Pages

Thứ Tư, 23 tháng 5, 2012

Chưa rõ động cơ nào thúc đẩy nguyên Chủ tịch Vinalines bỏ trốn


Trả lời câu hỏi vì sao CQĐT lại để ông Dũng trốn thoát, Đại tá Thanh chỉ nói: Chúng tôi chưa nắm được động cơ thúc đẩy đối tượng bỏ trốn. Việc có lộ, lọt thông tin hay không, chúng tôi đang xác minh làm rõ.
Trả lời câu hỏi trước đó ông Dương Chí Dũng, nguyên chủ tịch Vinalines, đã từng bị triệu tập để lấy lời khai chưa, Đại tá Trần Duy Thanh cho biết:
Trước đây, với vụ án tham ô tài sản liên quan tới việc sửa chữa ụ nổi 83M, Cơ quan CSĐT chưa có tài liệu nào chứng tỏ ông Dũng có liên quan. Còn với hành vi cố ý làm trái, CQ CSĐT đã vài lần triệu tập ông Dũng lên làm việc và tại đây, ông Dũng thừa nhận đã làm trái với chỉ đạo của Chính phủ, với Luật Đầu tư, Luật đấu thầu.
Trả lời câu hỏi vì sao CQĐT lại để ông Dũng trốn thoát dù trước đó đã nhiều lần triệu tập ông này lấy lời khai, liệu có khả năng thông tin của CQĐT bị lộ, lọt hay không, Đại tá Thanh chỉ nói: Hiện chúng tôi chưa nắm được nguyên nhân, động cơ nào thúc đẩy đối tượng này bỏ trốn. Việc có lộ, lọt thông tin hay không, chúng tôi đang xác minh làm rõ.

Tất cả điều này sẽ được làm rõ nếu bắt được đối tượng. Còn theo quy định của pháp luật, khi bị can bỏ trốn hoặc không biết đang ở đâu, CQĐT có quyền ra lệnh truy nã.
Chiều 17.5, khi ra quyết định khởi tố, triệu tập ông Dũng mà không được, cũng không có ở nơi cư trú, làm việc thì chúng tôi ra quyết định truy nã ngay. Còn nếu đối tượng đã ra nước ngoài thì sẽ phối hợp với Interpol ra lệnh truy nã quốc tế.
Lý giải vì sao đầu tiên vụ án được khởi tố với tội danh tham nhũng, sau đó các bị can như Dũng, Phúc, Chiều lại bị khởi tố với tội danh “Cố ý làm trái…”, Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng cho biết:
Vụ án tại Vinalines được khởi tố từ 1.2.2012, trong quá trình điều tra ban đầu, CQĐT mới xác định các bị can bị tạm giam trước đó liên quan tới hành vi tham ô tài sản liên quan tới việc sửa chữa ụ nổi. Còn sau này, CQĐT xác minh việc mua ụ nổi 83M có liên quan tới trách nhiệm ông Dũng, ông Phúc, ông Chiều và quyết định khởi tố các bị can này về hành vi “cố ý làm trái…”.
Về trách nhiệm của các cơ quan liên quan, đặc biệt là các cơ quan quản lý Nhà nước cấp cao hơn trong vụ án nghiêm trọng này, Đại tá Thanh cho biết: Trong quá trình điều tra, chúng tôi có xem xét trách nhiệm các cơ quan liên quan. Sau khi tiến hành điều tra làm rõ các hành vi, sẽ làm rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan.
Trước thông tin liệu việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng làm Cục trưởng Cục Hàng hải có sai quy trình khi mà trước đó, đã có thông tin ông này có dính líu trực tiếp tới vụ án và cũng đã từng bị CQĐT triệu tập, Đại tá Thanh giải thích: Việc bổ nhiệm ông Dũng là thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT. CQĐT chỉ mới chính thức làm việc và trao đổi tài liệu với Bộ GTVT về vụ việc liên quan tới sai phạm của ông Dũng vào ngày 18.5, tức là một ngày sau khi ông bị khởi tố. Trên cơ sở đó, Bộ GTVT đã đình chỉ công tác với ông Dũng.
Hải Phong
*
Nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines “biến mất” khi nào?
Cơ quan điều tra đã truy nã bị can Dương Chí Dũng – cục trưởng Cục Hàng hải VN, nguyên chủ tịch HĐQT, nguyên tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải VN (Vinalines). Vậy ông Dũng bỏ trốn khi nào?
Ngày 20.5, trao đổi với PV, ông Đỗ Đức Tiến – phó cục trưởng Cục Hàng hải VN – cho biết ngày 17.5 ông Dũng vẫn đến cơ quan làm việc. “Sáng 17.5 anh Dũng vẫn làm việc tại cơ quan vì hôm đó tôi có vào báo cáo anh Dũng trước khi tôi đi công tác” – ông Tiến khẳng định.
Ngày 3.5, ông Dương Chí Dũng còn phát biểu tại buổi gặp mặt kỷ niệm 47 năm ngày truyền thống ngành hàng hải VN
Một lãnh đạo khác của Cục Hàng hải VN xác nhận ông Dũng vẫn đến cơ quan làm việc sáng 17.5 nhưng chiều cùng ngày thì ông Dũng không có mặt tại cơ quan. Trong khi đó, chiều 17.5 cơ quan điều tra thực hiện tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với ông Dũng tại nhà riêng của ông ở phố Nguyên Hồng (Đống Đa, Hà Nội). Tuy nhiên, thời điểm này ông Dũng không có mặt ở nhà.
Ngoài ra, theo lịch làm việc tuần thì thứ sáu (ngày 18.5) ông Dũng làm việc tại cơ quan, không có lịch dự các cuộc họp, hội nghị nào ở bên ngoài. Mặc dù vậy, cũng như chiều hôm trước, khi cơ quan điều tra khám xét nơi làm việc thì ông Dũng không có mặt tại đây.
Lãnh đạo Cục Hàng hải VN xác nhận các ngày làm việc trước đó trong tuần ông Dương Chí Dũng đi làm bình thường. Qua tìm hiểu của PV, từ đầu tháng 5 đến trước khi cơ quan điều tra có quyết định khởi tố, bắt tạm giam, ông Dũng tham gia nhiều hoạt động quan trọng khác của ngành. Cụ thể, ngày 3.5 ông Dũng tham dự buổi gặp mặt kỷ niệm 47 năm ngày truyền thống ngành hàng hải VN.
Tại đây, ông Dũng còn có bài phát biểu ôn lại chặng đường xây dựng, trưởng thành và phát triển của ngành. Ngày 5.5, ông Dũng tham gia đoàn công tác của Bộ Giao thông vận tải đi thăm, kiểm tra các đơn vị làm nhiệm vụ đảm bảo an toàn hàng hải tại khu vực quần đảo Trường Sa. Ngày 9.5, ông Dũng tham dự hội nghị ban chấp hành lần thứ 10 khóa VII nhiệm kỳ 2008-2013 của công đoàn Cục Hàng hải VN. Ngày 11.5, ông Dũng dự lễ khánh thành cầu cảng số 1, bến cảng Tam Hiệp tại huyện Núi Thành, Quảng Nam.
Liên quan việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng từ vị trí chủ tịch HĐQT Vinalines vào vị trí cục trưởng Cục Hàng hải VN khi Thanh tra Chính phủ đang thanh tra đơn vị này và liệu các lãnh đạo Cục Hàng hải VN có được thăm dò ý kiến không, một lãnh đạo Cục Hàng hải VN từ chối trả lời cụ thể mà chỉ nói ngắn gọn rằng cấp có thẩm quyền đã làm đúng trình tự, đúng thủ tục khi bổ nhiệm ông Dũng.
Trong khi đó, một quan chức Bộ Giao thông vận tải khẳng định tại thời điểm bổ nhiệm, chưa có thông tin nào khẳng định ông Dương Chí Dũng có sai phạm. Cụ thể, quyết định bổ nhiệm ông Dũng được Bộ trưởng Đinh La Thăng công bố ngày 8.2.2012, trong khi đó kết luận thanh tra chỉ được ký vào ngày 12.4.2012, tức hơn hai tháng sau.
Vị quan chức này khẳng định việc bổ nhiệm cán bộ phải làm theo quy trình, không thể vì nghi vấn chưa được khẳng định mà không bổ nhiệm cán bộ được. Và cũng không thể nói đã được bổ nhiệm là ông Dũng có thể tránh được khả năng bị truy cứu trách nhiệm nếu có sai phạm khi còn làm ở Vinalines.
Tuy nhiên, theo ông Thang Văn Phúc – nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ, việc bổ nhiệm một cán bộ mà ngay sau đó hai tháng cán bộ này đã bị cơ quan điều tra ra lệnh bắt tạm giam chứng tỏ khâu tham mưu, thẩm định hồ sơ, giám sát doanh nghiệp để bộ trưởng ra quyết định bổ nhiệm có vấn đề, chưa chuẩn.
Việc bổ nhiệm cục trưởng thuộc quyền của bộ trưởng, tuy nhiên để bổ nhiệm theo quy trình đã quy định thì rất chặt chẽ, thường phải có quy hoạch rồi đánh giá, bỏ phiếu tín nhiệm cũng như xác minh…
Theo ông Phúc, trước khi bổ nhiệm cán bộ, các cơ quan cần quan tâm đến dư luận, đến các hồ sơ khiếu nại, tố cáo để giảm đến mức thấp nhất khả năng bổ nhiệm cán bộ đang có sai phạm.
Theo kế hoạch, trong tuần này lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải sẽ làm việc với Cục Hàng hải VN để phân công người phụ trách cục.
Trước đó, hai thứ trưởng của Bộ Giao thông vận tải là các ông Trương Tấn Viên, Nguyễn Văn Công đã làm việc với Cục Hàng hải VN để thông báo về vụ việc liên quan tới ông Dương Chí Dũng, thông báo quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Dũng, đồng thời yêu cầu cục tiến hành các hoạt động khác bình thường.
Lãnh đạo Cục Hàng hải VN đã yêu cán bộ, công nhân viên của cục ổn định tâm lý để tổ chức tốt công việc theo đúng nhiệm vụ được phân công.
Theo Tuổi trẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét