Pages

Thứ Sáu, 18 tháng 5, 2012

Hành hung nhà báo là thách thức sự phát triển


Ngày 8-5, trang web Chính phủ (chinhphu.vn) đưa tin về Tuyên bố Carthage (Hội nghị báo chí quốc tế tại Carthage, Tunisia)
kêu gọi các nước trên thế giới chấm dứt tình trạng coi nhẹ hoặc không trừng phạt đối với tội phạm chống nhà báo cũng chính là ngày truyền thông trong nước đưa tin về vụ hành hung hai nhà báo của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV).
Mới đây, được lãnh đạo Bộ TT&TT yêu cầu, đại diện VOV đã khẳng định hai người đàn ông mặc thường phục trong một clip bị lực lượng cưỡng chế ở huyện Văn Giang (Hưng Yên) đánh hội đồng hôm 24-4 chính là người của VOV khi họ đang tác nghiệp. Cũng trong ngày, lãnh đạo các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí đã nhận được các báo cáo liên quan.
Dù còn nhiều tình tiết phải xác minh, song việc cảnh sát và những người mang băng đỏ chủ động tấn công hai nhà báo đang tác nghiệp tại vị trí nằm ngoài khu vực cưỡng chế là điều không thể chấp nhận, nhất là khi các nhà báo này đã xưng danh và không hề có hành động chống cự hay ngăn cản cuộc cưỡng chế.

Ai cũng biết vai trò khách quan của truyền thông trong các sự kiện chính trị-xã hội có ý nghĩa như thế nào và không phải ngẫu nhiên mà từ lâu Việt Nam đã tham gia hầu hết các công ước, hiệp định… liên quan đến quyền tự do đưa tin và thụ hưởng thông tin. Thế mà trong khi Cổng thông tin điện tử Chính phủ loan báo “đại diện hơn 90 nước cùng các tổ chức quốc tế đã thông qua Tuyên bố Carthage, nhấn mạnh nhu cầu tự do báo chí và kêu gọi đảm bảo an toàn cho nhà báo trong khi thi hành nhiệm vụ. Tuyên bố Carthage cũng kêu gọi các nước trên thế giới chấm dứt tình trạng coi nhẹ hoặc không trừng phạt đối với tội phạm chống nhà báo” thì sự thật phũ phàng lại được phơi bày tại một địa điểm cách trung tâm Hà Nội chưa đầy 10 km.
Đã hơn nửa tháng trôi qua, những kẻ hành hung nhà báo vẫn nằm trong bóng tối nên mấy hôm nay báo giới vẫn tiếp tục lên tiếng. Sự lên tiếng này không phải vì sự an toàn cho chính bản thân họ, cho cơ quan họ, mà còn vì lợi ích của cộng đồng, như lời Tổng Giám đốc UNESCO Irina Bokova nói tại Hội nghị Carthage về vai trò của báo chí và các phương tiện thông tin truyền thông là “thúc đẩy xã hội phát triển”.
Chậm trừng phạt kẻ hành hung nhà báo ngày nào là thách thức sự phát triển ngày đó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét