Pages

Thứ Ba, 8 tháng 5, 2012

Quốc hội sẽ không bàn vụ Văn Giang?

Lực lượng cảnh sát tham gia cưỡng chế ở Văn Giang
Chính quyền bị tố cáo 'nặng tay' trong vụ Văn Giang
Quốc hội Việt Nam gần như chắc chắn sẽ không đưa cuộc cưỡng chế đất đai gây tranh cãi ở Văn Giang vào nghị trình làm việc chính thức của kỳ họp kéo dài một tháng bắt đầu từ 21/5.
Tuy nhiên đại biểu Dương Trung Quốc nói có thể có đại biểu quốc hội chất vấn về vụ cưỡng chế này khi bàn về Luật Đất đai nói chung.
"Điều này [chất vấn về Văn Giang] tùy vào các đại biểu. Nhưng muốn chất vấn phải nắm thật sát tình hình thực tế," ông Quốc nói.

Bản thân đại biểu Đồng Nai này nói ông cũng chưa có các "số liệu, dữ liệu" đầy đủ về cuộc cưỡng chế với sự tham gia của hàng ngàn nhân viên công lực để thu hồi gần sáu ha đất của hơn 160 hộ dân tại huyện Văn Giang thuộc tỉnh Hưng Yên.
Mặc dù vậy ông nói cách ứng xử của chính quyền trong vụ Văn Giang đã "tạo ra xung đột không đáng có" và ông cho rằng đây là điều "rất đáng tiếc".
Ông cũng nói thêm chương trình làm việc của Quốc hội đã được "xây dựng từ trước" và ông không thấy chuyện Văn Giang hay Tiên Lãng được đưa vào nghị trình.
Sau một thời gian dài yên lặng, báo chí trong nước mấy ngày gần đây bắt đầu đề cập tới vụ hai phóng viên của Đài Tiếng nói Việt Nam bị 'hành hung' khi có mặt tại Văn Giang vào hôm cưỡng chế 24/4.
"Muốn chất vấn phải nắm thật sát tình hình thực tế"
Đại biểu Dương Trung Quốc
Một số video được đưa lên mạng cho thấy cảnh hai người, nay được xác định là các phóng viên của Đài Tiếng nói Việt Nam, bị khoảng 10 công an và dân phòng đánh hội đồng bằng dùi cui, gậy gộc và tay chân.
Trong một cảnh quay, một trong hai người gục xuống vì bị đánh liên tục sau khi một cảnh sát mở màn bằng việc vụt dùi cui vào đầu ông này.
Ngoài vụ xảy ra với hai phóng viên, một số người dân Văn Giang cũng cáo buộc chính quyền nặng tay với họ.
'Vô lý kiểu khác'
Đài BBC đã liên hệ với ông Doãn Thế Cường thuộc đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên để hỏi về các cáo buộc hành hung của hai nhà báo và của người dân Văn Giang nhưng vị đại biểu này từ chối trả lời, dù về lý thuyết ông đại diện của người dân.
Có vẻ đây là hiện tượng lặp lại ở Tiên Lãng sau khi dân biểu không có ý kiến gì công khai khi quyền lợi của người dân bị xâm phạm.
Người dân Văn Giang hôm 24/4
Giáo sư Thuyết nói cần chú ý hơn tới việc ổn định cuộc sống cho những người dân mất đất
Đại biểu Quốc hội nối tiếng với những cách đặt vấn đề gây nóng nghị trường của khóa XII, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nói đây là điều "rất là kỳ" và nói thêm:
"Trong những trường hợp ấy thì các đại biểu Quốc hội chưa thực hiện được đúng cái nhiệm vụ của mình là người đại biểu cho người dân. Tôi cho rằng đại biểu hoàn toàn có thể thực hiện cái này trong khuôn khổ của pháp luật VN.
"Đại biểu có thể đến gặp người dân, lấy nguyện vọng của người dân để trao đổi với chính quyền. Và đại biểu cũng phải lên tiếng ở trong những trường hợp mà quyền tự do dân chủ của người dân bị xâm phạm một cách quá đáng.
"Trong cái trường hợp mà lực lượng cưỡng chế hành hung người dân thì các đại biểu phải lên tiếng chứ. Tôi cũng không biết sau đây khi đại biểu gặp cử tri thì sẽ nói năng với cử tri như thế nào."
"Nhưng cái quan trọng nhất là mình không thể cư xử với dân như thế được."
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, dân biểu khóa XII
Cựu đại biểu QH, Nguyễn Minh Thuyết cũng nói vụ Văn Giang khác với Tiên Lãng vì việc thu hồi đất ở Văn Giang dựa vào quyết định thu hồi đất của Thủ tướng Chính Phủ.
Ông nói: "Tiên Lãng vô lý hơn vì người ta đang sử dụng đất và anh cũng không có dự án gì mà anh lại thu hồi đất của người ta.
"Chỗ này [Văn Giang] thì nó lại vô lý theo kiểu khác.
"Nhưng cái quan trọng nhất là mình không thể cư xử với dân như thế được."
'Phương tiện sinh sống'
Ông Thuyết nói Quốc hội sẽ bàn tới vấn đề sửa đổi Hiến pháp và sửa đổi Luật Đất đai trong kỳ họp tới và việc thi hành luật đất đai từ trước cho tới nay và trong tương lai sẽ được bàn tới.
Vị giáo sư nói các vấn đề cần bàn là sự thừa nhận quyền tư hữu đất đai, vấn đề thu hồi đất, sắp xếp lại đời sống của người dân mất đất, giá cả đền bù và cách thu hồi đất.
Riêng về vụ cưỡng chế ở Văn Giang, Giáo sư Thuyết nói:
"Tôi nghĩ về vụ Văn Giang thì bây giờ cũng đã có nhiều ý kiến rồi.
"Vấn đề gốc của mọi vấn đề là khi thu hồi đất của người nông dân thì phải sắp xếp cái đời sống của người nông dân như thế nào phải giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa nhà nước, doanh nghiệp, với người dân như thế nào.
"Vì bây giờ mình thu hồi đất của người dân thì người dân không còn phương tiện sinh sống thì người ta làm cái gì để sinh sống. Thì chắc chắn phải có một phương án.
"Mà tôi được biết là đồng bào Văn Giang người ta cũng đề nghị rồi. Tức là có thể thu hồi đất nhưng để người ta giữ lại những mảnh đất của người ta ở khu làng sinh thái để người ta trồng cây cảnh, người ta kinh doanh. Có thể nói là người ta trồng cây cảnh thì cũng phù hợp với việc phát triển khu đô thị sinh thái."
'Không chấp nhận được'
Ông Thuyết nói việc mất đất sẽ ảnh hưởng lớn tới đời sống của người nông dân và cũng đặt câu hỏi về giá đền bù đất đai cho người dân Văn Giang:
"Ở Văn Giang thì đền bù cho người dân chỉ là 100.000 đồng Việt Nam một m2 đất thôi, tính theo thời giá bây giờ chỉ được khoảng hai hay ba bát phở một m2 đất."
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết
"Nếu người dân chỉ cần mấy sào đất thôi thì người ta có thể sống đến đời cháu, đời chắt, đời chút, đời chít.
"Thế nhưng bây giờ mình có trả cho người ta món tiền lớn đến đâu thì miệng ăn núi nở nó, trước sau cũng ảnh hưởng tới đời sống của người dân rất nghiêm trọng, tăng thêm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thêm tỷ lệ người nghèo và tạo thành những bức xúc xã hội không đáng có.
"Thế còn ở Văn Giang thì đền bù cho người dân chỉ là 100.000 đồng Việt Nam một m2 đất thôi, tính theo thời giá bây giờ chỉ được khoảng hai hay ba bát phở một m2 đất, không thể nào rẻ như thế được.
"Vấn đề thứ hai phải đặt ra là cách thu hồi đất như thế nào, trong trường hợp nào thì nhà nước đứng ra thu hồi đất, trong trường hợp nào thì doanh nghiệp phải thương lượng với người dân, trả cho người ta một cái giá hợp lý, sắp xếp cuộc sống của người ta hợp lý để có thể thu hồi đất để phát triển khu công nghiệp hay để làm các khu đô thị."
Cựu dân biểu cũng tỏ ý không đồng tình với cách hành xử của chính quyền hôm 24/4 ở Văn Giang và cho rằng các đại biểu quốc hội cần nêu vấn đề này trong kỳ họp tới:
"...Trong trường hợp phải thu hồi đất thì nhà nước phải làm thế nào để hình ảnh nhà nước không xấu đi trong con mắt người dân và quốc tế.
"Bởi vì chỉ để thu hồi hơn 5 ha đất gì đó thôi mà phải huy động cả lực lượng công an dân phòng hoành tráng như thế, rồi thì trang thiết bị gồm cả dùi cui, khiên, quả nổ như thời chiến tranh như thế.
"Rồi có cả trường hợp đánh đập người dân, đánh đập các nhà báo ở đấy, đó là điều không thể chấp nhận được.
"Việc này theo tôi các đại biểu là đại diện của người dân cần đưa vấn đề này ra quốc hội bàn bạc để có thể điều chỉnh chính sách cần thiết."

Không có nhận xét nào: