Pages

Thứ Tư, 16 tháng 5, 2012

Đề án tái cấu trúc kinh tế – khả thi hay không?

Trần Vinh Dự
 
Mỗi nội dung trong chương trình tái cơ cấu là một bài toán khác biệt. Và cũng giống như mọi bài toán khác, nó thường có nhiều lời giải và những thứ giống như lời giải (giả lời giải).
Khác biệt giữa chúng là lời giải (thật) thì xử lý được vấn đề đưa ra, còn giả lời giải thì không làm được.Nhiều ý kiến góp ý cho bản đề án này đã nói đến vấn đề chi phí như là một rào cản mà đề án này hoàn toàn không đề cập.Thí dụ ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng bản đề án này còn chưa đánh giá chi phí cần thiết để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế. Theo ông cần việc tính toán chi phí sẽ góp phần xác định những nội dung cần ưu tiên thực hiện, tránh dàn trải, lãng phí.

Vấn đề chi phí ông Nguyễn Văn Giàu (và nhiều chuyên gia khác) nhấn mạnh là một điểm hết sức quan trọng. Mặc dù một số quan chức Bộ Kế hoạch và Đầu tư như Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung cho rằng tái cơ cấu không làm tiêu hao nguồn lực, mà chỉ là phân bổ lại nguồn lực nhưng cách nói này chỉ là một cách nói khéo trên quan niệm cân bằng tổng thể: nguồn lực toàn xã hội chỉ có bao nhiêu đó, chỉ phân bổ lại chứ không mất đi. Trên thực tế, tái cơ cấu sẽ cần đến chi phí, ít nhất là chi phí từ góc độ nhà nước. Bất kỳ một chính sách cải tổ kinh tế nào của nhà nước muốn đi vào thực tế cũng cần có nguồn lực ngân sách đi kèm. Nếu không thì nó chỉ nằm trên giấy. Thí dụ, nhà nước muốn hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng hiện nay, và chi phí mà chính phủ dự kiến cho việc này là 29 nghìn tỷ Đồng.
Việc phân tích rõ chi phí và lợi ích của các chính sách khác nhau sẽ cho phép xác định chính sách nào là hiệu quả nhất và nên thực hiện nhất. Vì thiếu phân tích này nên có vẻ như đề án của Bộ KH và ĐT được viết trên cơ sở cái gì cũng muốn làm, hay nói theo cách nói của Chủ nhiệm UB Pháp luật QH Phan Trung Lý là “dàn hàng ngang”.
Thế nhưng chi phí cũng chỉ là một yếu tố trong số nhiều yếu tố quan trọng xác định các giải pháp đưa ra là thật hay là giả. Khác với một nền kinh tế chỉ huy, trong đó nhà nước chỉ cần ra lệnh và các đơn vị sản xuất phải thực hiện, trong một nền kinh tế thị trường thì nhà nước không thể ra lệnh, ra chỉ tiêu, ra quyết định. Kinh tế thị trường có nghĩa là các chủ thể kinh tế, bao gồm cả cá nhân và doanh nghiệp, có quyền, và luôn luôn, thực hiện các lựa chọn có lợi ích tốt nhất đối với họ, trong khuôn khổ luật chơi mà nhà nước quy định. Nhà nước không có quyền áp đặt hoặc yêu cầu các chủ thể kinh tế này phải lựa chọn theo cách mà nhà nước muốn.
Để một giải pháp tái cấu trúc là giải pháp thật thì ngoài câu chuyện nguồn lực nó phải xuất phát từ nguyên tắc thiết kế cơ chế. Tức là phải tạo ra một cơ chế theo đó các luật chơi và cơ chế khuyến khích vừa rõ ràng, đơn giản dễ thực hiện, vừa hướng được các bên tham gia (cơ quan nhà nước, cá nhân, tổ chức, nhóm lợi ích) tới việc thực hiện được mục tiêu đặt ra. Nếu không dựa trên nguyên tắc này, các giải pháp đề ra sẽ là các giả lời giải, tức là đưa ra nhưng không thể áp dụng để giải quyết bài toán tái cơ cấu được. Cách tiếp cận này là bản lề, là cột trụ không thể thiếu cho một hệ thống giải pháp tái cơ cấu khả thi.
Đề án đưa ra một số nội dung tái cơ cấu cơ bản. Đó là tái cơ cấu (1) các tổ chức tín dụng (chủ yếu là các ngân hàng thương mại), (2) thị trường chứng khoán và các định chế tài chính, (3) hệ thống doanh nghiệp nhà nước, (4) đầu tư (chủ yếu là đầu tư công), và (5) kinh tế ngành và kinh tế vùng. Có một số giải pháp trong đề án đưa ra dựa theo nguyên tắc thiết kế thể chế. Thí dụ, một giải pháp rất nhỏ trong báo cáo này liên quan đến việc nâng cao chất lượng của các trường đại học (trong gói các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực).
Theo đề án, cần hình thành hệ thống chấm điểm chất lượng và xếp hạng chất lượng của các trường đại học công, từ đó đưa ra quyết định phân bổ ngân sách nhà nước cho các trường này trên cơ sở trường nào xếp hạng cao hơn sẽ được nhận nhiều ngân sách hơn. Đây là một giải pháp hay – mặc dù còn phải tiếp tục cụ thể hoá hơn nữa về việc triển khai như thế nào. Nó hay ở chỗ việc xếp hạng uy tín các trường đại học không khó, và thế giới đã thực hiện nhiều, kể cả bằng nhiều đơn vị xếp hạng tư nhân độc lập. Nếu việc phân bổ ngân sách dựa trên chỉ tiêu này, các trường công sẽ buộc phải tham gia vào một cuộc chạy đua “lên hạng”, trong đó càng có thứ hạng cao thì càng nhận được nhiều tiền. Cơ chế này cũng có nhiều khả năng để có thể minh bạch: mặc dù vấn đề hối lộ để được xếp hạng cao hơn là có, nhưng các đơn vị xếp hạng chắc chắn phải chịu búa rìu dư luận nặng nề nếu thao túng quá trình xếp hạng này một cách thái quá.
* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Không có nhận xét nào: