Pages

Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2012


Thủ tướng Manmohan Singh
Manmohan Singh là thủ tướng Ấn Độ đầu tiên đến thăm Miến Điện sau 25 năm
Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã lên đường đi Miến Điện hôm Chủ nhật ngày 27/5 trong chuyến thăm chính thức ba ngày đến nước này.
Trọng tâm của chuyến thăm này của Thủ tướng Singh, theo hãng tin Mỹ AP, là tìm kiếm nguồn cung cấp năng lượng cho sự bùng nổ kinh tế của Ấn Độ và quan ngại về ảnh hưởng lớn mạnh của Trung Quốc tại quốc gia Đông Nam Á này.

Nỗi lo Trung Quốc
Thủ tướng Singh cho biết ông hy vọng sẽ tập trung vào thương mại và đầu tư, phát triển khu vực biên giới và tăng cường khả năng kết nối giữa hai nước.
Trong một thông cáo trước khi lên đường đến Rangoon, cố đô và là thành phố lớn nhất Miến Điện, ông Singh cho biết Ấn Độ ‘cam kết mối quan hệ đối tác gần gũi, hợp tác và cùng có lợi với chính phủ và nhân dân Miến Điện’.
Trong những năm gần đây, Ấn Độ đã lo lắng theo dõi sự lấn át của Bắc Kinh đối với các dự án khai thác dầu mỏ và khí đốt ở Miến Điện.
Bên cạnh đó, hàng trăm ngàn công nhân Trung Quốc hiện đang làm việc trong lĩnh vực hạ tầng và các dự án khác ở quốc gia này.

Hôm thứ Sáu ngày 25/5, Ngoại trưởng Ấn Độ Ranjan Mathai nói với các phóng viên rằng Ấn Độ muốn xây dựng ‘một mối quan hệ vững chắc và cùng có lợi với một nước láng giềng vốn là bộ phận quan trọng trong chính sách Hướng đông’ của nước này.
Trong khuôn khổ chính sách Hướng đông, Ấn Độ đã tập trung phát triển quan hệ với một số nước ở Đông Á và Đông Nam Á, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam và Indonesia.
Chuyến thăm lần này của ông Singh đến Miến Điện là chuyến thăm đầu tiên của một thủ tướng Ấn Độ đến quốc gia này trong vòng 25 năm mặc dù hai nước có đường biên giới trên bộ dài đến 1.600 cây số cùng với biên giới trên biển ở vịnh Bengal.
Sự cạnh tranh giữa Ấn Độ và Trung Quốc ở Miến Điện sẽ tái diễn khi nước này bắt đầu đưa ra đấu thầu các lô khai thác khí thiên nhiên mới cả ở trên bờ và ngoài khơi. Các công ty Ấn Độ dự kiến sẽ tham gia rất tích cực vào đợt đấu thầu này.
“Sẽ có lợi cho Miến Điện nếu nước này không bỏ hết trứng vào một rổ,” ông Rajiv Bhatia, cựu đại sứ Ấn Độ tại Miến Điện, bình luận về sự hiện diện áp đảo của các công ty Trung Quốc trong ngành công nghiệp khai thác dầu khí của Miến Điện.
Ngoại trưởng Ấn Độ Mathai cho biết trong chuyến thăm này của Thủ tướng Singh, hai nước được dự kiến sẽ khởi động một chuyến xe buýt xuyên quốc gia nối giữa thủ phủ Imphal của bang Manipur của Ấn Độ với thành phố lớn thứ hai của Miến Điện là Mandalay.
Ấn Độ cũg sẽ loan báo thành lập một viện đào tạo công nghệ thông tin, một trung tâm nghiên cứu nông nghiệp và một viện nghiên cứu lúa gạo ở Miến Điện.

Đồng minh bà Suu Kyi

Tổng thống Hàn Quốc trong chuyến thăm mới đây đến Miến Điến
Các nhà lãnh đạo thế giới dồn dập đến Miến Điện sau khi nước này cải cách
Trong nhiều thập niên bị phương Tây cô lập thì Trung Quốc là quốc gia hiếm hoi hỗ trợ cho Miến Điện khi đầu tư hàng tỷ đô la xây dựng đường sá và các đường ống dẫn khí cho quốc gia đói nghèo này.
New Delhi cũng cung cấp viện trợ cho Miến Điện nhưng không đạt được mức độ như Trung Quốc.
Trong những năm gần đây, Ấn Độ đã cung cấp các khoản vay trị giá khoảng 800 triệu đô la cho Miến Điện để giúp nước này xây dựng cơ sở hạ tầng như đường sắt, đường bộ và đường thủy.
New Delhi cũng giúp đỡ xây dựng cảng biển ở thành phố Sittwe của Miến Điện với hy vọng cảng này sẽ trở thành cánh cửa thương mại giữa các bang đông bắc Ấn Độ với các quốc gia Đông Nam Á.
Hai nước đang đặt mục tiêu thúc đẩy kim ngạch thương mại song phương ở mức 1,2 tỷ đô la vào năm 2011 lên mức 3 tỷ đô la vào năm 2015.
Chuyến thăm này của Thủ tướng Singh diễn ra sau chuyến thăm của ông Thein Sein, vị tổng thống cải cách của Miến Điện, đến New Dehli hồi tháng 10 năm ngoái.
Trong những năm 1980 và đầu những năm 1990, Ấn Độ là nước ủng hộ mạnh mẽ nhà lãnh đạo dân chủ Miến Điện Aung San Suu Kyi trong cuộc đấu tranh của bà chống lại phe độc tài quân sự.
Thủ tướng Singh dự kiến cũng sẽ gặp bà Suu Kyi hôm thứ Ba ngày 29/3. Người phát ngôn của Liên đoàn quốc gia vì dân chủ, đảng của bà Suu Kyi, đã xác nhận thông tin này.
Theo đó thì bà Suu Kyi sẽ hoãn chuyến đi Bangkok để tham dự Diễn đàn kinh tế thế giới để gặp ông Manmohan Singh.
Bản thân bà Suu Kyi có mối quan hệ cá nhân chặt chẽ với Ấn Độ, nơi bà học hồi nhỏ khi mẹ bà làm đại sứ ở New Dehli.

Không có nhận xét nào: