Pages

Thứ Hai, 23 tháng 4, 2012

Trắng tay ngày về

SGTT.VN – Nhiều ngư dân bị Trung Quốc bắt đói khát, mất tàu, trắng tay ngày trở về. Song họ vẫn quyết bám biển, mưu sinh trên vùng biển đảo thuộc chủ quyền Tổ quốc.
1 giờ 30 phút sáng 22-4, chiếc tàu QNg 66074 TS của thuyền trưởng Trần Hiền (huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi) đã đưa 21 ngư dân từ Hoàng Sa về đảo Lý Sơn. Đây là những ngư dân đi trên 2 tàu cá bị Trung Quốc bắt giữ vào ngày 3.3.2012.
Đói khát
Tàu cá QNg-66074 TS cùng 21 ngư dân trở về cập cảng Lý Sơn an toàn. Ảnh: TN
Những ngư dân trở về mừng tủi bước lên cầu cảng xã An Vĩnh, đảo Lý Sơn trong vòng tay ấm áp của người thân. Nước mắt mừng vui lăn trên những khuôn mặt ngư dân và thân nhân họ.
Chị Lê Thị Phúc, vợ thuyền trưởng Trần Hiền, ôm lấy thân hình gầy rộc của chồng khóc òa như đứa trẻ.
Thuyền trưởng Trần Hiền, kể: Khoảng 15h ngày 3-3, tàu anh đánh bắt được khoảng 5 tấn cá (giá trị 250 triệu đồng) ở khu vực quần đảo Hoàng Sa thì bị tàu Trung Quốc mang ký hiệu 306 vây bắt rồi đưa tàu và 11 ngư dân vào giam giữ ở đảo Phú Lâm trong căn phòng khoảng 40m2.
Lên đảo Phú Lâm thì mọi người mới hay tàu QNg 66101 TS cùng 10 ngư dân Lý Sơn do ông Lê Lớn làm thuyền trưởng cũng đang bị giam tại đó. “Những ngày đầu phía Trung Quốc tra hỏi đủ điều.
Họ không đánh đập nhưng do ăn uống quá thiếu thốn, lại thêm lo nghĩ nên sức khỏe anh em đều giảm sút, có người đổ bệnh.
Đến trưa ngày 20.4, khi đang ăn trưa thì phía Trung Quốc thông báo thả về, anh em mừng rỡ vứt đũa chén xuống luôn tàu”- Anh Hiền nhớ lại.
Theo lời ngư dân Trần Văn Cảo (ở xã An Vĩnh), phía Trung Quốc liên tục đòi tiền phạt nhưng ngư dân quyết không nộp. Những ngày bị giam giữ trên đảo, thời gian đầu ngư dân được ăn một ngày 3 bữa.
Thuyền trưởng Trần Hiền đoàn tụ cùng vợ và 3 con. Ảnh: TP
Buổi sáng ăn cháo, buổi trưa và tối, mỗi người chỉ được ăn một bát cơm, nhiều ngư dân đói xanh mặt, bởi sức vóc ngư phủ bình thường họ phải ăn hết 1 lon gạo trong bữa ăn.
Thỉnh thoảng, lính Trung Quốc “tăng thực đơn” cho ngư dân bằng món bắp chuối trộn. Đó là món ăn ngon nhất ở nhà tù Hoàng Sa. “Hôm nào không khí trên đảo nhộn nhịp, anh em chúng tôi lại đoán chắc có ông ở tỉnh về thăm đảo”- ngư dân Trần Văn Cảo kể.
Và thường những bữa ăn trong ngày đó, 21 ngư dân được thết đãi một đĩa đầu cổ cánh vịt. Kể từ ngày bị bắt đến nay, ngư dân nào cũng bị sút 4-5 kg. Ngư dân Nguyễn Dư (26 tuổi) người nổi đầy u, nhọt, sốt cao không ăn uống gì được, được tiêm thuốc mới qua nguy hiểm.
Ngư dân Võ Xuân Thạch (xã An Vĩnh) cho biết, dù đói khát ốm đau, nhưng các ngư dân vẫn động viên nhau cố gắng trụ vững tinh thần để chờ ngày về. Đồng thời cương quyết không nộp tiền cho Trung Quốc.
Bởi theo các ngư dân, nếu đòi được 70.000 Nhân dân tệ thì lần sau Trung Quốc sẽ lại tiếp tục bắt ngư dân nộp phạt.
Nỗi đau bị cướp tàu
Trong lúc các ngư dân đoàn tụ với vợ con, thì vợ chồng thuyền trưởng Lê Vinh khóc lặng.
21 ngư dân bị Trung Quốc đẩy xuống tàu của anh Trần Hiền để thả về, còn chiếc tàu QNg 66101 TS công suất 60 CV của ông thì bị giữ lại. Chuyến đi biển vừa rồi ông giao tàu cho ông Lê Lớn làm thuyền trưởng. Nay ông than trời, khi người về mà không thấy tàu đâu !
Các thuyền viên trên tàu ông Vinh kể lại, lúc 15h chiều ngày 20-4-2012, Trung Quốc đưa 21 ngư dân ra 2 tàu để thả về nhà. Chiếc tàu ông Vinh được cung cấp một ít gạo nước để đi đường.
Ngư dân Lê Vinh trắng tay vì con tàu của ông vẫn bị Trung Quốc giữ lại. Ảnh: TP
Trước khi ngư dân xuống tàu, một lính Trung Quốc nhảy xuống hầm tàu của ông Vinh lấy búa gõ vào chiếc máy tàu. Tên này ra hiệu máy còn mới. Vậy là bọn lính đổi ý đưa tất cả các ngư dân sang tàu ông Trần Hiền.
Thực ra, chiếc tàu này đã khá quen với lính tuần tra Trung Quốc. Trước đó, ngày 14-2-2009, tàu QNg 66101 TS của ông Vinh đang hành nghề ở khu vực gần Hoàng Sa thì bị tàu ngư chính Trung Quốc mang số 308 bắt giữ.
Sau đó phía Trung Quốc đã phạt tiền 50.000 Nhân dân tệ đối với ông. Tổng cộng mấy năm trở lại đây ông Vinh bị bắt phạt tới 5 lần.
Ngư dân dày dạn Lê Vinh buồn thẫn thờ. Bởi những ngày qua, các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã ra đảo Lý Sơn hỗ trợ cho 21 gia đình ngư dân bị nạn với số tiền hơn 32 triệu đồng/người.
Riêng bản thân ông không được hưởng, vì ông giao tàu cho ông Lê Lớn đi chuyến này. Chiếc tàu trị giá 600 triệu đồng ông vay mượn từ các chủ nậu, như của bà Từ Thị Tâm (ở xã Bình Châu, Bình Sơn) 150 triệu, Nguyễn Thị Dung 100 triệu, còn lại là vay nóng bà con trong xóm. Nay mất tàu, trắng tay, người ta bắt đầu tới đòi nợ vợ chồng ông.
Vẫn tiếp tục ra khơi
Ông Trần Ngọc Nguyên – Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, khẳng định: Huyện sẽ tiếp tục kiến nghị với tỉnh, Trung ương can thiệp bằng con đường đấu tranh ngoại giao để phía Trung Quốc sớm thả tàu QNg 66101 TS của chủ tàu Lê Vinh vô điều kiện.
Đồng thời kiến nghị tỉnh có chính sách hỗ trợ ngư dân mua ngư lưới cụ và động viên ngư dân bám biển, tiếp tục mưu sinh trên vùng biển, đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Trở về từ Hoàng Sa sau 50 ngày bị giam giữ, ngư dân Nguyễn Lợi (33 tuổi), thuyền viên tàu QNg 66101 TS trở nên rắn rỏi hơn: “Họ thả mình, có nghĩa mình không vi phạm gì cả. Cứ việc ra khơi chứ sợ gì”. Còn ngư dân 40 tuổi Đặng Trúng, thản nhiên: “Nghỉ ngơi mươi ngày cho lại sức rồi ra khơi tiếp để kiếm sống chứ !”.
THEO TIỀN PHONG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét