Pages

Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

Những “quái chiêu” thu hồi đất: Đánh tỉa, đánh úp, đánh hội đồng…


Hoàng Anh

Đó là cái cách mà người dân ở nhiều xã thuộc huyện Duy Tiên (tỉnh Hà Nam) đang dùng để gọi việc chính quyền địa phương và chủ đầu tư quyết tâm thu hồi đất nông nghiệp của họ.

Đủ chiêu trò

Xã Bạch Thượng (Duy Tiên) trước đây có khoảng 500 ha đất lúa chia cho 6 thôn Thần Nữ, Văn Phái, Nhất, Nhì, Ngũ, Nôi. Sau cơn lốc KCN mấy năm trước, Bạch Thượng bây giờ chỉ còn vỏn vẹn khoảng 200 ha.
Người dân đang kiên quyết giữ số ruộng còn lại này để làm sinh kế, còn chính quyền lẫn nhà đầu tư (KCN Đồng Văn) lại tìm mọi cách thu hồi bằng được. Nóng nhất về chuyện thu hồi đất ở xã Bạch Thượng là thôn Thần Nữ và Văn Phái.

Thôn Thần Nữ có khoảng 320 hộ bao đời nay chỉ có duy nhất một nghề là làm ruộng. KCN Đồng Văn đổ bộ lần thứ nhất vào năm 2005, khoảng 151 hộ dân thôn Thần Nữ bị thu hồi ruộng với giá 7,5 triệu đồng một sào. Từ chỗ có 160 mẫu ruộng, bây giờ thôn chỉ còn 39,4 mẫu. Ngay cả diện tích ít ỏi này cũng bị chính quyền và nhà đầu tư thu hồi để tiếp tục mở rộng KCN theo quyết định ngày 13/11/2011. Nhưng nông dân Thần Nữ bảo, lần này họ nhất quyết không mắc lừa chính quyền nữa. “Khi thu hồi lần thứ nhất, người dân cũng chẳng muốn giao ruộng với cái giá quá rẻ mạt, nhưng các cuộc họp bàn cán bộ huyện Duy Tiên thuyết phục chúng tôi cứ giao đi, đến năm 2013 thể nào nhà nước cũng chia lại đất”. Ông Ngô Sĩ Bộc (65 tuổi) nói.

Nhóm những hộ dân chống đối không chịu bàn giao đất ngoài ông Bộc còn có thêm ông Thạc, ông Sơn, bà Dơi và hàng trăm hộ dân khác. Trong số họ, có người là đảng viên, cựu chiến binh, gia đình liệt sĩ… Như ông Bộc, hiện đang làm Chi hội trưởng Hội người cao tuổi của thôn. Họ cũng biết đất đai nhà nước sở hữu, nông dân chỉ có quyền sử dụng. Nhưng những việc họ làm không phải vì khăng khăng giữ đất vô lý mà vì quá bức xúc trước những chiêu trò của chính quyền và nhà đầu tư. Họ cùng nhau rải truyền đơn khắp xã với mong muốn dẹp những việc làm mà người dân cho là vớ vẩn trong quá trình thu hồi đất.

“Thu hồi đất lần này, đa số người dân không nhận. Trong khi chưa bàn bạc gì với dân, chưa có quyết định thu hồi đất thì ngày 28 Tết vừa rồi thấy Ban GPMB huyện Duy Tiên mang tiền đến đình làng kêu dân ra nhận. Hầu hết người dân thôn Thần Nữ đều nhất quyết không nhận vì cảm thấy mình bị mất quyền dân chủ. Muốn thu hồi đất thì phải kiểm kê ruộng đất, lập phương án bồi thường, công khai phương án bồi thường… Đằng này, chúng tôi nghe thông báo thu hồi đất hôm trước hôm sau đã thấy mang tiền về ốp nhận rồi. Người dân hỏi cán bộ huyện Duy Tiên tiền ấy là tiền gì? Ông PCT huyện trả lời: Mang tiền về ứng trước cho bà con ăn Tết. Chẳng liên quan gì cả”. Ông Bộc bức xúc.

Tìm mọi cách người dân vẫn không chịu nhận tiền, Ban GPMB huyện nảy ra sáng kiến để trống cột giá tiền đền bù, chỉ ghi phần diện tích rồi gọi người dân ký xác nhận. “Nhiều gia đình tưởng là xác nhận diện tích bình thường nên ký vào. Không ngờ sau đó Ban GPMB in thêm giá tiền, thế là xong được mấy hộ”.

Ép tập thể không được, Ban GPMB huyện Duy Tiên chuyển sang đánh tỉa từng gia đình. Lợi dụng tâm lý gần Tết người dân cần tiền sinh hoạt nên họ cử người đến từng gia đình khó khăn để vận động nhận tiền đền bù tiêu Tết. Đến nhà ông Sơn thì bảo nhà bà Dơi đã nhận rồi, lên làng trên bảo người làng dưới đã nhận rồi, dù thực tế chưa ai nhận cả. Vậy mà cách này cũng lừa được 30 hộ dân ký nhận tiền với mức giá đền bù 46,8 triệu đồng một sào.

Chỉ có điều ký nhận xong rồi họ mới vỡ lẽ mình mắc phải chiêu độc của Ban GPMB nên bức xúc, cãi vã inh ỏi. Như gia đình ông Phạm Công Ty. Bố nhận tiền hôm trước, hôm sau con là Phạm Văn Đen kiên quyết đòi mang đi trả. Ông Ty sau khi đi hỏi làng xóm biết mình bị lừa nên mang toàn bộ tiền lên gặp Ban GPMB. Nhưng cán bộ GPMB bảo, bút sa gà chết, làm gì có chuyện trả lại tiền. Đôi co mãi không được, về nhà bố con tiếp tục cãi vã chán thì chuyển sang đánh nhau bươu đầu.

Trái quy trình và vi phạm quy chế dân chủ

Những độc chiêu của huyện Duy Tiên khiến ngay cả chính quyền xã Bạch Thượng ngỡ ngàng. Một vị cán bộ phụ trách chi bộ thôn Thần Nữ (ông xin được giấu tên vì sợ bị kỷ luật) khẳng định: Huyện làm như thế là trái quy trình, vi phạm quy chế dân chủ, đánh úp người dân. Nguyện vọng của người dân là hoàn toàn chính đáng. Họ đòi hỏi phải công khai, đằng này chính quyền lẫn nhà đầu tư làm theo kiểu lén lút. Đợt mang tiền về phát cho dân tôi có tham dự, còn việc PCT huyện nói rằng “mang tiền ứng cho dân ăn Tết”, nghe giải thích là biết ngay ông quan huyện bí lắm rồi. Làm gì có chuyện dân chưa đồng tình đã mang tiền về ứng để cho họ ăn Tết, người dân có cần đâu? Mấy lần tôi có hỏi ông Chủ tịch UBND xã xem xét nguyện vọng người dân nhưng ông trả lời: Nếu các đồng chí ở vào vị trí của tôi cũng phải chịu như thế thôi.

Tiếp xúc với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Bạch Thượng Trần Xuân Việt cũng tỏ ra trăn trở: “Bạch Thượng có 2.400 hộ dân thì 1.400 hộ bị ảnh hưởng từ việc mất đất. Số thất nghiệp không nắm rõ nhưng ít nhất hơn 40%. Cả 6 thôn trong xã đều bị ảnh hưởng từ việc mất đất. Rồi vấn đề ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội”. Nhưng đề cập đến huyện Duy Tiên sử dụng những độc chiêu trong việc thu hồi đất, cụ thể là chuyện mang tiền đền bù về ép người dân phải nhận thì ông Việt xin được phép không bình luận gì.

Tung hết các độc chiêu vẫn không thể khuất phục được người dân Bạch Thượng, chính quyền huyện Duy Tiên tuyên bố sẽ gửi tiền đền bù vào ngân hàng và nhăm nhe cưỡng chế. Nhưng người dân vẫn kiên quyết giữ đất. Họ bảo: Thà bốc chúng tôi lên rừng xuống biển thì thôi, chứ còn ở làng thì huyện đừng có hòng giở trò bẩn ra với dân được nữa.

+ Hầu hết người dân xã Bạch Thượng đều biết đất đai thuộc sở hữu của nhà nước, nông dân được giao quyền sử dụng, nhưng họ tố việc làm của chính quyền huyện Duy Tiên chẳng khác nào tước đi quyền sử dụng của nông dân.

“Họ đang lấy của dân nghèo để chia cho DN giàu có. Cứ lén lút về phát tiền, mấy lần tôi mang máy ảnh ra chụp thì bị trưởng thôn Phan Văn Toàn cho người đến đòi tịch thu”. Ông Bộc kể.

+ Trước những độc chiêu để thu hồi đất bằng được của chính quyền và nhà đầu tư, người dân Bạch Thượng khẳng định: Chắc chắn có lợi ích nhóm trong chuyện lấy đất. Cánh ông Bộc tập hợp nhau lại đến nhà cán bộ địa chính xã, nhà trưởng thôn chửi bới om sòm. Họ cho rằng chính những cán bộ này đã đồng lõa với cán bộ huyện, ăn chia với nhà đầu tư nên mới tích cực đi thu hồi đất của dân như thế.

Thậm chí họ còn truyền tai nhau: Để lấy một héc ta đất nông nghiệp của người dân, chủ đầu tư phải chi 3 gói tiền phần trăm theo tỷ lệ 30-30-40 cho tỉnh, huyện, xã.


Theo: NNVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét