Pages

Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012

TQ chuẩn bị xây bến tàu ở Hoàng Sa


Đảo Duy Mộng
Trung Quốc đã chiếm hoàn toàn quần đảo
Hoàng Sa từ năm 1974
Trung Quốc vừa phê chuẩn 'về nguyên tắc' kế hoạch xây bến tàu trên đảo Duy Mộng thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Đảo này có tên tiếng Anh là Drummond, phía Trung Quốc gọi là đảo Tấn Khanh.

Hôm thứ Năm 26/4, Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc trên trang web chính thức của mình cho biết đã phê duyệt đề xuất dự án xây bến tàu trên đảo Duy Mộng để phục vụ du lịch và nghề cá của tỉnh Hải Nam.
Quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc chiếm đóng hoàn toàn từ năm 1974, nhưng Việt Nam vẫn tuyên bố chủ quyền, được Trung Quốc đặt dưới quyền quản lý của tỉnh này.
Dự án này sẽ được xây dựng với vốn đầu tư của tư nhân.

Cục Hải dương Trung Quốc còn cho biết thêm đang xem xét một dự án phát triển bến tàu khác cũng ở Biển Đông, nhưng không công bố chi tiết.
Chưa thấy chính phủ Việt Nam có phản ứng chính thức về thông tin nói trên.

Tranh chấp chủ quyền

Ngày 19/4, cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc đã công bố Quy hoạch bảo vệ hải đảo toàn quốc, trong đó Biển Đông được chia ra làm bảy khu vực trong đó có hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Việt Nam đã nhanh chóng lên tiếng phản đối, gọi đây là hành động “vi phạm nghiêm trọng chủ quyền” của Việt Nam.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị nói: “Việc Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc công bố thực thi bản “Quy hoạch bảo vệ hải đảo toàn quốc” là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này, vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).”
“Trung Quốc phải hủy bỏ ngay bản quy hoạch nêu trên, nghiêm túc tuân thủ DOC, không có thêm hành động làm phức tạp tình hình ở Biển Đông.”
Theo bản quy hoạch nói trên, Trung Quốc sẽ cắm hàng nghìn cột mốc và lắp đặt camera trên 7.300 đảo mà nước này nói là của mình.
Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được cho là nằm trong số này.
Trước đó, Việt Nam cũng đã phản đối việc du thuyền Công chúa Gia Hương (Coconut Princess) của Công ty TNHH Cổ phần Vận tải Eo biển Hải Nam chạy thử tuyến đường từ Tam Á ra đảo Đá Bắc ở quần đảo Hoàng Sa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét