Pages

Thứ Năm, 26 tháng 4, 2012

Trung Quốc lại lớn tiếng doạ sẽ đánh Philippines

(VOV) - Tờ Global Times cũng cho rằng, Trung Quốc cũng cần đối xử lạnh nhạt với Manila trong một khoảng thời gian nhất định.
Bài xã luận đăng trên nhật báo Global Times của Trung Quốc hôm 25/4 đã cho thấy rõ quan điểm của Bắc Kinh trước những động thái mới đây của Philippines trong cuộc tranh chấp ở khu vực bãi cạn Scarborough. Bài xã luận cho biết, Trung Quốc sẽ tiến hành một cuộc chiến tranh quy mô nhỏ với Philippines cùng với các biện pháp trừng phạt.
Bài xã luận có đoạn: “Trung Quốc nên chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh quy mô nhỏ trên biển với Philippines. Một khi chiến tranh nổ ra, Trung Quốc phải có hành động cương quyết và gửi đi thông điệp rõ ràng với thế giới bên ngoài rằng, Trung Quốc không muốn chiến tranh, nhưng chắc chắn là không sợ chiến tranh. Tuy nhiên, một cuộc chiến như thế là chưa thể kết thúc các tranh chấp ở biển.

Bài báo này cũng nhấn mạnh “Trung Quốc cũng cần đối xử lạnh nhạt với Manila trong một khoảng thời gian nhất định, phải gây ra tổn thất bằng các lệnh trừng phạt Manila. Bảo vệ các đảo và vùng biển không chỉ là một khẩu hiệu suông. Nó đòi hỏi sự kiên nhẫn, tiền bạc và quyết tâm từ chúng ta”.
Mỹ và Philippines tập trận chung ở gần khu vực tranh chấp (Ảnh: Tân Hoa xã)
Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân khi trả lời câu hỏi của phóng viên về tình hình tranh chấp ở Biển Đông đã lên tiếng cảnh báo Philippines không được “quốc tế hóa” cuộc tranh chấp lãnh thổ đang sôi sùng sục giữa hai nước ở Biển Đông. "Quốc tế hóa cuộc tranh chấp này sẽ chỉ làm cho tình hình thêm phức tạp và nghiêm trọng. Chúng tôi không muốn Philippines đưa các nước khác tham gia vào cuộc tranh chấp này", ông Lưu Vi Dân nhấn mạnh.

Lời cảnh báo này được đưa ra đúng thời điểm Mỹ và Philippines đang tiến hành một cuộc tập trận chung ở khu vực tranh chấp. Cả Washington và Manila đã khẳng định các cuộc diễn tập giữa họ không liên quan đến Trung Quốc nhưng những bài diễn tập tái chiếm đảo, chiếm giàn khoan của hai nước này không thể không làm Bắc Kinh lo ngại.
Trung Quốc đã từng cảnh báo, cuộc tập trận chung “Vai kề vai” của Mỹ và Philippines với sự tham gia của hàng ngàn lính Mỹ và Philippines sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang ở Biển Đông.
Tuy nhiên, theo Reuters, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Thôi Thiên Khải khẳng định, Bắc Kinh không châm ngòi cho tình hình căng thẳng hiện nay ở Biển Đông.
Bình luận của ông Thôi Thiên Khải được đưa ra tại một cuộc họp báo hôm 25/4 ở thủ đô Bắc Kinh trước thềm cuộc đối thoại kinh tế và chiến lược thường niên với Mỹ vào tuần tới.
Thứ trưởng Ngoại giao Thôi Thiên Khải cũng cho hay Trung Quốc đã cam kết đối thoại và thông qua ngoại giao để giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Ông này cũng bày tỏ sự lo ngại về vấn đề biển Đông khi “một số kẻ đang cố làm lẫn lộn hai vấn đề chẳng liên quan gì với nhau là chủ quyền lãnh thổ và tự do đi lại”.
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt cũng lên tiếng cảnh báo các động thái gần đây của Washington tại biển Đông và nhấn mạnh Trung Quốc sẽ sử dụng sức mạnh quân sự đến đâu là tùy thuộc kết quả ngoại giao đến mức nào.
Trong ý đồ chính thức hóa “đường lưỡi bò”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc năm 2011 đã nói đến “chủ quyền không thể tranh cãi” của Trung Quốc trên biển Đông. Đại sứ Trung Quốc tại Philippines lúc đó là Lưu Kiến Siêu đã “khuyến cáo các nước đòi hỏi chủ quyền tại biển Đông” không nên tiếp tục khai thác dầu khí tại các “vùng lãnh hải của Trung Quốc” khi chưa được phép của Bắc Kinh.
Theo báo Daily Inquirer, Công ty dầu khí Philippines Philex Petroleum ngày 24/4 tuyên bố phát hiện trữ lượng khí đốt nhiều hơn mong đợi tại giếng Sampaguita, khu vực tranh chấp với Trung Quốc trên biển Đông. Một báo cáo năm 2006 ước tính mỏ này chứa khoảng 20.000 tỉ m3.
Hãng tin AFP dẫn lời Bộ trưởng Năng lượng Philippines Jose Rene Almendras cho biết phát hiện mới sẽ thúc đẩy kế hoạch trị giá hàng triệu USD xây dựng một đường ống dẫn khí từ giếng khí đốt về Manila.
Giới quan sát nhận định dù Bắc Kinh có khẳng định chủ quyền và xem biển Đông là “của mình” thì biển Đông vẫn là lãnh hải quốc tế, thu hút sự có mặt của các nước lớn.
Biển Đông là khu vực giàu dầu mỏ, khí đốt và là nơi có nhiều tuyến đường hàng hải quan trọng. Bắc Kinh luôn khẳng định muốn giải quyết những cuộc tranh chấp này trong khuôn khổ song phương. Tuy nhiên, có vẻ như mong muốn này khó mà thực hiện được khi giờ đây Mỹ đã không còn ngại đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông./.
PV/VOV online (T.H)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét