Pages

Thứ Ba, 8 tháng 5, 2012

Nghĩ Về Cồn Dầu



Mạch Sống Magazine - Hôm nay, 4 tháng 5, 2012, đánh dấu đúng hai năm cuộc đàn áp đẫm máu ở xứ đạo Cồn Dầu khi hàng trăm cảnh sát cơ động phối hợp với công an địa phương để cướp xác của cụ bà Maria Đặng Thị Tân, không cho chôn ở nghĩa trang của xứ đạo. Trên một trăm giáo dân, kể cả người già, phụ nữ và trẻ em, bị đánh đập có thương tích; 62 người bị bắt giam và bị tra tấn nhiều ngày. Nhiều chục giáo dân phải bỏ làng trốn chui trốn nhủi rồi tìm đường sang Thái Lan lánh nạn.

Những ngày tháng sau đó, công an và dân phòng truy nã những người có uy tín trong xứ đạo. Anh Nguyễn Thành Năm, một giáo dân khoẻ mạnh, đã bị tra tấn nhiều lần và cuối cùng bị đánh đến chết. Bảy người bị xử án tù, sau những đòn tra tấn dã man kéo dài nhiều tháng. Trước sự hung bạo ấy, gần ba phần tư giáo dân vì sợ hãi đã chấp nhận bỏ xứ đạo ra đi; nhà của họ bị đập phá. Tương lai họ mịt mù và nhiều người trở thành vô gia cư.


Chính quyền Đà Nẵng ép dân phải bán rẻ cả xứ đạo cho Công Ty Mặt Trời để phát triển thành khu du lịch sinh thái. Nhà nước đền bù một thì ngay lập tức công ty tư nhân này rao bán đắt gấp 30 lần. Nhưng không chỉ có vậy. Khi một số giáo dân đồng ý mua lại chính mảnh đất của mình với giá gấp 30 lần, chính quyền Đà Nẵng nhất định không cho. Nghĩa là hễ là giáo dân Cồn Dầu thì phải ra đi. Xứ đạo thuần thành Công giáo với 135 năm lịch sử này sẽ phải bị xoá sổ.

Ở ngoài này, thoạt tiên tôi chỉ nghe loáng thoáng về cuộc đàn áp ở Cồn Dầu. Rồi một hôm, một vị linh mục người Việt đang ở Bangkok gọi điện thoại, cho biết rằng một nhóm giáo dân Cồn Dầu trên chục người vừa đặt chân đến Thái Lan. May sao lúc ấy BPSOS vừa phối hợp với một tổ chức bản xứ để thành lập xong Văn Phòng Trợ Giúp Pháp Lý cho người Việt lánh nạn ở Thái Lan. Tôi nói chuyện với những đồng bào khốn khổ này và cử ngay người để tìm nơi ăn chốn ở cho họ cũng như lập hồ sơ xin tị nạn cho họ với Cao Uỷ Tị Nạn Liên Hiệp Quốc.

Rồi tôi đã âm thầm sang Thái Lan gặp họ. Từ đó hai chữ “Cồn Dầu” nhanh chóng trở nên quen thuộc, thân thương. Tính đến nay tôi đã 5 sang Thái Lan và Mã Lai để gặp các giáo dân Cồn Dầu đi lánh nạn, tổng cộng trên 80 đồng bào.

Họ giới thiệu tôi với thân nhân của họ ở Hoa Kỳ, gồm vài chục gia đình ở rải rác khắp nước. Hai tháng sau cuộc đàn áp đẫm máu, cùng với số thân nhân này chúng tôi phát động chiến dịch “Cứu Cồn Dầu” với ba mục đích cụ thể: bảo vệ những người đang lánh nạn ở ngoài Việt Nam, đẩy lùi chính sách khủng bố đang chĩa vào số giáo dân bám đất bám làng, và bảo vệ sự trường tồn của Xứ Đạo Cồn Dầu trước chính sách giải toả trắng của chính quyền Đà Nẵng.

Chiến dịch được chia làm 6 giai đoạn với thời gian ước lượng là 3 năm. Nay đang ở giai đoạn 4. Mỗi giai đoạn có một trọng tâm: (1) báo động với dư luận quốc tế, (2) vận động chính quyền Hoa Kỳ can thiệp, (3) hướng dẫn người dân trong xứ đạo đòi công lý, và (4) vận dụng luật Hoa Kỳ để làm khựng lại hành động cưỡng chế đất.

Song song, chúng tôi cử hai luật sư đến Bangkok thường trực. Chúng tôi cũng cử một vị cựu đại sứ Hoa Kỳ bốn lần đến Thái Lan và Mã Lai để phối hợp với hai luật sư lập hồ sơ xin tị nạn cho trên 80 giáo dân Cồn Dầu. Đến nay 53 người trong số họ đã được hưởng quy chế tị nạn và phần lớn sẽ đi định cư trước cuối năm nay.

Trong thời gian hai năm qua, tôi thấy sự chuyển đổi thái độ rất rõ của người dân Cồn Dầu. Những ngày đầu sau cuộc khủng bố, người dân trong xứ đạo bị khiếp đảm đã đành, thân nhân của họ ở ngoài này cũng sợ hãi không kém.Họ sợ rằng nếu lên tiếng vì người thân ở trong nước đang nằm trong rọ của công an. Người trong nước thấy thân nhân ở ngoài còn hãi sợ như vậy thì lại càng khiếp đảm thêm. Cứ vậy, sự sợ hãi cứ tăng lên và lan toả như bệnh truyền nhiễm.



Ts. Thắng và một nhóm Cồn Dầu ở Thái Lan, tháng 1, 2011 (ảnh BPSOS).

May sao, có một thân nhân ở Hoa Kỳ vượt qua sự e ngại để đứng lên tranh đấu. Rồi vài người nữa cũng mạnh dạn bước ra. Chẳng mấy chốc hầu hết các thân nhân của người Cồn Dầu ở Hoa Kỳ rũ bỏ sự sợ hãi. Thấy thế, người dân Cồn Dầu trở nên phấn chấn và ngày càng tự tin trong quyết tâm bảo vệ xứ đạo. Số người ở tù ra đã công khai lên án tình trạng tra tấn, bất chấp sự vây bủa như bầy kên kên của công an nổi và chìm. Sự phối hợp trong và ngoài ngày càng nhịp nhàng và hiệu quả. Hiện nay trên 100 hộ gia đình nhất định bám đất, bám làng ở lại. Họ thường xuyên bị công an đến nhà cả ngày lẫn đêm để sách nhiễu, đe doạ nhưng họ không còn sợ hãi nữa.

Nhiều người đã hỏi tôi, tại sao chọn Cồn Dầu?

Thực ra Cồn Dầu đã chọn tôi, qua cú điện thoại của vị linh mục người Việt. Khi bắt tay vào việc thì tôi thấy Cồn Dầu là trường hợp lý tưởng đáp ứng cả 3 mục tiêu chiến lược. Vì thân nhân ở hải ngoại đã mạnh dạn lên tiếng, người Cồn Dầu nhả dần nỗi sợ đã ám ảnh họ trong suốt 37 năm và bắt đầu biết cách đòi công lý; đó là chấn hưng dân khí. Vì đây là xứ đạo với 135 năm lịch sử nên mọi người đều quen biết và gắn bó với nhau; họ dễ tập hợp thành sức mạnh. Thân nhân của họ ở Hoa Kỳ lại có thế công dân để vận động chính phủ Hoa Kỳ can thiệp; đó là dùng quốc tế vận để đẩy lùi sự chuyên chế của chính quyền địa phương.

Có người lại hỏi tôi, sao chỉ có Cồn Dầu?

Không phải chỉ có Cồn Dầu. Vì Cồn Dầu tiêu biểu cho chính sách cưỡng chế đất của dân, tôi muốn tập trung làm cho đến nơi đến chốn để làm khuôn mẫu cho cộng đồng người Việt ở hải ngoại và người dân trong nước theo đấy mà tranh đấu cho dân oan. Cồn Dầu là một làng nhỏ, không mấy ai biết đến. Chính quyền nghĩ rằng dễ ăn tươi nuốt sống nó. Qua chiến dịch “Cứu Cồn Dầu” tôi muốn chứng minh rằng nếu làm đúng việc và làm việc đúng cách, chúng ta có thể nắm phần chủ động. Sáu giai đoạn của chiến dịch giúp chuyển từ đối phó sang chủ động, ở giai đoạn 5. Nó sẽ bắt đầu khi người dân Cồn Dầu đầu tiên đang lánh nạn ở Thái Lan đặt chân đến Hoa Kỳ.

(Mạch Sống Magazine: http://www.machsong.org)

Không có nhận xét nào: