Pages

Thứ Bảy, 19 tháng 5, 2012

Nầy Sinh Viên ơi … !



1. Từ “Nầy Sinh Viên ơi, đứng lên đáp lời sông núi !…”

Bức hình các sanh viên Việt Nam Cộng Hòa tại Paris xuống đường diễn hành ngày 27 tháng Tư năm 1975 với bát nhang đi đầu, với những vành khăn tang, với những biểu ngữ đen… để báo cho quần chúng thế giới thờ ơ, vô cảm hay thân Cọng sản… rằng đất nước chúng tôi đang bị giặc xâm chiếm, chế độ tự do chúng tôi đang bị bức tử. Tấm hình nầy từ nay đã và sẽ là tấm hình biểu tượng cho phong trào sanh viên Việt Nam tự do đang du học trên những đất nước tự do bạn nhưng lòng vẫn hướng về quê hương.
Cũng như bao thanh niên thanh nữ tại quê hương, sanh viên Việt Nam tự do du học phản ánh hình ảnh của tinh thần chiến tranh giữ nước của Việt Nam Cộng hòa.

Trần Văn Bá và các bạn, với vành khăn trắng, ngày 27 tháng 4 1975, quartier Latin
Sau Hôi nghị Genève, sau khi lãnh thổ Việt Nam bị chia cắt làm đôi, miền Nam Việt Nam, nửa nước tự do còn lại tiếp tục chiến đấu suốt 20 năm, để giữ cái phần hồn dân tộc, cái nghĩa đồng bào, cái tinh túy của người Việt tự do ….Tuy phải chiến đấu giữ nước, nhưng thanh niên thanh nữ vẫn được tiếp tục trao dồi văn hóa kỹ thuật để xây dựng nước. Cần Võ để giữ nước, nhưng vẫn luyện Văn để xây dựng nước. Các trường Trung học vẫn đầy học sanh; các lớp hè luyện thi Trung học, Tú tài, các lớp sanh ngữ, ngoại ngữ tràn ngập học sanh, sanh viên : nào Hôi Việt Mỹ, nào Alliance française, nào British Council, nào Goethe Institute . .. Các Đại học đa khoa được mở ra mọi nơi, thoạt tiên Sài gòn, Huế, Đà lạt, nay thêm Cần thơ, Tây Ninh, và An Giang… rồi những Đại học tư, rồi những Đại học chuyên nghiệp, Kỹ thuật Phú thọ, Nông lâm súc, …Chánh trị Kinh doanh, Vạn Hạnh , Minh Đức, Cửu Long, Tri Hành, Minh Trí… Và cứ như thế mà phát triển…Phát triển Văn hoá, phát triễn kỹ thuật, phát triển dịch vụ…trên gần 30 ngân hàng, hàng trăm nhà máy công ty, . . sanh viên ra trường là có ngay công việc làm. Việt Nam Cộng Hòa những năm 70’ đang trên đà phát triển sôi sục, … mặc dù chiến tranh, mặc dù Cọng sản Bắc Việt vẫn hằng ngày xua hàng loạt thanh thiếu niên sanh Bắc tử Nam vượt Trường Sơn vào xâm chiếm miền Nam trù phú với đồng bằng sông Cửu Long vựa lúa miền Nam Đông Nam Á lúc bấy giờ. Và tất cả dừng lại ngày 30 tháng tư.
Ngày 30 tháng Tư 1975, từ nay là Ngày Quốc hận. Đất nước miền Nam Việt Nam đang đà phát triển bổng khựng lại, và thụt lùi bước vào đêm tối … (chúng tôi không nói đến miền Bắc vi chưa bao giờ đi ra Bắc cả, nhưng cứ nhìn dáng vóc các cán bộ Cọng sản Bắc Việt lúc bấy giờ cũng thấy cái nghèo nàn của dân chúng miền Bắc – xin phép miễn bàn ).
Ngày hôm nay, thế kỷ thứ 21, đường phố tuy có thay đổi, Việt Nam tuy có tân trang, đổi mới, cũng chẳng có chi là lạ cả ! 37 năm hòa bình mà, 37 năm để xây dựng mà, 37 năm để phát triển mà, với 37 năm cầm quyền, nhà cửa phố xá cũng phải cất thêm thôi. Nhưng thực sự dân chúng có giàu thêm không ? có hưởng thực sự tự do không ? hay vẫn cửa quyền, cửa quan, vẫn bị bợp tai đá đít, vẫn bị hỏi giấy khi đi đường, vẫn phải đút, phải lót, như thời thuộc địa, như thời « bảo hộ » . Giáo viên phải kiếm sống thêm bằng ép học sanh học tư, cảnh sát phải « hỏi giấy » để thêm bổng lộc, có những công việc phải mua, phải thầu, cảnh sát mua khu vực ngon, hải quan mua cửa khẩu tốt, thậm chí cả cô tiếp viên hàng không phải mua con đường bay « ngon lành » !. Tất cả là buôn, tất cả là bán, từ chổ ngồi trên chợ chòm hỏm đến bằng Tiến sĩ tất cả phải mua, tất cả là thương mại.
Ngày nay, Cọng sản Bắc Việt bán cả non sông đất nước, từ những hải đảo Hoàng sa, Trường sa đến những đỉnh cao vùng biên giới Việt -Trung. Từ Thác Bản Giốc, Ải Nam Quan đến bình nguyên Boloven. Cho Tàu thầu khai thác Bô- xít, cho Tàu thầu xây dựng nhà máy than, nhà máy điện nguyên tử tương lai, cho Tàu thuê rừng để khai thác gỗ và trồng cây bạch đàn làm giấy, bất cần bạch đàn làm nghèo đất, xấu đất canh tác… tài sản Việt Nam nay còn đâu ? Đất nước tuy được mang tiếng là Việt Nam, nhưng cái tinh túy Việt Nam nay còn đâu ? Bừa bải, hổn loạn, dơ bẩn, và « thiếu văn minh » là những tỉnh từ vẫn được nghe thấy khi hỏi một người bạn vừa đi « du lịch » Việt Nam. Còn đâu những tỉnh từ xưa như « văn hóa, kín đáo, tế nhị, hiền hòa, lễ độ… ». Vì hiểu lầm cái tử tế với cái tự ty, nên văn hóa trong nước ngày nay không dạy con em Việt Nam biết hai chữ đầu môi của người tử tế là « Xin lỗi » và « Cám ơn » !. (Chính một người cháu du học sanh trẻ, gặp lại sau bao năm xa cách, khi mình bảo cháu xin lỗi khi đụng phải người trong một cửa hàng trả lời « Cháu đâu có lỗi gì mà cháu phải xin lỗi, chính ông ấy đụng vào cháu chớ ». Mình buộc cháu phải xin lỗi người khách trong nhà hàng ấy. Cậu bé ấm ức nói với mình « Bác buộc thì cháu nghe lời Bác, chứ Bác như vậy là sai rồi, vì Bác sợ Tây, cứ thấy người Tây là mình phải xin lỗi sao ? » Ngao ngán – miễn bàn, chỉ biết chia sẻ với quý vị đọc giả)
Việt Nam tuy rất tự hào dân tộc, « đỉnh cao trí tuệ loài người », nhưng ngày nay cũng đành phải gởi sanh viên đi du học các quốc gia tiên tiến, hảnh diện có nhiều Bác sĩ, hảnh diện có nhiều Tiến sĩ… nhưng nếu vẫn với cái não trạng «không Xin lỗi không Cám ơn» thì e rằng vẫn còn vướng vít trong cái tự ty của một dân tộc chậm tiến. Người Việt tỵ nạn tại Hải ngoại, sau bao năm tháng làm lại cuộc đời, xưa chủ nay tớ, xưa ông nay thằng, làm đủ nghề, nhà hàng chạy bàn, nấu bếp múa chảo, đứng quầy, mở tiệm tạp hóa, mở nhà ngủ, ô – ten khách sạn, làm thợ, làm thuyền, làm công, làm tư, có kẻ làm chủ vẫn nghèo, có kẻ chỉ làm công nhưng nhưng lại lắm địa, nhưng tất cả được những các con các cái « du học sanh tại chổ », vì vẫn con Việt học trường Tây, ngày nay thành công ! Thành công không phải là có bằng có cấp Tiến sĩ, Bắc sĩ, Kỹ sư, vì đó chỉ là những học vị đánh giá cái chuyên khoa nghề nghiệp thôi ! Thành công là có vừa góp mặt trong xả hôi quốc gia nước bạn, vừa đóng góp trong cộng đồng người Việt tỵ nạn. Và thành công hơn nữa là những người công dân tử tế, sống trong một giai cấp trung bình, bình thường (middle class, classe moyenne), biết làm ăn, từ tế, lương thiện.
2. Qua “Nầy Thanh Niên ơi !…”
Bài hát «Tiếng gọi Sanh viên – La Marche des Étudiants » năm xưa do các sanh viên yêu nước Đại học Hà nội đặt lời với những notes nhạc của sanh viên Lưu Hữu Phước, được sanh viên y khoa Nguyễn Tôn Hoàn trưởng ban âm nhạc đưa cho hai nữ sanh viên khoa hộ sản Phan Thị Bình và Nguyền Thị Thiều đồng ca tại Nhà Hát lớn Hà nội, đánh dấu, qua bài hát nầy, lời phát biểu tâm huyết của lòng yêu nước sanh viên Việt Nam trước cử toạ và thính giả người Pháp. Đây là một đóng góp lớn của Phong trào Sanh Viên Yêu nước trăn trở trước đại cuộc giải phóng Việt Nam, trước thời Thế Chiến 2. Đồng thời sanh viên luật khoa Trương Tử Anh cùng với các đồng chí, sanh viên y khoa Nguyễn Tôn Hoàn, sanh viên kỹ sư công chánh Cung Đình Quỳ, sanh viên y khoa Phan Thanh Hòa,…cùng nhau với các nhà trí thức yêu nước, năm 1939, thành lập Đại Việt Quốc Dân Đảng và cho ra đời Chủ Thuyết DânTộc Sanh Tồn.
Bài ca nầy lớn mạnh nhờ Phong trào Sanh Viên phổ biến, và Đảng Đại Việt và các Đảng phái quốc gia cũng lớn mạnh qua bài ca nầy… Chảng mấy năm sau, tiếng gọi Sanh Viên biến thành tiếng gọi Thanh niên : «Nầy Thanh Niên ơi ! ….
Từ đấy « Nầy Thanh Niên ơi, đứng lên đáp lời sông núi. … là tiếng gọi bao thế hệ thanh niên kẻ xếp bút nghiên, người bỏ hảng bỏ xưởng, bỏ gia đình đứng lên kháng chiến chống chế độ thực dân. Thế nhưng quý vị cũng đã biết, lịch sử cũng đã chứng minh, Đảng Cọng sản Việt Nam núp dưới chiêu bài Việt Minh kháng chiến chống Pháp dành Độc lập, đã lừa Thanh Niên Việt Nam lúc bấy giờ. Với phương tiện dồi dào của Komintern, Đảng Cọng sản quốc tế và Liên sô nên chẳng chốc, với những cán bộ – agents-prop được đào tạo bởi Trường Đảng tại Mạc Tư Khoa Việt Minh đã chiếm trọn Phong trào Thanh Niên Yêu nước để phục vụ cho quyền lợi Đảng Cọng sản Đông dương và Đảng Cọng sản quốc tế !
Thanh niên và quần chúng Việt Nam lúc bấy giờ vì quá ngây thơ, lầm lẫn, lẫn lộn tình yêu nước và giải phóng quốc gia, vô tình giao trứng cho ác, giao mạng cho ba Ông Tây râu xồm Các – Mác, Lê – nin và Xì – ta – lin giựt giây. (Ba khuông mặt chụp nghiêng được đặt vào vị trí, thế chổ của Bàn thờ Tổ quốc – thế mà các Cụ các Bác các đàn anh của chúng ta vẫn bị Cọng sản lường gạt, cả tin và vái tụng – cả đến ngày nay, vào thế kỷ thứ 21, bức tường Bálinh đã sập, chủ thuyết Mác Lê đã sụp đỗ tiêu tùng, tượng Xì –ta – lin đã bị giựt sập, thế mà vẫn còn tín đồ Cọng sản…thật hết ý kiến, thật là ngao ngán !).
1946, Phong trào Thanh Niên Tiền Phong trong miền Nam bị Cọng sản chiếm trọn. Ngoài miền Bắc Đảng Cọng sản bắt đầu giết các thủ lãnh các Đảng phái không cùng phe với mình, đảng trưởng Đại Việt Trương Tử Anh, đảng viên Đại việt Phan Thanh Hòa, …các thành viên bạn bè quen biết với các nhóm cách mạng quốc gia đều bị thủ tiêu …cụ Phạm Quỳnh, nhà văn Khái Hưng, hoạ sĩ Cát Tường Le Mur người sáng chế ra chiếc áo dài và cái quần y phục Việt Nam tân thời… Trong Nam Đảng Cọng sản giết cả các đồng chí Cọng sản đệ tứ quốc tế như Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Phan Văn Chánh … hay những lãnh tụ kháng chiến quốc gia như Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ …. Nhở vậy, Cọng sản Việt Nam, chư hầu Cọng sản đệ tam quốc tế từ nay độc quyền giài phóng Việt Nam khỏi tay thực dân Pháp, độc quyền cướp nước và cai trị để nhuộm đỏ Việt Nam, hầu mở đường nhuộm đỏ Đông Nam Á xuống tận đến mủi Singapore, theo chủ thuyết của Andrei Jdanov tên đệ tử ruột của Xì – ta – lin tuyên bố tại hôi nghị Kominform năm 1947….
3. đến “Nầy Công dân ơi !…”
Năm 1948, Pháp thật sự qua Hiệp Ước Élysée, nhìn nhận trả độc lập lại cho Việt Nam. Chiếm Việt Nam trong tay Vua Tự Đức, nhà Nguyễn 1884, Pháp trao trả Việt Nam lại cho Vua nhà Nguyễn, Bảo Đại năm 1948. Thật sự, Vua Bảo Đại đã lấy lại Độc lập cho Việt Nam ngay vào năm 1945 rồi. Sau khi Nhật xóa bỏ sự có mặt của Pháp ngày 9 tháng 3 năm 1945. Việt Nam ta đã hiển nhiên « de facto » Độc lập rồi. Ngày 11 tháng 3, dưới sự chứng kiến (témoignage) của quân đội Nhật, Hoàng Đế Bảo Đại tuyên bố lấy lại chủ quyền cho Việt Nam, bổ nhiệm Cụ Trần Trọn,g Kim làm Thủ tướng và tuyên bố bãi bỏ tất cả những Hiệp Ước liên hệ đến sự chiếm đóng Pháp thuộc.. Như vậy, khi Hồ Chí Minh tuyên bố ngày 2 tháng 9, sau khi quân đội Nhựt đầu hàng, và gọi rằng cướp chánh quyền để giài Thực và tuyên bố Độc lập là hoàn toàn sai ! vì Việt Nam đã Độc lập rồi ! Và Hồ Chí Minh chỉ làm một Coup d’État – đảo chánh cướp chánh quyền trong tay Hoàng đế Bảo Đại và chánh phủ Trần Trọng Kim. Bằng chứng là Trần Huy Liệu đã được phái đến tiếp thu ấn kiếm, biểu tượng của Nhà Vua, buộc Nhà vua phải từ ngôi. Năm 1948, Hiệp Ước Élysée xác nhận chánh thức, hợp pháp hóa « de jure » chủ quyền Việt Nam, Hiệp Ước độc lập được ký kết giữa hai nguyên thủ quốc gia Tổng thống Vincent Auriol và Cựu Hoàng Bảo Đại (Hoàng đế đã từ ngôi năm 1945 khi Hồ Chí Minh cướp chánh quyền). Quốc gia Việt Nam ra đời ngày 1 tháng 7 năm 1949, quốc kỳ là cờ Vàng ba sọc đỏ và Quốc ca là bài Tiếng gọi Sinh Viên năm xưa nay trở thành bài quốc ca « Tiếng gọi Công dân », và Cựu Hoàng là Quốc trưởng. .
Nầy Công dân ơi đứng lên đáp lời sông núi… !
Và từ đó những công dân quốc gia Việt nam xếp bút nghiên tòng quân be bờ chống Cọng, bảo vệ quê hương : các trường sĩ quan Việt Nam được thành lập, Trường Võ bị Liên Quân Đà lạt, các trường Sĩ quan Thủ Đức, Nam định, Đập Đá…các sanh viên, các thanh niên, các công dân tòng quân chận làn sóng đỏ… Những tiểu đoàn Khinh quân, những tiểu đoàn Nhảy dù được được lần lượt thành lập, được chỉ huy bởi những sĩ quan Việt Nam… Nhưng Quốc gia Việt Nam vẫn còn non yếu, quân đội Pháp vừa ra khỏi đệ nhị chiến tranh chưa hoàn toàn chấn chỉnh. Làn sóng đỏ tràn ngập, hàng ngàn chí nguyện quân Trung Cọng được tung vào Việt Nam để đè bẹp quân đôi Pháp đang tìm đường rút chưn khỏi Việt Nam, với một quân đội Quốc gia Việt Nam đang còn tập tểnh.
Điện Biên Phủ thất thủ, vì thế giới tự do không đồng nhứt, thờ ơ không cương quyết be bờ chống Cọng. Pháp không đủ phương tiện chống giữ được làn sóng đỏ đang tràn vào Việt Nam. Đất nước đành bị chia đôin nhưng nhờ vậy lằn ranh Quốc Cộng được phân chia rõ ràng. Một cuộc bỏ phiếu bằng chưn lựa chọn chánh tà đã diễn ra : 1 triệu đồng bào miền Bắc bỏ nhà bỏ làng bỏ xứ, chạy vào miền Nam tỵ nạn. Đất lành chim đậu miền Nam tuy có khó khăn, nhưng vẫn cưu mang đùm bọc và tạo một khung trời yên ổn cho các anh chị em miền Bắc. Và trong không khí an lành nầy, một nền văn hóa mới, một nền văn minh mới được xây dựng: tự do, phóng khoáng, dân chủ, …
Và cũng như những sinh viên, trí thức của Đại học Hà nôi năm nào, những sinh viên trí thức của thế hệ sau . .. Trần Văn Văn, Nguyễn Văn Bông, Nguyễn Ngọc Huy cũng từ hải ngoại trở về tiếp tục đấu tranh xây dựng đất nước mới dân chủ tự do, đa nguyên … Một làn gió mới được thổi đến trên một mô hình mộtViệt Nam mới đang thành tựu. Trong vòng hai mươi năm, một Việt Nam tân thời, nhưng hài hòa, đàng hoàng, tử tế.. đã thành hình, chưa thật sự hoàn toàn, nhưng đã có những cơ bản về tập tục dân chủ, những nét sanh hoạt văn hóa … được tự do hơn, cởi mở hơn sáng tạo hơn… hinh ảnh cái Việt Nam Tự do đáng yêu, dễ thương ấy, từ Quốc gia Việt Nam 1949 đến hai chế độ Công hòa đến ngày bức tử 30 tháng Tư năm 1975, từ nay đã mất, và cũng không có hy vọng gì tìm lại được.
Nhưng mẫu người Việt Nam mới, chịu chơi, hùng dũng, phóng khoáng, những người Việt Tự do, những chiến sĩ can trường của quân dân cán chánh của thời đại, của thế hệ Việt Nam Cộng hòa vẫn còn. Vẫn còn qua hình ảnh một Trần Văn Bá và các bạn sanh viên của Tổng Hội Sanh viên Việt Nam Paris của Bá, họ là một điển hình. Họ đã tiếp tục cuộc chiến chống Cọng, không chấp nhận, mặc dầu cả thế giới đã bỏ rơi Việt Nam. Trong lúc cả thế giới đang ca tụng chiến thắng Cọng sản, trong lúc nhà cầm quyền Paris đang bỏ rơi Việt Nam Cộng hòa, ủng hộ cái gọi là Cọng hòa miền Nam, mong tìm quyền lợi kinh tế, thì các sanh viên Việt Nam Cộng hòa xuống đường để tang cho miền Nam đang bị bức tử giảy chết. Các lớp cựu sanh viên học Pháp, lớp đàn anh như chúng tôi, lúc ấy đang ở Sài gòn cũng đang bị bỏ rơi, mỗi người trong mỗi hoàn cảnh.
Vẫn còn con người Việt Nam mới, còn cả một thế hệ người công dân Việt Nam Cộng hòa gan dạ anh hùng. Một thế hệ dám vượt biển đi tìm Tự do. Vượt trên những chiếc thuyền mong manh, đi tìm Tự do trong cái chết. Hai mưoi năm đấu tranh để giữ Tự do, trong lữa đạn, trong tàn phá, bom đạn, không bao giờ bỏ Việt Nam, chúng tôi được dịp đi du học ngoại quốc vẫn trở để phục mặc dù trong binh lữa. Nhưng nay hoà bình rồi, hết nguy hiểm rồi, vẫn lao vào cỏi chết để để không làm nô lệ độc tài, dù phải làm lại cuộc đời, chỉ để đi tìm hai chữ Tự do.
Bốn người vượt biên, chỉ một người đến. Cái giá phải trả có cao đấy, nhưng cũng phải đi !. Cũng như phải tạo một Quốc gia Việt Nam, người việt Nam Cộng hòa tỵ nạn tạo lại một quốc gia mới, nước Việt Nam Hải ngoại, xuyên quốc gia, với những cái tập tục, cầu kỳ dễ ghét, nhưng cũng dễ yêu. Chưa bao giờ Việt Nam Cộng hòa được nâng niu như vậy, chưa bao giờ những quân dân cán chánh, những chiến sĩ Cọng hòa được cưng như vậy, lá quốc kỳ vàng với ba sọc đỏ hiên ngang được chào hàng tuần, và từ nay, hằng tuần hầu như Chúa nhựt nào, thứ bảy nào cũng có một dịp để chúng ta ca bài Quốc Ca « Nầy Công dân ơi, đứng lên đáp lời sông núi… » và lá cờ vàng ba sọc vẫn được dịp phất phới tung bay ngạo nghễ. Ta thua trận, nhưng vẫn phất cờ ngạo nghễ, cất cao lời hát « Nầy công dân ơi… ». Bọn Việt cọng thắng trận nhưng ở Hải ngoại lâu lâu mới thoáng thấy lá cờ đỏ.
Việt Cọng giết Trần Văn Bá, vì Bá đã dám về Việt Nam, giết Trần Văn Bá tưởng để bịt miệng tiếng nói Dân chủ Tự do đâu ngờ đã biến Trần Văn Bá thành một anh hùng, một biểu tượng sự dũng cảm phấn đấu để mãi mãi tiếng có tiếng nói dân chủ tự do. Trần Văn Bá, lá cờ vàng ba sọc, bài Công dân ơi, nay đã trở thành quốc ca những biểu tượng mãi mãi.
Việt cộng dù có giết tất cả những biểu tượng sanh viên và trí thức từ Cụ Phạm Quỳnh, đến các lãnh tụ sanh viên như Trương Tử Anh, Phan Thanh Hòa, Bửu Hiệp, Khái Hưng của thời sanh viên Đại học Hà nội, đến Trần Văn Văn, Nguyễn Văn Bông và đến cả Trần Văn Bá của thời sau 1975 cũng không làm tắt được ngọn lữa yêu nước và quyết tâm giải trừ Cọng sản.
30 tháng Tư 2012, ngày quốc hận thứ 37 vừa qua. Thêm một ngày giỗ. Mà ngày giỗ, ngày kỵ là ngày ta tưởng nhớ đến những anh hùng đã nằm xuống cho Việt Nam Tự do. Những anh hùng, những gương sáng, luôn luôn nhắc nhở chúng ta phải tiếp tục cái truyền thống đấu tranh chống Cọng sản chống bạo lực, chống độc tài, chống bất công và chống ngoại xâm. Truyền thống đấu tranh nhắc nhở chúng ta chỉ nên tin vào chúng ta.
Những ngày qua, tại Paris, trong cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua, cộng đồng Việt Nam lại được các đảng phái ứng cử viên ve vãn. Chúng ta phải thận trọng và chớ có quên, chánh phủ nào đã khuất nhượng yêu sách Cọng sản Hà nội cấm cộng đồng chúng ta không được đặt bia vinh niệm cho anh hùng Trần Văn Bá ở quận 13 Paris vào tháng 9 năm 2008. Chúng ta không lựa chọn đảng cầm quyền tại Pháp, tại Mỹ, tại Đức hay tại một quốc gia nào chúng ta cư ngụ… chúng ta phải làm như các cộng đồng khác, như Cuba ở Mỹ chẳng hạn, tham gia có mặt ở tất cả các đảng chánh trị của quốc gia liên hệ, và chỉ ủng hộ đảng nào đấu tranh phụ chúng ta giúp chúng ta tìm lại Tự do, Độc lập và nhơn quyền cho một Việt Nam tương lai không còn người Cọng sản cầm quyền.

Phan Văn Song, Mai Thanh Truyết, Lê Tài Điển, những cựu sanh viên Paris thời 60-70. Còn tiếp tục …và sẽ còn tiếp tục.
TS. Phan Văn Song Cựu sinh viên Sài gòn – Paris – Toulouse 1961 -1971

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét