Pages

Thứ Tư, 18 tháng 4, 2012

TQ 'còn nhiều vấn đề nội bộ'

Hình minh họa
Tranh chấp Biển Đông tiếp tục nóng lên
 thời gian gần đây
Một chuyên gia hải quân Hoa Kỳ lạc quan rằng sẽ không xảy ra chiến tranh ở Biển Đông trong tương lai gần.
Bấm Giáo sư Peter A. Dutton, Giám đốc Viện Nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc thuộc Trường Hải quân Hoa Kỳ (US Naval War College), cũng tái khẳng định Hoa Kỳ không đứng về nước nào trong tranh chấp lãnh hải.
Trả lời BBC Việt ngữ, ông nói Trung Quốc đã tập trung cho các vấn đề nội bộ hơn là chính sách gây chiến.
Giáo sư Peter A. Dutton: Tôi cho rằng chiến tranh ở Biển Đông sẽ không xảy ra trong tương lai gần vì một số lý do.
Thứ nhất, mặc dù xung đột giữa Trung Quốc với một hoặc nhiều quốc gia láng giềng tại Đông Nam Á sẽ chứng kiến việc Trung Quốc có lợi thế, nhưng chiến tranh chỉ càng gây thêm khó khăn cho Trung Quốc mà không giải quyết được vấn đề.

Trung Quốc phải chứng tỏ với thế giới rằng “sự trỗi dậy hòa bình” không chỉ là khẩu hiệu nhằm giữ được bầu không khí quốc tế có lợi cho quốc gia này. Chiến tranh sẽ khiến các quốc gia khác, không riêng gì ở Đông Nam Á mà cả trên thế giới, cảm thấy lo ngại và gần như chắc chắn rằng sẽ gây ra vấn đề kinh tế cho Trung Quốc. Chẳng hạn như cấm vận, cộng với việc gia tăng cân bằng quân sự và thậm chí thêm các thách thức ngoại giao đối với Trung Quốc.
Ngoài ra, cũng không có khả năng xảy ra xung đột giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ vì cả hai bên sẽ được ít mà mất nhiều.
Thứ hai, mặc dù tăng trưởng của Trung Quốc trong vài thập niên qua thật ấn tượng, nhưng người ta không nên nghĩ rằng đà phát triển của họ sẽ tiếp tục trên một đường thẳng như vậy trong thập niên tới.
Nội bộ Trung Quốc có nhiều khó khăn, như hệ thống an sinh xã hội yếu kém, một nền dân số đang già đi, thách thức môi trường, bất ổn xã hội và một hệ thống quản trị khá rời rạc chưa từng được thử thách vì suy thoái kinh tế.
Chính phủ Trung Quốc đã sáng suốt lựa chọn việc dồn trọng tâm hàng đầu cho mục tiêu giải quyết các vấn đề nội bộ hơn là các chính sách gây chiến.
Tôi tin rằng điều này có khả năng tiếp tục được duy trì ngay cả nếu kinh tế Trung Quốc một ngày nào đó trở thành lớn số một thế giới.
"Chính phủ Trung Quốc đã sáng suốt lựa chọn việc dồn trọng tâm hàng đầu cho mục tiêu giải quyết các vấn đề nội bộ hơn là các chính sách gây chiến. Tôi tin rằng điều này có khả năng tiếp tục được duy trì ngay cả nếu kinh tế Trung Quốc một ngày nào đó trở thành lớn số một thế giới."
Do đó, tôi lạc quan rằng bất chấp các va chạm lãnh hải sẽ tiếp tục xảy ra, chúng sẽ không lấn át tầm quan trọng của sự bình ổn quốc tế.
BBC:Washington gần đây công bố chính sách chuyển trọng tâm sang châu Á - Thái Bình Dương. Liệu chiến lược mới này sẽ như thế nào nếu thực sự có chiến tranh xảy ra ở Biển Đông? Nói cách khác, liệu Hoa Kỳ sẽ can thiệp?
Các quan chức Hoa Kỳ, trong đó có Ngoại trưởng Hillary Clinton, đã nói rõ rằng lợi ích quan trọng của Hoa Kỳ ở châu Á bao gồm sự tự do lưu thông hàng hải và năng lực hỗ trợ các đồng minh, bạn hữu và đối tác.
Mặc dù Hoa Kỳ và Trung Quốc đã có một số va chạm, nhưng vấn đề được giải quyết chủ yếu qua đối thoại ngoại giao.
Ngoại trưởng Clinton và những quan chức khác cũng nói rõ rằng trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ và quyền tài phán, Hoa Kỳ sẽ không đứng về bên nào. Tuy nhiên, Hoa Kỳ khuyến khích tất cả các bên giải quyết vấn đề này một cách hoà bình.
Măc dù thường xuyên xảy ra va chạm, cho đến giờ các bên liên quan đã không quân sự hóa các tranh chấp này. Đây là điều đáng khích lệ.
Do Trung Quốc tỏ ra thận trọng không cản trở bất kỳ lợi ích quan trọng nào của Hoa Kỳ, và vì Hoa Kỳ cũng không đứng về bên nào trong tranh chấp này, như thế không thể xảy ra xung đột.
Tuy nhiên, nếu một quốc gia có quan hệ đồng minh về an ninh với Hoa Kỳ bị tấn công, chính phủ Hoa Kỳ sẽ buộc phải hỗ trợ họ phòng vệ.
BBC:Dự kiến tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, Thi Lang (Varyag), sẽ sớm hoàn thiện. Liệu nó có kích động một cuộc chạy đua vũ trang trong vùng?
Tôi cho rằng việc Trung Quốc ra mắt tàu sân bay chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các quyết định của các quốc gia trong khu vực trong việc tái cấu trúc ngành hải quân và các lực lượng quân sự khác của họ.
Nghĩa là các chính phủ trong khu vực sẽ tìm cách phát triển năng lực chống tiếp cận, như tàu ngầm, ngư lôi, tên lửa chống hạm, những vũ khí có thể đe dọa tàu sân bay của Trung Quốc nếu Bắc Kinh muốn dùng nó để giải quyết các tranh chấp trong khu vực.
Tuy nhiên, cách thức Trung Quốc sử dụng tàu sân bay cũng sẽ cung cấp bằng chứng về ý định của họ. Những đánh giá của các quốc gia khác về ý định của Trung Quốc cũng lại sẽ tác động lớn đến hành xử của các quốc gia này trong việc xây dựng lực lượng hải quân, hoặc là sẽ làm leo thang chạy đua vũ khí, hoặc sẽ giúp sự phát triển quân trang khu vực trở nên ôn hoà hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét