Pages

Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012

Tập trận chung trên biển Đông giữa lúc đối đầu.


Việt-Long, RFA
Giữa lúc cuộc tranh chấp lãnh hải ở biển Đông đang sôi động thì ba chiến hạm của đệ thất hạm đội Hoa Kỳ bắt đầu cuộc thao dượt ba ngày với hải quân Việt Nam, chiến hạm Trung Quốc thăm cảng thành phố Hồ Chí Minh, và hải quân Mỹ-Philippines mở cuộc tập trận chung. Những sự kiện này có ý nghĩa gì, gây ảnh hưởng đến tình hình ba nước Việt- Hoa-Phi ra sao?
Ý nghĩa hai cuộc tập trận chung của hải quân Hoa Kỳ

Cuộc đối đầu trên biển giữa Philippines với Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough căng thẳng và nghiêm trọng hơn nhiều so với những tranh chấp về chủ quyền Hoàng Sa giữa Việt Nam với Trung Quốc, trong đó Trung Quốc giam giữ đánh đập ngư dân Việt Nam gần 50 ngày và tịch thu tàu đánh cá của họ.

Hiện giờ ba tàu hải giám của Trung Quốc vẫn tiếp tục ghìm chặn hai chiến hạm của Philippines từ lúc một tàu chiến lớn của Phi toan bắt giữ ngư dân Trung Quốc ở Scarborough.
Cuộc tập trận hải quân Hoa Kỳ-Philippines tuy là hoạt động thường niên, nhưng diễn ra ở hải phận Palawan không xa bãi Scarborough là mấy. Kế hoạch tập trận lại là tái chiếm lãnh thổ, lãnh hải, nên thế giới chú tâm theo dõi và quan ngại nhiều hơn.
Thuỷ thủ Mỹ Việt đấu bóng chuyền giao hữu, 27 tháng tư, Đà Nẵng- USSChafee facebook photo
Thuỷ thủ Mỹ Việt đấu bóng chuyền giao hữu, 27 tháng tư, Đà Nẵng- USSChafee facebook photo
Hai cuộc thao dượt hải quân giữa Hoa Kỳ với Philippines và với Việt Nam diễn ra cùng lúc trên biển Đông ngay vào lúc này đã bị Trung Quốc phản đối, tất nhiên hai hoạt động ấy phải mang một ý nghĩa nào đó. Hai hoạt động quân sự này đều theo kế hoạch đã có từ trước khi xảy ra những sự kiện mới đây ở biển Đông, tuy nhiên hoạt động tập trận hay thao dượt hải quân không tác chiến cũng mang ý nghĩa nêu cao sự hiện diện quân sự và chính trị của Hoa Kỳ ở biển Đông, khu vực từng được giới lãnh đạo Hoa Kỳ rất nhiều lần xác nhận là hết sức quan trọng đối với quyền lợi của Mỹ.
Tuy kế hoạch tập trận với thời gian tiến hành đã được hoạch định trước, mục tiêu cuộc tập trận chung ở Philippines có thể được nhận xét là vừa được thay đổi lúc gần đây sau cho phù hợp với tình thế. Nên Trung Quốc vội lên giọng cảnh cáo rằng cuộc tập trận có thể gây nên đối đầu quân sự. Và Trung Quốc đồng thời cũng đưa tàu chiến ghé cảng Sài Gòn, như một hành động nhắc nhở các bên sự hiện diện quân sự của Bắc Kinh ở biển Đông trong mọi tình thế.
Bãi cạn Scarborough
Bãi Scarborough lấy tên chiếc tàu buôn trà bị mắc cạn và chìm ở đó vào thế kỷ 18, lúc Philippines còn thuộc Tây Ban Nha. Đó là một nhóm đảo nửa chìm nửa nổi có diện tích chừng 150 km vuông trong vùng biển rất giàu hải sản, cách bờ biển Luzon 124 hải lý, cách Hải Nam 470 hải lý, và cách phía đông Hoàng Sa 380 hải lý.
Trung Quốc dành chủ quyền, gọi đó là Hoàng Nham đảo, nói là từ năm 1279 đã có tên trên bản đồ Trung Hoa thời nhà Nguyên. Sử Trung Hoa nói năm đó là năm nhà thiên văn Trung Quốc Quách Thủ Kính thám hiểm vùng biển này và ghi nó trong bản đồ. Năm 1935 Trung Quốc coi đó thuộc quần đảo Trung Sa. Năm 1947 đặt tên là Dân chủ Giáo, năm 1983 đổi tên là Hoàng Nham đảo.
Biển Đông và vị trí của Scarborough- Google Earth screenshot
Biển Đông và vị trí của Scarborough- Google Earth screenshot
Philippines xác định chủ quyền Scarborough từ thời Tây Ban Nha còn đô hộ, dẫn chứng bản đồ do Tây Ban Nha in năm 1792 và tự điển Atlas in ở Manila năm 1939 đều ghi nó với tên Bajo de Masinloc thuộc Philippines. Năm 1957 Manila mở cuộc thăm dò hải dương học ở nơi này, và hải quân Philippines cùng với một lực lượng hải quân Hoa Kỳ đóng ở căn cứ Clark tại Philippines hồi đó đã ghi nhận toạ độ nơi này nằm trên tuyến phòng thủ vùng duyên hải đảo Luzon.
Năm 1965 Philippines dựng cờ quốc gia trên đó, đồng thời xây một hải đăng nhỏ, năm 1992 sửa sang lại, và kiến trúc này được liệt kê trong danh sách của Tổ chức Hàng hải quốc tế.
Philippines có lợi thế pháp lý là chứng tích hoạt động và tuyên bố chủ quyền nơi đó từ khi chưa có ai tranh cãi.
Sách lược của Việt Nam gặp trở ngại?
Như vậy ta có thể nói tình trạng chủ quyền đảo này của Philippines cũng tương tự như chủ quyền Hoàng Sa đối với Việt Nam, cả hai đều bị Trung Quốc xâm lấn và giành giựt.
Các bên liên quan hiện nay vẫn thương thảo theo đường lối ngoại giao, và Việt Nam cùng Philippines đang cố sao cho Trung Quốc tham dự việc thi hành những văn bản như Bản tuyên bố về ứng xử và Bản Quy tắc ứng xử ở biển Đông, trong khi vận động khối ASEAN đi tới những lập trường đoàn kết và cứng rắn hơn nữa.
Tới nay người ta chỉ thấy sách lược đó đang được thi hành, có thể còn những kế hoạch khác trong vòng dư đoán, chưa xác định được. Hoa Kỳ luôn bênh vực Việt Nam và Philippines, đồng thời can ngăn Trung Quốc, tuy vẫn luôn luôn nói ở vị thế trung lập đối với các bên tranh chấp. Vậy có thể trông cậy vào Hoa Kỳ điều gì?
Hải quân Mỹ và Philippines tập trận- Photo USNavymil.com
Hải quân Mỹ và Philippines tập trận- Photo USNavymil.com
Sách lược của Việt Nam rõ ràng là lôi kéo sự can dự của Hoa Kỳ và các nước châu Á khác, cùng với Australia. Nhưng mới hôm thứ tư sách lược đó dường như gặp phải một trở ngại, khi một nhân vật lãnh đạo của công ty ONGC Videsh nói rằng công ty có thể rời bỏ lô 128 bên cạnh lô 127 mà Videsh đã giao lại cho PetroVietnam năm ngoái sau khi khoan dò không tìm thấy hydrocarbon.
Ông này, không muốn nêu tên, nói là sẽ đề nghị hai phương án với Hội đồng quản trị Công ty, hoặc gia tăng đầu tư để khoan tiếp vì lòng biển nơi này rất cứng, hoặc bỏ hợp đồng, giao lại cho Việt Nam, vì lô 127 bên cạnh không có tiềm năng gì.
Sự kiện này dường như gây quan ngại cho Việt Nam, không phải vì lòng biển có dầu khí hay không, mà vì Trung Quốc từng lên giọng cảnh cáo Ấn Độ khi ONGC Videsh ký hợp đồng với PetroVietnam về hai lô dầu này. Khi đó Ấn Độ phản bác rằng biển Đông là tài sản chung của thế giới, cương quyết tiến hành hợp đồng. Nay sau hội nghị thượng đỉnh BRIC cách đây chưa đầy một tháng giữa năm quốc gia có nền kinh tế đang lên thì công ty Ấn Độ lại tuyên bố như vậy, liệu có gây lo ngại cho Việt Nam không?
Vì áp lực? Vì thương mại?
Xem xét kỹ, người ta thấy hành động của ONGC Videsh mang hai ý nghĩa, chưa hẳn đã là vì áp lực của Trung Quốc, hay vì Trung Quốc đã đổi cho Ấn Độ một quyền lợi nào khác, mà có thể chỉ vì lý do thuần kinh tế và kỹ thuật.
HKMH Viraat của Ấn Độ- WikiCommons photo
HKMH Viraat của Ấn Độ- WikiCommons photo
Lý do thuần kinh tế thương mại được nhiều người đồng ý. Phát ngôn viên Syed Akbaruddin của bộ ngoại vụ Ấn Độ từ chối bình luận tin đó, nói là vì sự kiện còn đang được cân nhắc, tuy nhiên ông nhắc lại rằng sự can dự của Ấn Độ vào khu vực này chỉ thần tuý là thương mại, việc tranh chấp chủ quyền là việc của các nước địa phương. Người phát ngôn này đồng thời cũng nhắc lại rằng những thuỷ lộ quốc tế cần được tự do lưu thông.
Sau cùng, điều cần nói thêm để rộng đường dư luận là Chủ tịch và Giám đốc điều hành của ONGC Videsh tuyên bố Videsh sẽ cùng PetroVietnam tiếp tục thăm dò dầu khí ở biển Đông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét