Pages

Thứ Hai, 23 tháng 4, 2012

Vụ Bạc Hy Lai : Giới lãnh đạo Trung Quốc đứng trên pháp luật



Cựu bí thư thành ủy Trùng Khánh
Bạc Hy Lai trong kỳ họp Quốc hội
Trung Quốc

Đức Tâm

« Truyện dài nhiều tập » Bạc Hy Lai, vụ bê bối chính trị ở mức độ hiếm thấy tại Trung Quốc trong nhiều năm qua, đã làm lộ rõ một thực tế phũ phàng : Giới lãnh đạo Trung Quốc đứng trên pháp luật, ít khi bị trừng phạt. Đồng thời, sự kiện này cũng gióng hồi chuông báo động khẩn cấp cho Bắc Kinh là cần phải có những thay đổi sâu sắc.

Việc cựu bí thư thành ủy Trùng Khánh bị cách chức và cuộc điều tra nhắm vào vợ của ông Bạc Hy Lai, bị nghi ngờ trong vụ giết hại một công dân Anh, là đề tài được thảo luận sôi nổi trong dân chúng, mặc dù chính quyền Bắc Kinh đã tìm mọi cách kiểm duyệt, ngăn chặn.
Các phương tiện truyền thông của Nhà nước Trung Quốc ít đăng tải các tuyên bố chính thức về vụ này, nhưng các cáo buộc và tin đồn về việc ông Bạc Hy Lai và gia đình ông tham nhũng ồ ạt, lạm dụng chức quyền nghiêm trọng, vẫn xuất hiện trên internet, vào lúc đại đa số người dân Trung Quốc cảm thấy bất bình cao độ về những hành vi tham ô, cửa quyền của giới lãnh đạo các cấp, từ trung ương đến địa phương.Ông Sidney Rittenberg, một người Mỹ sống và làm việc lâu năm tại Trung Quốc, nói với AFP : « Vụ Bạc Hy Lai cho thấy nạn tham nhũng của một số lãnh đạo cấp cao nhất thật đáng sợ. Chỉ có một thiểu số các lãnh đạo Trung Quốc thực sự muốn đấu tranh chống tham nhũng, kể cả đối với những người ở chóp bu quyền lực ». « Từ khi xóa bỏ cơ chế lãnh đạo tập trung về kinh tế, các quan chức địa phương gần như tự do hành động theo ý họ tại các nơi mà họ lãnh đạo».Ông Bạc Hy Lai bị mất chức bí thư thành ủy Trùng Khánh, và từ giữa tháng Tư, thì bị đình chỉ chức ủy viên Bộ Chính trị, do bị nghi ngờ « có những vi phạm kỷ luật nghiêm trọng » của đảng Cộng sản, cụm từ thường được dùng để chỉ các vụ tham nhũng. Bà Cốc Khai Lai, vợ ông Bạc Hy Lai, là đối tượng một cuộc điều tra vì bà bị nghi ngờ ra lệnh sát hại một doanh nhân Anh, người truớc kia thân cận với gia đình quan chức cao cấp này.
Nhiều nhà quan sát ví von vụ Bạc Hy Lai như một bộ phim dài nhiều tập, với các tình tiết gay cấn, nghẹt thở, giống như kiểu phim nói về mafia của Hollywood.
Ông Khương Duy Bình (Jian Weiping), nhà báo từng ngồi tù 5 năm vì đã đăng các bài viết phê phán vợ chồng ông Bạc Hy Lai, cho biết là ngay từ đầu những năm 1990, đã có những thông tin nói về việc ông Bạc Hy Lai tham nhũng, khi quan chức này phụ trách công tác tuyên truyền, tư tưởng ở thành phố Đại Liên, phía bắc Trung Quốc. Còn bà Cốc Khai Lai thì huy động vốn một cách bất hợp pháp, thông qua các viện nghiên cứu hoặc các công ty do bà lập ra, với danh nghĩa tạo thuận lợi cho đầu tư ngoại quốc.
Nhà báo Khương Duy Bình, hiện đang sống tại Canada, nhấn mạnh với AFP là ông Bạc Hy Lai, con một vị cán bộ cấp cao, lão thành cách mạng Trung Quốc, đã leo lên các bậc thang quyền lực, bằng cách biếu đất, tiền bạc cho những quan chức cao cấp hơn.
Ngay sau khi tới Trùng Khánh, ông Bạc Hy Lai đã mở tiến hành cuộc chiến chống tham nhũng, với hàng ngàn vụ bắt giữ thô bạo và các vụ xét xử nổi tiếng nhắm vào các băng đảng mafia, xã hội đen. Chiến dịch « bàn tay sạch » này đã bị các tổ chức bảo vệ nhân quyền chỉ trích mạnh mẽ là vi phạm pháp luật, tùy tiện, độc đoán. Nhà báo Khương Duy Bình nhận định: « Ông Bạc Hy Lai có hai khuôn mặt. Ông tỏ ra là một chính trị gia tài năng, hấp dẫn. Mặt khác, đó là một nhân vật mưu phản, thủ đoạn. Ông ta biết ăn nói, lừa phỉnh. và có tài đánh bóng tên tuổi mình ».
Vụ Bạc Hy Lai được coi là một bê bối chính trị nghiêm trọng tại Trung Quốc, thế nhưng, giới quan sát nhắc lại rằng, trước đây, đã có nhiều vụ khác, gây ầm ĩ hơn. Ví dụ, nguyên bí thư thành ủy Thượng Hải Trần Lương Vũ, năm 2008, bị kết án 18 năm tù do tham nhũng ; hoặc nguyên thị trưởng Bắc Kinh Trần Huy Đồng, bị cách chức năm 1995 và sau đó, bị kết án 16 năm tù, cũng về tội tham nhũng.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhấn mạnh là tình hình kinh tế – xã hội Trung Quốc năm 2012 rất khác với bối cảnh cách nay vài năm và đối với giới lãnh đạo ở Bắc Kinh, thì vụ Bạc Hy Lai cho thấy sự cấp thiết phải cải cách mạnh mẽ và sâu rộng.
Bởi vì, trong những năm gần đây, tính chính đáng của đảng Cộng sản Trung Quốc trong vai trò lãnh đạo đất nước dựa rất nhiều vào sự phát triển kinh tế, với tốc độ tăng trưởng cao, liên tục, đưa một phận dân chúng ra khỏi cảnh nghèo khó. Giờ đây, tăng trưởng đã giảm, mô hình kinh tế bắt đầu hụt hơi, làm nẩy sinh nhiều mâu thuẫn, chênh lệch giầu nghèo, khác biệt về phát triển giữa thành thị và nông thôn. Căng thẳng xã hội gia tăng, đặc biệt là các vụ biểu tình của dân chúng ở nông thôn, vì không trông cậy được vào sự bảo vệ của luật pháp, đã bạo động phản đối chính sách trưng dụng đầt đai do những kẻ có thế lực, lãnh đạo ở địa phương tiến hành.
Ông Lý Thành (Li Cheng), chuyên gia nghiên cứu về giới lãnh đạo Trung Quốc, tại học viện Brookings, cho rằng đảng Cộng sản Trung Quốc phải thực hiện « các thay đổi sâu sắc » nếu muốn « lấy lại lòng tin của người dân và tiếp tục nắm quyền lãnh đạo ». Theo ông, « cuộc khủng hoảng Bạc Hy Lai có thể là một điềm rủi hoặc điềm may cho đảng Cộng sản Trung Quốc. Là điềm rủi nếu Đảng cho rằng có thể vẫn tiếp tục như đã làm cho đến nay và là một điềm may nếu Đảng quyết định thay đổi ».
Theo: RFI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét