Pages

Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2012

Lá bài bảo hộ mậu dịch



 
Chủ tịch Hồ Cẩm Đào từng nói về việc chống bảo hộ mậu dịch
Robert Plummer 
Phóng viên Kinh doanh, BBC News 

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu tiếp tục phải đối mặt với khó khăn, chính phủ các nước đang ngày càng dùng lá bài mậu dịch cho các mục tiêu chính trị và nhường đường cho chủ nghĩa bảo hộ. Ai nói như vậy? Chính là giới chức Trung Quốc.
Tuần trước, quan chức cổ vũ cho ngoại thương hàng đầu của Trung Quốc, ông Vạn Quí Phi, cho biết việc gia tăng bảo hộ đã có tác động tiêu cực.
"Bảo hộ mậu dịch là việc làm thiển cận và hẹp hòi, và về cơ bản không thể giải quyết vấn đề thất nghiệp và tăng trưởng kinh tế trên toàn thế giới", ông Vạn, Chủ tịch Hội đồng Trung Quốc về Xúc tiến Mậu dịch Quốc tế, nói.



"Mậu dịch tự do là động lực cho tăng trưởng kinh tế quốc gia," ông nói thêm.

Quan điểm của ông được hậu thuẫn bởi Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, người đã ca ngợi vai trò của Hội đồng này trong việc chống lại chủ nghĩa bảo hộ.

Người ta có thể nghĩ rằng thông điệp lên án bảo hộ là hơi ngược đời đối với Trung Quốc, bởi Bắc Kinh thường xuyên bị các nước khác cáo buộc về hành vi bảo hộ.

Tại Hoa Kỳ, ứng viên Mitt Romney của đảng Cộng hòa đã cam kết rằng ông sẽ tuyên bố Trung Quốc "là quốc gia thao túng tiền tệ" nếu được bầu làm tổng thống trong tháng 11, một động thái phản ánh sự tức giận của nhiều người Mỹ đối với những gì họ cho là việc cố ý đánh giá thấp đồng nhân dân tệ để tạo điều kiện cho xuất khẩu của Trung Quốc.

Trung Quốc bị cáo buộc giữ nhân dân tệ dưới giá để hỗ trợ xuất khẩu.
Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với một số vụ kiện tại Tổ chức Mậu dịch Thế giới (WTO), gần đây nhất là vụ Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản cùng kiện Bắc Kinh về hạn chế xuất khẩu đất hiếm.

Mặt khác, Trung Quốc cũng thấy chính họ là nạn nhân của chủ nghĩa bảo hộ, và để giảm bớt tình hình này Bắc Kinh vào tuần trước nhất trí tổ chức hội đàm với Nhật Bản và Nam Hàn về một hiệp ước mậu dịch tự do.

Một số nhà quan sát nghĩ rằng Hoa Kỳ nên dọn dẹp nhà cửa của mình sạch sẽ trước khi bắt đầu gọi các quốc gia khác là nước có hành vi bảo hộ.

Rốt cùng thì một trong những khuyến nghị cho “những việc cần làm” mà Tổng thống Barack Obama gần đây đã trình Quốc hội là việc giảm thuế 20% cho các công ty chuyển được công ăn việc làm từ hải ngoại về nước.

Tuy nhiên, Hoa Kỳ cũng có thể chỉ ra những tiến bộ mới về tự do hóa thương mại sau khi thỏa thuận mậu dịch tự do bị trì hoãn lâu với Colombia cuối cùng đã có hiệu lực vào tuần trước.

Mặc dù vậy, các tranh chấp thương mại song phương mới giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc tiếp tục xuất hiện.

Trong diễn biến mới nhất, Washington đã áp mức thuế chống bán phá giá với các bảng điện năng lượng mặt trời của Trung Quốc, mà họ nói đang được bán ở mức giá thấp không công bằng.Trung Quốc đã lên án động thái này là hành vi bảo hộ.

Căng thẳng EU
 
Dường như các xu hướng tự do thương mại và bảo hộ là ở mức đồng đều một cách khá cân bằng giữa các cường quốc lớn, với việc có nước này bảo hộ thì lại có nước khác muốn tự do hóa mậu dịch.

Hành vi "một bước tiến, một bước lùi" có thể được nhìn thấy tại EU, là nơi đang ngập lụt trong cuộc khủng hoảng ở khu vực dùng euro.

Lãnh đạo Pháp và Đức có cách nhìn khác nhau về bảo hộ mậu dịch.
Cuộc bầu cử tổng thống Pháp gần đây cho thấy cả ông Francois Hollande và ông Nicolas Sarkozy đều hùng biện mạnh về bảo hộ nhằm thu hút 80% cử tri, là những người chống toàn cầu hóa.

Tuy nhiên, chính Pháp lại là nuớc hưởng lợi nhiều từ toàn cầu hóa, với các công ty Pháp kinh doanh tại nước ngoài gấp 14 lần so với các công ty nước ngoài tới Pháp làm ăn.

Ông Hollande cho biết ông muốn hỗ trợ tài chính của Pháp tới được các nhà xuất khẩu bán sản phẩm Pháp.

Nhưng nếu ông nghiêm túc về lời hứa đưa ra trong chiến dịch của mình nhằm tạo ra 150.000 việc làm mới ở Pháp, nhiều nhà phân tích cảm thấy ông sẽ phải thúc đẩy cạnh tranh trong nền kinh tế, nói cách khác đi là phải tự do hóa nhiều hơn và bảo hộ ít đi.

Dẫu sao Thủ tướng Đức, Angela Merkel, nguời bấy lâu nay có quan điểm rằng chủ nghĩa bảo hộ sẽ là một mối nguy hiểm nghiêm trọng cho nền kinh tế toàn cầu, tỏ ý‎ rằng ông Hollande sẽ không nhận được sự ủng hộ về chính sách của ông tại phiên họp ở diện rộng trên toàn châu Âu.

Các khu vực khác trên thế giới, đặc biệt là châu Mỹ La tinh, cũng có tình trạng nước muốn tự do nước lại bảo hộ.

Nhìn lại sự thất bại vào năm 2005 của (FTAA) Khu vực Thương mại Tự do Châu Mỹ, vốn định có thỏa thuận mậu dịch tự do cho 34 nền dân chủ của bán cầu, người ta thấy trở ngại lớn đối với xu huớng tự do hóa thương mại nói chung.

Chẳng ít lâu sau đó, vòng đàm phán thương mại Doha, được WTO bảo trợ, bị rơi vào tình trạng hấp hối và làm tiêu tan hy vọng hạ biểu thuế quan thương mại trên khắp thế giới.

Nay Argentina đang dẫn đầu di chuyển nhóm các nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ chống lại hàng nhập khẩu từ bên ngoài khu vực.

Argentina và Brazil là những thành viên mạnh nhất của khối thương mại Mercosur, là khối mà Paraguay và Uruguay cũng là thành viên.

Tuần trước, Argentina đề nghị với Brazil rằng thuế quan đánh vào hàng hoá từ bên ngoài khu vực Mercosur xuất vào nên tăng từ 10% đến 35%, là mức tối đa theo quy định của WTO.

Đồng thời, chính phủ Argentina, hiện thiếu tiền, rất muốn Brazil mua thêm hàng hóa của họ và ép Brazil bỏ các rào cản nhập khẩu một số hàng hóa của Argentina, bao gồm dược phẩm và trái cây.
 

Tiếp cận thị trường 

Ấn độ hạn chế doanh nghiệp nước ngoài trong khu vực siêu thị.

Ấn Độ hiện cũng đang phải đối mặt với cả hai vấn đề này. Nhận định gần đây của các chính trị gia Ấn Độ mang cùng âm hưởng với Trung Quốc trong việc lên án chủ trương bảo hộ, đặc biệt nhắm tới Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn miễn cưỡng để các công ty nước ngoài tiếp cận nhiều hơn vào nền kinh tế của mình, thể hiện qua việc không mở cửa khu vực siêu thị cho các tập đoàn toàn cầu như Wal-Mart, Tesco và Carrefour.

Các doanh nghiệp như Starbucks và Ikea được phép mở cửa hàng ở Ấn Độ, nhưng với điều kiện họ mua 30% hàng từ các ngành công nghiệp nhỏ của Ấn Độ.

Còn đối với Vương quốc Anh, hạn chế bảo hộ khiến doanh nghiệp nước này đau đầu. Ngày càng có nhiều công ty Anh được bán cho chủ nước ngoài, từ Cadbury cho tới Jaguar Land Rover.

Trong khi Ngoại trưởng William Hague cam kết cổ súy cho tự do thương mại toàn cầu và chống lại chủ nghĩa bảo hộ, các công ty Anh tìm kiếm mua lại doanh nghiệp ở nước ngoài không phải lúc nào cũng được dễ dàng như các công ty nước ngoài mua lại công ty của Anh trên đất Anh.

Đồng thời, một số nhà bình luận ở Anh đang bắt đầu tự hỏi một cách công khai rằng việc bảo hộ rốt cùng có phải là hành vi xấu hay không.

Compass, nhóm áp lực thuộc cánh tả vào tháng trước ra phúc trình biện luận rằng toàn cầu hóa là "nguyên nhân cơ bản dẫn tới tình trạng bất ổn kinh tế và xã hội ngày nay" và "bảo hộ một cách tiến bộ" là giải pháp thay thế.

Điều này được định nghĩa là cách "khuyến khích và cho phép các nước để xây dựng lại và đa dạng hóa nền kinh tế của họ bằng cách hạn chế những hàng hóa mà họ cho phép nhập cũng chọn loại nguồn vốn đổ vào và chuyển ra khỏi đất nước".

Đề nghị này đã khiến một học giả tại viên nghiên cứu thị trường tự do, Viện Adam Smith, bức xúc và mô tả ‎ y tưởng này là “chính sách kinh tế phát xít" bị được "mắc kẹt vào chủ nghĩa trọng thương trong giai đoạn năm 1700".

Nhưng với tâm trạng bất chắc của chính trị gia và cũng như cử tri trước cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, người ta khó loại trừ được sự trở lại của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch trên diện rộng.

Không có nhận xét nào: