Pages

Chủ Nhật, 20 tháng 5, 2012

Nói và làm

Làm những gì tôi nói,
Ðừng làm những gì tôi làm!
(Ngạn ngữ Pháp)

Một lệnh mới về “xử phạt vi phạm đối với những trường hợp sử dụng nhà sai mục đích,”vừa được Bộ Xây Dựng Việt Nam đưa ra “hướng dẫn” thực hiện, đang làm dư luận ở Việt Nam bất bình và cho đây là một “quy định lạ lùng trong lịch sử” đến “không thể thực hiện.”
Chính quyền giải thích: “Về nguyên tắc, dù là căn nhà ở chung cư hay nhà ở riêng thì đều là để ở, đã được tính toán theo quy hoạch khu vực, việc biến nhà ở thành nơi kinh doanh thương mại dịch vụ, sản xuất là vi phạm pháp luật.” Do đó lâu nay, nhà ở, nhất là những căn nhà mặt tiền các đường phố đô thị, huyện, xã, hầu như đều được sử dụng hay cho thuê để làm cơ sở kinh doanh, buôn bán hay dịch vụ sẽ phải bị phạt từ 20 triệu đồng tới 30 triệu đồng.

Thật ra nghị định 23/2009 đã có từ lâu, nhưng không ai để ý vì khi gia chủ muốn buôn bán hay mở dịch vụ đều đã xin phép và đóng thuế rồi. Nếu như lệnh lạc này được áp dụng triệt để, hàng triệu chủ nhà khắp nơi tại Việt Nam có thể bị phạt nặng vì sử dụng nhà ở “sai mục đích.” Ai có nhà mặt tiền đông người qua, lại không mở tiệm phở, tiệm tạp hóa, quán cà phê kiếm sống hay cho người ta thuê mở tiệm hớt tóc hay sửa giày? Ðây là một mẻ lưới khá lớn chụp xuống đầu nhân dân, chắc chắn tạo cơ hội cho các quan chức nhà nước và công an lợi dụng để nhũng lạm. Trong thời đại lương công nhân không đủ sống, hầu hết sống làm nghề tự do, bươn chải ngoài chợ đời để kiếm sống, không phải ai cũng có cơ hội vơ vét mà “không đổ mồ hôi, sôi con mắt,” nên có một ngôi nhà mặt tiền là cơ hội may mắn để có một cuộc sống khá giả hơn giúp người dân cải thiện cuộc sống. Lâu nay việc kinh doanh đã có môn bài, đóng thuế nhưng có lẽ chính quyền muốn bắt chẹt thằng dân hơn nữa, không còn đường thoát, vì những lệnh lạc áp đảo đến tận cùng, mà giải pháp đút lót, hối lộ là con đường cuối cùng làm no thêm bầy kên kên của chế độ.
Hiện nay ở các nước phát triển, trong các thành phố lớn như Paris, Rome, New Orleans, Philadelphia, San Francisco hay ngay cả ở Washington, DC, đều có những ngôi nhà mặt tiền dưới làm nhà hàng trên làm chỗ ở cho gia đình, trong khi một nước đói nghèo như Việt Nam lại có thứ quy định lạ lùng như thế.
Ðúng là kiểu “chân mình thì lấm bê bê, lại còn đốt đuốc đi rê chân người!” Một viên chức Việt Nam, ông Nguyễn Quang Hưng, phó Chánh VP Thanh Tra Xây Dựng Ðà Nẵng, cũng đã thấy rõ việc nhà nước đã sử dụng “nhà công vụ” hay công ốc nhà của nhà nước sai mục đích sao không nghe nói! Ý kiến của một người ký tên là “DanSaigon” đã nêu ý kiến mỉa mai hơn: “Chỗ ở cho ra ở, ăn cho ra ăn, làm cho ra làm. Trước có những thằng lấy vườn hoa của trường học, bệnh viện để trồng rau lang nuôi lợn, sau lại có những thằng đào mả người chết làm khu vui chơi. Lại có những thằng khác đòi lấy nhà thờ để làm nơi xử lý nước thải!”
Theo tôi, tại nước CS Việt Nam, chuyện gì chứ việc “sai quy định” là bệnh của XHCN, trên dưới một giuộc, có gì đâu mà làm ầm ĩ lên thế! Hồi đi tù ngoài Bắc chúng tôi đã thấy sân chùa thì làm dùng chỗ phơi lúa, đình làng thì rào giậu nuôi lợn cho hợp tác xã nông nghiệp, chẳng là tùy tiện, sai quy định hay sao mà vẫn được ban giấy khen. Dưới thời “mở cửa,” bà con du lịch cũng đã từng bỏ tiền ngủ đêm tại “Nhà Nghỉ” của Bộ Nội Vụ, Ðảng Ủy hay hợp đồng thuê “xe con” do sĩ quan công an hay viên chức lái. Chúng lấy công ốc, công chức ra cho thuê để lấy tiền “cải thiện” cho nhân viên hay bỏ túi. Công xa nếu đúng quy định đâu phải để dùng cho vợ con đi tắm biển hay để cho quý quan lớn đi bia ôm? Nhà hư, xe mòn thì đã có công quỹ, xăng nhớt, điện nước thì đã có nhà nước trả, sai quy định bê bết mà có ai dám “xử lý” đâu!
Trong 6 điều Bác Hồ dạy và “quy định” cho “Công an Nhân dân” có hai điều quan trọng là: “Ðối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính,” “Ðối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép.” Vậy mà có thằng nào làm đúng quy định đâu! Ðối với bản thân thì vơ vét, không thấy ai là công an mà nghèo cả. Ðối với nhân dân thì triệt để xem dân như kẻ thù, trâu ngựa, đánh đấm, bắn giết không nương tay!
Nhiệm vụ của quân đội là bảo vệ tổ quốc chống ngoại xâm, chứ đâu phải mở Tổng công ty 15, Công ty In QÐ2, Công ty Viễn Thông, Công ty Xăng Dầu Quân Ðội… để khai thác kinh tế kiếm lời. Nhiệm vụ của nhân viên sứ quán Việt Nam tại ngoại quốc như Nam Phi, đâu có phải để đi buôn lậu sừng tê giác. Vai trò của sinh viên, người mẫu đâu phải để làm gái bao hay làm điếm. Tiệm hớt tóc, quán cà phê đâu phải chỗ bán dâm. Nhiệm vụ của phi công và tiếp viên đâu phải là để chuyển đồ ăn cắp hay buôn lậu. Hiệu trưởng, thầy giáo được Bộ Giáo Dục bổ nhiệm đâu phải để làm ma cô dắt gái (học trò) cho Tỉnh Ủy.
Chức năng của bệnh viện là chữa trị để cứu người, nhân viên y tế đã có lương bổng nhưng lại vô lương tâm trị bệnh theo mức độ của đồng tiền vòi vĩnh được. Khi bệnh nhân qua đời thì giữ rịt lại để “tống tiền” khâm liệm, tiền bán quan tài, tiền thuê xe đưa về quê quán với những giá cả bóc lột, khiến gia đình khi có thân nhân chết trong bệnh viện, phải nửa đêm đem thi thể của người thân trốn đi. Trên thế giới này có một xã hội nào khốn nạn đến mức như vậy không?
Chỉ cần bấm vào ba tiếng “sai quy định” chúng ta đã thấy rõ nhiều trò “nói một đàng, làm một nẻo” đầy dẫy ở Việt Nam. Chính quyền địa phương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sổ đỏ bị cấp sai quy định mặc dầu hồ sơ không có gốc hồ sơ địa chính, thủ tục xét cấp không đầy đủ, một số địa phương tự đặt ra các khoản thu của các đối tượng sai quy định và để ngoài ngân sách. Tóm lại là để có cơ hội bỏ túi.
Chính phủ việc nghiêm cấm dùng công quỹ làm quà biếu và chiêu đãi khách sai quy định và ra lệnh các tổ chức, cá nhân khi được thưởng, biếu, tặng sai quy định phải kiên quyết từ chối. Chính phủ cũng nghiêm cấm các cơ quan sử dụng rượu ngoại để chiêu đãi, tiếp khách… Liệu những vụ như thế này, đảng viên, công chức nhà nước có thực hành đúng quy định không?
Cuối cùng, đầu lộn đuôi, xuôi lẫn ngược. Nếu mọi sự đều đúng quy định trên văn bản thì lấy đâu ra điều mà nuôi đảng viên, và sẽ không còn ai giữ đảng.
Vụ cưỡng chế 500 hecta đất của huyện Văn Giang đã cho chúng ta thấy chuyện tráo trở, thay đổi quy định, nếu cần, vì nhu cầu lợi lộc cho chính phủ. Vì năm 2002 xã Phụng Công của huyện đã được vinh dự “tặng cờ thi đua là đơn vị chuyển đổi cơ cấu cây trồng xuất sắc nhất huyện” của UBND tỉnh Hưng Yên. Với mô hình nông nghiệp vừa làm ruộng, ao cá, ương cây cảnh giúp nông dân kiếm bạc tỉ mỗi năm, làm sao người dân có thể ngờ được hôm nay, chủ trương của nhà cầm quyền là lấy hơn 500 hecta đất sản xuất và nhà ở của ba xã Phụng Công, Cửu Cao và Xuân Quan trao cho công ty Việt Hưng để đổi lại, nhà đầu tư tư nhân làm thay cho nhà nước đoạn đường hơn 10 km, trong đó bao nhiêu phần trăm là tiền lót tay cho viên chức nhà nước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét