Pages

Thứ Sáu, 11 tháng 5, 2012

HỒI ỨC DỰNG LẠI NGỌN CỜ VÀNG NĂM ẤY

ĐINH QUANG HẢI


Ba người đi dựng lại ngọn cờ Vàng năm ấy, một hy sinh trong trại giam, một bị giam cầm 11 năm và một đang còn bị giam với án tù 16 năm, đó là cái giá phải trả cho năm ngọn cờ Vàng được tung bay bên dòng sông Giồng Ông Tố, Quận 2, Sài Gòn ngày 24/03/1999.

Từ khi thoát khỏi nhà tù nhỏ đến nay chưa đuợc ba tháng, trở về với nhà tù lớn đầy khó khăn và cám dỗ. Tôi là kẻ không còn cha mẹ, không gia đình, không vợ con. Hai tháng rồi tôi lang thang từng con phố của Sài Gòn, để đi tìm cho mình một công việc làm thích hợp, nuôi lấy bản thân, những cái lắc đầu ngao ngán khi tôi không có bằng cấp, không giấy tờ tùy thân, không có gì chứng nhận đuợc tôi là công dân Việt Nam, ngoài một cái giấy ra trại mà nhà cầm quyền gán ghép cho tôi là tên KHỦNG BỐ Đinh Quang Hải.

Kể từ khi nguời bạn tù Nguyễn Bắc Truyển, huớng dẫn tôi đến Hội thánh Mennonite của vị Mục sư Nguyễn Hồng Quang và đồng thời cũng là Hội phó Hội Ái Hữu TNCT&TG, để nhờ một nơi tá túc chữa bệnh và tìm kiếm việc làm. Cũng cần nói thêm, nói tiếng là bạn tù với Truyển thật ra Truyển chính là ân nhân của nhóm anh em tù mồ côi chúng tôi trong những năm tháng qua tại Trại giam Xuân Lộc. Và cũng nơi đây, tôi cũng hân hạnh đuợc gặp lại Thượng tọa Thích Thiện Minh, nguời Thầy, Nguời bạn tù dũng cảm nổi tiếng, bất khuất trong khám lạnh. Thầy Ba Minh cái tên rất đổi thân thương mà những nguời bạn tù thuờng gọi, thuờng lui tới để thăm hỏi, giùp đỡ cho các anh em cựu tù nhân. Tôi cũng là một trong số người tù mà Thầy đã gởi gấm cho các anh chị thiện nguyện nơi đây chăm sóc. Tôi cũng gặp gỡ những người trẻ tuổi có đầy lòng nhiệt huyết như Thu Trâm, Tuyết, Bích, Đức…đã tận tâm lo lắng cho chúng tôi từng bữa cơm, mở những lớp ngoại ngữ, vi tính, giúp chúng tôi đuợc sớm hòa nhập với cộng đồng, và hướng dẫn chúng tôi đi khám bệnh.Lòng tôi trở nên ấm cúng vô cùng.


Giảng dạy vi tính cho các cựu tù CT&TG

Chiều nay, khi tôi đi ngang qua dòng sông Giồng Ông Tố, bao nhiêu ký ức trong tôi trổi dậy nhìn dòng sông êm đêm trôi lặng lẻ, tôi thấy luyến tiếc và mất mát một cái gì đó làm tôi buồn đến nao lòng. Tôi không luyến tiếc 11 năm tù mà nhà cầm quyền CS đã kết án vì hai chữ TỰ DO. Không luyến tiếc thời thanh niên trai trẻ của mình, không luyến tiếc mối tình đầu vừa chớm nở. Mà tôi tiếc lắm khi trở lại dòng sông Giồng Ông Tố này, không nhìn đuợc ngọn cờ Vàng bay phất phới, chưa đuợc nhìn thấy quê huơng mình thật sự TỰ DO. Ôi! Hai chữ TỰ DO, đã hun đúc biết bao nhiêu nguời con ưu tú của Đất Mẹ Việt Nam dấn thân vào cuộc chinh chiến chống nạn cộng sản và bao nhiêu chiến hữu của tôi đã hy sinh trong ngục tối. Tôi cũng mất đi nguời Mẹ thân yêu sau gần 11 năm chờ đợi nguời con trai duy nhất trong mỏi mòn, tuyệt vọng và tôi cũng mất đi mối tình đầu tiên của mình.

Cờ Vàng Biểu Tượng Của Tự Do

Ngày ấy, nhóm chúng tôi có 03 nguời, một nguời đã có gia đình là anh Nguyễn Văn Phuơng, hai nguời thanh niên trẻ chưa vợ là Nguyễn Văn Hà và tôi, cùng nhau đi dựng lại ngọn cờ Vàng TỰ DO. Chúng tôi chuẩn bị một chiếc xuồng nhỏ, một bình khí đá, trên một chục lá cờ Vàng khổ 1,2m x 2,4m và bong bóng loại lớn đường kính 1m, mọi cái đã chuẩn bị xong, chúng tôi chất đầy trên một chiếc xuồng ngụy trang che chắn rất kỹ khó ai phát hiện, âm thầm trong đêm khuya chuyển từ dòng kênh đen trong nội thành Sài Gòn ra dòng sông Giồng Ông Tố. Chúng tôi chèo qua sông Giồng Ông Tố, một nhánh lớn của sông Sài Gòn thuộc địa phận Quận 2, nhánh sông nầy đông ghe thuyền qua lại nhất là ghe thuyền từ Miền Tây chở hàng hóa giao cho khu vực phố xá ven bờ. Chúng tôi bắt đầu treo cờ hai bên bờ của nhánh sông, nhóm ba nguời chúng tôi buộc một lá cờ vào 3 cái bong bóng, phía trên buộc vào sợi dây dù phía dưới cột chặt vào bẹ dừa nước. Buộc xong chúng tôi bơm khí vào bong bong, khi bơm căng chiếc thứ nhất, không nâng nổi lá cờ, chiếc thứ hai cũng không lên, đến chiếc thứ ba thì lá cờ từ từ bay lên. Khi căng dây độ cao 20m lá cờ Vàng TỰ DO của Đất Mẹ Việt Nam phất phới bay trên nhánh sông cạnh Sài Gòn lòng chúng tôi vỡ òa sung sướng. Như sức mạnh thêm lên, không hề sợ hãi chúng tôi tiếp tục dựng các ngọn cờ Vàng còn lại, ngọn cờ của nước Việt thiêng liêng tung bay trên Thủ đô Sài Gòn năm xưa như minh chứng rằng sự TỰ DO là bất diệt. Cứ 200m chúng tôi treo một lá cờ Vàng, khi chúng tôi treo đến lá thứ tư thì bình khí đá bị trục trặc, ba nguời chúng tôi đều biết, nếu bình khí đá nổ tung thì tính mạng của chúng tôi coi như đã chấm hết. Nhưng nào còn sợ hãi khi niềm tin tràn ngập trong lòng chúng tôi.

Đinh Quang Hải và những người tù chính trị xuyên thế kỷ

Hừng đông đã lên, nguời đi qua lại ngày càng đông. Chúng tôi rất hồi hộp, vì chờ xem thái độ của bà con mình ra sao? Chàng trai trẻ Nguyễn Văn Hà, nguời đã hy sinh trong ngục tù CS nói: “chúng ta làm việc chính nghĩa, nếu vì treo lá cờ Vàng mà bị đi vào nhà tù thì cũng xứng đáng lắm” Hà nói thêm“…khi chọn con đuờng nầy là chúng ta đã xác định rỏ ràng rồi, một là chết hai là vào tù mọt gông, thậm chí bình khí đá nổ, anh Hải và anh Phuơng nghĩ chúng ta còn sống đuợc không?”. Nghe bạn nói tinh thần anh em chúng tôi dâng cao, sự lo lắng hòan toàn tan biến thay cho là sự hân hoan háo hức. Chúng tôi muốn nhìn thấy một thủ đô Sài Gòn xưa trở lại với lá cờ Vàng bay phất phơ trên cột cờ Thủ Ngữ, Sài Gòn được trả lại tên xưa. Trên bờ sông và ghe thuyền dưới sông, bà con đã nhìn thấy lá cờ Vàng TỰ DO tung bay. Sau khi sửa xong bình khí đá chúng tôi treo được thêm hai lá cờ nữa, chúng tôi nhấn chìm chiếc xuồng và bình khí đá xuống dòng sông, lội lên bờ và tản ra mỗi người một hướng xem phản ứng của bà con.


Sông Sài Gòn Năm Xưa


Khoảng 6 – 7 giờ sáng, dân chúng đi làm, đi chợ dừng xe xem, thì thầm: “Ủa, sao có cờ vàng ba sọc đỏ bay hai bên bờ sông?”. Có người lại nói lớn: “Mấy người chống cộng treo cờ Cộng Hòa chớ ai”. Càng lúc dân chúng đến xem nhiều hơn, chúng tôi thấy trên mặt một số người sợ hải, hoang mang, rồi không biết chuyện gì xãy ra đây?. Một số đông người lớn trầm tỉnh, họ rất kinh nghiệm sống nên nét mặt họ như chờ đợi một sự truy lùng của công an. Còn một số người trẻ dạn dĩ thì thích thú vô cùng họ nói: “Trông cho họ trở về giải phóng tập 2, treo cờ Vàng luôn” (họ tức là những chiến sỹ VNCH). Lúc đó, công an CS lập tức đến, phong tỏa nghiêm ngặt, không cho phà hay tàu thuyền qua lại, công an lội xuống bờ sông, nhưng sợ có gài mìn nên không dám hạ cờ xuống. Lát sau hai chiếc ca-nô của công an đuờng thủy, chạy đến từ từ cắt dây, rồi từ từ hạ lá cờ Vàng xuống. Những nguời công an đuờng thủy cẩn thận không cho tuột vì nếu tuột dây thì cờ sẽ bay lên cao, như vậy thì đồng bào mình sẽ nhìn thấy lá cờ chính nghĩa Quốc Gia mà CSVN đã thay vào bằng lá cờ máu của tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc.



Cuối cùng thì công an cũng lấy hết năm lá cờ Vàng. Ca-nô của công an chạy rất nhanh, mất hút, như nôn nóng trở về doanh trại để báo công. Lá cờ Vàng TỰ DO chỉ tung bay vài tiếng đồng hồ trên dòng sông, nhưng đã đọng lại trong tim người dân miền Nam niềm tự hào về Quốc kỳ của Việt Nam Cộng Hòa. Một đất nước chiến đấu oanh liệt cho LÝ TUỞNG TỰ DO bên cạnh quân đội Hoa Kỳ và lực lượng đồng minh. Lá cờ Vàng ngày nay, còn là biểu tượng cho đồng bào Việt Nam tìm TỰ DO tại hải ngọai, đang được tung bay bất cứ nơi nào có đồng bào Việt Nam tị nạn CS cư ngụ.


Sau khi công việc treo cờ đã hoàn thành, ba tháng sau, ba anh em chúng tôi lần lượt bị bắt, 11 năm tù cho tôi, 16 năm tù cho anh Nguyễn Văn Phuơng, và chàng trai trẻ Nguyễn Văn Hà án 5 năm nhưng lại ra đi vĩnh viễn vì không chịu nỗi những lần bị hạnh hạ tra tấn khi vừa tròn 30 tuổi, trở thành người chiến sỹ vô danh cùng các bậc cha anh trong ngục tối. Hôm nay, tôi nhớ Hà vô cùng thật đau xót nghe cựu tù Nguyễn Bắc Truyển báo tin, mấy lần Truyển đến nhà của Hà tìm gia đình báo tin, nhưng lối xóm nói gia đình của Hà ly tán không còn ở nơi chốn cũ nữa. Lòng tôi trĩu nặng… 35 năm rồi lá cờ Vàng không còn bay chính thức trên bầu trời miền Nam Việt Nam. Nhưng những ký ức về Dựng lại ngọn cờ Vàng năm ấy của tôi và các chiến hữu vẫn còn mãi mãi trong tâm trí tôi. Có người hỏi tôi: “tại sao tôi phải làm như thế và cái giá phải trả có đáng không?” Vì sao ư? Vì tôi là con của một nguời lính VNCH – tử sỹ Đinh Quang Thành, đơn vị biệt kích Dù, tử trận năm 1968 tại Khâm Đức, Quãng Nam, cha tôi đã ngã xuống cho lá cờ Vàng TỰ DO. Năm 1975, khi lá cờ Vàng bị hạ xuống, thì thân phận con người của người dân miền Nam Việt Nam cũng bị hạ nhục. Khổ nhục của 11 năm trong ngục tù không một lần thăm nuôi không thấm gì so với nỗi khổ nhục lớn hơn khi lá cờ Vàng chính nghĩa, lá cờ TỰ DO chưa được tung bay trở lại trên Đất Mẹ Việt Nam.


Tù nhân Chính trị Đinh Quang Hải.


Ngày 18/9/2010, viết tại Hội thánh Menonite – Quận 2 – Sài Gòn.

@bao toquoc

PS: Hôm nay tôi xin phổ biến lại bài viết cũ của một người tù chính trị với mong mõi những người yêu chuộng tự do chúng ta hãy nhớ đến Hải, anh cũng là một trong số những người tù vô danh một người mang bản án chính trị đã là khó khăn trong cuộc mưu sinh, nhưng ở đây anh Hải lại mang một bản án KHỦNG BỐ một bản án mà chế độ phi nhân này ghép cho những người yêu nước như Hải hiện nay anh cũng đang hoạt động âm thầm tại các tỉnh Miền Tây trong hoàn cảnh không có nguồn trợ giúp.

Không có nhận xét nào: