Pages

Thứ Năm, 3 tháng 5, 2012

Ai xúi giục khiếu kiện đất đai?

Bùi Văn Bồng

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngày 2-5 mới rồi, do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì, ông Nguyễn Khắc Hào, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên nói: “Trong vụ việc ở Văn Giang, có sự móc nối chặt chẽ với những phần tử chống đối ở nước ngoài. Các thông tin thậm chí còn được tường thuật tại chỗ, từng giờ, để tuyên truyền xuyên tạc, dàn dựng những video clip giả để vu khống, bôi nhọ chính quyền. Những người lợi dụng dân chủ, móc nối với những phần tử tiêu cực, bất mãn, phản động trong nước và nước ngoài, cố tình chống phá chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đi ngược lại lợi ích của nhân dân, kìm hãm sự phát triển, thì nhất định phải có biện pháp xử lý kiên quyết”.

Đề nghị này của ông Hào với Chính phủ quả là đặt Chính phủ vào tình huống khó xử. Bởi vì, “những phần tử chống đối ở nước ngoài” là những ai, tên gì, làm gì, ở đâu thì chính ông Hào là người phát ra thông tin ấy cũng chưa chỉ ra được. Còn ở trong nước, ai móc nối, móc nối ở đâu, bằng kiểu gì, chắc chắn ông Hào cũng chịu. Trong số người dân bị công an đánh gây thương tích và những người đã bị bắt, có ai đã “móc nối chặt chẽ với nước ngoài”? Có ai là phản động?
Ông Hào cũng không đưa ra chi tiết về những video clip mà ông nói là giả. Có thằng địch nào ngu đến mức “thưa ông tôi ở bụi này” mà tổ chức đóng giả công an, đóng giả dân bị đánh ngay giữa đội hành với bối cảnh hàng nghìn cảnh sát, súng nổ đì đùng để quay video clip giả? Thế mà ông Hào không những kêu toáng lên như vậy, mà còn đi yêu cầu Chính phủ rằng “nhất định phải có biện pháp xử lý kiên quyết”. Để rồi xem, trên cương vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lại là người có chức có quyền trong vụ này, sắp tới ông Hào sẽ có chứng cứ hợp pháp để chỉ đạo bắt và xử lý ai? Và “xử lý kiên quyết” như thế nào?
Nếu như có ai đó kích động, xúi giục, lợi dụng “đục nước béo cò” để “dàn dựng những video clip giả nhằm vu khống”, thì cũng phải truy nguyên cái bản chất vấn đề, cái gốc từ những người gây ra hậu họa để “địch” lợi dụng là ai? Không có lửa sao có khói? Không có cớ, ai dễ mà mượn cớ để thực hiện mưu đồ chống phá? Ai đi chống phá mà lại dựng chuyện phức tạp như vụ Tiên Lãng, Văn Giang? Nếu như mọi việc trong vụ này đã được cấp ủy Đảng và chính quyền tỉnh Hưng Yên giải quyết, xử lý đúng pháp luật, quyền lợi chính đáng của nông dân được bảo đảm, không gây bất công bất bình, không gây thiệt thòi quá nhiều cho người dân, để sinh ra khiếu kiện đông người, thì đâu có cớ nào để người ta lợi dụng? (Tôi viết bài này, ủng hộ những nông dân nghèo, bị mất đất đang đi đòi quyền lợi hợp pháp, chính đáng; đồng thời phê phán cách làm, lối hành xử với người dân của chính quyền cùng công an tỉnh Hưng Yên và huyện Văn Giang, các ông cứ điều tra xem tôi có móc nối chặt chẽ với “thế lực thù địch” nào ở nước ngoài không?).
Và hơn thế nữa, vụ Tiên Lãng còn đang nóng hổi đó mà Hưng Yên lại huy động cả nghìn công an để truy dẹp nhằm cưỡng chế thu hồi đất ở Văn Giang, thì quả là không khôn ngoan gì, mất tỉnh táo và vô hình trung chính quyền đã tạo cớ cho “kẻ địch” xen vào chống phá. Vậy, cái gốc nguyên nhân vẫn là do cấp ủy, chính quyền tỉnh Hưng Yên gây ra. Nếu không là chủ mưu thì cũng là hành động thiếu cảnh giác, thiếu hiểu biết, tự nhiên đi tiếp tay cho phản động, “thế lực thù địch” có cơ hội, có vụ việc lợi dụng chống phá. Nếu như lôi cổ những kẻ địch từ nước ngoài và từ trong nước ra để “xử lý kiên quyết” trọng vụ này, thì trước hết trách nhiệm vẫn là ấp ủy, chính quyền địa phương, không thể coi là vô can được. Theo như lời báo cáo thì ông Hào đã biết rõ “có sự móc nối chặt chẽ với những phần tử chống đối ở nước ngoài”. Không những biết là có sự móc nối, mà ông Hào còn nắm chi tiết, cụ thể đến mức là “móc nối chặt chẽ”. Thế nhưng tại sao lại để xảy ra vụ việc bung xé phức tạp, kinh hoàng, làm mất uy tín Đảng lãnh đạo, mất mặt Nhà nước như vậy, thì rất cần xem lại vị thế chức danh mà ông Hào đang nắm giữ, và cũng phải nên xem lại ông Hào có dính gì với các “phần tử chống đối ở nước ngoài” hay không? Theo Bộ luật hình sự, biết tội phạm mà không tố cáo, không truy dẹp là có tội che giấu tội phạm. Thậm chí đã biết “móc nối chặt chẽ” mà để cho chúng phá phách, nhât slaf ở vị trí lãnh đạo, càng nặng tội hơn. Không hiểu sao ông Hào lại phát biểu như vậy? (xem thêm)
Phát biểu của ông Hào cũng y hệt phát biểu của các vị lãnh đạo ở Hải Phòng, rằng có kẻ địch chống phá, có “diễn biến hòa bình”. Nhưng khi hỏi địch là ai, kẻ nào, ở đâu, thủ đoạn, cách thức, chống phá thế nào, chứng cứ đâu, thì chính người phát biểu cũng bó tay. Thực ra, đến nay cả Bộ Công an và các cấp lãnh đạo của Hải Phòng, Hưng Yên vẫn chưa trả lời một cách chắc chắn, rõ ràng về thông tin ấy. Nếu chính quyền và công an không làm sai, thì cho dù kẻ đich từ nước ngoài có kẻ về “nằm vùng” tại Cống Rộc, xã Vinh Quang (Tiên Lãng), hoặc tại xã Xuân Quan (Văn Giang) cũng không thể ngo ngoe được cái gì.
Qua thực tế cần phải luận giải rằng chính quyền địa phương tỉnh Hưng Yên và huyện Văn Giang đã làm sai, quá sai, sai trầm trọng, rồi mới bị nhân dân phản ứng. Liệu rằng có hiện tượng do những động cơ cá nhân, các cán bộ, đảng viên có chức có quyền ở địa phương đã móc nối cùng đại gia để chia phần, tham nhũng, làm sai pháp luật, mất dân chủ, qua quy hoạch, dự án để hưởng lợi cá nhân, nhóm lợi ích? Người dân vì chưa thỏa mãn với mức đến bù, bị thiệt thòi lớn, bị ép uổng mới phải khiếu kiện đòi được công bằng, dân chủ. Đúng pháp luật. Dân khiếu kiện, bất bình thì báo chí mới phải vào cuộc.
Cho nên, các vị lãnh đạo phát biểu cái gì phải để cho người ta còn tin, nể phục, đừng có cái lối “đá bóng sang sân”, “đánh bùn sang ao” như thế. Nếu không có vụ việc, có khi cả năm không có chữ nào về Tiên Lãng, Văn Giang lên mặt báo. Nhưng có vụ việc thì báo chí mới lên tiếng. Dung lượng, lọai hình, cách thức thông tin thế nào đều do nội dung, tính chất, mức độ diễn biến của vụ việc gây ra. Thế mà, ông Đỗ Quý Doãn có lần mới đây lại nhắc nhỏ các báo cần phải biết chừng mực khi đưa thông tin. Rằng một số tờ báo “vẫn thông tin dồn dập, quá liều lượng cần thiết”. Thế thì Bộ Thông tin và Truyền thông nên bám sát sự kiện để chỉ đạo kịp thời và phải cụ thể từng tờ báo, từng trang mạng là vụ này, việc kia chỉ được đăng tối đa mấy bài, mấy tin, mấy ảnh? Dung lượng nhiều hay ít là do bản thân diễn biến và mức độ của vụ việc, hiện tượng, theo yêu cầu bạn đọc, và cũng tùy chủ đích, khả năng tuyên truyền của từng tờ báo, đâu có cơ sở nào để nói dung lượng nhiều hay ít? Chắc ông Doãn cũng tự biết là khi vụ Tiên Lãng được giải quyết êm, thì tìm đọc những tin, bài về Tiên Lãng cũng rất khó kiếm trên các trang báo, trang mạng.
Giáo sư Carl Thayer, nhà quan sát Việt Nam từ Học viện Quốc phòng Úc, đã khuyến cáo chính phủ Việt Nam nên cho phép truyền thông theo dõi và đăng tải thực trạng tranh chấp đất đai. Ông nói: “Tranh chấp đất đai đặt ra câu hỏi về tính minh bạch trong quá trình chính quyền địa phương ra quyết định, bao gồm cả cáo buộc tiền đút lót là việc làm bình thường trong quá trình này…Có chắc là tiền bồi thường sẽ đủ để bù đắp cho công lao, những khó khăn, thiệt thòi và gián đoạn về đời sống của những người bị ảnh hưởng? Họ sẽ làm công việc gì một khi đất không còn nữa?”.
Khi báo chí nêu lên vấn đề, vụ việc gì, trước hết các nhà lãnh đạo, các cơ quan chuyên trách, các bộ, ngành liên quan cần bình tĩnh, xem xét lại, và tự kiểm chứng thông tin, tự kiểm tra mức độ đúng, sai, tự biết công việc của địa phương, ngành, cơ quan mình phải làm gì? Những vấn đề báo nêu có liên quan gì, có lỗi gì của mình không? Và hoàn toàn không nên cái gì muốn tránh tai tiếng cho mình thì đánh lạc hướng, đổ tại phản động này, kẻ bất mãn kia, kẻ xấu nọ, hoặc là do các “thế lực thù địch diễn biến hòa bình”.
“Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, tự mình không xem xét, soi rọi để biết có sai lầm gì không, có bất công, mất dân chủ không, lại đi đổ lỗi cho khách quan, khách thể thì hoàn toàn không nên. Từ hơn 20 năm qua, đất đai là vấn đề nóng hổi, phức tạp, sinh ra nhiều hệ lụy, nhiều vụ việc trầm trọng, những diễn biến rất phức tạp. Cho nên vấn đề này cần được đặc biệt quan tâm. Tự bản thân chính quyền của mình khi giải quyết về đất đai, đúng hoặc sai chỗ nào phải có trách nhiệm trước Đảng, bảo đảm đung Pháp luật Nhà nước, nhưng cơ bản là phải được lòng dân, được nhân dân ủng hộ một cách thỏa nguyện, tự giác, thành tâm.
Cũng về vấn đề đất đai, trên trang web của Tạp chí Xây dựng Đảng ngày 19-2-2012, đã đăng bài viết với tựa đề: “Không để đất đai là cái mầm sinh ra bất ổn”. Trong bài viết cũng nêu rõ về hiện tượng khá phổ biến là có không ít vị lãnh đạo do chức trách được phân công, người đứng đàu địa phương hoặc ngành, chữ ký về đất đai có sức nặng quyết định đã thỏa hiệp, móc nối với đại gia để chiếm đát đai nhằm trục lợi. Khi những cán bộ có chức, có quyền thoái hoá, biến chất có sự móc nối, ăn chia lợi nhuận với đại gia thì họ bỗng nhiên họ cũng tự biến mình thành “đại ca”, mất dần chất cộng sản. Có lắm tiền thì thành đại ngôn nhiều khi lấn át cả pháp luật, lợi dụng chức vụ, quyền hạn mà ức hiếp dân, vi phạm dân chủ. Đó là cái bàn cờ đô-mi-nô của đất đai, gọi là “lục đại” của đất (đại tham, đại ác, đại lợi, đại gia, đại ca, đại ngôn). Cả 6 cái “đại” đó là một trong những nguyên nhân sinh ra những vụ khiếu kiện từ đất dấy lên. Rồi cũng do đất đai mà xã hội xuất hiện những vấn đề bất ổn do hậu họa của việc mua bán, sang nhượng, chuyển quyền sử dụng vi phạm pháp luật, xảy ra các vụ tranh chấp, có cả những vụ cướp đoạt trắng trợn. Bất công xảy ra, làm mất lòng dân phần lớn do việc thực thi pháp luật không nghiêm minh, giải quyết thiếu công bằng… Đã có không ít cán bộ, đảng viên có chức, có quyền phê duyệt, hoặc chỉ đạo giải quyết đất đai đã nhanh chóng mất bản lĩnh về chính trị, tư tưởng, vi phạm nguyên tắc hoạt động của Đảng, những lời dạy về đạo đức, lối sống. Suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, nhân cách từ đó mà ra. Trong khi đó, nhiều hộ nông dân bị mất đất, bị bần cùng hóa (mời đọc thêm ở đây).
Cũng do các vụ nổi cộm về khiếu kiện, cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng, Văn Giang và nhiều nơi khác, mà trong Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: “Nếu công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo không được xem xét, giải quyết và xử lý kịp thời, hiệu quả thì sẽ là mầm mống gây mất ổn định chính trị, xã hội”. Ông cũng chỉ ra rằng: Bên cạnh những kết quả đạt được, ở từng thời điểm, từng nơi, tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn diễn biến hết sức phức tạp; nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo còn tồn đọng, kéo dài như Thanh tra Chính phủ đã báo cáo trong thời gian từ năm 2008 – 2011 bên cạnh việc xử lý dứt điểm 1.052 vụ việc tồn đọng, bức xúc, kéo dài (đạt 66,7%) vẫn còn lại 528 vụ việc chưa được giải quyết dứt điểm, vẫn đang trong quá trình xem xét, giải quyết. Thủ tướng nói: “Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo phải tiếp tục được xác định là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên của các ủy Đảng, chính quyền và phải được giải quyết hiệu quả hơn nữa. Công tác này nếu không được xem xét, giải quyết và xử lý kịp thời, hiệu quả sẽ là mầm mống gây mất ổn định chính trị, xã hội”…
Theo số liệu thống kê do các ngành chức năng báo cáo Chính phủ: Chỉ tính riêng trong 3 năm, từ năm 2008 – 2011 đã tiếp 1.571.500 lượt người khiếu nại, tiếp nhận, xử lý 672.990 đơn thư, số vụ việc tăng 26,4%, đoàn khiếu kiện đông người tăng 64,5%… Các vụ tranh chấp đất đai đặt ra câu hỏi về tính minh bạch của các cấp chính quyền, ngành liên quan trong quá trình lập quy hoạch, mở dự án, bồi thường, giải tỏa, ra quyết định thu hồi đất. Ai dám khẳng định là không có những tiêu cực phát sinh tự vấn đề đất đai, bao gồm cả hiện tượng nhận tiền đút lót, chia chác lợi nhuận? Và ai cho đó là việc làm bình thường trong quá trình này? Có nơi đặc biệt phức tạp, gay gắt, biểu hiện rõ nhất là số đoàn khiếu kiện đông người tăng mạnh, thái độ công dân đi khiếu kiện thiếu kiềm chế, khiếu nại tố cáo vượt cấp lên Trung ương ngày càng gia tăng.
Thế nên, trong vụ Văn Giang, cũng như vụ Tiên Lãng và các vụ khác, chính các cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan chủ quản, cơ quan chức năng phải nghiêm túc xem xét, tìm nguyên nhân, có khuyết điểm, có sai lâm, có lỗi với dân thì dám tự mổ xẻ, dũng cảm và trung thực nhận lỗi; đồng thời có biện pháp sửa chữa, khắc phục hậu quả sao cho được lòng dân, đúng pháp luật, tự giải quyêt cho nhanh chóng ổn thỏa. Đó cũng chính là cách phát huy nội lực, là sự “tự thân vận động” tốt nhất, hiệu quả nhanh nhất. Không phải đợi có các vụ việc thì địch mới chống phá ta, mà cả nghìn năm nay nhân dân ta luôn luôn phải đấu tranh chống kẻ thù, chống các thế lực thù địch. Nhưng, trước hết phải tự ta tháo gỡ cho ta, nhận diện cho rõ, “biết địch biết ta trăm trận trăm thắng”, ổn định hay không trước hết phải do ta, đừng vì nóng vội hoặc vì động cơ không trong sáng mà cố tình đổ vấy cho ai khác. Nước ta đã phải trải biến nhiều hy sinh, gian khổ, mất mát đời này sang đời khác vì các loại kẻ địch. Ai chẳng căm thù địch và biết rằng phải luôn luôn cảnh giác với địch. Nhưng một câu hỏi đặt ra là tại sao có những vị trong phát biểu đều phải nói đến địch? Do đã biết dân ta ngán ngại địch, rất ghét địch, cho nên cố tình nói là do địch chống phá để bà con cho rằng do địch thì trấn áp là phải, đúng thế không? Nhưng dân ta nay khác xưa rồi. Các ông làm mạnh tay chẳng phải vì lý do gì, mà thực tế xảy ra nhiều vụ đã đủ cho bà con nhận diện bản chất vấn đề: “Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền”.
Trong báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Khắc Hào rất tự hào với thành tích trong vụ Văn Giang, chính quyền tỉnh Hưng Yên đã xác định rõ quan điểm “phát huy dân chủ phải đi liền với kỷ cương pháp luật, trong từng vụ việc cụ thể cần được xem xét thấu đáo, có lý có tình…” (!?). Thế mà tại sao có đến 166 hộ dân sao lại dám “lợi dụng dân chủ “ đến mức cố tình như vậy, trong khi chính quyền đã giải quyết một cách “dân chủ”, “có lý có tình, đúng pháp luật”? Trong vụ này, chính quyền “không đi ngược lại lợi ích của nhân dân, kìm hãm sự phát triển”. Chính quyền địa phương đã “tăng cường công tác tiếp công dân, coi trọng tuyên truyền, vận động nhân dân và không nóng vội…”. Rồi nào là “chính quyền đã quan tâm giải quyết các quyền và lợi ích chính đáng của người dân, theo đúng các quy định của pháp luật”… Và ông Hào đi đến kết luận là có kẻ địch xúi giục, rằng “những người lợi dụng dân chủ, móc nối với những phần tử tiêu cực, bất mãn, phản động trong nước và nước ngoài, cố tình chống phá chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước…”. Trong báo cáo với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông Hào đại diện cho quan chức Hưng Yên đã nói là có sự liên hệ giữa người nông dân với lực lượng chống chính quyền. Nhưng điều quan trọng nhất là những dẫn liệu để làm rõ nội dung đó thì ông Hào không hề chứng minh, hoặc không có để chứng minh.
Suy cho cùng, địch không ở đâu xa, cũng không khó tìm. Kẻ nào đã mất phẩm chất đảng viên cộng sản, vì lòng tham mà cơ hội, lợi dụng, cố tình làm sai đường lối, chủ trương của Đảng, làm sai các chính sách, pháp luật Nhà nước, gây mất uy tín cho Đảng, làm mất hiệu lực quản lý, điều hành của Nhà nước, làm mất dân chủ, thì kẻ đó chính là địch. Từ trong nội bộ phá ra còn nguy hiểm hơn địch bên ngoài đánh vào rất nhiều. Nếu do đạo đức, lối sống bị suy thoái mà không tự nhận ra, trái lại tiếp tục suy thoái nặng hơn thì đó là sự “tự diễn biến” vô cùng nguy hiểm ngay trong Đảng. Chủ trương sai, tổ chức thực hiện sai, nhưng không dám nhận sai để sửa, trái lại vẫn tìm cách đánh lạc hướng, bẻ cong sự thật, bóp méo bản chất vụ việc, đổ tại hoàn cảnh khách quan, đổ cho người khác. Như thế là biểu hiện phẩm chất, đạo đức đã suy thoái nặng, năng lực quá kém và lối sống hèn hạ.
B. V. B.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét