Pages

Thứ Ba, 17 tháng 4, 2012

Vì sao công ty của Cường “đô la” thua lỗ nặng?

Yến Nhi

Theo bà Nguyễn Thị Như Loan (mẹ của Cường “đô la”), việc Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai, bị thua lỗ trong năm 2011 là do việc ảnh hưởng chung của tình hình khủng hoảng tài chính, nên chênh lệch trong doanh thu hàng bán bị hạn chế.
Theo báo cáo tài chính quý 4 của Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai đã đưa ra nguyên nhân giảm các hoạt động kinh doanh trong năm 2011 so với năm 2010 là do ảnh hưởng tình hình khủng hoảng kinh tế dẫn đến không tiêu thụ được hàng hóa bất động sản, trong khi đó vẫn phải trả lãi cho vay ngân hàng, nên dẫn đến doanh thu thấp còn chi phí tài chính lại cao.
Minh chứng cho những khó khăn này, báo cáo tài chính cũng đưa ra rằng hàng tồn kho của Công ty chủ yếu là bất động sản được mua hoặc đang được xây dựng để bán trong điều kiện kinh doanh bình thương, hơn là nắm giữ nhằm mục đích cho thuê hoặc chờ tăng giá. Cùng với đó, khoản tiền vay ngân hàng trong năm của Công ty cũng khá lớn.

Khẳng định một lần nữa về mức thua lỗ này, trong một báo cáo gửi Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM hồi đầu năm, bà Nguyễn Thị Như Loan cũng cho biết, nguyên nhân chính là do việc ảnh hưởng chung của tình hình khủng hoảng tài chính, nên chênh lệch trong doanh thu hàng bán không cao. Ngược lại chi phí tài chính tăng, làm ảnh hưởng đến lợi nhuận trong kỳ.
Theo thông báo của Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2011 âm 39,83 tỷ đồng. Chính vì việc thua lỗ này, vừa qua Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM đã chính thức đưa Công ty này vào danh sách bị kiểm soát. Theo đó, kể từ ngày 13/4 Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (mã CK: QCG) sẽ bị đưa vào diện cảnh báo.
Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai được nổi tiếng và nhiều người biết đến bởi Hội đồng quản trị là một phụ nữ tài ba Nguyễn Thị Như Loan, đang đứng vị trí thứ 5 trong danh sách những người phụ nữ giàu nhất trên sàn chứng khoán 2011. Đặc biệt hơn, ủy viên Hội đồng quản trị lại chính là con trai Nguyễn Quốc Cường (Cường “đô la”), nổi tiếng với bộ siêu xe và người tình của Hồ Ngọc Hà.
Cùng với Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai, hàng loạt công ty tên tuổi khác như Công ty Cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn, Công ty Viễn thông Thăng Long … cũng bị đưa vào diện cảnh báo.
Như vậy có thể thấy, trước những khó khăn chung của nền kinh tế thì việc các công ty giải thể dường như là một điều dễ hiểu. Đặc biệt, những doanh nghiệp thua lỗ cũng là thực tế khó tránh.

Cường “đô la” nổi tiếng với bộ siêu xe
Năm 2011 có thể được xem là một năm đầy khó khăn và thách thức, của các doanh nghiệp Việt Nam khi mà lãi xuất cho vay được đẩy lên khá cao đến trên 20%, cùng với đó khả năng tiếp cận nguồn vốn cũng rất khó… đã khiến nhiều công ty rơi vào tình cảnh “bi đát”.
Sự khó khăn này đã được các tổ chức và giới chuyên gia cũng đã đưa ra nhận định rằng, năm 2011 là năm nhiều thách thức nhất đối doanh nghiệp Việt Nam.
Bằng chứng là trong báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2011 đã chỉ ra những khó khăn, mà các doanh nghiệp Việt Nam đã đương đầu trong năm 2011.
Cụ thể, năm 2011 trong nước phải đón nhận nhiều tác động xấu từ bên ngoài, điển hình là cuộc khủng hoảng nợ công ở Châu Âu và Hòa Kỳ, động đất và sóng thần ở Nhật Bản. Môi trường kinh doanh trong nước năm 2011 đã kém đi so với năm 2010, thể hiện qua các chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế, thu hút vốn đầu tư nước ngoài và đặc biệt là tình trạng lạm phát cao.
Cùng quan điểm này, trong một cuộc trao đổi với PV VnMedia về những vướng mắc của doanh nghiệp, ông Bùi Kiến Thành – chuyên gia kinh tế cao cấp cũng nhận định rằng, năm 2011 là một năm khá khó khăn đối với tình hình kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng.
Sự khó khăn này đã thể hiện ngay qua số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch & Đầu tư rằng, chỉ tính đến tháng 9, có tới gần 49.000 doanh nghiệp đã dừng hoạt động, dừng nộp thuế, hoặc đã giải thể, phá sản, đóng cửa trong đó, phá sản, giải thể là 5.800 doanh nghiệp. So với năm ngoái, số doanh nghiệp khó khăn, phải “đắp chiếu” này đã tăng lên 11.000 doanh nghiệp.
Con số trên là một minh chứng xác thực nhất cho những khó khăn chung của doanh nghiệp Việt Nam.
Chia sẻ về những giải pháp giảm bớt những khó khăn cho doanh nghiệp trong năm 2012, ông Bùi Kiến Thành cho rằng, để doanh nghiệp có thể vực dậy và phát triển được thì lãi suất cho vay phải dưới 10%. Để làm được điều đó, Nhà nước phải cung ứng đầy đủ lưu lượng tiền tệ cho nền kinh tế phát triển.
Tuy nhiên cần có tính toán, đồng thời cũng phải điều tiết lưu lượng tiền tệ, cung ứng đầy đủ tín dụng cho nền kinh tế hoạt động ổn định, không nhiều quá để gây ra lạm phát, mà cũng không ít quá để gây ra thiểu phát, ông Bùi Kiến Thành nói.
Theo: VnMedia

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét