Pages

Chủ Nhật, 13 tháng 5, 2012

Phải chạy đua với Trung Quốc

Bình luận
                                                                                                                 Ngô Nhân Dụng

 Ðộc giả Người Việt, nhất là quý vị ở trong nước, chắc không mấy ai để ý đến những tin tức kinh tế, như việc Ngân Hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC) đang trả 140 triệu đô la mua 80% cổ phần một ngân hàng ở Mỹ, là Bank of East Asia (Á Ðông Ngân Hàng, gốc Hồng Kông), với nhiều chi nhánh ở New York và California, kể cả ở quận Cam.

Ðây là lần đầu tiên một ngân hàng Trung Quốc nắm số cổ phần đủ để kiểm soát một ngân hàng tại Mỹ. Mặc dù Bank of East Asia nhỏ tý teo, nhưng Tân Hoa Xã mô tả đây là một sự kiện quan trọng có tính cách chiến lược.

Nhiều người sẽ nghĩ đây là một bước đầu trong chiến lược Trung Quốc “xâm lăng” tài chánh vào Mỹ Châu. Nhưng thực ra, biến cố này đánh dấu hai chuyển hướng quan trọng khác: Trung Quốc muốn các ngân hàng và các nhà kinh doanh của họ học tập các quy tắc làm ăn theo đúng lối tư bản hơn. Bởi vì bước cải tổ kinh tế sắp tới ở nước họ là mở cửa thị trường tài chánh rộng hơn, giảm bớt sự can thiệp của chính quyền vào thị trường. Ðể tập sống theo lối thị trường tư bản thật sự, Bắc Kinh cũng đã thỏa thuận mở cửa nước Tàu cho các công ty tài chánh Mỹ và ngoại quốc được vào Trung Quốc làm ăn tự do hơn. Ðây là cuộc trao đổi hai chiều, có đi có lại, sau những phiên họp gọi là “Hợp tác Chiến lược” giữa các bộ trưởng ngoại giao và tài chánh Mỹ với chính quyền Trung Quốc trong mấy ngày đầu Tháng Năm vừa qua.


Cởi trói dần dần cho thị trường tài chánh, đó là một bước thế nào cũng phải thực hiện, nếu không thì kinh tế Trung Quốc sẽ bị trì trệ. Giới lãnh đạo Bắc Kinh đã nói rõ, họ phải giảm bớt cảnh lệ thuộc quá nhiều vào xuất cảng. Và họ sẽ giảm bớt việc kiểm soát tiền vốn, cho đồng nhân dân tệ được thả nổi nhiều hơn. Những quyết định đó không phải vì bị ai ép buộc mà chính vì nhu cầu cải tổ tự nhiên. Nếu không cởi trói thêm, thì kinh tế sẽ ngưng trệ.

Còn Việt Nam thì sao? Ðảng Cộng Sản sẽ theo thói quen cứ chờ Trung Quốc làm trước, mình bắt chước sau? Có ai nghĩ là nếu tiếp tục như vậy thì mình sẽ chậm chân vĩnh viễn hay không?

Các ông bà ủy viên Trung Ương Ðảng Cộng Sản Việt Nam trong mấy bữa nay đang lo bàn nhau cách đối phó với nỗi phẫn uất của người dân Văn Giang, Vụ Bản, và những vụ Ðoàn Văn Vươn mới sắp diễn ra. Chắc họ không có thời giờ bàn đến chuyện đối phó với Trung Quốc trong thế kỷ 21 này. Nhất là trên mặt trận kinh tế lâu dài thì họ hầu như hoàn toàn thụ động.

Nhưng đối với dân tộc Việt Nam thì trong hơn hai ngàn năm lịch sử, đối phó với Trung Quốc vẫn là mối quan tâm hàng đầu. Và vấn đề quan trọng nhất trong vài thập niên sắp tới là làm sao Việt Nam có thể đứng ngang hàng với Trung Quốc; nhất định không bị lệ thuộc họ trên mặt kinh tế. Bởi vì hiện nay cảnh lệ thuộc đã diễn ra rồi. Ðây là vấn đề quan trọng nhất đối với các thanh niên Việt đang sắp bước vào đời. Họ phải ý thức rằng cuộc chạy đua giữa nước Việt Nam và nước Trung Hoa trong thế kỷ này sẽ được quyết định trên mặt trận kinh tế.

Mọi người Việt Nam đều đang lo lắng về những tranh chấp giữa nước ta và nước Trung Hoa về hải phận và chủ quyền trên các quần đảo. Nhưng vấn đề này liên quan đến nhiều quốc gia khác trong vùng Ðông Nam Á; liên quan đến cả các cường quốc kinh tế khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Mỹ, Ấn Ðộ, vân vân. Sớm hay muộn, những tranh chấp này sẽ được quốc tế hóa chứ không còn là chuyện riêng của nước ta. Cả thế giới sẽ phải tham dự để tìm cách giải quyết, vì quyền lợi của chính họ. Trung Quốc đang lên tiếng đe dọa chiến tranh với Philippines, Mỹ đã báo trước họ sẽ bảo vệ Philippines. Chiến tranh khó xảy ra, nhưng tình hình càng căng thẳng thì càng có lợi cho nước ta; vì vấn đề sẽ được quốc tế hóa sớm hơn.

Nhưng trong thế giới bây giờ, sức mạnh của các quốc gia nằm trên lãnh vực kinh tế. Nếu một nước không đủ mạnh về kinh tế, nếu không đủ sức cạnh tranh trên thương trường thế giới, thì sẽ mãi mãi đóng vai lệ thuộc. Mua sắm thêm xe tăng, đại bác cũng chẳng ích lợi gì cho việc nâng cao lợi tức bình quân của dân chúng; mà hỏa tiễn hay tàu ngầm cũng không thể giúp gì hàng xuất cảng của một nước bán chạy hơn. Khi nước mình mạnh về kinh tế, khi lợi tức đầu người của mình lên cao, thì các nước khác sẽ phải kính trọng. Khi các xí nghiệp của mình có sức cạnh tranh trong việc cung cấp các hàng hóa và dịch vụ cho các nước khác, thì mình sẽ không sợ ai đem máy bay đến bắt mình ngưng xuất cảng. Khi kinh tế lên cao, chính người dân nước mình sẽ hãnh diện và tự tin hơn. Nhìn vào các nước Á Ðông khác thì thấy. Tại những nước ở giáp bên Trung Quốc như Nam Hàn, Nhật Bản, người dân nước họ không bị ám ảnh, không “lo sợ” về mối đe dọa của Trung Quốc như dân Việt Nam mình. Dân Phi Luật Tân và chính phủ của họ cũng không tỏ ra sợ hãi. Ngay cả Ðài Loan, trên nguyên tắc chính họ vẫn tự coi chỉ là một tỉnh của Trung Quốc, họ cũng không sợ. Trái lại, họ còn đang tính “chinh phục lục địa;” qua con đường đầu tư, kinh doanh, thương mại; mai mốt sẽ từ đó biến đổi thể chế chính trị trong lục địa Trung Hoa.

Muốn đối phó với nước Trung Hoa trong một thế hệ sắp tới, trước hết nước Việt Nam phải phát triển kinh tế. Mua thêm máy bay chiến đấu, mua thêm hỏa tiễn chăng nữa thì cũng chỉ là những hành động tượng trưng. Vì tài nguyên giới hạn, không bao giờ quân số và vũ khí của nước ta có sức qua mặt Trung Quốc. Nhưng trên mặt trận kinh tế thì nếu khôn ngoan, chúng ta luôn luôn có khả năng vươn lên, có triển vọng tranh đua với Trung Quốc trong một thế hệ, cùng lắm là hai thế hệ nữa. Phải biết rằng nước ta có khả năng vượt qua Trung Quốc trong vòng nửa thế kỷ chứ không cần chờ lâu hơn. Những nước khác ở Á Ðông đã đạt được điều đó trong thế kỷ trước. Nhật Bản, Ðại Hàn đều đã đạt được lợi tức bình quân cao hơn Trung Quốc, hàng xuất cảng có giá trị cao hơn hàng Trung Quốc; không có lý do gì nước Việt Nam lại không đạt được mục tiêu đó. Nước ta có thể không đông quân, không nhiều súng đạn bằng họ; nhưng nếu quyết tâm vẫn có thể chạy đua với họ trên mặt trận kinh tế.

Khác với những tranh chấp về biển, đảo là những vấn đề quốc tế, cuộc chạy đua kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc là chuyện của riêng nước Việt Nam. Người Việt Nam phải đóng vai chủ động. Thành công hay thất bại hoàn toàn tùy thuộc vào ý chí và cách suy nghĩ, tính toán của người Việt Nam.

Hiện nay nước ta vẫn còn lệt bệt theo sau Trung Quốc, vì từ ba chục năm qua đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn chấp nhận đóng vai một anh học trò đi sau, mô phỏng, bắt chước “mô hình Trung Quốc” trong việc đổi mới kinh tế. Vì thế Việt Nam phải đóng vai một xứ cho thuê rừng, thuê đất, cho người Trung Quốc qua khai thác quặng mỏ. Việt Nam chỉ đóng vai một thị trường phụ để cho các xí nghiệp Trung Quốc đổ hàng hóa dư thừa của họ. Cứ như thế, các nước khác sẽ chỉ coi nước ta như một chư hầu kinh tế của nước Trung Hoa, không ai kính trọng cả.

Trong mấy chục năm qua Cộng Sản Việt Nam đã đi từng bước theo sau. Thấy Bắc Kinh thay đổi cái gì thì chờ khoảng năm, mười năm Hà Nội cũng đổi theo. Nhưng cứ theo chân như vậy thì không bao giờ tiến xa hơn họ được. Ngược lại, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cứ luôn luôn thấp hơn bên Tàu. Vì học trò khôn đến mấy mà nếu chỉ bắt chước thầy từng bước một thì lúc nào cũng phải thua ông thầy!

Ðó là lý do khiến đến bây giờ người dân và giới trí thức vẫn cảm thấy bất lực, gần như tuyệt vọng khi nói đến chuyện chạy đua kinh tế với Trung Quốc. Muốn chấm dứt tâm lý này, phải đoạn tuyệt với chính sách theo đuôi, học mót. Phải bứt ra khỏi cái gọi là “mô hình Trung Quốc.” Từ thập niên 1980 Trung Quốc đã cho phép các xí nghiệp tư nhân ở nông thôn được phát triển tự do, đó là lý do số sản xuất cả nước tăng vọt. Ðến bây giờ Việt Nam vẫn chưa phát triển được những “xí nghiệp hương thôn” tương tự. Nhiều tỉnh bên Trung Quốc như Triết Giang, Quảng Ðông đã theo hướng này, mô phỏng Ðài Loan, tạo ra những “trung tâm sản xuất,” như Quảng Châu, Thẩm Quyến, Chu Hải, Ôn Châu thu hút vốn ngoại quốc và tư doanh trong nước. Mỗi trung tâm đó trở thành cục nam châm thu hút thêm vốn đầu tư mới nhờ tạo ra được những hạ tầng cơ sở, một hàng ngũ công nhân, và giới quản lý lành nghề. Trong ba chục năm qua Việt Nam chưa thấy một trung tâm nào tương tự. Vì chỉ đi theo gót chân Trung Quốc cho nên Cộng Sản Việt Nam chỉ bắt chước được hình thức bề ngoài. Một yếu tố thành công của Trung Quốc là họ đặt ra chế độ tưởng thưởng cán bộ đặt trên tiêu chuẩn thành quả kinh tế; mỗi cán bộ cấp dưới biết rằng tương lai chính trị của họ tùy thuộc vào các con số thống kê kinh tế. Còn ở Việt Nam thì tinh thần bè đảng vẫn là tiêu chuẩn duy nhất để thăng quan tiến chức. Cho nên nếu kinh tế Trung Quốc tăng lên với tỷ lệ 9%, 10% mà Việt Nam vẫn lẹt bẹt ở mức 6%, 7% trong thập niên trước.

Từ thập niên, Cộng Sản Trung Quốc ngả sang củng cố các doanh nghiệp nhà nước bằng cách dùng hệ thống ngân hàng quốc doanh đổ hết tài nguyên quốc gia vào các công ty quốc doanh; tư nhân bị bỏ quên. Việt Nam bèn bắt chước, với những “tổng công ty” và “tập đoàn kinh tế,” nhưng kết quả chỉ làm giàu cho tham nhũng, nổi bật nhất là vụ Vinashin. Trong khi đó, chính bên Trung Quốc người ta đã thấy nếu không cải cách mạnh hơn thì kinh tế sẽ đình trệ. Và họ đã bắt đầu thay đổi, vì biết rằng mô thức kinh tế hiện nay đang sa lầy.

Từ ba chục năm qua, kinh tế Trung Quốc dựa trên xuất cảng. Bây giờ họ phải chuyển hướng quay về thị trường nội địa vì sớm muộn việc xuất cảng cũng bị khựng lại. Ðầu Tháng Năm, Hội Chợ Quảng Châu hàng năm kết thúc, lần đầu tiên số hàng được các khách hàng ngoại quốc đặt đã giảm 2.3% so với năm trước. Tháng Hai năm 2012 lần đầu tiên Trung Quốc bị khiếm hụt trên cán cân thương mại, hơn 31 tỷ đô la Mỹ. Trong Tháng Ba, số thặng dư mậu dịch hơn 5 tỷ đô la, chưa bằng một nửa số thặng dư hơn 11 tỷ vào Tháng Tư năm ngoái.

Ðể thay đổi kinh tế theo chiều hướng mới, Cộng Sản Trung Quốc đã bắt buộc phải mở cửa thị trường nội địa cho các ngân hàng và xí nghiệp ngoại quốc, để đồng thời tạo cơ hội cho các ngân hàng và xí nghiệp của chính họ ra ngoài, tập cạnh tranh với người ngoại quốc, chứ không tiếp tục sống trong vòng tay bảo trợ của đảng Cộng Sản như ở trong nước nữa. Về lâu về dài thì đó là cách duy nhất cho nền kinh tế Trung Quốc tiến sang một giai đoạn mới.

Trong lúc Bắc Kinh đang bắt đầu giai đoạn thứ ba, thứ tư trong tiến trình cải tổ kinh tế, và đang nói đến cả cải tổ chính trị, thì đảng Cộng sản Việt Nam vẫn giậm chân theo những bước trong giai đoạn thứ nhất và thứ nhì của họ. Theo lối như vậy là chấp nhận chịu thua vĩnh viễn.

Muốn chạy đua với kinh tế Trung Quốc thì người Việt Nam phải đòi hỏi đảng Cộng Sản theo một đường phát triển mới không theo khuôn mẫu của Cộng Sản Trung Quốc nữa. Một bước đầu tiên là dứt khoát cởi trói cho nền kinh tế tư nhân được tự do phát triển; không còn ưu đãi các xí nghiệp quốc doanh nữa. Muốn vậy, phải cải tổ hoàn toàn hệ thống ngân hàng. Các ngân hàng và công ty tài chánh, đầu tư không thể dùng chỉ để chuyển tài nguyên quốc gia cho những doanh nghiệp nhà nuớc tiêu phí và tham nhũng nữa.

Chắc các ông bà ủy viên Trung Ương Ðảng Cộng Sản Việt Nam không có thời giờ bàn những chuyện trên đây. Nhưng không ai cấm được người dân Việt Nam, giới trí thức, sinh viên học sinh Việt Nam đem các chuyện này ra bàn. Muốn chạy đua kinh tế với Trung Quốc trong thế kỷ 21 thì phải cải tổ nhiều hơn và nhanh hơn họ. Nếu không thì sẽ cứ đóng vai chư hầu trong 100 năm nữa!

Không có nhận xét nào: