Pages

Thứ Ba, 17 tháng 4, 2012

Tàu chiến vây quanh Trung Quốc


Các cuộc diễn tập liên tục diễn ra xung quanh Trung Quốc. Ảnh: AFP.
Mỹ, Philippines tập trận ở biển Đông. Đài Loan diễn tập ngay gần eo biển với Trung Quốc. Nga tập trận ở phía Đông Bắc Đại lục… khiến vùng biển quanh Trung Quốc "nổi sóng".

Căng thẳng
Quân đội Mỹ và Philippines bắt đầu cuộc tập trận chung mang tên Balikatan 2012 ngoài khơi đảo Palawan, gần vùng biển mà Trung Quốc và Philippines tuyên bố chủ quyền trên biển Đông.
Cùng lúc, quân đội Đài Loan bắt đầu cuộc diễn tập Hán Quang-28 với mục tiêu là chống lại cuộc tấn công giả định từ Đại lục. Đây được coi là cuộc diễn tập chống đổ bộ lớn nhất từ trước đến nay của Đài Loan, với sự tham gia của hơn 6.000 người...
Xa hơn về phía Bắc, Nga và Trung Quốc diễn tập liên hợp hải quân Hợp tác trên biển 2012 tại biển Hoàng Hải trong khoảng 22-29/4.
Điểm qua tên các nước diễn tập thì thấy các cuộc tập trận có sự xuất hiện của ba quân đội mạnh nhất thế giới là Nga, Trung, Mỹ; hai nền kinh tế lớn nhất toàn cầu là Trung, Mỹ… Nhưng quan trọng nhất, tất cả các cuộc tập trận đều diễn ra trên vùng biển bao quanh Trung Quốc - quốc gia có nhiều hành động khiến láng giềng và thế giới quan ngại.

Lo ngại hợp lý

Việc nhiều nước, vùng lãnh thổ xung quanh Trung Quốc tập trận dồn dập cho thấy họ ngày càng nghi ngại nước này, nhất là trong bối cảnh sức mạnh hải quân Trung Quốc gia tăng nhanh, khiến Philippines, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… quan ngại.

Nỗi lo ngại càng gia tăng khi Trung Quốc liên tục có các hành động bị coi là khiêu khích. Manila và Bắc Kinh vừa có căng thẳng mới trên biển Đông, sau vụ soái hạm BRP Gregorio Del Pilar của Philippines chạm mặt hai tàu cá Trung Quốc gần bãi cạn Scarborough ở vùng biển tranh chấp.
Trong suốt hai năm qua, Philippines nhiều lần than phiền rằng, Trung Quốc trở nên ngày càng gây hấn hơn trong tuyên bố chủ quyền ở biển Đông. Manila lên án các hành động của tàu Bắc Kinh như bắn cảnh báo vào ngư dân, quấy nhiễu tàu thăm dò dầu khí tại vùng biển thuộc chủ quyền của Philippines.
Tương tự, tàu dân sự và quân sự Trung Quốc nhiều lần “thăm hỏi” các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam…, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền chủ quyền… của họ.
Không chỉ vậy, Trung Quốc còn coi biển Đông như “ao nhà” của mình. Họ từng đánh tiếng yêu cầu Nga dừng khai thác dầu khí ở biển Đông. Đây không phải lần đầu, Trung Quốc gây áp lực với các công ty nước ngoài có hợp tác làm ăn với Việt Nam trên biển Đông. Nhiều năm gần đây, Trung Quốc đã có những hành động can thiệp tương tự với lý do họ có "chủ quyền không thể tranh cãi” trên hầu như toàn bộ biển Đông được bao chiếm bởi "đường lưỡi bò” phi lý và phi khoa học.
Trước những động thái như trên của Bắc Kinh, việc các nước liên quan phải phản ứng, có biện pháp đề phòng, tăng cường hợp tác với bên ngoài là không tránh khỏi. Điển hình là Philippines muốn tăng cường khả năng tự phòng thủ và nhấn mạnh mối quan hệ ngày một phát triển với Washington.

Nhiều nước hy vọng Mỹ giữ thế cân bằng trong khu vực. Ảnh: Gulf News.

Phản tác dụng

Hội thảo khoa học quốc tế “Những vấn đề thực tiễn của an ninh khu vực Đông Á và an ninh Biển Đông” tại Nga mới đây chỉ rõ, nguyên nhân gây ra tình hình căng thẳng ở Biển Đông là do yêu cầu và đòi hỏi phi lý của Trung Quốc. Hội thảo phản đối và phê phán khái niệm “đường lưỡi bò” là thiếu căn cứ khoa học, căn cứ pháp lý và căn cứ thực tiễn; kêu gọi giải quyết tranh chấp ở biển Đông bằng các biện pháp hòa bình và trên cơ sở Công ước quốc tế về Luật biển năm 1982; dự báo những nguy cơ đối với an ninh ở biển Đông trong thời gian tới trước sự gia tăng chi phí quân sự, hạ thủy tàu sân bay và chạy đua vũ trang của một số nước; kêu gọi các nước ASEAN tăng cường phối hợp với nhau và thống nhất lập trường trong vấn đề biển Đông.
Giáo sư sử học ĐH tổng hợp Quốc gia Saint Petersburg là Vladimir Kolotov nhấn mạnh, việc Trung Quốc thực hiện cái gọi là “Luận thuyết chuỗi đảo thứ nhất và thứ hai” đang phá vỡ tính nguyên trạng từng tồn tại từ thời kỳ Chiến tranh lạnh.
Trung Quốc càng đơn phương đòi kiểm soát biển Đông thì sự phản đối của cộng đồng quốc tế sẽ ngày càng tăng lên.
Đồng thời, cách hành xử của Trung Quốc càng tạo cơ hội cho Mỹ có cớ để tăng cường hiện diện quân sự ở Tây Thái Bình Dương.
Chuyên gia cao cấp tại Viện nghiên cứu các vấn đề Đông Nam Á tại Singapore là Ian Storey khẳng định, Mỹ đang tranh thủ cơ hội từ các cuộc tập trận để lôi kéo đồng minh kìm chế sự lớn mạnh của Trung Quốc.
“Dù cả Manila và Washington đều tuyên bố rằng, cuộc tập trận thường niên Balikatan không có bất cứ mối liên hệ trực tiếp nào với các tranh chấp chủ quyền trên biển Đông nhưng rõ ràng vị trí cũng như nội dung diễn tập cho thấy điều ngược lại. Động thái mới càng giúp tăng cường sức mạnh liên minh Mỹ - Philippines nhằm chống lại Trung Quốc trước những diễn biến căng thẳng trên biển Đông”, ông Storey nhấn mạnh.

Nguồn: Huy Hoàng/ Baodatviet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét