Pages

Chủ Nhật, 13 tháng 5, 2012

Những ca khúc mừng “Ngày Của Mẹ”



RFA photo
Hoa bán ở Hà Nội cho dịp lễ "Mother's Day"
năm 2012.

Vũ Hoàng, phóng viên RFA

Cứ vào ngày chủ nhật thứ hai của mỗi tháng 5, người dân khắp Hoa Kỳ lại hân hoan chào đón ngày của Mẹ, là ngày để những đứa con tỏ bày lòng kính yêu và hiếu thảo lên người mẹ hiền.


Ngày lễ này cũng đã được du nhập vào Việt Nam khoảng hơn 10 năm trở lại đây. Dù trong 364 ngày còn lại vẫn biết không thể đủ để trả nợ ơn nghĩa sinh thành, nhưng người ta vẫn muốn có một ngày thật đặc biệt để ca tụng mẹ bằng những món quà, những đóa hoa và dĩ nhiên là cả những bản nhạc.




Chương trình âm nhạc cuối tuần hôm nay, hy vọng, được góp một phần tiếng nói bé nhỏ để gửi đến tất cả những người mẹ Việt Nam khắp năm châu bốn bể những lời chúc ngọt ngào nhất.
Đã lâu lắm rồi, có lần tôi đọc đâu đó câu nói, cha mẹ xem con cái như cả cuộc đời mình, còn con cái chỉ xem cha mẹ như một mắt xích trong cuộc sống của họ. Dường như với bậc sinh thành thì ngày nào cũng là “ngày của con” bởi có người mẹ nào mà không đêm ngày lo lắng cho con cái. Kể từ khi con còn trong bụng cho đến lúc con có mặt trên cõi đời, là ngày mẹ biết thêm những lo toan vất vả. Không biết bao lần mẹ âm thầm hy sinh, nước mắt tuôn rơi vì những bước đi dại khờ, lầm lỗi của con trên đường đời. Mẹ luôn luôn là bóng mát, là nơi trở về để con nương náu mỗi khi vấp ngã. Bởi lẽ thế, tình mẹ như nước trong nguồn chẳng bao giờ vơi cạn. Nước mắt chảy xuôi mà!
Huyền Diệu Tình Mẹ

betty-tisdale--250.jpg
Bà Betty Tisdale và những đứa trẻ mồ côi gốc Việt Nam, ảnh chụp trước đây.
Quý vị đang cùng nghe một nhạc phẩm đặc biệt có tên Huyền Diệu Tình Mẹ qua tiếng hát ca sĩ Thanh Sử, tác giả của bài hát này là một thính giả của đài RFA, đó là cô Đoàn Vĩnh Nguyên, hiện đang sinh sống tại thành phố Seattle, tiểu bang Washington, Hoa Kỳ.

Năm ngoái, cũng vào Ngày của Mẹ, cô đã gửi cho chúng tôi bài thơ này và đúng một năm sau, bài thơ của cô được phổ nhạc. Chia sẻ những cảm xúc về nguồn cội sáng tác bài thơ đầy ý nghĩa này, cô Vĩnh Nguyên tâm sự, sau năm 1975, khi chồng còn trong trại cải tạo, bản thân cô mới 23 tuổi, phải nuôi 2 con nhỏ, trong tay không có một tài sản hay nghề nghiệp gì, thì chính mẹ cô đã là nơi nương tựa, bảo ban để cô có những bước đi đầu tiên vào con đường sự nghiệp:
“Thực sự trong cuộc sống của tôi có quá nhiều những thăng trầm, đó chỉ là những trải nghiệm trong cuộc sống của tôi. Trước hết tôi muốn ghi lại để con cái được biết và thứ hai là để tỏ lòng kính yêu đến người mẹ rất kính yêu của tôi.
Theo tôi tình cảm thiêng liêng, cao quý nhất trên đời này chắc chắn phải là tình mẹ.
Cô Đoàn Vĩnh Nguyên
Do những thăng trầm của cuộc sống, thực sự là tôi không nghĩ tôi có được ngày hôm nay, không nghĩ là tôi có thể thành công sau những thất bại ê chề. Mẹ tôi đã cho những lời khuyên bảo, chỉ dạy, bà cụ luôn dạy là “phải biết kính trên nhường dưới, biết sống tình nghĩa”. Tôi thấy tình mẹ rất quan trọng, khi mình thất bại ê chề, nếu mà không có ai cố gắng chỉ bảo mình, cho mình thêm sức mạnh về tinh thần để mình vươn lên trong cuộc sống (thì mình đã không làm được). Và tôi đã bước vào đời.
Đây là một ngày lễ rất đặc biệt để nhắc nhở những người con yêu kính cha mẹ mình hơn. Tôi nhận thấy tình mẹ rất cao quý, rất thiêng liêng, nhưng cũng mang một trách nhiệm rất quan trọng. Bởi vì phải làm sao lo cho con có sức khỏe, làm sao cho con học hành tốt và làm sao để cho con có một nhân cách tốt. Theo tôi tình cảm thiêng liêng, cao quý nhất trên đời này chắc chắn phải là tình mẹ.”
Thưa quí vị, nơi sâu thẳm trái tim của người mẹ nào cũng là tình thương yêu dành cho con vô bờ bến, tình mẹ huyền diệu, tình mẹ nhiệm màu, bởi ở đó chất chứa sự hy sinh, tha thứ, sự đùm bọc, bảo ban. Ngày của Mẹ chỉ là một lần nữa, để nhắc nhở những đứa con hãy yêu mẹ nhiều hơn. Hy vọng rằng, với ít phút phát thanh tối nay, chúng ta, những người con, hãy hứa sống thật tốt, thật ý nghĩa cho cuộc đời - để mỗi ngày hiện hữu đều là Ngày của Mẹ phải không quý vị.

Không có nhận xét nào: