một năm bất ổn bị cho là đã làm thiệt mạng ít nhất 9.000 người.
Bày tỏ quan ngại về bạo lực tiếp diễn, ông Ban nói việc chính phủ giữ cam kết rút quân khỏi các khu vực đông dân cư là cực kỳ quan trọng.
Ông nói trong khi mức độ bạo lực đã giảm rõ rệt khi lệnh ngừng bắn bắt đầu, lại có leo thang trong những ngày gần đây, và đã có tin về vi phạm ngừng bắn từ cả hai phía.
Ông Ban cũng lưu ý rằng đã có "không có việc thả tù nhân đáng kể nào", và "không có tiến bộ quan trọng" nào trong các cuộc đàm phán về tiếp cận nhân đạo liên quan các khía cạnh khác trong kế hoạch sáu điểm của ông Annan.
"[Tổng thống] Bashar al-Assad đang nói dối ... Ông ta muốn xóa tên Homs ra khỏi bản đồ giống như [cựu lãnh đạo Libya Muammar] Gaddafi từng muốn tiêu diệt Benghazi."
Tổng thống Pháp Sarkozy
Ông cho biết các quan sát viên đã bị ngăn cản tới thành phố Homs sau khi chính phủ trích dẫn các "quan ngại về an toàn". Nhưng các quan sát viên đã được phép tự do tham quan thành phố Deraa.
Phóng viên BBC Jim Muir tại nước láng giềng Lebanon nói rằng trong khi chuyến đi đến Deraa đã diễn ra không có sự cố, các quan sát viên nhận thấy họ đã bị tấn công bởi những người phản đối ở Arbeen, ngoại ô Damascus.
Đã xảy ra nổ sung và các quan sát viên đã phải trở ra ngoài, phóng viên Jim Muir nói. Nhiều người biểu tình đã bị thương, theo các nhà hoạt động.
Trong báo cáo của mình, ông Ban nói: "Tình hình tại Arbeen trở nên căng thẳng khi một đám đông là bộ phận của một cuộc biểu tình phản đối ép các công xa của LHQ quốc tới một trạm kiểm soát."
"Sau đó, đám đông đã bị giải tán bởi súng nổ. Các quan sát viên quân sự của LHQ không thể xác định được ai là người chịu trách nhiệm việc nổ súng này."
Nhóm quan sát viên đầu tiên với 30 thành viên đã được phép hoạt động theo một nghị quyết của LHQ thông qua vào ngày thứ Bảy tuần trước.
Ông Ban muốn tăng cường thành viên lên 300 quan sát viên, để triển khai tại 10 địa điểm trong các giai đoạn ở những tuần tới khi các điều kiện cho phép.
Hội đồng Bảo an LHQ sắp nhóm một cuộc họp kín vào ngày thứ Năm để thảo luận về báo cáo. Tuy nhiên, việc bỏ phiếu về một nghị quyết mới, có thể phải chờ tới tuần sau.
Các nhà hoạt động cho biết ít nhất 30 người đã thiệt mạng hôm thứ Tư, chủ yếu ở Homs, nơi pháo kích vẫn tiếp tục. Truyền thông nhà nước Syria hôm thứ Năm đưa tin bốn binh sĩ đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công ở Aleppo.
'Hành lang nhân đạo'
Quan sát viên LHQ ở Syria
LHQ muốn tăng số lượng quan sát viên tại Syria lên 300 người
Phát biểu trước cuộc họp "Những người bạn của Syria" giữa các ngoại trưởng ở Paris, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy kêu gọi thiết lập các hành lang nhân đạo được ở Syria.
"[Tổng thống] Bashar al-Assad đang nói dối ... Ông ta muốn xóa tên Homs khỏi bản đồ giống như [cựu lãnh đạo Libya Muammar] Gaddafi từng muốn tiêu diệt Benghazi," ông nói.
"Giải pháp là thành lập các hành lang nhân đạo để một phe đối lập có thể tồn tại ở Syria", ông Sarkozy nói với đài Châu Âu 1.
Nga nói nước này không tham dự các đàm phán ở cuộc gặp về Syria, với một tuyên bố của Bộ Ngoại giao nói cuộc họp "không nhằm vào việc tìm kiếm các cơ sở cho một đối thoại nội bộ Syria, mà hoàn toàn ngược lại".
Trong khi đó, phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân cho biết nước này đang "nghiêm túc xem xét" việc cử đi nhóm quan sát viên của chính mình.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, giới chức đang chuẩn bị tìm kiếm một con tàu sau khi có tin rằng tàu này chở vũ khí đến Syria.
Chiếc Atlantic Cruiser, do một hãng của Đức sở hữu, nhưng treo cờ Antigua và Barbuda, đã cập cảng Iskenderun của Thổ Nhĩ Kỳ.
Tạp chí Đức Der Spiegel đưa tin đầu tiên hồi tuần trước rằng chiếc tàu chở hàng này chở vũ khí của Iran cho Syria, và đã cập một cảng ở Djibouti.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét