Pages

Thứ Hai, 28 tháng 5, 2012

Đơn xin được “ẳng” khi bị đánh


Kính gửi các ông chủ,
Chúng tôi, hai nhà báo bị đánh trong vụ cưỡng chế đất đai ở huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên xin được thay mặt cho các nhà báo “lề phải” đã hoặc chưa bị đánh viết lá đơn này gửi tới các ông. Trước hết, để tránh bị hiểu lầm dẫn tới có thể bị tiếp một trận đòn nữa.
Chúng tôi khẳng định lá đơn này không dính dáng gì tới các “lực lượng thù địch” ở trong cũng như ngoài nước. Nghĩa là không bị chúng xúi giục, kích động, móc nối…Bởi mục đích về Văn Giang của chúng tôi là thu thập bằng chứng làm một phóng sự nói về việc nhân dân chống lại lệnh cưỡng chế, chống lại chính quyền. Các hình ảnh đã lưu trong máy quay, bài viết của chúng tôi về vụ cưỡng chế cho thấy mục đích đó phần nào đã đạt được. Còn lý do có lá đơn này xuất phát từ bức ảnh sau.

Đây là bức ảnh chụp một trong hai chúng tôi sau khi bị đánh.
Mặt mũi méo mó, sưng vù, bê bết máu nom rất thảm thương. Giống như hình của các ông Phạm Kông Tư, Nguyễn Tấn Dũng, Lê Hồng Anh bị “lề dân” làm cho biến dạng để châm biếm, đả kích sau vụ án “hai bao cao su đã qua sử dụng”. Khác là, bức ảnh này không bị lồng trong bao cao su như những bức kể trên vì nó là bức ảnh thật, ghi lại hậu quả của trận đòn hội đồng mà công an mặc sắc phục, thường phục và “quần chúng tự phát ” để lại trên khuôn mặt của chúng tôi.
Nhìn nó, bất kỳ ai cũng có thể hình dung được nỗi đau về thể xác mà người chủ của khuôn mặt phải chịu đựng. Nhưng ít người nghĩ tới một nỗi đau tinh thần còn lớn hơn nhiều.
Đó là sự nhục nhã.
Sau khi bị đánh, cấp trên đã giải thích đây là tình huống “quân ta chiến thắng quân mình” và quán triệt, yêu cầu chúng tôi phải im lặng, giữ bí mật danh tính. Coi đó là hành động ” xả thân vì nghĩa lớn” giống như các chiến sĩ cách mạng ngày xưa bị bắt bớ tra tấn đã chịu đau một mực không khai báo để bảo vệ các cơ sở, tổ chức của cách mạng. Chúng tôi đã thấm nhuần và làm theo.
Nhưng ở thời đại thông tin, sự thật dù có được che giấu dưới bất kỳ hình thức nào, không sớm thì muộn cũng sẽ bị phanh phui. Và sự thật về tình cảnh rủi ro của chúng tôi cũng không là ngoại lệ.
Trước tiên là clip quay cảnh chúng tôi bị đánh, rồi lần lượt đến tên tuổi, nghề nghiệp nơi công tác bị tiết lộ. Và cho tới thời điểm này thì bức ảnh chụp “bộ mặt thảm hại” đã phát tán rộng rãi trên mạng. Các thông tin đó đã kéo theo vô số bài viết, bình luận. Một số khen chúng tôi đã dũng cảm về tác nghiệp ở Văn Giang trong khi các phóng viên khác vì sợ hãi vẫn “án binh bất động”. Một số bày tỏ cảm thông nỗi đau về thể xác với chúng tôi sau khi nhìn thấy bức ảnh.
Rất nhiều chê là nhục, khi biết chúng tôi chỉ quay cảnh dân chống lại công an, chính quyền nhưng vẫn bị ăn đòn của lực lượng cưỡng chế. Có cả những đồng nghiệp của “lề phải” chê chúng tôi là hèn vì làm nhà báo mà thông tin về mình bị đánh lại phải nhờ tới truyền thông của nước ngoài lên tiếng hộ. Những dự đoán về khả năng phải “treo bút”, bỏ nghề đã làm chúng tôi hoang mang, chán nản. Tưởng như đã suy sụp.
Nhưng thật kỳ diệu! Chúng tôi vẫn đứng vững.
Và điều ít người ngờ tới là chúng tôi lại tiếp tục hoàn thành được các bài biết đưa tin “cuộc cưỡng chế thành công”, phóng sự nói về “dân chống chính quyền”. Đây đích thực là kết quả của quá trình được các ông chủ dày công nuôi dưỡng, dạy dỗ, ban phát bổng lộc. Các ông chủ đã dạy cho chúng tôi nguyên tắc “mục đích biện minh cho phương tiện”. Để đạt được “mục đích tốt đẹp” có thể dùng bất cứ phương tiện gì. Áp dụng nó khi hành nghề chúng tôi đã mặc sức che giấu, bưng bít sự thật, đổi trắng thay đen, bôi nhọ vu cáo, tô vẽ, … miễn là “vì lợi ích cách mạng”. Biết bao sự thật đã được chúng tôi bưng bít, che giấu, xuyên tạc “thành công” hàng nửa thế kỷ cho tới tận ngày nay trong “thời đại bùng nổ thông tin”.
Chúng tôi đã tạo dựng thành công những huyền thoại để toàn dân “học tập làm theo”. Biến tội phạm thành các tấm gương điển hình, khi bị lộ “gỡ xuống, phi tang” trong nháy mắt. Bôi nhọ, vu cáo làm cho các “lực lượng thù địch” nhiều phen vuốt mặt không kịp phải vào tù hoặc bán sới ra nước ngoài…
Khi điểm lại những việc đã làm chúng tôi thấy nỗi đau, nhục của mình quả là nhỏ nhoi nếu nó nhằm để đạt được các “mục đích tốt đẹp”. Mặc dù nghĩ vậy chúng tôi vẫn mạo muội ước ao: Giá mà nó không phải từ tình huống “quân ta chiến thắng quân mình”. Giá mà chúng tôi được “kêu” lên một tiếng ngay sau khi bị đánh dù là rất nhỏ. Thì chắc là nó sẽ được vợi đi rất nhiều.
Bởi vậy, chúng tôi mạnh dạn cầu xin ông chủ hãy cho chúng tôi được phép “kêu” lên sau khi bị đánh. “Kêu” một tiếng hay nhiều, to hay nhỏ, “kêu” ngay hay chờ lệnh, tất tật đều trông đợi vào “lượng hải hà” của các ông chủ.
Các ông chủ thương bề nào chúng tôi được nhờ bề ấy.
Chúng tôi xin cam đoan là những tiếng “kêu” đó chỉ đơn thuần là một phản xạ vô điều kiện để giảm đau và các “lực lượng thù địch” không thể lợi dụng được.
Một lần nữa xin được đội ơn các ông chủ.
Thay mặt các phóng viên “lề đảng”
HAI NHÀ BÁO BỊ ĐÁNH
5/2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét