Pages

Thứ Tư, 9 tháng 5, 2012

NGƯỜI ĐI KẺ Ở

Mấy ngày nay xem các ảnh của dân chúng ba xã Liên Minh, Liên Bảo, Kim Thái, Huyện Vụ Bản, Tỉnh Nam Định, chít khăn tang, dựng lều để giữ đất của mình trong dự án khu công nghiệp Bảo Minh; xem những video-clip trong vụ cưỡng chế đất tại Văn Giang, Hưng Yên và sáng nay đã có xác nhận chính thức từ đài tiếng nói Việt Nam (VOV) qua các văn bản chính thức gửi Ban Tuyên giáo TƯ, Bộ Thông tin-truyền thông báo cáo vụ việc hai phóng viên của đài là hai trong số nạn nhân bị đánh đập dã man trong vụ cưỡng chế đất tại Văn Giang(1) 24/04/2012. Như vậy rõ ràng là những video-clip được phổ biến trên mạng là những video-clip trung thực, do người dân quay được tại hiện trường, chứ không phải là video-clip do các thế lực thù địch dàn dựng để vu khống, bôi nhọ chính quyền như lời của vị Phó chủ tịch thường trực tỉnh Hưng Yên Nguyễn Khắc Hào tuyên bố.
Nhìn những hình ảnh trên, tôi không khỏi không nghĩ đến sự trớ trêu của số phận. Phải chăng đã có sự đổi vai giữa người vui, kẻ buồn trong màn bi hài kịch của vở tuồng “Giải phóng miền Nam” ?.

Kết thúc cuộc chiến 21 năm, mà giờ đây, bất cứ người Việt Nam tỉnh táo nào cũng nhận diện ra đó là cuộc chiến ý thức hệ, cuộc chiến để giải quyết vấn đề “ai thắng ai” giữa chủ nghĩa Tư bản và chủ nghĩa Cộng sản, cuộc chiến giữa Nga Tàu và Mỹ, nhưng bằng máu của người Việt.
Thời gian là liều thuốc an thần hiệu quả làm dịu đi những nỗi đau, những mất mát. 37 năm sau biến cố lịch sử dân tộc 30/04/1975, những người thua trận, những người chết vì nhiều lý do thì cũng đã chết rồi. Những người đành phải bỏ nước ra đi bằng nhiều cách, chấp nhận bỏ lại tất cả, chấp nhận mọi hiễm nguy, kể cả cái chết, để trốn chạy những đòn thù, những phân biệt đối xử của những chủ nhân ông mới của đất nước, để ra đi tìm cuộc sống mới, nay cũng đã ổn định cuộc sống nơi tha hương. Trong số đó không ít người hoặc con cái của họ đã thành đạt nơi xứ người. Không ít con cháu của những người Việt tỵ nạn đã có chổ đứng danh giá trong mọi lãnh vực từ chính trị, kinh tế, khoa học, xã hội… trong cộng đồng các nước sở tại. Nỗi đau vì thế cũng dần phai nhạt, nếu có được nhắc lại thì cũng chỉ trong các cuộc họp mặt của các hội đoàn của những lứa tuổi U 60 trở lên. Lớp trẻ thế hệ thứ hai, thứ ba, hầu như đã hòa nhập, trở thành người bản xứ.
Nhiều tỷ USD đã được các “khúc ruột ngàn dặm” gửi về Việt Nam để giúp đở thân nhân trong nước trong nhiều năm qua(3). Hàng trăm ngàn người Việt xa xứ đã trở về thăm quê hương, bản quán, người thân, bạn bè cũ, tìm lại những kỷ niệm xưa, những dịp Xuân về. Cũng không ít kẻ về để mong gửi nắm xương tàn và tìm lại chút hư danh như Trần Văn Khê, Phạm Duy…Nhưng đại đa số Việt kiều sau khi về thăm quê hương đều trở lại nơi họ là thường trú nhân, chẳng ai ở lại vì họ đã có công ăn việc làm, một cuộc sống ổn định và phần nào đã quen với cuộc sống dân chủ triệu lần thua CHXHCNVN cho dù có một số mặt sinh hoạt, không được “thuận tiện” như ở Việt Nam.
Những người kém may mắn hơn, không đào thoát được, phải ở lại, chịu những đòn thù của chế độ mới qua các chiến dịch cải tạo công thương nghiệp, các cuộc đổi tiền, bị xếp vào thành phần dưới đáy của xã hội mới, chịu nhiều phân biệt đối xử. Đa số cũng đã cam chịu và đã phải xoay sở bằng mọi cách để mưu sinh và sinh tồn. Đa phần cũng vượt qua được khó khăn và chấp nhận số phận của những kẻ bại trận.
Những người thắng trận thì sao? Trừ những người có vai vế chức vụ, đa số là dân tập kết trở về tiếp quản đã có thể giành được những phần hơn, miếng ngon trong miếng bánh chiến lợi phẩm của chế độ cũ để lại, những căn nhà mặt tiền, những biệt thự mà sỹ quan chế độ cũ, những nhà tư sản bỏ lại để tháo chạy, hay bán rẻ như cho hoặc hiến tặng chính quyền cách mạng, để tránh bị trả thù, bị quy thành phần tư sản. Những kho tàng, công quỷ dưới sự kiểm soát lỏng lẻo và thiếu nghiệp vụ của ủy ban quân quản.
Còn đa phần các anh lính bộ đội cụ Hồ, những người chiến sỹ giải phóng quân của Mặt trận giải phóng miền Nam với những chiến lợi phẩm như chiếc xe Honda xanh, Honda đỏ quân đội, Honda 67, Tivi Denon, chiếc đài bán dẫn, những chiếc đồng hồ không người lái một hoặc hai cửa sổ…mà theo năm tháng, giá trị chỉ còn lại đống sắt vụn hay chỉ là một vật kỷ niệm cho ngày đại thắng. Sau những trận chiến ác liệt tại chiến trường Tây Nam với Pol-pot, Tây Bắc với bành trướng Bắc Kinh, nhiều người đã nằm lại chiến trường, còn lại cũng lần lượt giải ngũ, trở về với ruộng đồng.
Những người cựu chiến binh và gia đình họ cũng như đại đa số nông dân VN, đã tin tưởng đi theo sự lãnh đạo “sáng suốt” của Đảng CS VN quang vinh trong bao năm qua, để xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại hóa, công nghiệp hóa, từng bước đưa Việt Nam tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên thiên đường XHCN.
Kết quả cuối cùng họ và gia đình nhận được là gì ? là vài sào ruộng được chia cào bằng theo đầu người, theo số nhân khẩu mỗi hộ theo những bộ Luật dất đai liên tục được sửa đổi đến chóng mặt theo hướng có lợi nhất cho chính quyền.
Hằng trăm nghìn héc-ta đất bờ xôi ruộng mật đã bị trưng thu, cưỡng chế với giá đền bù rẻ mạt để xây dựng hằng trăm sân golf, hàng trăm khu công nghiệp, khu chế xuất, khu dân cư cao cấp khắp từ Bắc chí Nam.
Hàng triệu nông dân bị mất đất sản xuất, phải vất vưỡng làm những công việc tay chân không quen thuộc.
Hàng vạn phụ nữ phải đổ xô về các thành phố lớn để buôn thúng bán bưng hoặc phải làm những công việc hạ tiện kể cả phải bán trôn nuôi miệng, thậm chí cả nước ngoài.
Trong hàng triệu dân oan của 59/63 tỉnh thành, trong hàng nghìn người từng vất vưỡng tại vườn hoa Mai Xuân Thưởng, Hà Nội hay tụ họp tại Mặt trận Tổ quốc VN tại 46 Tràng Thi, trên cánh đồng ba xã Cữu Cao, Phụng Công, Xuân Quang, huyện Văn Giang,tỉnh Hưng Yên; những người dân chít khăn tang dựng lều giữ đất suốt đêm tại cánh đồng ba xã Liên Minh, Liên Bảo, Kim Thân, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, có bao gia đình có con em, cha chú, người thân đã đổ máu trên các chiến trường ngày xưa ? Có bao gia đình liệt sỹ ? Có bao bà mẹ Việt Nam anh hùng ? Có bao đảng viên trung kiên, bao năm tuổi đảng ?
Bao công lao, hy sinh, mất mát của toàn dân với Đảng CS VN đều bị xổ toẹt trước hàng núi USD lợi lộc mang lại từ các dự án cho những tập đoàn quyền lợi nhóm. Chúng nhân danh “chủ trương lớn” của Đảng của Chính phủ để xử dụng hàng nghìn công an, quân đội, chó nghiệp vụ, quân cụ, khí tài, bọn lưu manh đầu gấu để trấn áp, cưỡng chế đánh đập dân chúng để thực hiện bằng được những ý đồ cướp bóc đã được tính toán từ trước. Nhân dân Việt Nam đã sai lầm trong nhận thức, khi không nhận ra rằng cái chiến lợi phẩm quý nhất, có giá trị nhất trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn 21 năm chính là quyền SỞ HỮU DẤT ĐAI lại thuộc về Đảng CS VN.
Cái Thiên đường XHCN mà Đảng CS VN đang cương quyết đẫn dắt dân tộc VN đi tới vẫn còn mông lung, mờ mịt, chưa thấy đâu là bến bờ thì ngay trước mắt 70% người dân VN(2) đã hiển hiện một ĐỊA NGỤC TRẦN GIAN, khi mà người nông dân bị mất đất sản xuất và ly nông.
Họ, những người nông dân VN, chẳng thể trốn chạy đi đâu hết, đang sống lây lất, vật vờ với niềm tin bị đánh cắp trong tủi nhục và uất hận.
Không có gì đau đớn hơn bị phản bội.
Cả Dân tộc Việt Nam là người thua trận chỉ có một bộ phận không lớn trong Đảng Cộng sản VN mới là người thắng trận.
Chuyện gì sẽ xẩy ra khi người dân vào đường cùng ?
Hà Nội 09/05/2012
1-VOV đề nghị làm rõ việc phóng viên bị đánh, Tuổi trẻ thứ tư 09/05/2012.
2-70% dân số VN là nông dân.

Không có nhận xét nào: