Pages

Thứ Năm, 26 tháng 4, 2012

Văn Giang: 'Cưỡng chế trái luật'


Cảnh sát đối mặt với người dân Văn Giang hôm 24/4
Báo Người Cao tuổi chất vấn tính pháp lý
của việc cưỡng chế đất cho dự án vì mục
đích sinh lời
Một tờ báo trong nước đã trở thành cơ quan ngôn luận duy nhất thách thức vụ cưỡng chế với sự tham gia của hàng ngàn công an ở Văn Giang, Hưng Yên hôm 24/4.
Tờ Người Cao tuổi hôm 25/4 nói quyết định cưỡng chế của UBND huyện Văn Giang là “trái pháp luật hiện hành” vì “chỉ có những dự án phục vụ quốc phòng an ninh,.. nhà nước mới thu hồi đất.”

“Những dự án không thuộc nhóm này, như dự án Ecopark thì Nhà nước không thu hồi đất, mà chỉ đứng ra làm trọng tài để nhà đầu tư thỏa thuận với dân.”
Bấm Bài báo nói nếu thỏa thuận đền bù dân giá cao thì nhà đầu tư lãi ít, thỏa thuận đền bù giá thấp thì nhà đầu tư lãi nhiều.

Đề cập đến vấn đề này trong phỏng vấn với BBC, luật sư Trương Chí Công cho biết chỉ có một số dự án như giao thông công cộng, an ninh, quốc phòng, hoặc các công trình kinh tế thuộc nhóm A do chính phủ quyết định thì nhà nước được phép trực tiếp thu hồi đất.
“Trong trường hợp những dự án được liệt kê vào nhóm A, do chính phủ phê duyệt, mà không thuộc các hạng mục nêu trên thì chính phủ sẽ xem xét để ra quyết định, hoặc trực tiếp thực hiện việc thu hồi đất hay không,” luật sư Công nói.
“Theo quy định của luật, thì ủy ban tỉnh có thể được ra quyết định thu hồi, và trực tiếp tiến hành thực hiện thu hồi thông qua các ban quản lý."
Khi hỏi về dự án Ecopark, ông Công nói “đây không phải là dự án thuộc diện nhà nước trực tiếp thu hồi.”
“Theo quan điểm của tôi, đây là do chủ đầu tư sẽ trực tiếp thoả thuận với dân về các vấn đề tiền bồi thường.”
Luật sư nói thêm, vai trò của nhà nước ở đây là “xem xét về các vấn đề phê duyệt quy hoạch, về tính khả thi của dự án có diễn ra hay không.”
"Sau thời gian khiếu nại, chính quyền đã nâng mức giá lên đến 36 triệu đồng/sào nhưng khi bán ra, họ lại tính theo mét vuông, lời đến tận trăm chục lần."
Người dân Văn Giang
BBC đã liên hệ với giới chức Văn Giang nhưng không nhận được câu trả lời nào trong khi một quan chức sở kế hoạch đầu tư tỉnh Hưng Yên nói họ chỉ nghe về công ty cổ phần phát triển và đầu tư Việt Hưng Ecopark.

'Chính quyền doạ nạt'

Trong khi đó, nhiều nhân chứng ở huyện Văn Giang nói với BBC hôm 26/4 rằng họ bị chính quyền quấy nhiễu, dọa nạt.
“Chúng em chỉ muốn có đất cày ruộng thôi chứ chúng em không hề có ý định lật đổ chính quyền,” một người dân Văn Giang giấu tên nói.
Nhiều nhân chứng kể lại, quyết định cưỡng chế được “xã đọc trên loa oang oang nhiều tiếng đồng hồ”, rằng việc cưỡng chế được thực hiện theo quyết định của phó Chủ tịch UBND huyện Chu Quốc Hiệu và Chủ tịch UBND huyện Đặng Thị Bích Thủy.
Tờ VnExpress trích lời phát ngôn viên tỉnh Hưng Yên rằng, người dân đã được chính quyền địa phương vận động, tuyên truyền, giải thích cho tới các chế độ chính sách đền bù.
“Đến năm 2008, các hộ dân chấp hành đúng tiến độ được nhận 135.000 đồng mỗi m2- mức cao nhất trên địa bàn thời điểm đó.”
Nông dân Văn Giang hôm 24/4
Một số người dân nói chính quyền ép họ bán đất với giá rẻ để dự án Ecopark sinh lợi nhiều hơn
Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn BBC về vấn đề này, một người dân xã Phụng Công giấu tên cho biết, họ được chính quyền đề nghị ban đầu với giá 19 triệu ̣đồng/ sào, tức 360m2.
“Sau thời gian khiếu nại, chính quyền đã nâng mức giá lên đến 36 triệu đồng/sào”, người dân này nói, “nhưng khi bán ra, họ lại tính theo mét vuông, lời đến tận trăm chục lần.”
Một người dân khác thuộc những hộ không đồng thuận xã Xuân Quan cho biết, nếu không đồng ý nhận bồi thường thì chính quyền tự sẽ gửi tiền vào tài khoản ngân hàng.
“Đến giờ chúng tôi cũng không biết ngân hàng đó là ngân hàng nào mà cũng không nhận được giấy thông báo chuyển tiền nào cả.”
Bản thân ông cho biết, ông chưa hề có một tài khoản ngân hàng nào từ trước đến giờ.
Một người dân Văn Giang khác cho biết, những người đồng thuận là họ bị ép bán vì “họ có con em, nếu muốn xin việc ở tỉnh thì phải bán.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét