Pages

Thứ Ba, 15 tháng 5, 2012

Báo Chí Việt Nam Còn Gì Trong Vai “Công Cụ”?

Báo Quân Đội Nhân Dân ngày 6 tháng 5 vừa qua có bài viết nhan đề “Bảo đảm quyền tự do báo chí, tự do internet cho đại đa số người dân”, nội dung biện bạch về “quyền tự do báo chí” ở Việt Nam hiện nay, cũng như khoe về loạt bài “Tự do báo chí ở Việt Nam – thực tiễn sinh động” trên báo này trước đó nửa tháng đã được “nhiều bạn đọc, chuyên gia, nhà quản lý, nhà báo, luật sư… bày tỏ sự đồng tình, nhất trí”. Lời khoe mẽ này có giá trị như thế nào thì sẽ được xét thêm ở dưới; còn chuyện các tờ báo đảng biện bạch về các quyền tự do căn bản của con người dưới sự cai trị của đảng Cộng Sản Việt Nam là chuyện dài từ trước đến nay. Nó chẳng khác gì việc Bắc Hàn (và CSVN) biện bạch rằng ở hai nước này không có tù nhân chính trị! Chỉ nội việc đảng từ năm này sang tháng nọ phải biện bạch về những quyền tự nhiên của con người tự nó đã cho thấy việc hành xử những quyền đó của người dân có vấn đề như thế nào rồi! Riêng trong lãnh vực báo chí, muốn biết quyền tự do báo chí ở Việt Nam hiện nay ra sao thì chỉ cần nhìn vào việc hai ký giả của Đài Tiếng Nói Việt Nam (VOV) vừa bị công an đánh đập tơi tả là rõ. Tuy đây chỉ là một hiện tượng được phơi bày, nhưng đi sâu vào, người ta sẽ thấy bản chất của vấn đề “tự do báo chí ở Việt Nam”.

Sự kiện nhà báo Ngọc Năm, Trưởng phòng Thời sự, Chính trị – Kinh tế, và nhà báo Phi Long, thuộc Trung tâm Tin của Đài Tiếng nói Việt Nam bị công an đánh cho nhừ tử khi săn tin tại cuộc cưỡng chế đất đai ở Văn Giang mới đây đã được các cơ quan thông tin độc lập và nhiều blogger đưa tin, bình luận từ hơn một tuần qua. Từ sự kiện này, trong bài báo nhan đề “Nhà báo Việt Nam khổ HƠN… chó”, nhà báo Võ Văn Tạo đã cho người ta thấy quả là vậy. Vì con chó bị đánh ít nhất nó cũng còn kêu lên ăng ẳng; còn nhà báo Việt Nam dưới chế độ của đảng bị đánh tơi bời cũng chẳng dám “ẳng” tiếng nào! Mà không chỉ hai nạn nhân; cả hội nhà báo bề thế; cả VOV, một cơ quan to lớn ngang hàng với cấp bộ của nhà nước; cả làng báo lề đảng với hơn 700 tờ báo; mấy chục đài phát thanh, truyền hình cũng im thin thít. Không hề có một động tĩnh nào để bênh vực cho hai đồng nghiệp. Nếu không có các cơ quan truyền thông độc lập và các blogger của làng Dân Báo thì chắc chẳng ai biết chuyện động trời này. Câu hỏi đặt ra là tại sao lại như vậy?
Tìm hiểu sâu hơn, Giáo Sư Viện Sĩ Hoàng Xuân Phú cảm thương cho hai nhà báo nạn nhân sau khi xem xong video clip cảnh công an đánh đập họ dã man. Giáo Sư Phú cố chờ đợi một tiếng “ẳng” từ hai nạn nhân nhưng chờ mãi chẳng thấy. Ông tìm hiểu thêm thì biết rằng, chỉ hai ngày sau khi bị đánh hội đồng bầm dập, ngày 26/4, nhà báo Ngọc Năm đã có bài báo ca ngợi “Hoàn thành cưỡng chế 72 ha đất ở Văn Giang – Hưng Yên… theo đúng quy định pháp luật“ đăng trên trang mạng của VOV, sau đó được nhiều báo khác sao chép lại. Bài báo tuyệt nhiên không nhắc đến thảm cảnh đã diễn ra trên đất Văn Giang, mà chỉ duy trì lối viết “truyền thống”….. Chuyện nghe sao giông giống chuyện các nguyên soái Liên Xô khi bị Staline nghi ngờ đem ra xử tử, trước khi bị bắn chết vẫn cố hô to “Staline muôn năm”. Giáo Sư Hoàng Xuân Phú đã đặt câu hỏi rằng: “Liệu nhân dân, nhất là dân oan bốn phương, có thể trông cậy vào những nhà báo với lương tâm và lòng tự trọng như thế hay không? Nếu các ông cho rằng chức trách của mình là phải bóp méo sự thật cho vừa ý cấp trên, thì không nên xưng danh nhà báo, mà hãy thẳng thắn thừa nhận rằng mình chỉ hành nghề viết thuê.”
Cho đến nửa tháng sau, có lẽ do áp lực của dư luận, nhất là của làng dân báo, hai nhà báo nạn nhân mới dám kêu “ẳng”. Rồi báo Thanh Niên và trang mạng Einfo, hai cơ quan truyền thông đầu tiên, rón rén đưa tin chừng mực về sự kiện hai nhà báo bị đánh, khai mào cho nhiều tờ báo “lề đảng” khác đồng loạt đi theo. Viết về hiện tượng này, nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh đã dùng chữ “xổng chuồng” (của các báo nhà nước), còn blogger Nguyễn Ngọc Già gọi đó là hiện tượng “bầy đàn”; những từ ngữ hàm ý mỉa mai dùng cho súc vật, nhưng có lẽ khó có từ ngữ nào chính xác hơn. Từ đó người ta còn biết thêm về nhiệm vụ của hai nhà báo trong cuộc cưỡng chế ở Văn Giang. Người thì cho biết: “Tôi tiếp tục được cử đến hiện trường nắm bắt thông tin, báo cáo tình hình để có tuyên truyền đúng định hướng”; người thì nói rằng: “Tôi chụp ảnh để làm tư liệu về việc người dân có những hành vi vi phạm nghiêm trọng để làm tư liệu khi cần thiết.”
Cùng với sự kiện hai nhà báo bị đánh không dám kêu “ẳng”, một vụ động trời như Văn Giang, với ba bốn ngàn công an các loại thi hành việc cưỡng chế; khói lửa mịt trời; rồi đơn kiện của dân bị bỏ qua; văn bản, quyết định của phía nhà nước đều có những dấu hiệu giả mạo rất rõ ràng, rất đáng nghi ngờ; thế mà truyền thông, báo chí quốc doanh cứ im thin thít thì đủ thấy chế độ không những đe doạ bịt miệng dân, mà còn đe doạ và bịt miệng cả nhà báo “giỏi” như thế nào. Bởi vậy mà hai nhà báo xã hội chủ nghĩa bị đánh mới có những nhiệm vụ và mục tiêu kỳ lạ như vừa thuật ở trên.
Tổng hợp những sự kiện này, người ta thấy được hình ảnh thực tế của điều gọi là “tự do báo chí” ở Việt Nam mà loạt bài trên báo Quân Đội Nhân Dân dẫn thượng đã khoe mẽ. Chính một số nhà báo trong luồng đã nhỏ to tâm sự qua các mạng xã hội rằng cả làng báo lề đảng nói chung chứ không riêng gì hai nhà báo bị đánh hội đồng đều bị trùm kín dưới cái chăn “hèn hạ”. Lãnh đạo đảng qua Ban Tuyên Giáo Trung Ương lấy chân đứng chận 4 góc. Những câu tâm sự đau đớn này phản ánh sự thực — Đó là sự sợ hãi ngự trị quá lâu trong từng nhà báo.
Trong loạt bài “Tự do Báo Chí ở Việt Nam-Thực tiễn sinh động”, báo QĐND dẫn lời thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn khoe có gần 17.000 nhà báo,786 tờ báo, 67 đài phát thanh-truyền hình Trung ương và cấp tỉnh, và tất cả là lực lượng xung kích của Đảng CSVN trên mặt trận tư tưởng, văn hóa. Bài báo còn dẫn lời ông Lê Văn Nghiêm, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại nói rằng, thực tế ở Việt Nam đảng kiểm soát báo chí và không có báo chí tư nhân. Thế nhưng bài báo của tờ QĐND vẫn ca tụng: “Dù không có báo chí tư nhân, Việt Nam vẫn bảo đảm tốt quyền tự do ngôn luận, quyền được thông tin của công dân.”
Đọc nguyên cả một đoạn dưới đây trong bài báo kể trên, người ta sẽ thấy sự trơ trẽn cùng cực!
“Trong hoạt động thực tiễn, chưa bao giờ báo chí được phát huy quyền dân chủ, hoạt động cởi mở, thông thoáng như những năm qua (…) Báo chí Việt Nam không có “vùng cấm”, mà luôn phản ánh trung thực, toàn diện mọi mặt đời sống xã hội, cả những mặt tích cực và tiêu cực, cả tình hình trong nước và quốc tế”
“Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí là một trong những quyền cơ bản của con người đã được Đảng, Nhà nước ta xem là một thuộc tính, một bản chất của chế độ ta. Nhưng các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách bôi nhọ, xuyên tạc Việt Nam không có dân chủ, nhân quyền, trong đó có quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận; ra sức bóp méo tự do báo chí ở nước ta.”
Chính vì thế mà đông đảo dân cư trên mạng đổ xô đi đọc bài của những “nhà báo không bằng cấp” nhưng chân chính và tự xác định trách nhiệm phản ánh sự thật, bảo vệ lẽ phải, bênh vực kẻ yếu, bảo vệ công lý, lên án cường quyền, chống lại bất công, vạch trần thói đạo đức giả. Đó là các nhà dân báo như Điếu Cày (mà khổ nạn của anh được tổng thống Mỹ nêu lên nhân ngày Báo Chí Thế Giới), Nguyễn Thanh Giang, Nguyễn Xuân Diện, Nguyễn Tường Thụy, Đặng Bích Phượng, Huỳnh Ngọc Tuấn, Huỳnh Thục Vy, Huỳnh Trọng Hiếu, Người Buôn Gió, Paulus Lê Văn Sơn, Mẹ Nấm, Phạm Hồng Sơn, Lê Quốc Quân, Hà Sĩ Phu, Tạ Phong Tần, Đinh Đăng Định, Anh Ba Sài Gòn và còn rất nhiều người nữa.
Tuy nhiên, công bằng mà nói thì trong số những nhà báo nguyên thuộc báo lề đảng, hoặc ngay cả đang hành nghề dưới cây gậy của đảng, vẫn có những nhà báo can đảm, trọng danh dự, làm đúng thiên chức người cầm bút. Trong số đó phải kể đến Huy Đức, Trung Bảo, Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Văn Hải, Đoan Trang, Hoàng Khương, v.v… Đây là những con người can đảm khi cả “bầy đàn” Hội Nhà Báo Việt Nam vẫn lăm lăm tự “đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý của Nhà nước”, và tự hứa sẽ “Góp phần xây dựng báo chí Việt Nam thực sự là tiếng nói của Đảng, Nhà nước”… như ghi rõ trong Điều lệ Hội.
Bài báo dẫn thượng của tờ QĐND thuật lại việc nhà báo, tiến sĩ Phùng Thảo, nguyên Giám đốc Đài Phát thanh – Truyền hình Hải Phòng cho rằng, muốn nhận thức đầy đủ quyền tự do báo chí chân chính, không thể không bắt đầu từ câu hỏi: “Báo chí vì ai, của ai, do ai?”. Nếu ráp câu hỏi đó vào bản điều lệ của Hội Nhà Báo Việt Nam, đặc biệt là 2 điều vừa trích dẫn ở trên, chắc tiến sĩ Phùng Thảo cũng phải đồng ý với mọi người rằng: “Tự do báo chí ở Việt Nam” chỉ là viết tắt của cả câu “Lãnh đạo đảng tự do hèn hạ hóa báo chí ở Việt Nam”.
Hèn hạ hóa tới mức nào… thì lại phải trích bài viết của nhà báo Võ Văn Tạo.
Nguyễn Thanh Văn – Lê Vĩnh

Không có nhận xét nào: