Pages

Chủ Nhật, 13 tháng 5, 2012

‘Lề trái’ hay ‘lề phải’ cũng khóc!

Hình chụp phóng viên Hán Phi Long bị đánh sưng mặt ngay sau vụ cưỡng chế ngày 24 tháng 4, 2012, nhưng nhà cầm quyền tỉnh Hưng Yên muốn đòi thêm “chứng cớ.” (Hình: VOV)
Như một sự ngẫu nhiên mà thật ra lại hoàn toàn hợp lý vì nó sẽ phải xảy ra như thế trong một xã hội độc tài, trong những ngày gần đây có hai sự việc liên quan đến những nhà báo thuộc về hai “hệ thống” báo chí khác nhau ở Việt Nam.
Một bên là những người cầm bút tự do, ngoài luồng, hay như lâu nay mọi người vẫn gọi – báo “lề trái.” Là những trang blog cá nhân, các diễn đàn, trang web độc lập, báo chí hải ngoại… Và một bên là những người đang làm việc trong những cơ quan báo chí truyền thông của đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam, tức là báo “lề phải.”

Dù thuộc về hai hệ thống mà mục đích, đối tượng phục vụ nhiều khi ngược nhau, khi một bên phục vụ nhân dân, một bên trước hết phải phục vụ đảng và nhà nước. Nhưng càng ngày người ta càng thấy sự “giao thoa,” đồng thuận trong tiếng nói của họ trước những sự bất công, phi lý đang xảy ra ngày càng nhiều, càng nặng nề ở Việt Nam. Khiến tất cả những ai còn lương tri đều không thể không đau lòng, phẫn uất.
(Tất nhiên là trừ đội ngũ bồi bút. Những kẻ không chỉ dùng ngòi bút để bưng bê chế độ, thản nhiên viết những điều dối trá, bưng bít hoặc bẻ cong sự thật, mà nhiều khi còn bôi nhọ, vu khống người ngay, nhất là đối với những người vì sự thật đã lên tiếng.)
Nhưng lần này sự giao thoa hay tương đồng giữa những con người thuộc về hai hệ thống báo chí này lại nằm trong số phận của họ. Số phận của những công dân nói chung trong một xã hội độc tài.
Thuộc “lề trái,” số phận của nhà báo tự do Nguyễn Văn Hải tức blogger Ðiếu Cày một lần nữa lại trở thành tâm điểm của dư luận. Khi tên anh được chính Tổng Thống Mỹ Barack Obama nhắc đến trong bản tuyên bố nhân ngày Quốc Tế Tự Do Báo Chí (ngày 3 tháng 5, 2012) được đăng trên trang mạng của Tòa Bạch Ốc.
Tổng Thống Obama đã đề cập đến Ðiếu Cày như một trong ba ví dụ về các vụ bắt bớ và giam giữ tùy tiện các nhà báo vẫn diễn ra trên toàn cầu và kêu gọi mọi người đừng quên họ.
Một vinh dự nhuốm màu cay đắng cho bản thân Ðiếu Cày và cho cả người Việt khi từ lâu nay hai chữ Việt Nam chỉ thường xuyên được nhắc đến trong những thành tích xếp hạng tồi tệ về nhiều lĩnh vực khác nhau của thế giới. Hoặc trong những ví dụ về hồ sơ nhân quyền, đàn áp tự do, đàn áp tôn giáo, nạn tham nhũng, buôn người… Và lần này cũng vậy. Một ví dụ cho sự đàn áp tự do ngôn luận của nhà cầm quyền!
Dù sao, vẫn là một niềm vui vì một thân phận nhỏ bé đã được cả thế giới nhớ đến. Và cùng với điều này, là niềm hy vọng rằng Mỹ cũng như các nước tự do dân chủ trên thế giới sẽ phải chú ý gây áp lực hơn nữa với nhà cầm quyền Việt Nam về vấn đề nhân quyền khi làm ăn với họ.
Chưa biết hiệu quả của sự chú ý đó từ câu nói của tổng thống Mỹ sẽ ra sao. Nhưng trước mắt, phiên tòa xử nhà báo tự do Nguyễn Văn Hải tức blogger Ðiếu Cày cùng với hai người bạn của anh, luật gia Phan Thanh Hải tức blogger Anh Ba SG và nhà báo Tạ Phong Tần tức blogger Công Lý và Sự Thật, dự tính diễn ra vào ngày 15 tháng 5, 2012 đã phải hoãn lại.
Nhưng dù có hoãn lại, mọi người cũng thừa biết với bản chất không chịu phục thiện của nhà cầm quyền, bản án dành cho ba blogger sẽ không thể dưới 5 năm trở lên. Một khi họ bị đưa ra xét xử theo theo Ðiều Luật 88 của Bộ Luật Hình Sự VN.
Những bản án quá nặng nề cho những con người chỉ dùng ngòi bút thể hiện lòng yêu nước trước âm mưu bành trướng của Tung Quốc, nỗi đau đời trước những bất công oan trái của xã hội.
Mà chưa cần nói đến việc ra tòa và bản án, toàn bộ quá trình giam giữ, kết tội phi lý, điều kiện giam giữ tệ hại và cung cách hành xử của nhà cầm quyền đối với cả ba người trong suốt thời gian qua cũng đã bộc lộ quá rõ bản chất vô nhân đạo của nhà cầm quyền.
Trong khi đó, thuộc về “lề phải,” hai nhà báo của VOV (Ðài Tiếng Nói VN) khi đi làm việc lấy tin về vụ cưỡng chế đất đai ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên vào ngày 24 tháng 4, 2012 vừa qua đã bị lực lượng công an, dân phòng đánh dập dã man, bắt đưa về đồn làm bản tường trình. Ðó là trưởng Phòng Phóng Viên Thời Sự-Chính Trị-Kinh tế Nguyễn Ngọc Năm và phóng viên Hán Phi Long.
Những khía cạnh bi hài đến không thể tin nổi của câu chuyện này đã được các đồng nghiệp của hai người thuộc cả “lề trái,” “lề phải” vạch ra đầy đủ trong những ngày qua.
Từ sự im lặng khó hiểu của chính các nạn nhân và phía công an, chính quyền. Dù các nạn nhân cũng có làm bản tường trình đầy đủ cho cơ quan, có gửi đơn đến các cấp công an tỉnh Hưng Yên nhưng mọi chuyện vẫn hoàn toàn… im ắng!
May nhờ có mấy video clip do ai đó tình cờ quay được cảnh cả hai bị đánh đưa lên mạng, rồi lại là một tờ báo ở nước ngoài, BBC ở tận bên London, tìm ra tung tích “người thật việc thật” của hai nạn nhân trong clip, lúc đó sự việc mới bung ra.
Báo chí “lề phải” lúc đó mới dè dặt rồi dần dần sôi nổi lên tiếng, bản thân người trong cuộc cũng lên tiếng.
Ðến những phát ngôn gây sốc của các quan chức tỉnh Hưng Yên từ ông Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Khắc Hào, ông Chánh Văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên Bùi Huy Thanh mà dư luận cũng đã vạch ra.
Khi dư luận chính thức chưa lên tiếng thì họ sẵn sàng phủi tay, phủ nhận vụ người dân và các nhà báo bị đánh, thậm chí vu cáo đó là những clip giả, được dàn dựng nhằm “vu khống, bôi nhọ” chính quyền, và đổ thừa mọi chuyện cho lực lượng thù địch! Khi sự việc đã hai năm rõ mười, họ lại quay sang cãi chày cãi cối, tìm cách làm khó cho những người bị đánh và bênh vực cho bọn công an cấp dưới ….
Cũng là từ thói quen coi thường dư luận, coi thường nhân dân, ngồi xổm lên luật pháp của các quan chức từ trên xuống dưới ở Việt Nam.
Chưa kể, đó là vì lỡ đánh phải quân của một cơ quan báo chí to nhất nhì cả nước nên mới như vậy. Chứ còn với dân đen thì còn lâu.
Sự thật là khi chúng ta còn đang sống trong một chế độ độc tài trong đó đảng là lớn nhất, đảng ngồi xổm trên cả pháp luật, quốc hội, tòa án, dư luận… thì mọi số phận con người chỉ như con muỗi.
Ðừng nói đến những người dân thấp cổ bé miệng, những nhà báo độc lập không có bất cứ một cơ quan nào bảo vệ, ngay chính những người đang làm việc trong hệ thống báo chí nhà nước, khi xảy ra chuyện, cũng chưa chắc khá hơn. Nếu vụ hai nhà báo của VOV không có video clip quay lại rành rành, báo chí bên ngoài lên tiếng trước, liệu chính VOV có lên tiếng?
Như nhà báo Trương Minh Ðức đã phải chịu án 5 năm tù không thiếu một ngày chỉ vì viết bài chống tham nhũng mà không có cơ quan báo chí nào lên tiếng bênh vực. Nhà báo Hoàng Khương cũng vì viết bài chống tham nhũng bị công an kết tội ngược và bắt tạm giam cho đến nay, mà báo Tuổi Trẻ đã không dám làm gì để bảo vệ phóng viên của mình…
Còn nếu có dính dáng đến những vụ việc bị ghép vào tội danh chính trị như “tuyên truyền, hoặc có hoạt động chống phá nhà nước” thì lại càng đừng hòng. Như Luật Sư Lê Công Ðịnh khi vừa bị bắt giam vì tội danh này, chưa đưa ra xử, chưa bị kết án thì chính cơ quan chủ quản là Ðoàn Luật Sư TP.HCM đã vội tuyên bố khai trừ anh ra khỏi Ðoàn Luật Sư!
Số phận của mọi công dân trong một xã hội độc tài là như nhau. Chỉ trừ đám lãnh đạo chóp bu, những kẻ có chức có quyền, đám tay sai trung thành và những kẻ có thật nhiều tiền để mua được sự yên ổn cho bản thân.
Nhưng cũng đừng vội tin chắc. Ngay trong đám quan chức đang ngồi trên đầu trên cổ nhân dân đó cũng đang đấu đá nhau, tìm mọi cơ hội để tiêu diệt sinh mệnh chính trị của nhau, kẻ ngồi trên thì sẵn sàng thí tốt khi cần, kẻ đang ăn tiền cũng sẵn sàng quay ngược lại bán đứng người dâng tiền cho mình…
Chỉ có trong một xã hội tự do dân chủ tam quyền phân lập, thượng tôn pháp luật, thì con người mới có hy vọng sống yên ổn, đàng hoàng đúng với phẩm giá của một Con Người. (SC)

Không có nhận xét nào: