Pages

Thứ Ba, 22 tháng 5, 2012

BIỂN ÐÔNG DẬY SÓNG VÀ SỰ SỤP ÐỔ CỦA CỘNG TÀU CỘNG VIỆT


Biển Ðông lại dậy sóng dữ dội trong hơn một tháng qua do sự đụng độ, tranh chấp giữa Phi Luật Tân (Phi) và Trung Cộng (TC) tại bãi đá ngầm Scarborough. Trên thực tế vùng này nằm trong lãnh hải do Phi kiểm soát từ xưa, nhưng nay thì TC đã và đang ngang ngược đưa tàu hải giám và tàu đánh cá tới vùng biển chung quanh hòn đảo này để khai thác hải sản y như “ao nhà” mà họ đã chiếm đoạt ở lãnh hải Việt Nam.
Hung bạo hơn, mới tuần trước, TC đã đưa rất nhiều chiến hạm thuộc hạm đội Nam Hải áp sát vào vùng biển của Phi-luật-tân để gây áp lực. Hành động xâm lăng lãnh hải rõ ràng này cho thấy TC đang tạo thế gọng kìm, phô trương sức mạnh hải quân nhằm uy hiếp Phi một cách táo bạo để thử lửa.
Tưởng cũng cần nhắc lại, sóng gió trên Biển Ðông bắt đầu nổi lên từ hôm 8-4-2012 khi một máy bay do thám của Không quân Phi phát hiện 8 tàu đánh cá của TC đang lảng vảng ở khu vực bãi cạn Scarborough, nơi đang nằm trong vùng tranh chấp giữa hai nước. Sự việc này đã dẫn đến một cuộc đụng độ giữa tàu chiến cỡ lớn Hamilton của Phi và hai tàu hải giám của TC. Ðây chính là ngòi nổ cho cuộc tranh chấp căng thẳng kéo dài suốt hơn một tháng qua giữa Phi và TC xung quanh bãi cạn đá ngầm Scarborough.
Phía chính phủ Phi khẳng định dứt khoát rằng, bãi đá ngầm Scarborough là một phần lãnh thổ của Phi, bởi nó nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của họ. Trước hành động xâm lấn lãnh hải của TC, tuần trước, khoảng 300 người Phi đã tụ tập bên ngoài Ðại sứ quán TC ở thủ đô Manila để phản đối những hành động hăm dọa của Bắc Kinh trong thời gian vừa qua.
Trong khi đó, TC đòi chủ quyền gần như toàn bộ khu vực Biển Ðông – nơi có những tuyến đường biển chiến lược quan trọng và nguồn dầu mỏ, khí đốt dồi dào. Nghĩa là TC bất chấp phản ứng của các nước lân bang trong khối ASEAN về vụ xâm lăng này.
Như vậy việc động binh tấn công các nước khác của Trung cộng nhằm thực hiện tham vọng của mình là điều vẫn thường xuyên xảy ra trong lịch sử hiện đại. Theo đó, bước kế tiếp của Trung cộng sẽ mở cuộc tấn công vào Trường Sa của Việt Nam nhằm giải quyết những tranh chấp trên Biển Ðông là chuyện quá rõ ràng.
Ðối lại những cuộc biểu tình của người dân Phi chống TC khắp nơi, một số dân TC cũng phản ứng ngược bằng những cuộc biểu tình nhỏ hơn bên ngoài Ðại sứ quán Phi tại thủ đô Bắc Kinh trong hai ngày 11 và 12 tháng 5 vừa qua. Tuy nhiên, cảnh sát TC đã không cho các cuộc biểu tình này kéo dài vì sợ người dân lợi dụng gây ra tình trạng bất ổn xã hội đã và đang căng thẳng từng ngày.
Các bỉnh bút quan tâm tới tình hình Biển Ðông cho rằng, TC chỉ “ra oai” để dằn mặt các nước nhỏ láng giềng trong vùng Á châu, nhất là Phi-luật-tân và Việt Nam, bởi 2 nước này là loại “kỳ đà cản mũi” TC trong tiến trình lấn chiếm Biển Ðông bấy lâu nay. Ðồng thời cứu vãn nội bộ của Cộng đảng đang chia rẽ, thanh trừng nhau trầm trọng, có nguy cơ sụp đổ.
Có người cho rằng đối với Việt Nam, TC coi như pha vì họ đã nắm đầu bọn tôi tớ chính trị bộ đảng CSVN, nghĩa là sai đâu làm đó, gọi dạ bảo vâng. Thỉnh thoảng bọn này chỉ ra lệnh cho vài tờ báo điện tử lên tiếng giả vờ chống TC cho có lệ – như vụ TC cấm dân đánh cá Việt Nam ra biển từ 16-5 đến 1-8-2012 –, để xoa dịu sự căng thẳng của người dân như lò thuốc súng sắp nổ tung chế độ hung bạo. Bằng chứng mới đây là việc TC đưa giàn khoan dầu hỏa tới bờ biển VN để khai thác dầu khí thì bạo quyền CSVN lại im lặng cúi đầu; hoặc cũng chỉ phản ứng lấy lệ.
Còn Phi-luật-tân mới là nơi mà TC cần thử lửa. Thử xem thái độ của Hoa Kỳ ra sao? Mấy năm gần đây, sau khi Hoa Kỳ tuyên bố Biển Ðông là nguồn lợi mà họ cần bảo vệ, TC cho rằng họ “kinh ngạc vì sự hung hăng của Mỹ” qua các sự việc: (1) Hoa Kỳ lập Thương ước đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà không mời TC tham gia; (2) Thỏa thuận với Úc cho 2500 Thủy Quân Lục Chiến Mỹ trú đóng tại căn cứ siêu chiến lược Darwin; (3) Tái xác nhận hiệp ước hổ tương quân sự giữa Hoa Kỳ và Phi ký kết từ năm 1951. Thái độ của Hoa Kỳ trong thời gian qua đã làm cho TC cay cú đến tột độ, nhất là quốc gia Ðài Loan mà Hoa Kỳ cho là “quyền lợi cốt lõi” về kinh tế của họ. TC còn tố cáo Hoa Kỳ đã xía vào nội tình chính trị tại Hong Kong và mới đây nhất là vụ can thiệp, mà họ gọi là “hành động nguy hiểm”, cho LS (mù)Trần Quang Thành qua Mỹ du học thay vì tỵ nạn chính trị.
SỰ TIẾN BỘ CỦA TRUNG CỘNG
Sau khi lột xác từ những quái nhân của tập đoàn cộng sản chuyên chế vô sản vào thập niên 1980, đảng Cộng sản Trung Hoa (Trung Cộng) đã tiến lên xây dựng nền kinh tế thị trường, biến thành một thể chế mới gọi là “tư bản đỏ”. Ðảng mafia Ðỏ này vẫn duy trì độc tài sắt máu đối với người dân, nhưng chủ trương phát triển kinh tế thị trường, tư nhân hóa một số công kỹ nghệ cho có lệ, còn đại đa số là thành phần do đảng CSTQ khuynh loát, chỉ đạo. Song song với phát triển kinh tế là xây dựng một quân đội hùng mạnh, qua chủ thuyết quốc gia Ðại Hán để bành trướng thế lực xuống phương Nam, ra biển Ðông, với tham vọng đô hộ một số quốc gia trong vùng Ðông Nam Á và cuối cùng là thực hiện giấc mộng trở thành một siêu cường Ðại Hán lừng danh thế giới vào thế kỷ thứ 21.
Từ đầu thập niên 1990 cho đến nay, sự trở mình thức dậy của Ðại Hán (tư bản đỏ) đã rõ như ban ngày. Về mặt kinh tế thị trường, TC đã tiến xa trong lãnh vực sản xuất hàng hóa – thủ công nghệ từ cây tăm xỉa răng cho đến kỹ nghệ điện toán, điện tử –, gồm hàng ngàn mặt hàng mà đi đâu chúng ta cũng thấy “Made in China” với giá rẻ mạt, bởi vì gần 1.4 tỷ người dân Trung Hoa bị bóc lột sức lao động. Những mặt hàng từ thực phẩm đến đồ gia dụng ấy đã và đang bị các quốc gia văn minh trên thế giới khám phá và tố cáo có chứa quá nhiều chất hóa học có hại cho sức khỏe, hoặc có thể giết chết con người… Thế nhưng, hàng hóa của Trung Cộng vẫn hiện diện khắp nơi trên thế giới như người dân của họ cũng hiện diện trên mặt địa cầu này.
Về mặt xây dựng quân đội, TC đã đi hia 7 dặm. Từ một đạo quân giải phóng với vũ khí thô sơ của Mao Trạch Ðông, ngày nay, sau hơn 30 năm đổi mới của Ðặng Tiểu Bình, quân lực Trung Cộng đã hiện đại hóa để trở thành một thế lực quân sự hùng mạnh chỉ đứng sau Mỹ và Nga. Ngoài một không lực rất hiện đại có thể làm chủ vòm trời của các nước láng giềng khi lâm chiến, TC còn có một lực lượng Hải quân hùng hậu rải khắp biển Ðông, có thể đè bẹp các địch thủ trong vùng biển Ðông, trong đó có Cộng Sản Việt Nam.
LỜI KẾT
Trở lại vấn đề Biển Đông dậy sóng mới đây, nhiều độc giả thắc mắc tại sao TC lại hung hăng vậy, có lợi gì cho họ, nhất là không nể nang sự hiện diện Hoa Kỳ tại Á Châu? Cuộc chiến chống TC xâm lăng sẽ đi về đâu? Xin được góp ý:
1) Thái độ của TC là nhắm vào việc dò xem phản ứng của Hoa Kỳ ra sao để tính nước cờ kế tiếp. Thế nhưng NT Clinton đã khéo léo dứt khoát: “Chúng tôi tôn trọng hiệp ước hổ tương quân sự Mỹ-Phi ký kết từ năm 1951”. Trong khi Hạm đội số 7 của Hải Quân Hoa Kỳ tại Á châu vẫn án binh bất động thì TNS McCain, một nhân vật rất có uy tín trên chính trường, đã lên tiếng mạnh mẽ: ”Hoa Kỳ không thể để cho TC tự tung tự tác ở Biển Ðông. Và rằng “Hoa Kỳ cần phải ủng hộ các nước đối tác trong khối ASEAN để họ có thể hình thành một mặt trận thống nhất và thông qua đường lối đa phương nhằm giải quyết các vụ tranh chấp này một cách hòa bình.” Lời tuyên bố của NT Clinton (hành pháp) và TNS McCain (lập pháp) đã quá rõ ràng.
2) Xã hội Tàu cộng đã và đang tan nát, đạo đức phá sản, tham nhũng lộng hành, bất công, ác độc, cướp của giết người như trở bàn tay… Ðó là nguyên nhân khiến cho dân chúng ngày càng ta thán, nổi lên chống chế độ khắp Hoa lục. Trong cơn nguy biến, trước sự sụp đổ gần kề, bạo quyền TC buộc phải phô trương sức mạnh quân sự, cổ vũ chủ nghĩa Hán tộc hiếu chiến, sử dụng chiêu bài đe dọa ngoại bang để mưu tìm đoàn kết cứu cộng đảng. Với âm mưu tạo tranh chấp trên biển Ðông, đe dọa các nước láng giềng, thách thức trực tiếp quyền lợi của Hoa Kỳ như thế… chính là ngòi nổ gây nên cuộc chiến tranh toàn diện, rất nguy hiểm cho nhân loại, bởi TC là một siêu cường với kho bom nguyên tử đồ sộ mà họ chưa có cơ hội bấm nút.
3) Biển Ðông đang trở mình là điềm báo trước chế độ tàn bạo của Trung Cộng đang trên đà sụp đổ, như nhiều học giả và chính giới đã tiên đoán trong thời gian gần đây. Chạy trời không khỏi nắng! Một khi chế độ của Cộng Tàu sụp đổ thì Cộng Việt cũng tan tành theo cơn bão lửa, vì hai chế độ độc tài, độc đảng cai trị sắt máu, bạo tàn, rập khuôn như nhau đã tới hồi phải cáo chung. Chính cố Ðại Tá Nguyễn Văn Y, một nhà nghiên cứu lý số với hàng chục năm kinh nghiệm — thân phụ của ca nhạc sĩ Hưng Ca Nguyệt Ánh — trước giờ đi vào giai đoạn “cận tử nghiệp” đã tiên đoán vận nước trong vài năm tới như sau: “Ma vương sát Ðại quỷ. Hoàng Thiên tru Ma vương. Bất chiến tự nhiên thành.” Nghĩa là ma quỷ gian ác sẽ tàn sát nhau và Trời sẽ tru diệt chúng. Chúng ta không đánh mà thắng.
Trương Sĩ Lương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét