Pages

Thứ Hai, 21 tháng 5, 2012

Nhận diện các vấn đề nóng ở Quốc hội VN


Quốc hội Việt Nam
Kỳ họp thứ ba của Quốc hội Việt Nam khóa
13 dự kiến diễn ra trong một tháng
Quốc hội Việt Nam ngày hôm nay 21/5 khai mạc kỳ họp thứ ba trong bối cảnh nổi cộm nhiều vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội tiếp tục gây lo ngại.
Dự kiến trong một tháng, các đại biểu sẽ xem xét, thông qua 13 dự án luật và hai dự thảo nghị quyết.

Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ mà nổi bật là Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế.
Một số chuyên gia trong nước nói với BBC rằng Quốc hội sẽ khó tìm ra giải pháp thực sự hiệu quả cho nhiều vấn đề từ tranh chấp đất đai cho tới cải thiện kinh tế, xã hội và giáo dục, y tế.

Trao đổi với BBC Việt ngữ hôm thứ Hai, Tiến sĩ Bấm Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), nói:
"Quốc hội lần này họp trong bối cảnh kinh tế - xã hội có rất nhiều điều đặc biệt. Phải nói là tình hình kinh tế đang khó khăn nhất kể từ khi bắt đầu Đổi mới cho đến nay.”
"Thứ hai, về mặt xã hội đang nổi lên rất nhiều vấn đề như Tiên Lãng, Văn Giang, những cuộc biểu tình, biểu lộ sự phản đối, không đồng tình của nông dân về vấn đề đất đai đang nổi cộm trong xã hội.”
Tiến sĩ Doanh nói tiếp: “Y tế, giáo dục hiện đang xuống cấp rất nhanh và gặp vấn đề rất lớn. Chưa bao giờ người dân Việt Nam lại gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế đến như thế này. Và chưa bao giờ tình hình giáo dục lại đang có nhiều vấn đề khó khăn như thế."
Một chuyên gia kinh tế khác, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, cho rằng Quốc hội kỳ này sẽ vẫn không vượt qua được lề lối làm việc cũ là "hợp thức hóa" các quan điểm của Đảng và sẽ khó thực hiện được các cải cách mong đợi.
Ông nói: "Quốc hội Việt Nam chủ yếu thông qua hay hợp thức những quyết định của Đảng Cộng sản đã quyết định rồi. Chính vì vậy, những quyết định của Quốc hội không có nhiều giá trị cho lắm.”
'Vẫn hệt như cũ'
Cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách Phát triển (IDS, đã tự giải thể) không tin rằng các giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp có nhiều thực chất.
"Quốc hội lần này họp trong bối cảnh kinh tế - xã hội có rất nhiều điều đặc biệt. Phải nói là tình hình kinh tế đang khó khăn nhất kể từ khi bắt đầu Đổi mới cho đến nay."
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh
"Tôi đọc qua đề án tái cơ cấu kinh tế mà chính phủ trình quốc hội kỳ này và thấy rằng chất lượng không được tốt. Những vấn đề cốt yếu của kinh tế Việt Nam thì người ta chưa dám động đến”, Tiến sĩ A nhận xét.
Được biết các vụ tranh chấp đất đai gây ầm ĩ gần đây như Tiên Lãng, Văn Giang, Vụ Bản sẽ không được đưa vào chương trình thảo luận.
Tuy vậy, Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng đấy là “những vấn đề rất hệ trọng”.
“Vậy mà Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 5 của ĐCS Việt Nam nhắc lại một chuyện vẫn hệt như cũ. Tức là phải kiên định đất đai là công thổ quốc gia và giao cho nhà nước quản lý.”
“Không có sự thay đổi căn bản nào về một thể chế quan trọng nhất đối với nền kinh tế, đấy là quyền tài sản," ông nói.
Từ góc độ một cử tri, nhà văn Phạm Viết Đào ở Hà Nội quan tâm tới vấn đề thông tin của Quốc hội tới các cử tri sao cho họ có đủ thông tin.
"Ở mình, Quốc hội vẫn mang tính nghiệp dư, phong trào nhiều. Tôi không rõ sự tái cấu trúc kinh tế lần này, sự can thiệp của Quốc hội tích cực đến mức độ nào.”
Ông Nguyễn Sinh Hùng
Chủ tịch Quốc hội VN Nguyễn Sinh Hùng nói phiên họp "có rất nhiều nội dung quan trọng"

"Đáng lẽ Chính phủ phải công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để cho những cử tri có kiến thức, hoặc những người theo dõi vấn đề có ý kiến hoặc tư vấn,” ông Đào nói.
Phát biểu khai mạc kỳ họp hôm thứ Hai, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói "kỳ họp thứ ba của quốc hội có rất nhiều nội dung quan trọng”.
Phiên họp sẽ xem xét, thông qua 13 dự án luật, hai dự thảo nghị quyết, cũng như duyệt xét các báo cáo về kế hoạch và thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011 và các tháng đầu năm 2012.
Trong số các dự luật được đưa ra cân nhắc tại kỳ họp có các dự án luật được dư luận quan tâm như luật về phòng, chống rửa tiền, và luật biển Việt Nam.
Hai nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013 và nghị quyết cải tiến, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động Quốc hội cũng được xem xét, thảo luận.
Theo lịch trình, Quốc hội cũng sẽ xem xét tờ trình đề nghị bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với bà Đặng Thị Hoàng Yến, người đã có đơn xin được vắng mặt ở phiên khai mạc kỳ họp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét