Pages

Thứ Năm, 3 tháng 5, 2012

Hậu trường sân khấu.

Sự kiện Bạc Hy Lai bị cách chức bí thư thành ủy Trùng Khánh và bị đuổi ra khỏi Bộ Chính trị, cơ quan quyền lực cao nhất nước cũng như vụ án giết hại Neil Heywood, doanh nhân người Anh, đã và đang gây xôn xao dư luận trên khắp thế giới mấy tháng vừa qua. Qua sự kiện và vụ án ấy, người ta dường như thấy được rất nhiều chuyện thuộc loại thâm cung bí sử ở Trung Quốc. Những cảnh đấu đá để tranh giành quyền lực. Sự hống hách và tội ác của giới quý tộc đỏ. Và nhất là nạn tham nhũng, điều mà nhiều người, trong đó có Thủ tướng Ôn Gia Bảo, cho là mối nguy cơ lớn nhất có thể dẫn đến sự sụp đổ của chế độ cộng sản tại Trung Quốc.
Thật ra, phải nói cho ngay, tình trạng tham nhũng hoành hành ở Trung Quốc là chuyện cả thế giới biết đến từ lâu. Lâu rồi. Chỉ có điều là, một, chưa bao giờ nó liên hệ đến một chính khách cao cấp đến như vậy; và hai, chưa bao giờ được bàn luận sôi nổi và rộng rãi đến như vậy. Chính vì hai đặc điểm ấy, mọi người dễ thấy rõ hơn, thứ nhất, mối quan hệ giữa quyền lực và tiền bạc ở Trung Quốc; hai, tính chất nghiêm trọng của vấn đề; và ba, tính chất giả dối đến hài hước của cái gọi là các cuộc tranh đấu chống tham nhũng ở cái đất nước được xem là sẽ trở thành siêu cường số một của thế giới trong vài thập niên tới. Giả dối vì ở Trung Quốc, trước ngày bị vạch mặt, Bạc Hy Lai nổi tiếng là người chống tham nhũng một cách mạnh mẽ, cương quyết và hiệu quả nhất. Đó là một trong những điểm son trong bản lý lịch của ông khiến ông thăng quan tiến chức rất nhanh; có lúc một số bình luận gia chính trị còn phỏng đoán ông sẽ leo lên một trong vài ngôi vị cao nhất nước nữa.

Vậy mà…
Cần biết là, với tư cách Bí thư thành ủy Trùng Khánh, lương của Bạc Hy Lai chỉ có khoảng 10.000 nhân dân tệ, tức khoảng 1.500 Mỹ kim, một tháng. Vợ ông, Cốc Khai Lai, một luật sư nổi tiếng, nhưng theo lời khai của Bạc Hy Lai, đã tự nguyện bỏ cả công ty Luật rất lớn của mình, chỉ ở nhà làm nội trợ chăm sóc cho ông và cho người con trai của hai người. Điều đó có nghĩa là gia đình của Bạc Hy Lai, trên nguyên tắc, chỉ có một đầu lương. Và số lương ấy chỉ có một ngàn rưỡi Mỹ kim một tháng.
Nghi vấn đầu tiên nhiều người đặt ra là: với số lương ít ỏi như vậy, làm sao Bạc Hy Lai và Cốc Khai Lai có thể cho con trai, Bạc Qua Qua, sang du học ở một trường trung học tư thục nổi tiếng đắt đỏ ở London, rồi sau đó, học chương trình Cử nhân ở Đại học Oxford; và sau đó nữa, học chương trình Thạc Sĩ ở Kennedy School of Government thuộc Đại học Harvard? Tiền học phí và tiền chi tiêu để học chương trình Thạc sĩ này tối thiểu là 70.802 Mỹ kim một năm. (Một số tài liệu ghi là đến 90.000 Mỹ kim/ năm.) Bạc Qua Qua đã học ở đó từ năm 2010 cho đến nay. Lâu nay, Qua Qua ở trong một căn hộ gồm hai phòng sang trọnggiá 2.950 Mỹ kim một tháng. Như vậy, cả tiền học lẫn tiền ăn ở một năm ở Harvard là khoảng từ 100.000 đến 130.000 Mỹ kim. Đó là chưa kể tiền ăn chơi phung phí khác. Ngoài ra, theo tin từ tờ The Wall Street, lúc còn ở Trung Quốc, Bạc Qua Qua từng đi một chiếc Ferrari đắt tiền. Trong email gửi trường Đại học Harward, Qua Qua phủ nhận nguồn tin ấy, cho là mình chưa bao giờ lái xe Ferrari. Tuy nhiên, mới đây, The Wall Street lại phát hiện lúc học ở Harvard, Qua Qua từng lái một chiếc Porche màu đen trị giá trên 80.000 Mỹ kim. Cũng là một loại xe sang.
Mới đây, trong một email gửi trường Harvard, Bạc Qua Qua tuyên bố toàn bộ tiền học của mình đều xuất phát từ hai nguồn: học bổng và tiền dành dụm của mẹ. Có điều là, Qua Qua không hề cho biết học bổng ấy đến từ đâu cả. Còn cái gọi là tiền “dành dụm” của bà Cốc Khai Lai thì, theo nhiều nguồn tin được công bố trên báo chí, lên đến hàng trăm triệu Mỹ kim.
Số tiền ấy ở đâu ra?
Theo cuộc điều tra của công ty Bloomberg, tổng số tài sản của anh em Bạc Hy Lai tối thiểu là 130 triệu đô la trong khi tổng số tài sản của Cốc Khai Lai và các chị em của bà cũng lên tới ít nhất là 126 triệu đô la. Con trai lớn của Bạc Hy Lai với người vợ trước, Bạc Vọng Tri (còn có tên là Lý Vọng Tri, Li Wangzhi), 34 tuổi, nắm giữ chức vụ cao cấp trong nhiều công ty khác nhau, bao gồm những công ty rất lớn như Citigroup, China Everbright International Ltd., và Chonger, được xem là một trong những doanh nhân thành đạt nhất ở Trung Quốc. Anh trai của Bạc Hy Lai, Bạc Hy Vĩnh (Bo Xiyong), 64 tuổi, cũng nắm nhiều công ty dưới nhiều tên khác nhau (trong đó có tên Lý Học Minh); công ty nào cũng có vốn lên đến hàng chục hay hàng trăm triệu đô la. Hai người em của Bạc Hy Lai, Bạc Hy Thành (Bo Xicheng) và Bạc Hy Ninh (Bo Xining) cũng là những chủ tịch hay giám đốc nhiều công ty lớn, có tài sản lên đến mấy chục triệu đô la (không tính những của chìm mà người ta không biết). Ngay con trai của Bạc Hy Lai, Bạc Qua Qua, học Đại Học Harvard từ năm 2010, cũng đã có cổ phần tại một công ty kỹ thuật với số tiền ban đầu là 320.000 đô la.
Đó là về phía Bạc Hy Lai, còn về phía vợ ông, Cốc Khai Lai, các chị em cũng đều giàu có; người thì làm chủ công ty ấn loát và xuất bản, người thì làm chủ công ty địa ốc. Tiền cổ phiếu của họ, điều mà người ta có thể thấy được, lên đến 120 triệu đô la.
Nói một cách tóm tắt, trong khi chưa (hoặc chưa muốn) phanh phui sự giàu có của bản thân Bạc Hy Lai, mọi người đều thấy rõ là tất cả anh em và con cái của vợ chồng Bạc Hy Lai và Cốc Khai Lai đều nắm giữ những chức vụ quan trọng trong nhiều công ty khác nhau; đều sử dụng nhiều tên khác nhau ở các công ty khác nhau; và đều giàu có và đầy quyền lực.
Kiểu làm giàu như thế được xem là rất phổ biến ở Trung Quốc: Bản thân những người thuộc giới lãnh đạo không tham gia vào các công việc làm ăn buôn bán để giữ “bàn tay sạch”. Công việc kiếm tiền, đúng hơn là “hốt tiền” thì giao hết cho vợ con, anh em và họ hàng. Thật ra, phải nói cho công bằng, không phải ai trong số ấy cũng đều tham nhũng. Nhưng, ngược lại, phải thừa nhận một sự thật là: không ai có thể leo lên các chức vụ mà họ đang nắm giữ nếu không nhờ thế của cái người đang giữ vai trò lãnh đạo trong nước.
Tuy nhiên, như đã nói từ đầu bài, gia đình của Bạc Hy Lai chỉ là một ví dụ. Ở Trung Quốc hiện nay, không phải chỉ có một mình Bạc Hy Lai. Nhiều người, trên các website và blog nói: Ở Trung Quốc cứ hễ có 100 cán bộ thì có 101 tên tham nhũng. (Among 100 Chinese Officials, 101 Of Them Are Corrupt.) Nghĩa là không có ngoại lệ. Nghĩa là mức độ tham nhũng còn trầm trọng hơn mức độ bình thường.
Tham nhũng là con đẻ của thứ quyền lực bất chính. Đến lượt nó, tham nhũng sẽ càng củng cố loại quyền lực bất chính ấy: Hậu quả là dân chúng không những bị bóc lột mà còn bị đàn áp.
Một ví dụ cụ thể nhất là trường hợp Vương Lập Quân (Wang Lijun), cựu giám đốc công an Trùng Khánh, trước đây vốn là tay chân thân tín của Bạc Hy Lai. Gốc người Mông Cổ, con của một công nhân đường sắt, đi lính mấy năm rồi gia nhập ngành công an. Dưới sự che chở của vợ chồng Bạc Hy Lai và Cốc Khai Lai, Vương trở thành trùm công an địa phương và là một thứ hung thần đối với dân chúng. Đi đâu, Vương cũng có xe hộ tống hú còi ầm ĩ; riêng xe của Vương thì đèn chớp sáng lóa. Đến những nơi có vấn đề rắc rối, Vương thường rút súng ra bắn chỉ thiên vài phát thị uy. Một lần nghe báo một tiệm hớt tóc chứa gái mại dâm, Vương phóng xe tới. Cũng hụ còi. Cũng chớp đèn. Cũng bắn súng thị uy. Vào tiệm, thấy một thanh niên nhuộm tóc màu vàng, Vương quật ngay xuống đất. Nhưng khám xét xong, lại chẳng thấy có bằng chứng gì có gái mại dâm cả. Dẫu vậy, Vương vẫn ra lệnh bắt người thanh niên nhuộm tóc ấy. Lý do: “Một gã đàn ông tóc tai như vậy thì không thể tốt được.”
Chưa hết. Một đồng nghiệp của Vương Lập Quân kể thỉnh thoảng, sau khi xử tử một tội nhân, Vương tự tay mổ tử thi để, theo lời của Vương, “xem tim của họ màu đen hay màu đỏ.” (A former colleague of Wang’s in northeast China said he would sometimes perform the autopsies on executed convicts himself because he claimed he wanted to see if ‘their hearts were black or red’.)
Nếu không vì tranh chấp với nhau, cả Bạc Hy Lai và Vương Lập Quân vẫn tiếp tục được khen ngợi là những nhà lãnh đạo sáng suốt và trong sạch.
Nhờ vụ án của họ, cả thế giới nhìn thấy được sự thật.
Dù chỉ một phần.
Nguyễn Hưng Quốc/VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét