Pages

Thứ Ba, 8 tháng 5, 2012

Bà Clinton kết thúc chuyến thăm châu Á

Ngoại trưởng Mỹ, H.Clinton, và Ngoại trưởng Ấn, S.M.Krishna
Ngoại trưởng Mỹthúc giục Ấn Độ giảm bớt
 mua dầu lửa của Iran để gây áp lực về
chương trình hạt nhân của Iran
Ngoại trưởng Mỹ, bà Hillary Clinton, vừa kết thúc vòng công du châu Á vào hôm thứ Ba trong một chuyến đi đầy các vấn đề tranh chấp gai góc.
Theo bà thì đã có những dấu hiệu tiến bộ trong việc giải quyết các vấn đề nảy sinh từ sức mạnh tăng lên của Trung Quốc và Ấn Độ.

Chuyến đi kéo dài một tuần của bà Clinton đã bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng xung quanh một nhân vật bất đồng chính kiến ở Trung Quốc, ông Trần Quang Thành, người đã chạy trốn vào Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh.
Vòng công du của bà kết thúc ở Ấn Độ, nơi quan hệ thân thiện với Hoa Kỳ gần đây được thử thách vì bất đồng hai bên về Iran.

Bà Clinton, người gặp gỡ Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ, S.M. Krishna, hôm thứ Ba trước khi trở về Washington, đã gây áp lực với Ấn Độ để nước này mua ít dầu hơn từ Iran nhằm gây áp lực lên Tehran vì lý do chương trình nguyên tử của họ.
Ấn Độ đã nổi giận trước các biện pháp trừng phạt mà Mỹ từng đe dọa sẽ áp dụng đối với các quốc gia tiếp tục mua dầu lửa từ Iran, một trong những tranh cãi công khai nhất giữa hai nền dân chủ lớn nhất thế giới kể từ khi hai quốc gia xích lại gần nhau hơn vào cuối những năm 1990.
Tuy nhiên các công ty Ấn Độ đã lặng lẽ giảm bớt lượng hàng mua từ Iran, và các quan chức Mỹ thì bày tỏ hy vọng rằng áp lực trên thị trường sẽ có tác dụng ngay cả khi các chính phủ phải công khai bác lại những gì họ nhìn nhận như những áp đặt đơn phương của nước ngoài.
Bà Clinton bác bỏ ý kiến nói rằng các mối quan hệ đã trở nên tồi đi. Bà chỉ ra các giá trị cùng chia sẻ giữa hai quốc gia, nhắc lại phương châm của Mỹ rằng mối quan hệ với Ấn Độ sẽ là một trong những "mối quan hệ đối tác tối quan trọng của thế kỷ 21."
"Hai quốc gia lớn không thể nào đồng ý với nhau về tất cả mọi thứ," bà Clinton nói với sinh viên tại thành phố Kolkata ở phía đông Ấn Độ vào hôm thứ Hai.
"Tôi thực sự tin rằng mối quan hệ giữa hai nước sẽ phát triển"
Bà Clinton nói về quan hệ Mỹ - Ấn
"Nhưng chúng tôi sẽ thảo luận và nói ra tất cả mọi vấn đề. Tôi cho rằng đó là cách cần để phát triển quan hệ. Vì vậy, tôi thực sự tin rằng mối quan hệ giữa hai nước sẽ phát triển", bà nói.
Quan hệ phát triển
Bà Clinton tới New Delhi để chuẩn bị cho Đối thoại chiến lược Mỹ-Ấn, được tổ chức thường niên từ năm 2010, vốn được dự trù diễn ra vào tháng tới tại Washington. Ở Bắc Kinh, bà Clinton và Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Timothy Geithner, đã tham gia Đối thoại Chiến lược và Kinh tế với Trung Quốc.
Trong khi các cuộc họp chính thức đó có thể làm mờ nhòa con mắt người không thuộc giới ngoại giao, các viên chức Mỹ tin rằng những cuộc đối thoại như vậy đã cho phép đạt được tiến bộ bằng cách vạch ra một cách thức để các quốc gia khác giải quyết một loạt các vấn đề với Washington.
"Chúng tôi nói về tất cả mọi thứ. Không có điều gì không được bàn tới," bà Clinton nói.
Chuyến thăm châu Á của bà Clinton bị lu mờ bởi vụ Trần Quang Thành tại Bắc Kinh
Các viên chức Mỹ cho biết trong chỗ riêng tư rằng họ không thể hình dung chuyện có được một giải pháp với Trung Quốc về vụ ông Trần Quang Thành nếu như đã không thiết lập được mối quan hệ với các nhà lãnh đạo Trung Quốc thông qua đối thoại thường niên và các dàn xếp khác như vậy.
Ông Trần, một trong những nhà hoạt động nổi tiếng nhất Trung Quốc, bị mù do một căn bệnh từ khi còn nhỏ, đã khiến chính quyền Trung Quốc tức giận khi phơi bày chuyện cưỡng bức phá thai và triệt sản theo chính sách một con của Trung Quốc.
Ông đã trải qua bốn năm tù giam trước khi bị quản thúc tại gia, nơi ông nói rằng ông và gia đình bị đánh đập tàn nhẫn.
Vài ngày trước chuyến thăm của bà Clinton tới Trung Quốc, trong một diễn tiến đầy kịch tính, ông Trần đã bỏ chạy vào Đại sứ quán Mỹ. Các viên chức Mỹ đã đàm phán một thỏa thuận mà theo đó ông Trần sẽ theo học tại một trường đại học và giới chức Trung Quốc hứa sẽ bảo đảm an toàn cho ông.
Đạt được thỏa thuận về ông Trần vào khi đang có các đàm phán cấp cao nhất "cho thấy mối quan hệ giữa hai nước đã thay đổi biết bao để chúng ta có thể có các cuộc hội thoại như vậy," một viên chức cấp cao Mỹ cho biết sau khi có các đàm phán ban đầu.
Tuy nhiên, một số nhà lập pháp Mỹ và các nhà hoạt động bày tỏ quan ngại lớn về thỏa thuận này và họ đặt câu hỏi tại sao Hoa Kỳ lại tin vào những gì Trung Quốc nói về việc bảo đảm an toàn cho ông Trần và cáo buộc chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã quan tâm hơn tới mối quan hệ với Bắc Kinh.
Sau khi nói chuyện với các nhà hoạt động và gia đình mình từ một bệnh viện ở Bắc Kinh, ông Trần cho biết ông không còn cảm thấy an toàn khi ở lại Trung Quốc.
Các viên chức Mỹ đã hối hả trở lại đàm phán và đạt được một thỏa thuận thứ hai, theo đó họ cho biết Trung Quốc sẽ cho phép ông Trần sớm rời Trung Quốc tới nghiên cứu tại Hoa Kỳ.
Mối quan hệ của Mỹ với Ấn Độ thân thiện hơn nhiều so với Trung Quốc.
Tuy nhiên, các viên chức Mỹ cũng mong muốn mở rộng đối thoại với Ấn Độ, với cuộc họp của bà Clinton vào hôm thứ Hai ở Kolkata và bà Mamata Banerjee, một ngôi sao đang lên của chính trị Ấn Độ.
Bà Banerjee, người có ý kinh nghiệm ngoại giao nhưng hồi năm ngoái đã giành chức vụ cao cấp nhất tại bang Tây Bengal, chức Bộ trưởng thứ nhất (tương đương thủ hiến tiểu bang) sau khi phắng phe cộng sản vốn cầm quyền tại bang đông dân thứ tư của Ấn Độ trong suốt gần 35 năm qua.

Không có nhận xét nào: