Pages

Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012

Doanh nghiệp Âu Mỹ bắt đầu vỡ mộng vì Trung Quốc



Thượng Hải ngày càng hiện đại. Theo điều tra của Boston Consulting Group, đã qua rồi thời kỳ sản xuất rẻ ở Trung Quốc (AFP)
Thượng Hải ngày càng hiện đại. Theo điều tra của Boston Consulting Group, đã qua rồi thời kỳ sản xuất rẻ ở Trung Quốc (AFP)

Mai Vân
Chủ đề chính báo chí Pháp hôm nay, 30/05/2012 rất tản mạn, đi từ thời sự trong nước với nội dung cuộc phỏng vấn truyền hình đầu tiên của tân Tổng thống Pháp hôm qua, đến khủng hoảng tài chính châu Âu, đề tài lúc nào cũng ăn khách. Riêng về châu Á, tâm trạng « vỡ mộng » của các doanh nghiệp Châu Âu làm ăn tại Trung Quốc rất được chú ý.

Dưới tựa đề « Doanh nghiệp Châu Âu bị vỡ mộng », nhật báo kinh tế Les Echos cũng như đồng nghiệp Le Figaro trở lại phân tích bản điều tra của Phòng Thương mại Châu Âu tại Trung Quốc, cho thấy là hơn 1/5 xí nghiệp Châu Âu hoạt động tại nước này dự kiến đi đầu tư ở nơi khác trong tương lai. 

Theo tờ báo, đây là lần đầu tiên trong bản điều tra của họ, mà Phòng Thương mại Châu Âu nêu câu hỏi về khả năng các xí nghiệp có rời bỏ Trung Quốc hay không. Nhìn qua kết quả điều tra, - nơi 557 công ty - Les Echos cho là kết luận ngưòi ta rút ra là Trung Quốc là một thị trường chiến lược, khó thể bỏ qua, nhưng đồng thời gây nhiều thất vọng. 
Theo Les Echos, 1/3 công ty Châu Âu thực hiện 15% doanh số của họ ở Trung Quốc, 1/4 thực hiện đến hơn 25% lượng hàng bán của họ trên thế giới. 
Mối bi quan và lo lắng của các công ty sản xuất ở Trung Quốc là giá nhân công không ngừng tăng cao. Cho nên một số công ty - 22% - muốn rời bỏ Trung Quốc, và theo Les Echos, họ nhìn sang những nước khác có sức quyến rũ đang tăng như Việt Nam hay Miến Điện. 
Các công ty Châu Âu còn than phiền là về mặt môi trường pháp lý kinh doanh, họ bị gạt ra ngoài nhiều cơ hội, và bị sự cạnh tranh mạnh mẽ các công ty Trung Quốc được ưu đãi. 
Les Echos trích lời trưởng phòng Thương mại Châu Âu Davide Cucino giải thích : « Công ty Trung Quốc cạnh tranh thuận lợi về mặt nhãn hiệu, về quản lý hay về khâu hậu cần mà trước đây là những điểm mạnh của các công ty Châu Âu. » 
Một yếu tố khác được nêu lên để giải thích việc rời bỏ Trung Quốc là tình trạng ô nhiễm quá đáng. Theo một nhân vật ở Phòng Thương mại : « Đứng về khía cạnh sinh hoạt con người, Trung Quốc mất sức thu hút với mức ô nhiễm quá đáng, chủ trương ngăn chặn internet. Còn nói về chất lượng cuộc sống, Trung Quốc cũng không bằng những nơi khác mà điều kiện kinh doanh lại tốt hơn. » 
Le Figaro cũng chú ý đến điều tra của Phòng Thương mại Châu Âu nhưng bên cạnh cũng nêu bật một nghiên cứu điều tra tương tự của văn phòng tư vấn Mỹ, Boston Consulting Group, từng thông báo là thời kỳ sản xuất rẻ ở Trung Quốc đã qua rồi. 
Theo nghiên cứu này 37% công ty Mỹ được hỏi đã nghĩ đến việc đưa lại về Mỹ những khâu sản xuất mà họ đã di dời sang Trung Quốc. Lý do là vì giá nhân công ở Trung Quốc ngày tăng lên. Tỷ lệ này càng cao hơn, lên đến 48%, đối với những công ty mà doanh số hơn 10 tỷ đô la. 
Về những lý do họ đưa ra, quan trọng nhất là giá nhân công, kế đến là chất lượng sản phẩm, môi trường kinh doanh dễ dàng và khách hàng ở sát cạnh. Trong những người được hỏi thì 7/10 cho là sản xuất ở Trung Quốc đắt đỏ hơn là dự kiến.
Tâm lý bài ngoại gia tăng ở Trung Quốc 
Libération hôm nay cũng nhìn về Trung Quốc, nhưng trên bình diện nạn bài ngoại hiện nay, với dòng tít trang thế giới : « Tại thủ đô Trung Quốc, người nước ngoài là những kẻ ‘gián điệp và hảm hiếp phụ nữ’ ». 
Mở đầu bài viết tác giả Charles Danzac, cho là một ngọn gió không lành đang thổi lên người nước ngoài, những ‘bằng hữu nước ngoài’ như người ta đôi khi gọi họ ở Bắc Kinh. Trên mạng Internet, đang nổi lên một cuộc tranh luận gay go về thái độ cần phải có đối với họ. 
Bài báo giải thích nguyên nhân dẫn đến thái độ chống đối đột xuất này xuất phát từ việc một video được chiếu cho thấy một du khách người Anh toan cưỡng hiếp một cô gái trẻ Trung Quốc ngay trên đường phố Bắc Kinh lúc trời vừa tối. Trên hình ảnh, người thấy một người đi đường đến cứu cô gái đang khóc sướt mướt, và đánh nhau với thủ phạm nằm sóng soài dưới đất và bị những người đi đường khác giận dữ đá vào mặt. 
Câu chuyện đã làm dấy lên cơn phẫn nộ trên mạng, với những lời trách cứ chính quyền dễ dãi, để cho người nước ngoài vào làm chuyện mờ ám ở Trung Quốc. 
Như để nung đúc thêm cơn tức giận này, một video khác cho thấy một nhạc sĩ vĩ cầm người Nga trong giàn nhạc Bắc Kinh, chửi mắng một người phụ nữ trên một chiếc xe lửa vì bà yêu cầu ông bỏ chân xuống, không gác lên ghế phiá trước. 
Bài báo nhắc lại là thật ngẫu nhiên, ngay hôm sau ngày các sự vụ này được công bố, công an Bắc Kinh tung chiến dịch bài trừ ‘3 bất hợp pháp’ : vào Trung Quốc bất hợp pháp, cư ngụ bất hợp pháp, lao động bất hợp pháp’. 
Tuy nhiên trước những diễn biến hiện nay, thì ngay tờ báo rất dân tộc chủ nghĩa là Hoàn cầu Thời báo / Global Times, cũng đã đăng một diễn đàn trong đó tác giả tự hỏi về hệ quả của một chiến dịch chống đối người nước ngoài như thế. 
Tác giả bài viết trên Libération cho là dẫu sao thì đây là cơ hội tốt để chính quyền đánh lạc hướng dư luận, trong lúc mà đảng Cộng Sản đứng trước những xì căn đan to lớn, nhưng cũng như thường lệ, thì họ sẽ nắm lại tình hình, không để vấn đề vuột khỏi tầm kiểm soát. 
Có điều lần này, như chính tờ Global Times nhấn thấy trong bài xã luận, là « chiếc lọ hận thù người nước ngoài đã mở nắp », và không ai biết là nó có thể dễ đóng lại như khi được mở ra hay không. 
Miến Điện : Khi Aung San Suu Kyi xuất ngoại 
Le Figaro hôm nay, nhìn về Châu Á, còn chú ý đến nhà đối lập Miến Điện, Aung San Suu Kyi nhân chuyến đi nước ngoài đầu tiên sau 24 năm : Bà đi một vòng Châu Á và sang Châu Âu, bà sẽ đến Oslo nhận giải Nobel Hoà Bình mà bà được trao tặng cách đây 21 năm. 
Theo tác giả bài báo, việc bà Aung San Suu kyi dành chuyến đi ra nước ngoài đầu tiên cho Thái Lan, nơi mà bà đã đến tối qua, dự Diễn đàn kinh tế Đông Á hôm nay và ở lại đây 5 ngày, là điều rất hợp lý. 
Thái Lan chia sẻ 1.800 cây số biên giới với người láng giềng đã cưu mang nạn nhân của chế độ quân sự độc tài trước đây : hàng ngàn nhà đối lập Miến Điện đã chạy sang đây, họ đã vận động thế giới vì Miến Điện, và bây giờ họ vẫn tin tưởng là vai trò của họ chưa kết thúc. 
Trên đất Thái, còn 150.000 người tỵ nạn chạy khỏi các vùng bị quân đội tấn công và đang sống trong 9 trại dọc biên giới. Kinh tế rệu rã của Miến Điện đã khiến khoảng 2 triệu người Miến Điện sang lao động ít nhiều một cách bất hợp pháp tại vương quốc Thái, và thảm cảnh cũng không ít : thủy thủ thì bị bán từ tàu này sang tàu nọ, người lao động trong ngành may mặc thì hầu như bị nhốt trong xưởng... còn những người thuê bóc vỏ tôm thì làm việc như nô lệ. 
Trong chuyến viếng thăm Thái Lan bà Ang San Suu Kyi sẽ đến với những đồng hương này. 
Tác giả bài báo Florence Compain, giải thích lý tại sao nhà đối lập đã từ chối biết bao cơ hội đi ra nước ngoài trước đây, đi Oslo nhận giải Nobel năm 1991, hay trong sự kiện đau đớn khi chồng qua đời ở Anh Quốc năm 1999. Đó là vì bà không muốn chính quyền quân sự lợi dụng để buộc bà lưu vong, bà muốn ở lại trong nước, ‘làm cái gai ’ gây khó chiụ, mang hết sức lực đấu tranh vãn hồi dân chủ ở Miến Điện. 
Tác giả bài báo cũng nêu câu hỏi : đất nước Miến Điện mới của tổng thống Thein Sein nay đi đến đâu rồi ? Cộng đồng quốc tế đã tỏ ra rất phấn khởi và đã lấy một số quyết định : Châu Âu tạm hoãn trừng phạt, Hoa kỳ bãi bỏ một số giới hạn trong đầu tư. Nhưng thực tế ra sao ? Khó biết được sự thật với chính quyền quân sự của Miến Điện nay chuyển sang thành dân sự. 
Bài báo nhận thấy là những lời hứa cải tổ dân chủ của tổng thống Thein Sein rốt cuộc chỉ là lời đầu môi. Chế độ vẫn không minh bạch : gần đây phó tổng thống Tin Aung Myint Oo đột nhiên biến mất khỏi sân khấu chính trị không một lờì giải thích, và báo chí được ‘nhắc nhở’ là không nên đề cập đến cuộc thanh trừng nội bộ này.
Và hiện nay nếu đã có 659 tù chính trị được trả tự do, thì vẫn còn hơn 400 nhà sư và sinh viên ở trong tù. Cho nên một nhà đối lập đã cho là « khó hiểu là Phương Tây trong suốt 20 năm theo dõi vần đề vi phạm nhân quyền ở Miến Điện đã tỏ ra hời hợt như thế... ».
Tài liệu mật về chủ trương cải tổ của tập đoàn quân sự Miến Điện
Như để trả lời thắc mắc từng được nêu lên về sự thay đổi đột ngột và ngoạn mục của chính quyền Miến Điện làm nhiều người ngạc nhiên, bài báo trích dẫn một tài liệu đóng dấu « bí mật quốc phòng », mà Le Figaro được xem qua, cho là chính sách cải tổ của ông Thein Sein thật ra là một sự cân bằng về địa lý chính trị hơn là một nguyện vọng đột xuất dân chủ hóa. Và nằm trong một chiến lược được phác thảo từ năm 2003.
Tài liệu nói trên - của Học viện quân sự Maymyo - là bằng chứng cho thấy có cả một chiến lược nhằm chiêu dụ Hoa Kỳ, được nghiên cứu từ năm 2003.
Dưới tựa đề « Nghiên cứu quan hệ Mỹ Miến Điện », tài liệu 346 trang nêu chi tiết chiến lược chiêu dụ khôn khéo để cho « các biện pháp trừng phạt được bãi bỏ » và « được tiếp cận với tín dụng của Ngân Hàng Thế Giới, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế và những định chế tài chính khác ».
Tác giả, theo bài báo, là một viên trung tá bí ẩn mang tên Aung Kyaw Hla - có lẽ đây là bí danh của một think- tank – đã đi từ giả định là sự lệ thuộc vào Trung Quốc đã « tạo một tình hình khẩn cấp quốc gia », gây « nguy hại cho sự độc lập của đất nước ». Nhân vật này đánh giá là « Miến Điện phải bình thường hóa quan hệ với Phương Tây ».
Tài liệu này nói nhiều đến bà Aung San Suu Kyi, mà không ai được nêu tên trước mặt ông Than Shwe.
Lúc tài liệu trên được soạn thảo thì bà Aung San Suu Kyi đang bị quản thúc lần thứ 3, và trong đó có đoạn viết là bà « ở trọng tâm mối quan tâm của Mỹ », và « sức ép gia tăng mỗi khi bà bị giam cầm ». Tài liệu đánh giá là « việc trả tự do cho bà sẽ cải thiện quan hệ với Phương Tây ».
Thế nhưng điều đáng ngại, theo bài báo trên Le Figaro, là tài liệu nói trên còn nêu lên mục tiêu đen tối tối hậu là « dẹp bỏ đối lập ».
Theo tờ báo, nếu bà Aung San Suu Kyi hiện nay tỏ vẻ tin tưởng phần nào về các cải tổ được thực hiện, thì bà cũng lên tiếng cảnh giác không nên quá lạc quan, các thay đổi, mở cửa hiện nay không phải là điều không thể đảo ngược.
Tựa trang nhất 
Nổi bật trên báo Pháp là sự kiện lương hướng lãnh đạo tập đoàn nhà nước ở Pháp bị giảm. Libération ở trang nhất, nói hóm hỉnh : « Thắt lưng buộc bụng cho giới chủ nhân », trong khi Le Figaro nhắc lại là ông Hollande thông báo tăng thuế vào mùa hè này. 
Tờ Les Echos thì chú ý đến khủng hoảng tài chánh Châu Âu nhìn thấy « Các ngân hàng đang chuẩn bị kịch bản đen tối ». Đó là kịch bản Hy Lạp ra khỏi vùng đồng euro. 
Tò La Croix nhìn sang Châu Phi với ghi nhận : « Chống thuốc lá, một vấn đề khẩn cấp đối với Châu Phi », vì giới sản xuất thuốc lá đang nhắm vào việc mở rộng thị trường ở lục điạ này trong lúc mà các hiệp hội và giới y tế tìm cách chống nạn thuốc lá, một trong những yếu tố mà họ xem là nguyên nhan gây ra nghèo khó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét