Pages

Thứ Năm, 3 tháng 5, 2012

Bê bối thịt heo có chất tạo nạc : người tiêu dùng Việt Nam tẩy chay


Tháng 3 và tháng 4 vừa qua, thịt lợn bị nhiều người tiêu dùng Việt Nam tẩy chay vì nghi có chứa chất nguy hại cho sức khỏe (DR)
Trọng Thành

Từ giữa tháng Ba 2012 đến nay, thị trường thịt lợn ở Việt Nam bị chao đảo bởi một biến cố: một bộ phận lớn người tiêu dùng tẩy chay thịt lợn nói chung, vì nghi ngờ thịt có các chứa chất tạo nạc gây nguy hiểm cho sức khỏe được bán rộng rãi trên thị trường. Vì sao thịt heo nhiễm các chất tạo nạc lại phổ biến trong xã hội, gây lo sợ cho người tiêu dùng, và thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi, bất chấp các chất này bị đưa vào danh sách cấm từ lâu ? Đâu là những giải pháp thực sự căn bản cho bê bối thịt lợn có chất tạo nạc ?
Sự tẩy chay của người tiêu dùng khiến giá thịt hơi giảm mạnh, thấp hơn cả giá thành, gây thiệt hại nặng cho những người nuôi lợn, ước tính tổng cộng lên đến hàng trăm triệu đô la. Chất cấm tạo nạc có thể giết chết ngành chăn nuôi Việt Nam là thông điệp được nhiều phương tiện truyền thông cảnh báo.

Trong thời gian từ cuối tháng Ba đến giữa tháng Tư, nhiều cuộc hội thảo do các hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng và người sản xuất thuộc xã hội dân sự phối hợp với các tổ chức khoa học – kỹ thuật và giới hữu trách đã được tổ chức. Một số ghi nhận đã được rút ra, trong đó nhấn mạnh đến phần trách nhiệm lớn của hai bộ trực tiếp phụ trách an toàn thực phẩm là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Y tế, cũng như một số điều cần được làm ngay để lấy lại lòng tin của người tiêu dùng.
Cơn sốt tẩy chay thịt heo có chứa chất tạo nạc có vẻ đang dịu xuống từ khoảng mươi hôm nay, nhưng chắc chắn vẫn còn nhiều điều cần được được thông tin cặn kẽ tới công chúng, để vấn đề này trở nên sáng tỏ hơn, bởi nhiều người cho rằng, nếu không có các biện pháp thực sự thích ứng, thì không loại trừ trong một thời gian nữa, ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ lại phải hứng chịu một bê bối tương tự.
Theo đánh giá của một số nhà quan sát, vấn đề thịt heo nhiễm độc tố là một trong các vấn đề nóng bỏng ở Việt Nam trong thời gian sau Tết trước hè. Thịt heo hạ giá là một trong vài yếu tố tham gia vào việc kéo chỉ số giá tiêu dùng CPI đi xuống mạnh, khiến một số nhà kinh tế lo ngại.
Khách mời của tạp chí Khoa học của RFI hôm nay, là ông Phạm Đức Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam, ông Nguyễn Đăng Vang, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học – Công nghệ – Môi trường Quốc hội và ông Lã Văn Kính, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam.
Các chất cấm, nhưng được thả nổi
Từ nhiều năm nay, các chất Clenbuterol và Salbutamol (thuộc nhóm Beta-agonist) vốn được sử dụng trong thuốc chữa bệnh, nhưng vì có tác dụng kích thích tăng trưởng, làm lợn không tích mỡ mà phát triển phần thịt nạc, gây nên hiệu ứng của một thứ « thần dược », mang lại lợi nhuận đáng kể cho người chăn nuôi, nên mặc dù bị cấm, Clenbuterol và Salbutamol vẫn được sử dụng khá rộng rãi tại Việt Nam, dưới dạng pha trực tiếp vào thức ăn cho gia sức hoặc được trộn lẫn với thực phẩm chế biến sẵn.
Theo các nghiên cứu y khoa, người tiêu dùng ăn phải thịt lợn có nhiều chất thuộc nhóm Beta-agonist sẽ bị các triệu chứng cấp tính của sự ngộ độc. Về dài hạn, các chất Clenbuterol và Salbutamol có thể làm tổn hại các hệ thần kinh, tuần hoàn, hô hấp, thậm chí có thể làm chết những người mắc bệnh tim mạch, huyết áp, và gây ung thư. Các chất cấm này thường tồn dư chủ yếu ở thận và gan của lợn, khiến việc sử dụng nội tạng lợn làm tăng nguy cơ nhiễm các chất độc này.
Tại Châu Âu, các chất thuộc nhóm Beta Agoniste như Clenbuterol và Salbutamol đã bị cấm sử dụng từ năm 1988, khi mới xuất hiện làn sóng sử dụng hooc môn tăng trưởng trong chăn nuôi. Quy định này được Châu Âu tái khẳng định vào năm 1996.
Tại Việt Nam, Clenbuterol và Salbutamol đã bị cấm nhập từ năm 2002, tuy nhiên các chất này đã bị thả nổi, do nhiều nguyên nhân.
Phản ứng quyết liệt của người tiêu dùng
Về mức độ sử dụng các chất độc này, có hai luồng quan điểm. Luồng thứ nhất cho rằng lượng heo bị nhiễm độc chất chỉ ảnh hưởng trên một quy mô hẹp, trong khi đó các quan điểm khác thì lại ghi nhận, có một làn sóng sử dụng chất cấm trên quy mô rộng.
Tuy nhiên, nhìn chung phản ứng của một bộ phận lớn người tiêu dùng tại Việt Nam trong thời gian qua là rất dứt khoát : chuyển sang dùng loại thịt khác, hay nói cách khác tẩy chay thịt lớn. Riêng ở Đồng Nai – điểm nóng của hiện tượng dùng chất tạo nạc – theo điều tra nhanh của Hội bảo vệ người tiêu dùng vào thời điểm cuối tháng Ba, khi được hỏi, đã có 1/3 số người khẳng định sẽ tẩy chay thịt heo chợ và chỉ mua hàng có thương hiệu, còn 1/5 nói sẽ không ăn thịt heo và chuyển sang các loại thực phẩm khác.
Các cơ quan quản lý nhận lỗi
Vụ bê bối thịt heo nhiễm chất tạo nạc cho thấy lỗ hổng nói chung của các cơ quan quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm ở Việt Nam. Phản ứng mạnh mẽ của người tiêu dùng khiến các cơ quan quản lý phải công nhận những khiếm khuyết trong cơ chế quản lý an toàn thực phẩm. Công an môi trường đã vào cuộc. Đầu tháng một số vụ buôn bán chất cấm đã được phanh phui và một số nơi sử dụng trong chăn nuôi đã được xác định.
Các cơ quan hữu trách trong vụ việc này bị phê phán là chưa hoàn thành được các trách nhiệm trước người tiêu dùng. Ở đây phải nhấn mạnh đến vai trò của báo giới và các hiệp hội dân sự trong việc làm sáng tỏ vụ việc và đưa ra ánh sáng những lỗ hổng và sự tắc trách của nhiều cơ quan quản lý.
Để lấy lại lòng tin của người tiêu dùng, một số giải pháp cấp tốc đã được đưa ra, như giải pháp mới nhất là tất cả các lô hàng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu đều phải kiểm tra từ 1/7/2012, bên cạnh đó là chính quyền phát động một phong trào cam kết không dùng chất cấm đối với giới chăn nuôi.
Tại sao các chất cấm trong chăn nuôi lại được sử dụng bừa bãi ? Các khách mời của chúng ta sẽ đưa ra các kiến giải về vấn đề này.
Bộ Y tế chưa ra nổi quy định về hàm lượng tối đa
Sự vắng mặt của một hệ tiêu chuẩn mức độ cho phép từ phía Bộ Y tế được coi là một yếu tố gây khó khăn cho xử phạt, mà theo PGS Nguyễn Đăng Vang, đây là một vấn đề không thể giải quyết ngay trước mắt.
Nguyễn Đăng Vang : « Hàm lượng tối đa cho phép quy định trong thịt là việc của Bộ Y tế, còn hàm lượng đó, nếu nằm trong thức ăn chăn nuôi thì do Bộ Nông nghiệp có trách nhiệm đưa ra. Hiện nay, gần đây thì các cơ quan này cũng có biết là cần phải khẩn trương đưa cái đấy ra. Trước tiên, có lẽ phải dựa vào mấy cái giới hạn tối đa cho phép của Codex đưa ra. Trên cơ sở đó, mình rút kinh nghiệm của các nước Châu Âu, hay các nước khác trên thế giới có hệ thống quản lý về thực phẩm rất chặt chẽ, các hệ thống chuyên gia của chúng ta sẽ ngồi lại với nhau bàn, xem ảnh hưởng của các chất đấy đến cơ địa, cũng như tâm sinh lý của người Châu Á, cụ thể là người Việt Nam, thì nên như thế nào là phù hợp. Có lẽ phải nghiên cứu thêm các công bố của Nhật Bản hay Hàn Quốc, Trung Quốc, để đưa ra một hàm lượng phù hợp với người Việt Nam.
Cái việc này để cho thật thận trọng, cần phải có một thời gian nhất định. Điều này phụ thuộc vào lượng thông tin chúng ta thu được nhanh hay chậm. »
Sự vắng mặt của hệ thống giết mổ tập trung
Một yếu tố nữa khiến cho việc quản lý các chất cấm rất khó khăn trong tình hình hiện tại. Đó là quy mô nhỏ lẻ của rất đông đảo người chăn nuôi. Sau đây là nhận định của tiến sĩ Lã Văn Kính :
Lã Văn Kính : « Cái điều kiện của Việt Nam không giống như nước ngoài. Người chăn nuôi nhỏ cũng nhiều, rồi hệ thống giết mổ không quy củ, nên bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố. Thực tế là các lái buôn tác động rất nhiều đến người chăn nuôi. Họ nói, nếu sử dụng các sản phẩm này (có chứa các chất cấm), thì họ sẽ mua heo hơi với giá cao hơn. Đúng là qua chuyện này thấy người chăn nuôi thật thà đang thiệt. Nhưng có tình trạng là các hệ thống giết mổ của Việt Nam rất là yếu, tức là chủ yếu giết mổ nhỏ, còn các nhà máy quy mô, cho nên người chăn nuôi cũng khó, bởi vì người ta không thể tự làm thương hiệu của mình được.
Theo tôi nghĩ, theo trào lưu chung, nhà nước cũng đã nhận thức ra được chuyện này. Ví dụ như thành phố HCM đã có kế hoạch quy hoạch rồi, thì trong năm năm tới, sẽ có hàng chục lò giết mổ lớn. Hy vọng đến lúc đó, người chăn nuôi sẽ được bảo vệ tốt hơn.
Khi mà người ta làm được thành hệ thống, thì người ta có thể dán thương hiệu giống như của các công ty nước ngoài. Việt Nam đã ban hành một hệ thống nhãn hiệu chứng nhận quy trình chăn nuôi tốt (gọi tắt là VietGAHP – Vietnam Good Animal Husbandry Practices) nếu làm được trước như thế, đề phòng được trước như thế thì sẽ tốt ».
Cần làm rõ trách nhiệm của tất cả các bên liên quan
Trong hiện trạng của nền sản xuất còn nhỏ lẻ và các tiêu chuẩn hàm lượng được phép chưa được cơ quan chức năng của Bộ Y tế ban hành, những nguyên nhân gì khiến việc sử dụng các chất cấm tạo nạc phổ biến đến như vậy, và đâu là các giải pháp trong hiện tại và mang tính căn bản cho vấn đề này. Sau đây là cuộc nói chuyện của chúng tôi với ông Phạm Đức Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam, là một người theo dõi sát hồ sơ này.
Phạm Đức Bình : « Hiện nay phải nhìn nhận là, cái gốc là người chăn nuôi, cái ngọn là người tiêu dùng. Còn ở giữa là các cơ quan quản lý nhà nước, những người giết mổ heo. Chúng ta phải chỉ ra được, ai là nạn nhân, ai là thủ phạm.
Hiện nay, (đa số) người chăn nuôi cũng là nạn nhân thôi, dù người ta cũng sử dụng. Thủ phạm chính là những nhà phân phối thuốc, phân phối chất kích thích tạo nạc này.
Bây giờ, để chống chuyện này, trước nhất, theo tôi là, cái « đoạn ở giữa », là các nhà quản lý, cơ quan thú y, công an, nhưng hiện nay các cơ quan này đã không ngăn chặn được các chất cấm này đi vào. Thứ hai là, dù không ngăn chặn được, nhưng « chúng ta » có thể phát hiện được, nhưng sau khi phát hiện được, lại xử lý nhẹ quá.
Bản thân việc xử lý nhẹ cũng có một vấn đề. Chúng tôi cho rằng có sự lưỡng lự. Trong ba chất mà Việt Nam đang cấm, có chất ractopamine được một số nước phát triển như Mỹ và Úc cho phép sử dụng cho cả heo và bò. Từ đó, mọi người có suy nghĩ là tại sao các nước phát triển cho phép mà mình lại cấm. Ngoài ra khi nhập thịt từ các nước phát triển đó, thì theo WTO, thì phải chấp nhận tồn dư của ractopamine trong đó, từ đó dẫn đến sự lưỡng lự trong việc xử lý. Cụ thể là, khi phát hiện, cũng không thể hình sự hóa được vụ việc, bắt được người sở hữu chất ractopamine công an cũng không xử lý được. Thứ hai là, đối với thú y khi phát hiện heo sử dụng chất này thì cũng không tịch thu được, mà chỉ có chế tài là giữ các con heo đó trong vòng 7 đến 10 để nó thải ra, thì được đem đi tiêu thụ. Việc xử lý có tính lưỡng lự như vậy dẫn đến chỗ không có tính răn đe, nên việc ngăn chặn này rất khó khăn. Hiện nay, các biện pháp đã làm mạnh hơn, tôi hy vọng là sẽ ngăn chặn được chuyện này.
Đồng thời đối với người chăn nuôi cũng phải có biện pháp tuyên truyền cho người ta thấy là, chuyện này hại cho sức khỏe, cho thấy rằng, vì một số người hám lợi thì gây ông đập lưng ông, khi sử dụng chất cấm thì giá heo xuống, người ta đập chính nồi cơm của người ta. Và như vậy, người ta ý thức là sẽ không sử dụng các chất cấm nữa.
Ngoài các biện pháp của các cơ quan hữu quan, những người giết mổ phải ý thức là không thu mua loại heo này nữa, và những người bán thịt heo phải cam kết sẽ không bán thịt heo bị nhiễm các chất tạo nạc. Người bán thịt heo chắc chắn biết heo nào nhiễm, heo nào không. Và khi không có người tiêu thụ, thì người chăn nuôi cũng không sử dụng chất cấm nữa. Cuối cùng là người tiêu dùng phải trang bị cho mình một kiến thức để phân biệt được, bằng cách đừng đòi hỏi heo nạc quá, heo có màu đỏ tươi. Hãy mua loại heo đỏ hồng thôi, và có độ dày mỡ lưng từ 1 cm trở lên. Như vậy, cầu không còn thì cái cung cũng chấm dứt. »
Phải xử phạt hình sự người phân phối chất cấm
Các thiệt hai trong vụ tẩy chay heo có chất cấm có thể coi như là một bài học rất xương máu, rất đắt giá, để mà những người sản xuất và phân phối hiểu được rằng phải có trách nhiệm. Thế nhưng, việc sử dụng chất cấm đã từng được phát giác vào năm 2006-2007, nhưng sau đó không có biện pháp nào đủ làm thay đổi thực trạng này, vậy trong thời gian tới, theo ông, những điều gì sẽ giúp cho việc ngăn cản được vụ bê bối kiểu như thế này không còn tái diễn nữa, thưa ông ?
Phạm Đức Bình : « Như vậy thì, tôi cũng phải nói thêm về lịch sử của việc sử dụng chất cấm này ở Việt Nam. Khi nhà nước Việt Nam chưa cấm, thì một số công ty nước ngoài, khi vào Việt Nam sản xuất thức ăn gia súc và premix, thì người ta đã sử dụng chất cấm này. Lúc đó, chưa bị cấm thì cũng không thể gọi là chất cấm. Lúc đó, người ta coi đó là bí quyết công nghệ, để kiếm được thị phần ở Việt Nam. Lúc đó ai cũng khen, cám tốt quá, heo mông nở to quá, thịt nạc quá, đẹp quá. Lúc đó, đâu có biết người ta sử dụng chất (về sau bị) cấm. Khi người ta có thị trường rồi thì nhà nước cấm, người ta không sử dụng nữa.
Thì lúc đó thông tin mới rò rỉ ra là, một số công ty nhỏ bé thấy và bắt chước xài theo. Đến năm 2006, phát hiện ra được các công ty này có sử dụng, đại để đó là các công ty « có tóc », không dám sử dụng nữa. Đến những người chăn nuôi là những người « trọc đầu ». Những người chăn nuôi (nhỏ) là những người trọc đầu, họ không sợ. Nếu không bắt được tận tay, day tận mặt, thì người ta không lo.
Bây giờ phải giải quyết triệt để bằng cách, không có người tiêu thụ, không có người thu mua, thì chúng ta mới khẳng định được là cấm được. Nhưng phải triệt được cái đầu ra cuối cùng. Tôi nghĩ rằng, đây là một chuyện lâu dài. Phải giải thích làm sao để người tiêu dùng bảo vệ được mình, có được kỹ năng phân biệt được thịt heo có chất cấm với thịt không có.
Bên cạnh việc nâng cao ý thức của người tiêu dùng, ông Phạm Đức Bình đặc biệt nhấn mạnh đến các chế tài xử phạt :
Phạm Đức Bình : « Hiện nay chúng ta vẫn thiên về kêu gọi lương tâm, đạo đức của người chăn nuôi, của người giết mổ, của người phân phối thuốc đó. Tôi nghĩ rằng, việc kêu gọi tự nguyện, hay làm cam kết chỉ mang tính hình thức và mang tính động viên. Tôi nghĩ quan trọng là phải có biện pháp mạnh mẽ để răn đe. Ví dụ, ai là người phân phối thì phải có biện pháp phạt hình sự. Hai là, ai là người sử dụng, thì phải phạt thật nặng, thì mới ngăn chặn được. Các biện pháp nhẹ thì không răn đe được !»
Bộ máy công quyền phụ trách an toàn thực phẩm không thể thoái thác trách nhiệm
Trên thực tế, các tác hại nếu có của các chất cấm trong thịt heo đã ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng Việt Nam diễn ra rải rác từ nhiều năm nay, tuy nhiên, việc thông tin rõ ràng hơn về tác hại của các chất này đến cơ thể con người, được khẳng định thông qua một số khảo sát sơ bộ về sự hiện diện của hai chất kể trên tại nhiều khu vực trong cả nước, đặc biệt là ở Đồng Nai và một số địa điểm xung quanh thành phố HCM, đã tham gia vào việc giúp cho người tiêu dùng có ý thức hơn về các hiểm họa của thịt có chứa độc chất.
Một trong những nguyên nhân rất căn bản về mặt tâm lý khiến cho việc sử dụng các chất tạo nạc trở nên phổ biến trong chăn nuôi, là một bộ phận giới hữu trách cũng như nhiều người chăn nuôi vẫn cho rằng, sử dụng chất này, dù bị cấm, nhưng vẫn có thể chấp nhận được ở một mức độ nhất định, vì chất độc sẽ được thải ra ngoài trong một thời gian và điều này rất đem lại nhiều lợi nhuận.
Từ năm 2006-2007, vấn đề chất tạo nạc đã từng được nêu ra, nhưng kể từ đó cho đến trước làn sóng tẩy chay thịt lợn tháng Ba và Tư vừa qua, đã không có giải pháp nào thực sự đáng kể để giải quyết vấn nạn này.
Các phản ứng hiện tại của xã hội cho thấy các cơ quan nhà nước còn khá chậm trong việc làm sáng tỏ tình hình và đưa ra các giải pháp thực sự thuyết phục.
Biến cố người tiêu dùng tẩy chay thịt heo, vì nghi có chứa chất tạo nạc, là một hiện tượng đặc biệt cho thấy người tiêu dùng Việt Nam ngày càng không chấp nhận các hiểm họa do việc kinh doanh phi pháp, phi đạo lý gây ra. Biến cố này đặt các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, nhà sản xuất, nhà phân phối, những người kinh doanh thức ăn gia súc, giới thú y, … trước một thách thức rất lớn : đoạn tuyệt với việc kinh doanh dựa trên các chất gây hại cho con người, vốn đã được khoa học chứng minh rõ, và xây dựng một quy trình bảo đảm đưa ra được thị trường những sản phẩm không có hại cho sức khỏe con người.
Trước thời điểm Luật Tiêu dùng ở Việt Nam có hiệu lực (01/07/2012), phản ứng mạnh mẽ của một bộ phận lớn người tiêu dùng – tẩy chay thịt lợn, vì nghi có chất tạo nạc (mặc dù là một hành vi không phải hoàn toàn là có căn cứ, vì bộ phận heo có sử dụng các chất độc này chưa chắc đã phải là nhiều) – cho thấy, đã đến lúc bộ máy công quyền phụ trách vệ sinh an toàn thực phẩm không thể viện cớ này cớ khác, để thoái thác các nhiệm vụ được xã hội giao phó, nếu không muốn đứng trước các thiệt hại không lường được.
Hiện tượng người tiêu dùng đồng loạt tẩy chay thịt lợn cũng đặt những người sản xuất và kinh doanh trước lương tâm và quyền lợi của chính mình, trong công việc cung cấp các sản phẩm bảo đảm an toàn ra xã hội.
RFI xin chân thành cảm ơn các ông Lã Văn Kính, Nguyễn Đăng Vang và Phạm Đức Bình đã vui lòng dành thời gian cho Tạp chí hôm nay.
Kiểm soát nhập khẩu cần phân biệt các chất hỗn hợp
với các nguyên liệu
Ông Phạm Đức Bình : Từ 01/07/2012, tất cả các loại thức ăn gia súc sẽ bị kiểm tra chất lượng trước khi nhập khẩu, nhưng khi áp dụng đồng loạt là chết các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi. Theo tôi, những loại thuốc hỗn hợp, mà không thể mắt thấy được, thì cần kiểm tra bắt buộc, hoặc mấy tháng kiểm tra một lần hay đột xuất kiểm tra, nhưng còn những loại nguyên liệu, như bắp, mì, đậu hạt, thì mắt nhìn có thể thấy được. Tôi sợ rằng việc kiểm tra thông quan đó sẽ trở thành một hàng rào rất khó khăn cho giới doanh nghiệp. Vì vậy, nên tôi đã đề nghị với Bộ Nông nghiệp cần tách ra, cái nào số lượng nhiều, mà có thể kiểm tra bằng « cảm quan », thì anh thì vẫn kiểm nhưng phải cho thông quan, còn những cái nào là hóa chất, là các chất hỗn hợp, có thể lẫn các chất cấm trong đó, thì phải có biện pháp mạnh hơn, kiểm tra một cách triệt để, chứ không thể để như vậy được.
Theo RFI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét