Pages

Thứ Ba, 1 tháng 5, 2012

Gió đã đổi chiều


Nguyễn Văn Lục - Cách đây 37 năm, trên chiến hạm chỉ huy Blue Ridge đang đậu ngoài khơi bờ biển Việt Nam VN vào lúc miền Nam đang hấp hối. Trên phòng chỉ huy của viên đô đốc Hạm đội thứ bảy, người ta thấy tề tựu đông đủ các ký giả nhà báo Mỹ đã từng có mặt trên các chiến trường VN như Stanley Karnov, David Halberstam, Neil Sheehan, John Kenneth Galbraithvv.Bên cạnh đó còn có phụ tá Trùm mật vụ là Frank Snepp đã từ Đài Loan đến đây được vài giờ để đón tiếp một nhân vật quan trọng: Đại sứ Martin. Ông là người Mỹ cuối cùng rời VN mà trên tay chỉ ẵm theo một gói: Đó là lá cờ Mỹ. Ngay khi vừa đặt chân lên bong tàu vào lúc 2 giờ 47, giờ Sài Gòn, ông nhận được một điện tín của H.Kissinger với nội dung như sau: Với lời khen ngợi nồng nhiệt vì ông đã chu toàn toàn trách nhiệm. Nước Mỹ đến như thế nào thì lúc ra đi cũng như thế!!!

Nhìn từ trên bong tàu, các ký giả ngoại quốc đã thấy hàng ngàn những chiếc thuyền nhấp nhô như lá tre trôi trên biển. Đó là những thuyền đủ loại, đủ cỡ của những người Việt Nam đầu tiên bỏ chạy Cộng Sản. Họ là ai, số phận họ sẽ ra sao sau này? Chẳng ai trong số những ký giả trên và ngay cả những người ngồi trên những chiếc thuyền đó có thể tiên đoán đuợc điều gì. Chỉ biết bỏ chạy đã. Chữ bỏ của chạy lấy người diễn tả đúng trong hoàn cảnh như thế này. Số phận họ ra sao không ai dám nghĩ tới, ngay cả đối với kẻ lạc quan nhất. Và đã có hơn 100.000 ngàn người trong số 250.000 ngàn người như thế đã được vớt đi định cư.từ các chiến hạm của hạm đội 7. Cuộc ra đi thật bi tráng và tuyệt vọng đến tức tưởi. Số phận họ có khác gì những con thuyền lênh đênh trên biển cả như những lá tre? Vâng những lá tre trên một đại dương mà lẽ sống chết đang chờ đợi họ. Bằng mọi giá họ đã ra đi mà nếu nay ngồi nghĩ lại, nhiều người không mường tượng nổi, họ đã có thể làm một điều như vậy. Nhưng cái “sô” vớt người trên biển trong tuần lễ cuối cùng của tháng tư và đầu tháng năm của người Mỹ cũng nói lên được cái gì: Người Mỹ có thể làm được tất cả mọi việc một cách quy mô, hoành tráng, ngay cả việc trốn chạy. Đó là những thuyền nhân Việt Nam đầu tiên chạy trốn làn gió chướng từ trong đất liền đã thổi giạt họ ra biển..
Nhìn cảnh tượng đó, Stanley Karnov quay sang David Haberstam vừa cười vừa nói: Công việc đang xảy ra trước mắt chúng ta đây, ngày hôm nay như những chứng nhân lịch sử vào những giờ phút cuối cùng của miền Nam chắc hẳn có công của ông đấy.
D. Haberstam trả lời:
- Tôi chỉ là một ký giá làm việc cho quyền lợi nước Mỹ trên mảnh đất nghèo nàn và khốn khổ này. Mỗi người Mỹ đến đây mang theo mình một trách nhiệm, một sứ mệnh. Chẳng hạn sứ mệnh của E. Lansdale và tôi- mặc dầu khác nhau- Nhưng tất cả, chúng ta đều làm vì nước Mỹ!!
- Chắc là ông hãnh diện lắm.
- Đương nhiên, vì thế mà tôi có mặt ở đây trong giời phút này. Thôi, mời ông nhìn xem cảnh tượng dưới kia xem.
Ông cứ tưởng tượng, trong số 250 ngàn người dưới kia, ít ra cũng đến phân nửa ở tuổi vị thành niên, Cái hình ảnh ngưới lếch thếch, lang thang với từng đoàn người người nối đuôi nhau chạy trốn.Nếu tôi là họa sĩ, tôi chỉ vẽ lên cái cảnh này đũ diễn tả cái hiện trạng người Việt bỏ chạy. Và nếu cần nói một điều gì về lúc đó, về tâm trạng những người bỏ chạy thì có thể tóm tắt trong một câu: Tất cả đều hoang mang và không có một chút hy vọng gì về tương lai cả. Bài hát vui Que sera sera của Doris Day trở thành câu hỏi cho mỗi người Việt bỏ nước ra đi.
Những điều nhận xét của ký giả Haberstam sau này chỉ đúng có nữa phần đầu của câu chuyện.
Trong lúc đó, một sĩ quan đang trình với viên đô đốc chỉ huy chiến hạm 7 là có một vị tướng lãnh trẻ VN vừa đáp trực thăng của ông xuống bong tàu muốn được gặp. Vị đô đốc ra lệnh một cách tắt gỏng là: Ông nói với ông ta là tức khắc cởi bộ quân phục cũng như lon của ông ra và không được tuyên bố gì..
Đây là nước nước Mỹ trên biển chứ không phải là VNCH nữa.
Nhiều người sau này cho biết là viên tướng VN sau đó đã nhục nhã khóc, quỳ xuống, ngữa mặt lên trời và hét to lên: Ta thề với trời đất là ta sẽ trở về. Sau này được biết là ông đã giữ đúng lời thề, ông đã về..
Và cứ như thế, không phải chỉ có đêm 29 tháng tư, mà tiếp câu chuyện đêm nay còn được tiếp diễn dài dài. Các con số thuyền nhân trốn khỏi Việt Nam càng gia tăng theo nhịp độ của những chính sách của Hà Nội như “đi vùng kinh tế mới”. “học tập cải tạo”, “đánh tư sản, mại bản”, và cuối cùng “đi bán chính thức” nhằm vào giới Hoa Kiều. Cứ mỗi một đợt chính sách lại thêm số người trốn ra đi khỏi nước.
Tổng cộng đã có gần hai triệu người trốn đi như thế. Đấy là còn chưa kể những nguời để lại xác trên biển cả. Con số này chẳng ai biết là bao nhiêu? Và cũng chẳng ai có thì giờ tìm hiểu làm gì. Người chết thì đã chết. Phải vậy không? Tiếc nuối rồi cũng nguây ngoa, người Viêt đến được người đều quyết tâm cất cật lực để lo sinh kế, miếng ăn trước đã.
Tất cả những chính sách vừa kể trên là nhằm đánh vào những thành phần phản động, ngụy quân, ngụy quyền, tay sai Mỹ Ngụy. Nước nhà đã độc lập, nay bỏ nước ra đi thì không phản động thì còn là cái gì? Nhưng chính thức thì có thể quả quyết rằng, nhà nước không cưỡng bức một ai phải bỏ xứ ra đi, và cũng không giữ một ai muốn ra ra nước ngoài sinh sống. Và cuối cùng để giữ thể diện, vừa loại bỏ được những thành phần ” rác rưởi” muốn vứt, vừa kiếm được tiền hoặc để trao đổi trong thương thuyết, nhà nước Cộng Sản đã đồng ý với Liên Hiệp Quốc theo một chương trình “ra đi trong vòng trật tự”(orderly Departure Program).Thảm cảnh thuyền nhân trên biển vì thế đã giảm mức độn đi nhiều.
Tất cả câu chuyện, những thảm cảnh trên biển cả nay đảo ngược trở thành cái mà Michel Tauriac trong Hồ sơ đen của Cộng sản (Le dossier noir du Communisme)(1) tóm tắt đầy đủ ý nghĩa tóm gọn trong một câu “Những con bò sữa thuyền nhân”.
Gió đã đổi chiều, gió chướng đã thổi họ ra biển, nay ngọn gió nào đã đưa họ về?
(1) Cuốn sách Le livre noir du Communisme, Hắc thư về chủ nghĩa cộng sản, do nhà Robert Laffont xuất bản, Paris, năm 1997, 846 trang do Stephane Courtois cầm đầu với 11 tác giả.
Hình ảnh thật biểu tượng và gợi hình. Thật vậy, tất cả những con bò sữa thuyền nhân đã ra đi với hai bàn tay trắng để lại tiền bạc, nhà cửa ruộng vườn. Họ đã vắt được bao nhiêu sữa ở những con bò đó: Vắt lúc ra đi và nhất là vắt lúc trở về. Nói chi đâu xa, tôi có căn nhà kiểu biệt thự ở số 224B Nguyễn Hùynh Đức, quận Phú Nhuận. Căn nhà đó lúc mua là 5 triệu 300 ngàn trước 75. Tính theo trị giá vàng thời đó là khoảng 80 chục cây. Ra đi hợp pháp, có giấy tờ hẳn hoi, đi bằng cửa chính ra Tân Sơn Nhứt.
Kể cũng lạ, tên đường phố ở Sài Gòn thường đổi cả, chỉ có phi trường Tân Sơn Nhứt là vẫn để nguyên, phải chăng bởi vì tên đó chẳng gợi nhớ lên một ấn tượng gì? Lúc ra đi, cái được coi như giấy thông hành là mảnh giấy mà nội dung như sau: Căn nhà 224B Nguyễn Huỳnh Đức do nhà nước quản lý. Quản lý là giữ giùm? hay giữ luôn? Việc ra đi theo diện người Hoa, bán chính thức hay việc quản lý nhà cửa đất đai, tài sản nằm trong tay Bộ nội vụ. Công việc bộ này là đảm trách và tổ chức nhằm “nhổ sạch lông” những bọn người lưu vong này. Kẻ dỗi hơi ngồi tính nhẩm chuyện nhổ sạch lông này đem lại cho nhà nước ít nhất là 25 tấn vàng. Tôi không tin vào con số, đúng sai khó đoán vì không biết tính toán. Nhưng ấn tượng trong đầu tôi là nhiều lắm, nhiều lắm lắm. Nhưng 25 tấn vàng vẫn là chuyện nhỏ. Vẫn là chuyện vắt đi. Vắt lại mới là quan trọng.
Và để gọi những thuyền nhân thì có nhiều tên gọi tùy theo thời kỳ: lúc đầu là bọn bán nuớc, bọn tay sai. Cho mãi đến 1990 cũng còn có người gọi Việt kiều là những tên Việt gian. Nói chung họ coi đó là thành phần rác rưởi của chế độ cũ, muốn thải loại, muốn tống đi cho rảnh mặt. Và gọi một cách vô tội vạ nhất là người nước ngoài. Nghĩa là có sự phân biệt đối xử giữa người trong nước và ngoài nước. Sau này chữ được dùng hơn cả là Việt Kiều.
Rồi cứ như thế sau thời kỳ mở cửa mà số lượng người Việt về nước cũng như kiều hối đã bắt buộc mọi người phải thay đổi lại thế nhìn, thế bắn. Không ai có thể từ chối được những món quà, không phải 10 đô la trong ngày lễ Noel mà là 3 tỉ đô la. 3 tỉ đô la! Không phải chỉ 3 tỉ đô mà nay nhiều lần hơn, chiếm tỉ trọng một phần ba ngân sách nhà nước. Nhờ đó tình nghĩa hàn gắn những vết sứt sẹo, những lời nói mà bình thường chỉ được coi như kẻ thù. Gió đã đổi chiều nên ngôn ngữ cũng đã đổi theo. Những chiếc thảm đỏ đã trải dài từ phi trường Tân Sơn Nhứt đến Nội bài chạy thẳng vào Bắc bộ Phủ. Thật là trớ trêu đến nực cười ra đi trốn chui, trốn nhủi, lúc trở về thảm đỏ dưới chân..
Những thành phần rác rưởi ta vừa nói ở trên, những con bò sữa đã vắt cạn chẳng bao lâu sau trở thành rác quý mà người ta có thể chế biến thành những sản phẩm, những vật liệu để xây dựng một nước Việt Nam hùng mạnh. Đã chẳng ai ngờ điều đó đã xảy ra. Rác rưởi cứ thể đổi hình đổi dạng mà tính ra tiền bằng những sản phẩm mới.
Những anh thuyền chài có thể ra đi vỏn vẹn chiếc quần đùi nay chễm trệ ngồi Mercedes. Những mệnh phụ nói tiếng Mỹ oe oé mà nếu không có cuộc đổi đời này cùng lắm chỉ bán cá chợ Trần Quốc Toản. Kể gì đến những hiện tượng nhỏ nhoi đó. Đã có rất nhiều thay đổi tràn đầy hy vọng như thế đối với giới người Việt di tản, nhất là nơi người trẻ. Họ không còn là cô nữ sinh cười e lệ, hỏi không dám mở lời mà nay là những chuyên viên hàng đầu của xã hội Mỹ. Có những người trong bọn họ đã làm ra số vốn bạc tỷ. Có người trong bọn họ cùng với bạn đầu tư nửa tỷ đô la tại nơi mà trước đây được coi là thánh địa của cuộc kháng chiến chống Mỹ..Củ Chi với những địa đạo, nơi tự hào về cuộc chiến thần thánh trong tương lai trở thành biểu tượng “thung lũng của ngành tin học.”
Đã chẳng ai từ hai phía, người trong nước cũng như người nước ngoài nhìn thấy được điều đó ngay từ đầu.
Chuyện kể ra như một giấc mơ hay như câu chuyện thần thoại.
Và cái kim chỉ đường cho người Việt tương lai là hãy nhìn vào giới trẻ đang lên. Họ chiếm đa phần. Tương lai thuộc về họ, đời sống thuộc về họ, cộng đồng VN là họ. Không phải do một thiểu số những người lớn tuổi như tôi. Những người bỏ nước ra đi đã chỉ nhớ cái phần đầu câu chuyện mà quên phần cuối.
Những người không biết kể chuyện và những câu chuyện kể càng ngày càng nhạt phèo như nước ốc.Thời của họ đã hết. Ngay cả Thời của Thánh thần hay Thiên đường mù cũng bị bỏ quên lãng. Những người còn bám víu vào quá khứ có thể được coi là những người không thức thời. Nhưng nếu không bám víu vào đó thì họ còn gì là họ? Họ chỉ còn là những loài củi mục trong đám cây rừng đang xanh lá. Củi mục thì làm gì? Đốt làm củi cũng không xong.
Nhưng chắc hẳn nhiều người không nghĩ như thế. Bỏ vấn đề chính tri, lịch sử xã hội qua một bên thì vẫn còn lại vấn đề nhân cách, vấn đề đạo lý con người. Củi mục thì cũng vẫn là củi.
Người ta nói, nhìn cây thì thấy rừng, nhưng nhìn củi mục thì thấy gì? Thà là như anh thuyền chài, thà là như chị bán cá nói tiếng Mỹ oe éo. Thà là như thế. Phải nhớ rằng cuộc ra đi bất hạnh đã trở thành đại hạnh cho chính mình, cho con cháu mình, cho cái nơi mình đi tới và cả cái nơi mà từ đó mình đã ra đi.
Hãy nhìn vào những con số để nhận ra câu chuyện thần thoại về người Việt di tản. Năm 1987, có 8 ngàn người về thăm quê hương, đến năm 1993 thì con số tăng lên 160 ngàn người, đến năm 2002 là 380 ngàn người. Con số tự nó nói lên điều gì rồi và người ta bắt đầu vỡ lẽ ra. Bên cạnh đó, kiều hối đem lại một sốn tiền tươi là 2 tỷ 6 đôla trong năm 2003. Hãy làm một so sánh cho rõ. Năm 2003, Việt Nam xuất khẩu được 20 tỉ đôla, trừ vốn liếng cho sản xuất, lời ròng của 20 tỷ vị tất đã được 5 tỷ?
Có một điều, nhiều người vô tình quên là năm nay có 2 triệu lượt khách đến Việt Nam. Cứ giả dụ, mỗi người khách tiêu 2000 đô la đầu người. Số tiền thu được sẽ là bao nhiêu? Trong số 300.000 người Việt về thăm quê hương, cứ cho là vừa tiêu sài, vừa cho bà con họ hàng, ở từ hai tuần đến một tháng, mỗi người đổ đồng chi tiêu 4000 đô la cho một chuyến về thăm quê hương, cán cân ngân sách cũng như nền kinh tế Việt Nam đã được kích cầu lên không nhỏ. Tiềm năng thật lớn. Tương lai cũng đầy hứa hẹn. Đó là nền kinh tế sống nhờ trên những kỹ nghệ không khói.
!0 năm nữa, dự đoán số khách du lịch là 10 triệu người-năm như Thái Lan hiện nay, với các đường bay thẳng Sài Gòn-Mỹ, Sài Gòn-Âu Châu. Chuyện đã xảy ra và chắc sẽ xảy ra. Lúc đó tiền đổ vào qua du lịch không phải là nhỏ nên hiện nay trên hầu hết 60 tỉnh thành của VN đều có khu du lịch đủ kiểu.
Điều đáng nói hơn nữa là nay có một số Việt Kiều về nước kinh doanh đầu tư với 74 dự án được chấp nhận với số vốn 540 triệu đô la. Những Việt kiều như Nguyễn chánh Khê với phát minh chế tạo thành công than Nano áp dụng vào việc sản xuất mực không phải là hiếm. Năm vừa qua, dự án khu khách sạn Vinpearl Resort- Spa, 5 sao, tại đảo Hòn Tre, Nhatrang đã khánh thành vào cuối năm với số tiền đầu tư là 500 tỉ đồng.Phần lớn các số tiền đầu tư này tập trung vào lĩnh vực công nghiệp, tin học, lắp ráp, du lịch.
Cũng vì thế, nhà nước đã chẳng tiếc lời gọi Việt Kiều là những người con của đất nước. Những lời lẽ trân trọng mật ngọt đã hẳn là không thiếu. Gió chướng đã không còn nữa. Gió đã đổi chiều, ngôn ngữ đổi chiều, giọng lưỡi đổi giọng. Không còn có chữ nghĩa làm đau lòng nhau nữa. Trên tất cả các sách báo, trên các trang nhà, không còn có thể tìm thấy bất cứ thứ chữ nào nói xa nói gần đến chế độ miền Nam trước đây nữa. Những chữ như bọn ngụy quân, ngụy quyền và bọn tay sai đã không tìm thấy trong tự điển của bộ chính trị nữa. Ngược lại không thiếu những chữ mật ngọt như “Tổ quốc Việt Nam, quê hương thân thiết luôn giang rộng vòng tay chào đón những người con xa xứ.” “Nhà nước bảo hộ quyền lợi chính đáng của người Việt nam định cư ở nước ngoài giữ gìn quan hệ gắn bó với quê hương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước”.
Luật quốc tịch điều hai thì viết rõ ràng thế này:” Người Việt Nam ở nước ngoài là công dân Việt Nam “Người Việt nam ở nước ngoài là bộ phần không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam.”
Nhà nước lại còn trích dẫn câu nói của ông Hồ mà không ai tự hỏi xem ông nói lúc nào và bao giờ: “Tổ quốc và chính phủ cũng luôn luôn nhớ thương đồng bào, như bố mẹ thương nhớ những người con đi vắng. Đất nước hòa bình..” bác nói với kiều bào ở Thái lan về nước năm 1960.
Hình như người ta đã quên cái cảnh bồng bế xô đẩy nhau lên máy bay và bằng bất cứ giá nào phải đi bằng được. 29 năm sau, câu chuyện kể về thuyền nhân chỉ còn là dĩ vãng mà cả bên này bên kia đều đã quên hoặc cố tình quên.
Thật ra không hẳn là như vậy. Nhà nước chính quyền hoan hỉ nhận những đồng tiền Đôla từ mọi nơi gửi về cũng như người Việt mang tiền về nước. Mang tiền về thì được chứ đừng mang chữ về. Chữ hiểu theo nghĩa rất rộng là sách báo, tư tưởng, âm nhạc, nghệ thuật. Từ khi có nhà nước Cộng Sản đến nay..Chữ vẫn là độc quyền tuyệt đối nằm trong tay đảng.Nó nằm trong một hệ thống khép kín: Chủ nghĩa hay ý thức hệ – bạo lực khủng bố – và một chính quyền toàn trị. (ideology, terror and totalitarian government).
Chẳng lạ gì, trước khi về VN, người ta thường khuyên có một điều duy nhất: anh muốn làm gì thì làm:
– chẳng hạn anh có thể cờ bạc, chơi bời đủ kiểu, tắm đủ kiểu, phòng trà đủ kiểu, âm nhạc đủ kiểu, cà phê đủ kiểu, gái đủ kiểu, sex đủ kiểu, ngủ trưa đủ kiểu, ngủ tối đủ kiểu, ăn đủ kiểu, vừa ăn vừa chơi đủ kiểu, đĩ điếm đủ kiểu, hối lộ đủ kiểu, lưu manh lường gạt đủ kiểu, gian trá đủ kiểu, buôn bán mánh mung đủ kiểu, làm giầu đủ kiểu, đầu cơ đủ kiểu, công an đủ kiểu, phường khóm đủ kiểu, công ty đủ kiểu, cơ quan đủ kiểu, chính quyền địa phương đủ kiểu, chính quyền trung ương đủ kiểu, luật pháp đủ kiểu, thằng ăn cắp xử thằng ăn cướp đủ kiểu và cuối cùng xã hội lọan đủ kiểu.
Ta có quyền đủ kiểu hết, miễn là đừng đụng đến chính trị.
Vì trên hết, vẫn có một nhà nước toàn trị ở trên tất cả những đủ kiểu đó. Trước khi lên máy bay về nước, còn dặn với theo: nhớ nhé đừng đụng đến chính trị.
Phải nhìn nhận rằng, sự suy đồi đạo đức xã hội ở VN đã đi quá xa đến mức nó xuống cấp, vượt xa những nước tư bản Phương Tây. Đến nỗi phải kêu lên một câu: Có nước nào như nước ấy không?
Phát triển kinh tế không đồng nhịp với cải tiến xã hội và đạo đức. Về Xã hội, chỉ nhìn giao thông đường phố Sài Gòn, Hà Nội là đủ hiểu. Về đạo đức, chỉ nhìn thực trạng học đường ở VN là đủ hiểu.
Mặc dầu vậy, ngày nay, có nhiều bà con Việt Kiều tính về ở hẳn VN. Có người trong đám này về Việt Nam dưỡng già với xe hơi SUV.
Có những ông già lấy tiền xã hội của Mỹ về tậu nhà, tậu cửa, líu lưỡi khen ngọng và hãnh diện nói: mấy chục năm không sáng tác được, nay về ở VN nhờ đó mới hoàn thành được tác phẩm. Có ông Nhà văn ” tiến bộ” nay trở thành thứ ” Chim hót trong lồng”.
Tất cả đều thuộc loại người không biết ngượng.
Trong vòng 10 năm nữa, khi xa lộ đông tây hoàn thành, khi 6 tuyến xe điện ngầm xây dựng xong, khi đường hầm Hải Vân nối liền Nam Bắc nay đã hoàn tất, thành phố Sài Gòn sẽ thay mặt đổi tên chẳng còn ai nhận ra nó nữa.
Nay ở Sài Gòn, đã có những khu nhà “Làng Việt Kiều “. Người ta dự trù có 4 khu như thế, với những biệt thự sang trọng, đủ tiện nghi như ở Mỹ, Canada.Người ta thấy những Việt Kiều lái những chiếc xe SUV, hay ngồi nhâm nhi ly rượu cocktail bên bờ sông Sài Gòn. Những căn nhà có những bãi cỏ xanh, mái nhà mầu cam kiểu California, những hồ bơi với những cây dừa với những hàng chữ tiếng Anh Welcome.
Đây là, chẳng phải ai khác, mà là những nguời di tản, những rác rưởi 37 năm trước chạy trốn Cộng Sản, hoặc đã bị đi tù, đi cải tạo. Gió chướng đẩy họ ra đi, nay gió nào đẩy họ về?
Chẳng hạn, anh chàng Võ Q, kèm theo cái tên Larry, nay đã 65 tuổi, trước đây là một sĩ quan không quân, quân đội VNCH. Anh ta ta đã rời bỏ vùng Southern Califronia cách đây 2 năm cùng với vợ, còn có tên cúng cơm là Lynda để về ở đây. Anh ta khoe căn nhà với vẻ hãnh diện không cần giấu giếm với đồ dùng toàn bằng Inox, phòng tắm lớn có vòi tắm hơi, thiết trí theo kiểu Jacuzzi của Ý. Sàn nhà mầu hồng bóng lộn. Anh còn chỉ cho thấy và nói thêm: Không phải cẩm thạch đâu nhé, đá hoa cương thứ thiệt đấy. Thiệt là quá rẻ, còn rẻ hơn ở Hoa Kỳ rất nhiều. “Thiệt là Việt Kiều”.
Một anh khác tên Hoàng Tiến, chả bù cho lúc ra đi lếch thếch, lang thang, nay anh trở thành chủ nhà thầu đang có những kế hoạch xây cất nhà cho Việt Kiều với những dự án ” thành phố xanh” (Green city).
Cái điều oái ăm đến quái gở là khi ở Mỹ, người ta tìm cách đặt tên Little Saigon, Phở Bắc, bánh mì Tân Định, bánh cuốn Đakao, Restaurant Hoài Hương để nhớ về ;nay ở Việt Nam thì người ta lại muốn đặt tên cho những khu thương xá là ” tiểu Cali “, ” tiểu Fairfax ” để nhớ đến. Và cứ như thế, sẽ có một số người Việt gốc Mỹ sống riêng biệt trong những tiểu quốc của họ bên cạnh những người Việt bản xứ.
Khi ở Mỹ thì họ nhớ Việt Nam, khi ở Việt Nam họ lại tiếc lối sống Mỹ. Họ trở thành người ngoại quốc trước mắt những người đồng loại của họ. Họ tưởng về quê thật, nhưng lại mang tâm trạng một thứ chủ nhân, cách biệt với dân bản xứ.Và điều rõ rệt là Hoàng Tiến đã bực tức về một căn nhà hàng xóm đã vứt những bao rác ra đường ngay cổng nhà anh ta, đã mở nhạc Karaoké tùy tiện ầm ĩ cả lên. Anh bực tức nói:
- Như thế không phải lối sống Mỹ, không biết tôn trọng luật pháp.
Như thế là thiếu văn minh. Khi ở Mỹ thì anh muốn bảo tồn văn hoá Việt, không muốn trở thành Melting pot hay Sálát Mỹ. Anh bắt con đi học tiếng Việt. Về VN, đụng mở mồm là anh xổ tiếng Mỹ cho oai. Quả là về sống ở Việt Nam thì lại là câu chuyện khác.
Trong tương lai, Hoàng Tiến sẽ còn phải bực tức nhiều về những điều trái tai gai mắt: chẳng hạn một anh cán bộ phường cứ xồng xộc vào nhà chẳng điện thoại trước.
Riêng Nguyễn Anh, năm nay mới 35 tuổi về Việt Nam làm việc cho một công ty nước ngoài. Ra đi từ nhỏ, kể như không biết gì về Việt Nam, anh cũng không có ý ở hẳn VN.Nhưng anh cũng có một vài nỗi khổ vặt khác. Nguyễn Anh sửng sờ khi làm một việc gì giúp người khác không nhận được một tiếng thanh kiu, thanh kiếc gì hết. Anh cũng khó chịu khi mọi người chen lấn không xếp hàng khi trả tiền.Nhất là các cô thiếu nữ trông khả ái, dịu hiền, nhưng cũng huých tay chân như ai. Gần như mạnh ai nấy làm, mạnh ai nấy sống chen lấn chụp giựt. Nguyễn Anh có hơi buồn về con người Việt Nam vốn có tâm hồn, vốn thương người mà một tai nạn xe cộ xảy ra đến chết người mà mọi người dửng dưng. Quả thực, tuy là người Việt Nam, nhưng anh lại không hiểu gì về người mình.
Lại nói đến giải trí, Nguyễn Anh không hiểu được là người Việt Nam “Xem thể thao” chứ không chơi thể thao. Mấy triệu người thức đêm, bỏ công ăn việc làm, bỏ học để dán mắt vào đài truyền hình theo dõi một trận đá banh. Thật là vô lý vì hại sức khỏe. Chỉ có 22 cầu thủ thực sự chơi thể thao, còn cả nước chỉ ngồi xem thể thao, chưa kể còn cá độ.Hình như cái gì ở Việt Nam cũng có thể trở thành cờ bạc. Lại một điều nữa, Nguyễn Anh không hiểu được.
Nguyễn Anh thì chỉ thích đi đánh golf. Nhưng muốn chơi ngon, Nguyễn Anh phải lấy vé máy bay ra Phan Thiết chơi, vì ở đó có sân chơi nổi tiếng là đẹp. Ít ra thì điều đó cũng làm Nguyễn Anh vui lòng.
Nhưng có người thấy như thế thì lấy làm kỳ cục. Họ chép miệng, tội tình gì mà phải cất công như thể để chơi Golf. Chơi đâu chả được. Phí tiền nữa. Nguyễn Anh không đáp lại, vì anh có cái lý của anh. Đúng là anh thấy người Việt mê đá banh một cách kỳ cục. Nhưng ngược lại, họ cũng thấy anh không giống ai.
Còn về thanh niên, thiếu nữ thì chửi thề không biết ngượng mồm, nhất là thanh niên, thiếu nữ gốc Bắc. Mở mồm ra là địt. Sáng ra, chỉ hỏi giá cả món hàng đã bị một người con gái xinh đẹp phạng cho một câu.
Nói gì thì nói, nghĩ gì thì nghĩ. Thời gian sẽ xoá nhoà tất cả vết tích cũ: thời gian cứ trôi qua, nhiệt tình chống Cộng giảm xuống và tình hoài hương lại trỗi dậy.
Những vị lãnh đạo trong nước thì nghĩ rằng: Nhân dân muốn quên hết mọi thứ.Những người này hiện ở đây vì đất này là tổ quốc của họ. Chúng ta không có quyền trách mắng họ. Chúng ta tiếp đón họ. Chúng ta không muốn để Việt kiều gây chiến tranh lần nữa.
Tự nhiên bật ra một câu hỏi: Nhưng nhân dân là ai mới được cơ chứ?
Nhưng tôi cho rằng lịch sự trớ chêu có những bài học không bao giờ chúng ta học hết được.
Chiếc soái hạm Blue Ridge 37 năm trước trong vai trò chở binh lính Mỹ và người tỵ nạn VN ra khỏi miền Nam thì hiện nay đang đậu ở bãi Tân Sa, Hải Phòng! Đố ai biết được ngày hôm nay vai trò của Blue Ridge đên VN với mục đích gì?
© Nguyễn Văn Lục
© Đàn Chim Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét