Pages

Thứ Ba, 1 tháng 5, 2012

Bí mật những cuộc tập trận "dậy sóng" Biển Đông.

(VnMedia) - Tháng tư vừa qua, trong bối cảnh những tranh chấp trên Biển Đông, đặc biệt là giữa Trung Quốc và Philippines đang "dậy sóng", ta đã chứng kiến hai cuộc tập trận lớn trên vùng biển này với những ẩn ý nằm ngoài mục tiêu thông thường.

Đó là cuộc tập trận giữa Nga – Trung Quốc và cuộc tập trận giữa Mỹ và Philippines.

Ngoài mục đích hợp tác quân sự thông thường, các cuộc tập trận giữa các bên là đối trọng của nhau này còn được cho là để “hùm dọa” lẫn nhau, trong bối cảnh những tranh chấp trên Biển Đông giữa Trung Quốc và Philippines đang chưa tìm thấy nút gỡ, thậm chí còn có dấu hiệu căng thẳng hơn.

Cuộc tập trận “Vai kề vai” – Ngoài mục đích thông lệ
Ngày 16/4 vừa qua, quân đội Mỹ và Philippines đã khai hỏa một cuộc tập trận chung mang tên “Vai kề vai” ngoài khơi đảo Palawan, gần bãi đá ngầm Hoàng Nham (Scarborough) trên Biển Đông.

Balikatan 2012 diễn ra trong bối cảnh Manila và Bắc Kinh đang ở trong thế bế tắc, sau vụ chạm mặt của các tàu hai nước tại bãi đá Hoàng Nham trên. Cả Philippines và Trung Quốc cùng tuyên bố chủ quyền với bãi đá hình móng ngựa không có người sinh sống và cách đảo lớn Luzon của Philippines khoảng 230 km về phía tây này.
Xuất phát từ việc Philippines phát hiện 8 tàu cá Trung Quốc gần bãi đá Hoàng Nham hôm 8/4, hai nước liên tục triển khai các tàu tới khu vực này và ở thế bế tắc suốt gần một thánh qua. Manila tuyên bố muốn đưa tranh chấp tại đây ra Tòa án Quốc tế về Luật Biển (Itlos) nhưng Bắc Kinh từ chối cùng tham gia.


Cuộc tập trận có 7.000 quân tham gia. Trong cuộc tập trận này, lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ - Philippines đã diễn tập chiến thuật chiếm đảo Palawan.




Tuy rằng, đây là một cuộc tập trận thường niên giữa Mỹ và Philippines và người phát ngôn quân đội Philippines đã lên tiếng khẳng định cuộc tập trận không liên quan đến tranh chấp giữa Bắc Kinh và Manila ở bãi đá ngầm Hoàng Nham mà trọng tâm của cuộc diễn tập nhằm “cải thiện an ninh, chống khủng bố, phản ứng nhân đạo và chống thiên tai”.


Tuy nhiên, cuộc tập trận lại diễn ra đúng vào thời điểm nhạy cảm khi căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc đang leo thang, nên nhiều chuyên gia đánh giá cuộc tập trận có ẩn ý ngoài thông lệ.

Theo nhận định của giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về an ninh Đông Nam Á của Đại học New South Wales ở Australia, thì trong bối cảnh Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á đang có những tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, cộng thêm việc Trung Quốc tố cáo Mỹ hỗ trợ các nước khác đòi chủ quyền ở Biển Đông thông qua các hoạt động diễn tập quân sự, cuộc tập trận năm nay giữa Mỹ và Philippines sẽ không được coi là mang tính thường lệ.

Ông cho rằng mặc dù các cuộc diễn tập quân sự thường được sắp xếp để bảo đảm là diễn ra bên ngoài những vùng biển có tranh chấp, nhưng “dù gì đi nữa, các cuộc tập trận này cũng phát đi một thông điệp rõ ràng là Philippines đang tăng cường khả năng quân sự và Mỹ sẵn sàng hỗ trợ Philippines. Đây là một sự răn đe đối với Trung Quốc”.


Mỹ và Philippines có hiệp ước phòng thủ chung từ năm 1951, với nội dung cả hai nước sẽ cùng hỗ trợ nhau nếu có một thách thức chiến tranh từ bên ngoài xuất hiện.

Cuộc tập trận Nga - Trung - mối lo của láng giềng
Ngay sau khi Mỹ và Philippines khai hỏa cuộc tập trận chung trên Biển Đông được gần một tuần, Nga và Trung Quốc cũng bắt tay nhau tổ chức một cuộc tập trận bắn đạn thật quy mô lớn nhất từ trước tới nay trên biển Hoàng Hải.

Hơn 4.000 binh lính Trung cùng 16 tàu, trong đó có 5 tàu khu trục loại lớn, 5 tàu khu trục loại nhỏ, 4 tàu chiến, tất cả đều trang bị tên lửa, một tàu hỗ trợ và một tàu bệnh viện, 13 phi cơ và máy bay trực thăng trên tàu tham gia cuộc tập trận này. Nga đóng góp 4 tàu chiến, 3 tàu tuần dương gắn tên lửa và 3 tàu tiếp tế.



Trọng tâm của diễn tập quân sự là hệ thống phòng không phối hợp, các chiến thuật chống tàu ngầm, kỹ thuật tìm kiếm và cứu hộ. Đồng thời, hai bên cũng tập luyện giải cứu tàu bị cướp và diễn tập chống khủng bố.


Người phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân từng khẳng định: "Cuộc tập trận chung giữa Trung Quốc và Nga đã được lên kế hoạch từ lâu, và là một trong những hoạt động nhằm tăng cường hòa bình và ổn định khu vực".

Theo một số nhà phân tích, đây cũng là một dấu hiệu về mối quan hệ gần gũi hơn giữa hai người khổng lồ trong khu vực. Ngoài ra, cuộc tập trận chung với Nga là cơ hội để quân đội Trung Quốc có điều kiện tiếp cận và cọ xát với hệ thống hải quân hiện đại của Nga.


Tuy nhiên, cuộc tập trận lại diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh liên tục tăng cường chi tiêu quốc phòng và căng thẳng xung quanh vấn đề chủ quyền lãnh hải giữa Trung Quốc và các quốc gia láng giềng châu Á trên Biển Đông ngày càng gia tăng nên nó khiến không ít quốc gia láng giềng lo ngại.

Ngoài việc “hăm dọa” Philippines trong vụ “va chạm” trên Biển Đông giữa tàu Philppines và Trung Quốc cũng như phản ứng lại cuộc tập trận “Vai kề vai” trên vùng biển trên giữa Mỹ và Philippines, cuộc tập trận còn khiến các nước thuộc khu vực châu Á trên Biển Đông, nhất là Nhật Bản “nóng mặt”.Truyền thông Nhật Bản, nước đang tranh chấp với Bắc Kinh về chủ quyền quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư), khẳng định cuộc tập trận nhằm cảnh báo Tokyo do vị trí tập trận cách quần đảo tranh chấp hơn 1.000km.

Ông Joshua Eisenman, nhà nghiên cứu cao cấp về Trung Quốc tại Hội đồng Chính sách Đối ngoại Mỹ có trụ sở tại Washington nhận định: "Cuộc tập trận này khiến các nước láng giềng lo ngại. Vai trò trong khu vực của Trung Quốc từ lâu đã là mối quan ngại của một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam và Ấn Độ"

Ông cũng nói thêm rằng "Xét từ góc độ Trung Quốc, tôi không cho rằng cuộc diễn tập lần này nhằm mục đích xây dựng lòng tin chiến lược lâu dài với các nước lân cận của Trung Quốc".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét